Mang thai ngoài tử cung là một biến chứng sản khoa nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của thai phụ. Trứng thụ tinh thay vì làm tổ trong lòng tử cung lại làm tổ ở vị trí khác, thường là ống dẫn trứng.
Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin khoa học, chính xác về nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán cách xử lý tình trạng thai ngoài tử cung. Mời bạn đọc tiếp ngay sau đây!
Thai ngoài tử cung là gì?
Mang thai ngoài tử cung là hiện tượng trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển bên ngoài khoang tử cung. Nói cách khác, thay vì di chuyển đến tử cung để làm tổ, trứng đã thụ tinh lại bám vào một vị trí khác trong cơ thể, thường là ở ống dẫn trứng.
Các vị trí thai ngoài tử cung phổ biến bao gồm:
- Ống dẫn trứng – Đây là vị trí phổ biến nhất, chiếm khoảng 90% các trường hợp.
- Buồng trứng
- Ổ bụng
- Cổ tử cung.
Thai ngoài tử cung không thể phát triển bình thường vì chỉ có tử cung mới có khả năng co giãn và mở rộng để chứa thai nhi đang lớn. Các vị trí khác như ống dẫn trứng, buồng trứng, ổ bụng, hoặc cổ tử cung không có khả năng chứa thai nhi.
Nếu không được điều trị, mô phát triển của thai có thể gây chảy máu nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng của mẹ. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị sớm tình trạng này là rất quan trọng và cấp thiết.
Nguyên nhân gây thai ngoài tử cung
1. Tắc nghẽn hoặc viêm nhiễm vòi trứng
Khi vòi trứng bị tổn thương hoặc viêm nhiễm, trứng đã thụ tinh có thể bị kẹt lại và làm tổ ngay tại đó, thay vì di chuyển đến tử cung. Điều này là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hiện tượng thai ngoài tử cung.
Một số yếu tố chính dẫn đến tắc nghẽn hoặc viêm nhiễm vòi trứng bao gồm:
- Viêm vùng chậu (PID). Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia hoặc lậu có thể gây viêm nhiễm vòi trứng, làm tổn thương lớp niêm mạc bên trong và cản trở sự di chuyển của trứng đã thụ tinh.
- Vòi trứng bị dị dạng hoặc tổn thương. Ngoài ra, việc phẫu thuật ở vùng chậu có thể để lại sẹo hoặc gây hẹp vòi trứng, tạo ra những “chướng ngại vật” cho quá trình làm tổ của phôi thai.
- Nội mạc tử cung bất thường có thể dẫn đến tình trạng vòi trứng bị hẹp, khiến trứng không thể tiếp tục di chuyển đến tử cung.
2. Tiền sử phẫu thuật vùng chậu
Phẫu thuật vùng chậu, đặc biệt là phẫu thuật liên quan đến ống dẫn trứng, có thể gây sẹo và làm hẹp ống dẫn trứng, tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Một số nguyên nhân có thể kể đến như:
- Phẫu thuật đảo ngược triệt sản ống dẫn trứng
- Phẫu thuật ống dẫn trứng bị hẹp hoặc bị tổn thương
Những can thiệp này có thể làm tăng nguy cơ trứng đã thụ tinh bị mắc kẹt ở ống dẫn trứng.
3. Sử dụng thuốc kích thích rụng trứng
Theo Cleverland Clinic, phụ nữ sử dụng thuốc kích thích rụng trứng khi dùng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc các phương pháp tương tự có nhiều khả năng mang thai ngoài tử cung.
4. Các yếu tố nguy cơ khác
Ngoài các nguyên nhân trên, một số yếu tố khác cũng góp phần làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung như:
- Tuổi tác. Phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ cao hơn.
- Hút thuốc lá. Nicotin trong thuốc lá làm tổn thương các lông mao trong ống dẫn trứng, cản trở quá trình vận chuyển trứng.
- Tiền sử mang thai ngoài tử cung. Phụ nữ đã từng trải qua một lần mang thai ngoài tử cung có nguy cơ cao bị lại ở lần mang thai sau.
- Mang thai khi đang đặt vòng tránh thai (IUD). Mặc dù hiếm gặp, nhưng nếu có thai khi đang đặt IUD, nguy cơ mang thai ngoài tử cung sẽ cao hơn.
Do đó, việc mẹ bầu thường xuyên tầm soát và kiểm tra sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết để có những chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung
Chẩn đoán thai ngoài tử cung sớm sẽ giúp mẹ bầu nhanh chóng được hỗ trợ y tế để hạn chế tối đa những rủi ro sức khỏe. Dưới đây là các dấu hiệu điển hình của thai ngoài tử cung mà bạn cần lưu ý:
- Đau bụng một bên là một trong những triệu hiệu phổ biến nhất của thai ngoài tử cung. Cơn đau thường xuất hiện ở vùng bụng dưới, tập trung ở một bên, có thể là đau âm ỉ hoặc đau dữ dội. Thậm chí, nếu ống dẫn trứng bị vỡ, cơn đau sẽ trở nên đột ngột, dữ dội và lan rộng.
- Chảy máu âm đạo bất thường có thể xuất hiện dưới dạng ra máu nhẹ, ra máu lốm đốm. Màu sắc máu có thể khác nhau, từ đỏ tươi đến nâu sẫm hoặc đen, tùy thuộc vào giai đoạn của thai kỳ. Nếu bạn gặp phải tình trạng này, đặc biệt khi kết hợp với triệu chứng đau bụng, hãy đến gặp bác sĩ ngay.
- Chóng mặt, mệt mỏi, tụt huyết áp là những dấu hiệu thường thấy khi thai ngoài tử cung đã vỡ, gây chảy máu trong. Tụt huyết áp là dấu hiệu nghiêm trọng, cần được cấp cứu ngay lập tức.
- Những dấu hiệu khác:
-
- Đau vai, đặc biệt là ở vùng vai phải, có thể là dấu hiệu khi máu từ vòi trứng bị vỡ rò rỉ và kích thích các dây thần kinh.
- Khó chịu khi tiểu tiện và đại tiện có thể là dấu hiệu cho thấy áp lực từ thai ngoài tử cung.
- Buồn nôn là triệu chứng thường gặp trong thai kỳ, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung nếu kết hợp với các triệu chứng kể trên.
- Ngất xỉu do mất máu đột ngột – xuất huyết nội có thể xảy ra khi thai ngoài tử cung vỡ, là tình trạng rất nguy hiểm và cần cấp cứu ngay lập tức.
Vì vậy, nếu bạn nghi ngờ mình có thai và gặp bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Việc chẩn đoán và điều trị sớm thai ngoài tử cung là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bạn.
Mấy tuần thì biết thai ngoài tử cung?
Thông thường, thai ngoài tử cung sẽ được phát hiện trong khoảng thời gian 6-10 tuần đầu tiên của thai kỳ. Đây là giai đoạn mà trứng đã thụ tinh bắt đầu phát triển và gây áp lực lên vị trí làm tổ bất thường.
Tuần thứ 8 là thời điểm phổ biến nhất để phát hiện thai ngoài tử cung, vì khi đó các triệu chứng rõ ràng như đau bụng hoặc chảy máu âm đạo có thể xuất hiện. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có triệu chứng rõ ràng ngay từ đầu.
Một số trường hợp thai ngoài tử cung không có biểu hiện rõ ràng và chỉ được phát hiện thông qua siêu âm thai định kỳ. Chính vì thế, việc theo dõi thai kỳ định kỳ và làm các xét nghiệm là điều mà các mẹ bầu nên lưu ý thực hiện theo chỉ định của các sĩ.
Các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán thai ngoài tử cung
Để chẩn đoán thai ngoài tử cung, bác sĩ sẽ thực hiện kết hợp nhiều xét nghiệm. Các xét nghiệm này có thể bao gồm khám vùng chậu và thử thai, cụ thể:
- Xét Nghiệm Beta-hCG là xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone human chorionic gonadotropin (hCG), một hormone chỉ có trong thời kỳ mang thai. Chỉ số hCG trong khoảng 1700 có thể là một dấu hiệu của thai ngoài tử cung nếu không thấy túi thai trong tử cung qua siêu âm.
- Siêu âm là phương pháp quan trọng giúp xác định vị trí làm tổ của trứng đã thụ tinh. Nếu nồng độ hCG đã đủ cao nhưng không thấy túi thai trong tử cung, thì khả năng cao là mang thai ngoài tử cung. Siêu âm qua âm đạo thường được sử dụng để chẩn đoán chính xác hơn trong những tuần đầu của thai kỳ.
- Khám vùng chậu để kiểm tra sự bất thường ở vùng bụng dưới và các cơ quan sinh sản. Nếu có đau hoặc áp lực bất thường ở vùng chậu, bác sĩ sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm để xác nhận tình trạng thai ngoài tử cung.
- Xét nghiệm nước tiểu
Nếu bác sĩ nghi ngờ thai ngoài tử cung đã vỡ, họ có thể thực hiện thủ thuật chọc dò túi cùng Douglas (culdocentesis), nhưng đây là phương pháp hiếm khi được sử dụng.
Chẩn đoán thai ngoài tử cung
Chẩn đoán thai ngoài tử cung thường dựa trên sự kết hợp của nhiều phương pháp, trong đó xét nghiệm beta-hCG và siêu âm đóng vai trò quan trọng. Việc chẩn đoán sớm và chính xác là vô cùng quan trọng để điều trị kịp thời và giảm thiểu biến chứng.
Xét nghiệm Beta-hCG
Xét nghiệm Beta-hCG đóng vai trò then chốt trong việc phát hiện thai ngoài tử cung. Beta-hCG là một hormone được sản xuất trong thai kỳ. Nồng độ của hormone này thường tăng nhanh khi trứng đã thụ tinh làm tổ trong tử cung.
Trong trường hợp mang thai ngoài tử cung, nồng độ Beta-hCG thường thấp hơn bình thường và tốc độ tăng hormone này cũng chậm hơn. Tuy nhiên, chỉ số Beta-hCG không thể khẳng định chắc chắn về thai ngoài tử cung. Bác sĩ cần kết hợp với siêu âm và khám lâm sàng để đưa ra chẩn đoán chính xác.
Bạn có thể phải thực hiện nhiều lần xét nghiệm Beta-hCG để bác sĩ theo dõi sự thay đổi nồng độ hormone này theo thời gian.
Siêu âm
Siêu âm là kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh các cơ quan nội tạng, bao gồm cả tử cung và ống dẫn trứng.
- Siêu âm đầu dò bụng là loại siêu âm phổ biến nhất. Kỹ thuật viên sẽ thoa gel lên bụng và di chuyển đầu dò trên da. Sóng âm sẽ truyền qua da và tạo ra hình ảnh trên màn hình.
- Siêu âm đầu dò âm đạo sử dụng đầu dò nhỏ được đưa vào âm đạo. Siêu âm đầu dò âm đạo cho hình ảnh rõ nét hơn, đặc biệt hữu ích trong giai đoạn đầu thai kỳ.
Quy trình siêu âm chẩn đoán thai ngoài tử cung:
- Xác định túi thai. Bác sĩ sẽ tìm kiếm túi thai trong tử cung. Trong thai kỳ bình thường, túi thai sẽ được nhìn thấy rõ ràng trong buồng tử cung.
- Kiểm tra ống dẫn trứng. Nếu không thấy túi thai trong tử cung, bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ các ống dẫn trứng để tìm kiếm khối bất thường. Thai ngoài tử cung thường xảy ra ở ống dẫn trứng.
- Đánh giá dịch ổ bụng. Bác sĩ cũng sẽ quan sát xem có dịch bất thường trong ổ bụng hay không. Dịch ổ bụng có thể là dấu hiệu của chảy máu do thai ngoài tử cung bị vỡ.
Hạn chế của siêu âm:
- Siêu âm không phải lúc nào cũng có thể phát hiện thai ngoài tử cung, đặc biệt là trong giai đoạn rất sớm của thai kỳ.
- Trong một số trường hợp, siêu âm có thể nhầm lẫn thai ngoài tử cung với các bệnh lý khác như u nang buồng trứng hoặc viêm ruột thừa.
Các phương pháp hỗ trợ chẩn đoán khác
Ngoài xét nghiệm Beta-hCG và siêu âm, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp hỗ trợ chẩn đoán khác, bao gồm:
- Chọc dò túi cùng Douglas. Đây là một thủ thuật xâm lấn, ít được sử dụng. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ đưa một kim nhỏ vào túi cùng Douglas (nằm sau tử cung) để lấy mẫu dịch. Nếu mẫu dịch chứa máu, điều này có thể là dấu hiệu vỡ thai ngoài tử cung.
- Nội soi ổ bụng (Laparoscopy). Đây là một phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Bác sĩ sẽ rạch một vết nhỏ ở bụng và đưa một ống soi có gắn camera vào ổ bụng để quan sát trực tiếp các cơ quan. Nội soi ổ bụng có thể giúp xác định vị trí và tình trạng của thai ngoài tử cung.
Điều trị thai ngoài tử cung
Thai ngoài tử cung cần được xử lý ý tế kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm. Hiện nay, điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc và can thiệp phẫu thuật là hai phương pháp điều trị chính.
1. Điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc: Sử dụng Methotrexate
Methotrexate là một loại thuốc giúp chấm dứt thai kỳ bằng cách ngăn chặn sự phát triển của trứng đã thụ tinh. Thuốc này có thể được sử dụng trong một số trường hợp thai ngoài tử cung, miễn là ống dẫn trứng chưa bị vỡ.
Methotrexate thường được tiêm một liều duy nhất. Trước khi tiêm, bạn sẽ được xét nghiệm máu để đo nồng độ hCG và chức năng của một số cơ quan. Sau khi tiêm, bạn cần theo dõi chặt chẽ nồng độ hCG trong máu. Nếu nồng độ hCG chưa giảm đủ sau liều đầu tiên, bác sĩ có thể đề nghị tiêm liều thứ hai.
Ưu điểm:
- Ít xâm lấn
- Không cần phải cắt bỏ ống dẫn trứng.
Điều kiện áp dụng Methotrexate:
- Thai ngoài tử cung chưa bị vỡ
- Beta-hCG dưới 5000 IU/L.
- Không có dấu hiệu chảy máu nội hoặc bất thường khác.
- Không cho con bú hoặc có một số vấn đề sức khỏe nhất định.
Tác dụng phụ của Methotrexate:
- Đau bụng
- Chảy máu âm đạo hoặc ra máu
- Buồn nôn, nôn mửa
- Tiêu chảy
- Chóng mặt.
Trong quá trình điều trị bằng Methotrexate, bạn nên hạn chế:
- Tập thể dục nặng
- Quan hệ tình dục
- Uống rượu
- Dùng vitamin và thực phẩm chứa axit folic
- Thuốc giảm đau theo toa và thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen.
Sau khi điều trị thai ngoài tử cung bằng Methotrexate, nguy cơ vỡ ống dẫn trứng không biến mất hoàn toàn. Hãy đi khám ngay nếu bạn có các triệu chứng vỡ ống dẫn trứng.
2. Mổ nội soi thai ngoài tử cung
Phẫu thuật nội soi là phương pháp điều trị hiệu quả đối với thai ngoài tử cung, đặc biệt khi không thể điều trị bằng thuốc.
Thủ thuật này được thực hiện bằng cách nội soi ở ổ bụng. Qua camera, bác sĩ có thể quan sát và loại bỏ thai ngoài tử cung một cách chính xác. Phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê toàn thân, giúp giảm thiểu đau đớn cho bệnh nhân.
Phẫu thuật thai ngoài tử cung có thể được thực hiện theo hai cách:
- Cắt bỏ toàn bộ ống dẫn trứng nếu ống dẫn trứng bị tổn thương nặng
- Giữ lại ống dẫn trứng, chỉ loại bỏ thai ngoài tử cung.
Ưu điểm:
- Ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật mở bụng
- Thời gian phục hồi nhanh hơn
- It để lại sẹo lớn.
Hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây sau phẫu thuật:
- Sốt cao
- Chảy máu âm đạo nặng
- Đau bụng dữ dội
- Đỏ, sưng hoặc chảy mủ ở vết mổ
- Khó thở
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu.
Thời gian hồi phục sau khi mổ thai ngoài tử cung
1. Mổ thai ngoài tử cung bao lâu thì lành?
Thời gian phục hồi sau khi mổ thai ngoài tử cung tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm phương pháp phẫu thuật, sức khỏe tổng quát và mức độ tuân thủ các hướng dẫn hậu phẫu. Thông thường, vết thương mổ thai ngoài tử cũng sẽ lành sau vài tuần.
2. Mổ nội soi thai ngoài tử cung nằm viện bao lâu?
Thông thường, bệnh nhân có thể cần nằm viện trong 1-2 ngày sau phẫu thuật nội soi thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, thời gian nằm viện có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ phức tạp của ca phẫu thuật.
Trong thời gian hồi phục sau khi mổ thai ngoài tử cung, bệnh nhân nên tránh:
- Hoạt động nặng nhọc trong ít nhất 2 tuần sau phẫu thuật
- Quan hệ tình dục trong ít nhất 4 tuần sau phẫu thuật
- Tránh ngâm mình trong bồn tắm cho đến khi vết mổ lành hẳn. Song, bạn có thể vẫn có thể tắm dưới vòi sen sau phẫu thuật 1 ngày.
Những câu hỏi thường gặp về thai ngoài tử cung
1. Thai ngoài tử cung thử que có lên vạch không?
Có! Thai ngoài tử cung vẫn có thể cho kết quả dương tính (2 vạch) với que thử thai. Điều này là do cơ thể vẫn sản xuất hormone thai kỳ (hCG) ngay cả khi trứng đã thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung.
Tuy nhiên, nồng độ hCG trong thai ngoài tử cung thường thấp hơn so với thai kỳ bình thường.
2. Thai ngoài tử cung mấy tuần thì vỡ?
Thông thường, thai ngoài tử cung sẽ vỡ trong khoảng từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 12 của thai kỳ. Ống dẫn trứng bị vỡ gây xuất huyết nghiêm trọng rất nguy hiểm và cần được cấp cứu ngay lập tức.
3. Mang thai ngoài tử cung bao lâu thì đau bụng?
Các triệu chứng của thai ngoài tử cung, bao gồm đau bụng, thường phát triển trong khoảng từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 12 của thai kỳ. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng:
- Không phải tất cả trường hợp thai ngoài tử cung đều có triệu chứng. Một số phụ nữ chỉ phát hiện ra mình bị thai ngoài tử cung khi đi siêu âm thai định kỳ.
- Các triệu chứng ban đầu có thể rất giống với các triệu chứng mang thai bình thường, chẳng hạn như trễ kinh, đau tức ngực, buồn nôn.
- Cơn đau bụng do thai ngoài tử cung thường tập trung ở một bên vùng chậu, nơi trứng đã thụ tinh làm tổ.
Khi nào cần cấp cứu?
Nếu bạn nghi ngờ mình mang thai và có các triệu chứng sau cùng lúc, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức:
- Đau bụng dữ dội, đột ngột và dữ dội
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Cảm thấy khó chịu, buồn nôn
- Da xanh xao, nhợt nhạt.
4. Lời khuyên và biện pháp phòng ngừa
Để giảm nguy cơ, bạn cần:
- Bỏ thuốc lá trước khi chuẩn bị có thai
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, bao gồm cả khám phụ khoa, giúp phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý liên quan đến thai ngoài tử cung như viêm vùng chậu (PID) hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs)…
Kết luận
Thai ngoài tử cung là tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng thai phụ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Ống dẫn trứng không đủ khả năng để chứa một phôi thai đang phát triển, và khi phôi thai phát triển, nó có thể gây vỡ ống dẫn trứng, dẫn đến chảy máu ồ ạt trong ổ bụng.
Chính vì vậy, việc phát hiện sớm thai ngoài tử cung vô cùng quan trọng để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm và bảo vệ sức khỏe của người mẹ. Hãy tham gia cộng đồng Mang thai của HelloBacsi để được các chuyên gia giải đáp miễn phí những thắc mắc liên quan đến sức khỏe thai kỳ bạn nhé!
[embed-health-tool-due-date]