Trong thai kỳ, lượng nước ối quá nhiều hoặc quá ít đều có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ bầu cũng như sự phát triển của thai nhi. Việc căn cứ vào bảng chỉ số nước ối theo tuần sẽ giúp bác sĩ và mẹ bầu theo dõi lượng nước ối định kỳ nhằm phát hiện những bất thường và có hướng xử lý kịp thời.
Vậy chỉ số nước ối là gì? Bảng chỉ số nước ối theo tuần ra sao và những giá trị nào mà mẹ bầu cần lưu ý? Đâu là những dấu hiệu bất thường và mẹ bầu nên làm gì trong trường hợp này? Mời các mẹ bầu cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm trong bài viết sau nhé.
Nước ối là gì? Chỉ số nước ối là gì?
Nước ối là chất lỏng giàu dinh dưỡng nằm trong túi ối, bao quanh thai nhi. Nước ối trong suốt, có màu vàng nhạt và chứa nhiều chất dinh dưỡng, hormone, kháng thể cũng như các chất lỏng khác giúp bảo vệ và hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.
Trên thực tế, lượng nước ối trong cơ thể mẹ bầu sẽ thay đổi theo từng thời điểm của thai kỳ và thường được biểu thị bằng các chỉ số ối. Theo đó, chỉ số nước ối (amniotic fluid index – AFI) là thông số biểu thị lượng nước ối trong tử cung người mẹ theo từng giai đoạn phát triển của thai nhi. Bằng cách theo dõi chỉ số này, bác sĩ có thể biết được lượng nước ối của mẹ bầu đang ở mức bình thường hay bất thường (thừa ối hoặc thiếu ối).
Để xác định chỉ số nước ối, bác sĩ sẽ chia buồng tử cung thành 4 phần tương đương nhau và đo lượng ối sâu nhất theo trục dọc ở mỗi khoang, sau đó cộng cả 4 số đo này lại.
Bảng chỉ số nước ối theo tuần: Từ tuần 16 – 42
Chỉ số nước ối tính theo mm cụ thể như thế nào hay chỉ số nước ối theo tuần thai là bao nhiêu? Như đã đề cập, chỉ số nước ối của mẹ bầu sẽ thay đổi theo từng thời điểm của thai kỳ, đặc biệt là theo mỗi tuần thai. Để nắm rõ về sự thay đổi này, các mẹ bầu có thể theo dõi bảng chỉ số nước ối theo tuần thai sau đây:
1. Bảng chỉ số nước ối theo tuần từ tuần 16 – 20
Thông thường, bảng chỉ số nước ối theo tuần sẽ bao gồm các giá trị chỉ số nước ối ở các bách phân vị khác nhau, bao gồm bách phân vị thứ 3, 5, 50, 95 và 97,5. Trong đó, theo xác suất thống kê, bách phân vị được hiểu là giá trị dùng để ước tính tỷ lệ dữ liệu trong một tập số liệu rơi vào vùng cao hơn hoặc thấp hơn so với một giá trị cho trước. Chẳng hạn như bách phân vị thứ 5 nghĩa là chỉ có ít hơn 5% thai phụ có chỉ số nước ối như bạn.
Theo nghiên cứu của TR.Moore và JE Cayle trên 791 phụ nữ mang thai bình thường cho thấy, bảng chỉ số nước ối theo tuần từ tuần 16 – 20 (đơn vị tính là mm) có giá trị tham khảo như sau:
Tuần thai | Bách phân vị thứ 3 | Bách phân vị thứ 5 | Bách phân vị thứ 50 | Bách phân vị thứ 95 | Bách phân vị thứ 97,5 |
---|---|---|---|---|---|
16 | 73 | 79 | 121 | 185 | 201 |
17 | 77 | 83 | 127 | 194 | 211 |
18 | 80 | 87 | 133 | 202 | 220 |
19 | 83 | 90 | 137 | 207 | 225 |
20 | 86 | 93 | 141 | 212 | 230 |
Bảng chỉ số nước ối theo tuần từ tuần 21 – 28
Ở giai đoạn này, chỉ số nước ối ở mẹ bầu tăng lên tương đối đáng kể. Theo đó, bảng chỉ số nước ối từ tuần 21 – 24 dựa trên nghiên cứu của Moore và Cayle sẽ như sau:
Tuần thai | Bách phân vị thứ 3 | Bách phân vị thứ 5 | Bách phân vị thứ 50 | Bách phân vị thứ 95 | Bách phân vị thứ 97,5 |
---|---|---|---|---|---|
21 | 88 | 94 | 143 | 214 | 233 |
22 | 89 | 97 | 145 | 216 | 235 |
23 | 90 | 98 | 146 | 218 | 237 |
24 | 90 | 98 | 147 | 219 | 238 |
Bảng chỉ số nước ối theo tuần từ tuần 25 – 42
Ở giai đoạn từ tuần 25 – 42 tuần, chỉ số nước ối ở mẹ bầu có xu hướng thay đổi tương đối nhiều. Tuy nhiên, càng về giai đoạn sau của thai kỳ, chỉ số này sẽ càng giảm. Dưới đây là bảng chỉ số nước ối theo tuần thai trong giai đoạn từ tuần 25 – 42:
Tuần thai | Bách phân vị thứ 3 | Bách phân vị thứ 5 | Bách phân vị thứ 50 | Bách phân vị thứ 95 | Bách phân vị thứ 97,5 |
---|---|---|---|---|---|
25 | 89 | 97 | 147 | 221 | 240 |
26 | 89 | 97 | 147 | 223 | 242 |
27 | 85 | 95 | 146 | 226 | 245 |
28 | 86 | 94 | 146 | 228 | 249 |
29 | 84 | 92 | 145 | 231 | 254 |
30 | 82 | 90 | 145 | 234 | 258 |
31 | 79 | 88 | 144 | 238 | 263 |
32 | 77 | 86 | 144 | 242 | 269 |
33 | 74 | 83 | 143 | 245 | 274 |
34 | 72 | 81 | 142 | 248 | 278 |
35 | 70 | 79 | 140 | 249 | 279 |
36 | 68 | 77 | 138 | 249 | 279 |
37 | 66 | 75 | 135 | 244 | 275 |
38 | 65 | 73 | 132 | 239 | 269 |
39 | 64 | 72 | 127 | 226 | 255 |
40 | 63 | 71 | 123 | 214 | 240 |
41 | 63 | 70 | 116 | 194 | 216 |
42 | 63 | 69 | 110 | 175 | 191 |
Giá trị chỉ số nước ối mà mẹ bầu cần lưu ý
Theo đó, chỉ số nước ối theo tuần thai được bác sĩ theo dõi thường xuyên để biết được lượng nước ối của mẹ bầu. Điều này sẽ giúp bác sĩ xác định xem mẹ bầu có đang gặp phải tình trạng vô ối, thiểu ối, dư ối hay đa ối hay không để từ đó có hướng can thiệp kịp thời.
Tình trạng ít nước ối (thiểu ối, vô ối) có thể làm tăng áp lực lên các cơ quan, nội tạng của thai nhi, từ đó gây dị tật bẩm sinh. Ngoài ra, việc thiếu nước ối cũng làm tăng nguy cơ thai nhi chậm phát triển, sảy thai, thai chết lưu, sinh non, hội chứng hít phân su hoặc khiến mẹ bầu dễ gặp phải biến chứng khi chuyển dạ (chèn ép tủy sống, phải mổ lấy thai).
Trong khi đó, việc dư thừa nước ối cũng không tốt. Tình trạng thừa nước ối có thể gây sinh non, vỡ ối non, sa dây rốn, bong nhau non, bất thường về ngôi thai, khó thở, đau lưng hoặc băng huyết sau sinh cho người mẹ.
Dưới đây là giá trị chỉ số nước ối cảnh báo tình trạng thiếu ối, dư thừa nước ối mà mẹ bầu cần lưu ý:
Tình trạng | Chỉ số nước ối AFI (mm) | Điều cần lưu ý |
---|---|---|
Vô ối | < 30mm | Thai nhi sẽ gặp nguy hiểm, có thể chết lưu hoặc sinh non. |
Thiểu ối | ≤ 50mm | Tình trạng này làm tăng tỷ lệ dị tật bẩm sinh hoặc thai nhi phát triển bất thường. |
Bình thường | 60 – 250mm | Mẹ bầu có thể yên tâm khi thấy chỉ số AFI ở mức này, việc AFI tiệm cận giới hạn trên có thể được một số bác sĩ đọc là dư ối, nhưng nhìn chung vẫn trong giới hạn bình thường. |
Đa ối | ≥ 250 mm | Tình trạng dư thừa nước ối quá mức có nguy cơ gây ảnh hưởng đến thai nhi. Mẹ bầu có thể bị vỡ ối sớm, sinh non, bong nhau non, ngôi thai đảo lộn… |
Chỉ số nước ối theo tuần: Đâu là dấu hiệu bất thường? Mẹ bầu cần phải làm gì?
Có thể thấy, chỉ số nước ối quá cao hoặc quá thấp đều có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sự phát triển, sức khỏe và cả tính mạng của mẹ bầu cũng như em bé. Vì vậy, việc nhận biết sớm dấu hiệu liên quan đến tình trạng thể tích ối bất thường là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho cả 2 mẹ con.
Dấu hiệu cảnh báo những bất thường về lượng nước ối
Thông thường, các vấn đề về lượng nước ối có rất ít biểu hiện và chỉ được phát hiện thông qua việc xác định chỉ số nước ối bằng siêu âm. Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu giúp mẹ bầu nhận diện bất thường về lượng nước ối trong cơ thể để đến bệnh viện thăm khám kịp thời. Theo đó, tình trạng thiểu ối, vô ối có một số dấu hiệu như:
- Dịch lỏng rò rỉ từ âm đạo, có thể do vỡ túi ối
- Vòng bụng nhỏ hơn so với kích thước trung bình ở tuần thai tương ứng
- Em bé trong bụng ít chuyển động, kém phát triển
Trong khi đó, tình trạng dư thừa nước ối có thể gây ra nhiều biểu hiện dễ nhận biết hơn, bao gồm:
- Cảm thấy căng tức, co thắt ở bụng
- Khó thở, thở hụt hơi
- Ợ nóng, đầy bụng, khó tiêu
- Khó đi đại tiện, táo bón
- Đi tiểu thường xuyên hơn
- Sưng ở âm hộ, chân và bàn chân
- Ngôi thai thay đổi bất thường…
Mẹ bầu cần làm gì khi nhận thấy dấu hiệu bất thường?
Trong trường hợp nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo những bất thường về lượng nước ối kể trên, mẹ bầu nên đến ngay phòng khám hoặc bệnh viện để được siêu âm xác định chỉ số nước ối. Nếu siêu âm tại phòng khám và thấy chỉ số nước ối thấp hoặc cao hơn so với bình thường, mẹ bầu nên đến các bệnh viện chuyên khoa hơn để được thăm khám và có hướng xử lý chuyên sâu. Nếu đã đến bệnh viện siêu âm, khi nhận thấy chỉ số nước ối bất thường, tùy tình trạng của mẹ bầu mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp kiểm soát, điều trị phù hợp. Điều mẹ bầu cần làm là tuân thủ đúng theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
Việc căn cứ vào bảng chỉ số nước ối theo tuần sẽ giúp bác sĩ và mẹ bầu theo dõi lượng nước ối định kỳ nhằm phát hiện những bất thường và có hướng xử lý kịp thời. Khi thấy chỉ số nước ối bất thường, mẹ bầu nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị hiệu quả, tránh những biến chứng nghiêm trọng hơn có thể xảy ra.
[embed-health-tool-due-date]