backup og meta

Tham khảo ngay 9 cách điều trị đi tiểu ra máu ở phụ nữ

Đi tiểu ra máu ở nữ là bệnh gì?  Cách điều trị đi tiểu ra máu ở phụ nữ Cách phòng tránh tiểu rắt buốt ra máu ở nữ  Tiểu ra máu ở phụ nữ và các thắc mắc thường gặp 

Các cách điều trị đi tiểu ra máu ở phụ nữ tùy thuộc rất lớn vào nguyên nhân gây bệnh. Việc điều trị có thể là kết hợp áp dụng các phương pháp y khoa hay bài thuốc dân gian tại nhà để tình trạng không trở nên tồi tệ hơn. 

Nếu bạn bỗng nhận thấy nước tiểu có màu đỏ như máu sau khi ăn thanh long ruột đỏ hay củ dền thì đây thường là tình trạng không có gì đáng lo ngại. Vì đây không phải là tình trạng tiểu ra máu liên quan đến bệnh lý và sẽ tự biến mất sau một vài ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, tình trạng đi tiểu ra máu có thể xuất phát từ những bệnh lý nghiêm trọng hơn và cần xác định chính xác nguyên nhân để tìm cách điều trị hiệu quả. 

Đi tiểu ra máu ở nữ là bệnh gì? 

Đi tiểu ra máu (tiểu máu, đái máu) ở nữ là tình trạng có máu trong nước tiểu, có thể quan sát thấy bằng mắt thường hoặc qua xét nghiệm nước tiểu. Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt. Khi nước tiểu có màu khác (từ đỏ sang nâu) hoặc có lẫn máu, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một số bệnh lý cần quan tâm. Lúc này, bạn nên sớm đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này.

1. Nhiễm trùng đường tiết niệu 

Nhiễm trùng đường tiết niệu (urinary tract infection – UTI) là tình trạng xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào bộ phận nào đó trong hệ tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo). Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng thường liên quan đến đường tiết niệu dưới – bàng quang và niệu đạo. 

UTI rất phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ. Triệu chứng bệnh thường là đau ở hông, bụng, vùng chậu hoặc lưng dưới, nước tiểu đục, có mùi nồng, đi tiểu thường xuyên và đặc trưng nhất là đi tiểu ra máu. 

2. Nhiễm trùng thận

Nhiễm trùng thận hay viêm bể thận cũng là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng thận có thể bắt đầu ở ống dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể (niệu đạo) hoặc ở bàng quang. Nhiễm trùng có thể lan đến một hoặc cả hai quả thận. 

Tiểu ra máu là một trong những triệu chứng thường gặp ở người bị nhiễm trùng thận, bên cạnh là cảm giác sốt, ớn lạnh, rát hoặc đau khi đi tiểu, buồn nôn, đau bụng… Nhiễm trùng thận cần được điều trị y tế kịp thời. Nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng nhiễm trùng này sẽ gây tổn thương lâu dài cho thận hoặc vi khuẩn sẽ lan vào máu và gây ra nhiễm trùng nguy hiểm.

3. Viêm bàng quang 

Viêm bàng quang xảy ra khi vi khuẩn từ vùng giữa âm đạo và trực tràng (gọi là tầng sinh môn) xâm nhập vào niệu đạo và di chuyển vào bàng quang. Thông thường, nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh chính là sự phát triển của vi khuẩn E.coli. Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp tình trạng viêm bàng quang do hóa chất trong xà phòng, thuốc hóa trị, tổn thương do phẫu thuật bàng quang

Người bệnh bị viêm bàng quang sẽ có cảm giác nóng rát, châm chích hoặc đau khi đi tiểu, cảm giác buồn tiểu liên tục, nước tiểu sẫm màu, có mùi nồng. Trường hợp viêm bàng quang nghiêm trọng sẽ tiểu ra máu hoặc ghi nhận triệu chứng kéo dài hơn vài giờ.  

4. Bệnh sỏi thận – sỏi tiết niệu 

Sỏi thận hay sỏi tiết niệu là khối rắn được tạo thành từ các tinh thể và có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào dọc theo đường tiết niệu của bạn, bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Các loại sỏi thận thường gặp là sỏi canxi, sỏi oxalat, sỏi phosphat, sỏi axit uric…  

Sỏi thường được phát hiện ở những người trong độ tuổi từ 20 đến 50. Tiền sử gia đình bị sỏi thận có thể làm tăng khả năng mắc bệnh, bên cạnh các yếu tố nguy cơ khác như: mất nước, béo phì, chế độ ăn nhiều protein, muối hoặc glucose, tình trạng cường tuyến cận giáp, phẫu thuật cắt dạ dày… Sỏi thận có thể gây đau dữ dội ở vùng hông, lưng và dưới xương sườn, lan xuống bụng dưới và háng. Cảm giác nóng rát khi đi tiểu, tiểu rắt, tiểu ra máu cũng là những biểu hiện của sỏi thận.   

5. Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

Các bệnh lây qua đường tình dục cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu ra máu ở phụ nữ, đặc biệt là bệnh Chlamydiabệnh lậu.  

  • Đi tiểu ra máu do bệnh Chlamydia: Ở phụ nữ, vi khuẩn chlamydia đôi khi tạo ra nhiễm trùng ở niệu đạo, gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu. Trong khi bệnh chlamydia có thể không biểu hiện triệu chứng, nhiễm trùng đường tiết niệu thường sẽ gây đau và khó chịu khi đi tiểu cùng với cảm giác buồn tiểu đột ngột hay tiểu ra máu, chảy máu khi quan hệ tình dục…  
  • Đi tiểu ra máu do bệnh lậu: Bệnh lậu ở phụ nữ thường bị bỏ qua và xem như một bệnh nhiễm trùng bàng quang hoặc đường tiết niệu thông thường. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, vi khuẩn gây bệnh lậu có thể lan vào tử cung hoặc ống dẫn trứng, cuối cùng dẫn đến viêm vùng chậu, một số trường hợp thậm chí gây vô sinh. Dịch tiết từ nhiễm trùng do bệnh lậu có thể có màu vàng và máu trong nước tiểu. 

6. Chấn thương hệ tiết niệu 

Một số chấn thương kín như ngã, va chạm giao thông, chấn thương trong lúc chơi thể thao hoặc chấn thương thâm nhập (chẳng hạn như vật nhọn đâm) gây ra chấn thương hệ tiết niệu. Đây cũng là nguyên nhân gây đi tiểu ra máu ở phụ nữ.  

7. Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là căn bệnh phụ khoa không phải hiếm gặp ở phụ nữ. Đây là tình trạng nội mạc tử cung phát triển ở ngoài buồng tử cung. Khi những mô này phát triển ở những vị trí không phù hợp, các chị em sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng đau khó chịu trong kỳ kinh nguyệt và cả trong sinh hoạt hằng ngày.  

Nếu mô phát triển trên hoặc gần ruột, trực tràng hoặc bàng quang, có thể sẽ thấy máu trong nước tiểu hoặc phân hoặc cảm thấy đau dữ dội khi đi vệ sinh. Một số người bị lạc nội mạc tử cung cũng gặp khó khăn trong việc mang thai do sẹo và tắc ống dẫn trứng.    

8. Bệnh ung thư  

Đi tiểu ra máu trong một số trường hợp còn là dấu hiệu của một số bệnh ung thư như ung thư bàng quan, ung thư thận, ung thư niệu quản, ung thư niệu đạo, ung thư tuyến tiền liệt (ở nam giới)… Thông thường, tình trạng đi tiểu ra máu có thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng trong một số trường hợp bạn phải làm xét nghiệm mới có thể phát hiện được. 

Không phải lúc nào tiểu ra máu cũng cảnh báo ung thư nhưng hãy nhớ rằng tiểu ra máu là tình trạng bất thường, bạn cần sớm đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.   

9. Bệnh hồng cầu hình liềm 

Bệnh hồng cầu hình liềm là một dạng thiếu máu di truyền do không có đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh để mang đầy đủ oxy trong cơ thể người bệnh. Những phụ nữ mắc bệnh hồng cầu hình liềm có thể đi tiểu ra máu, nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ thay vì màu vàng nhạt bình thường.  

Các trường hợp hoặc tác nhân chính xác khiến một số người mắc bệnh hồng cầu hình liềm phát triển tình trạng ra tiểu máu vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy vậy, tình trạng mất nước và tập thể dục quá mức có thể là nguyên nhân. Trong những trường hợp rất hiếm gặp, tình trạng tiểu máu ở người bệnh hồng cầu hình liềm có liên quan đến ung thư biểu mô tủy thận (RMC). 

10. Các nguyên nhân khác

Ngoài các nguyên nhân kể trên, tình trạng đi tiểu ra máu ở phụ nữ còn xuất phát từ viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu khuẩn, suy thận, thận đa nang, thủ thuật đặt ống thông tiểu, phẫu thuật hoặc sinh thiết thận. Nếu không có vấn đề ở cấu trúc hoặc giải phẫu ở thận, bác sĩ sẽ xét đến một số nguyên nhân khác như bệnh máu khó đông, cục máu đông trong thận, thuốc làm loãng máu (aspirin hoặc warfarin)…  

[embed-health-tool-ovulation]

Cách điều trị đi tiểu ra máu ở phụ nữ 

Tiểu ra máu ở phụ nữ là tình trạng không thể xem nhẹ. Bạn nên đến gặp bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân để được các phương pháp điều trị y khoa phù hợp. Ngoài ra, hãy thử một số cách điều trị đi tiểu ra máu ở phụ nữ tại nhà theo kinh nghiệm dân gian để làm dịu triệu chứng. 

A. Các phương pháp điều trị y khoa 

thuốc điều trị đi tiểu ra máu ở phụ nữ

Bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử và đề nghị làm các xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán tình trạng tiểu ra máu ở phụ nữ. Một số xét nghiệm thường gặp là:

  • Phân tích nước tiểu
  • Nuôi cấy nước tiểu 
  • Chẩn đoán tế bào học nước tiểu
  • Nội soi bàng quang 
  • Xét nghiệm hình ảnh, bao gồm siêu âm, chụp CT và MRI để theo dõi hình ảnh hệ thống tiết niệu và các cơ quan, cấu trúc khác  

Phương pháp điều trị tiểu ra máu ở phụ nữ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Nếu nguyên nhân là do nhiễm trùng, liệu trình điều trị bằng kháng sinh có thể được áp dụng. Nếu vấn đề nằm ở thận, bạn có thể gặp bác sĩ chuyên khoa thận để được điều trị thêm. Nếu nguyên nhân là do khối u ác tính, bạn sẽ được khuyến nghị phẫu thuật. Trong một số trường hợp tiểu ra máu lành tính, bạn có thể không cần điều trị y khoa mà chỉ cần theo dõi định kỳ. 

Nguyên nhân tiểu ra máu Phương pháp điều trị y khoa 
Nhiễm trùng  Thuốc kháng sinh 
Ung thư  Phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, bao gồm theo dõi, phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp miễn dịch, hóa trị, liệu pháp hormone hoặc kết hợp các phương pháp này.
Bệnh hồng cầu hình liềm  Thuốc điều trị bệnh như hydroxyurea, thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh và thuốc ngăn ngừa tế bào máu chết hoặc hình thành hồng cầu hình liềm.
Bệnh thận mãn tính Thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị huyết áp, thuốc hạ cholesterol và erythropoietin để tạo ra các tế bào hồng cầu nếu bạn bị thiếu máu.  
Lạc nội mạc tử cung Thuốc liên quan đến hormone, gồm thuốc tránh thai nội tiết tố, thuốc chủ vận hormone giải phóng gonadotropin (GnRH) và danazol (Danocrine®).
Sỏi thận  Thuốc tiêu sỏi trong trường hợp sỏi nhỏ hoặc mổ hở, tán sỏi bằng máy qua da hay ngược dòng nếu sỏi lớn. 

B. Cách điều trị đi tiểu ra máu ở phụ nữ tại nhà theo kinh nghiệm dân gian 

Ngoài các nguyên nhân bệnh lý ở trên, nếu tiểu ra máu chỉ là tình trạng thoáng qua do thực phẩm hay tác dụng phụ của thuốc, bạn hãy cân nhắc một số cách điều trị tiểu ra máu ở phụ nữ ngay tại nhà. 

1. Bổ sung nhiều nước 

Thói quen uống nhiều nước và đi tiểu ngay khi có nhu cầu giúp loại bỏ vi khuẩn có hại ra khỏi đường tiết niệu. Một nghiên cứu ở phụ nữ tiền mãn kinh bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát cho thấy uống nhiều hơn 1,5 lít nước so với bình thường đã làm giảm một nửa tình trạng bệnh. Đây chính là cách đơn giản và hữu hiệu nhất để điều trị tiểu ra máu ở phụ nữ mà bạn không thể bỏ qua. Hãy nhớ uống nước thường xuyên trong ngày thay vì chỉ uống khi thấy khát.  

2. Dùng khổ qua 

Cách điều trị đi tiểu ra máu ở phụ nữ bằng khổ qua
Cách điều trị đi tiểu ra máu ở phụ nữ bằng khổ qua

Không chỉ có công dụng lợi tiểu, khổ qua còn có đặc tính tiêu viêm, hỗ trợ điều trị các bệnh nhiễm trùng. Các bài thuốc trị bệnh dân gian với khổ qua có công dụng loại bỏ độc tố trong cơ thể qua đường tiểu, phân hoặc mồ hôi. Bạn cũng có thể pha trà lá khổ qua bằng cách hãm lá khổ qua khô trong nước sôi khoảng 10 phút, sau đó lọc lấy nước uống và uống khoảng 2-3 cốc mỗi ngày.  

3. Nước mía  

Một cách điều trị tiểu ra máu ở phụ nữ mà nhiều chị em hay rỉ tai nhau là uống nước mía. Nước mía có tính lợi tiểu và được cho là có hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu. Thức uống này cũng giúp ngăn ngừa sỏi thận và giữ thận khỏe mạnh. 

4. Nướp ép lựu 

Cách điều trị đi tiểu ra máu ở phụ nữ bằng lựu
Cách điều trị đi tiểu ra máu ở phụ nữ bằng lựu

Lựu ít calo và chất béo nhưng lại giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất. Việc uống nước ép lựu có thể làm giảm đáng kể cảm giác nóng rát khi đi tiểu và hạn chế nguy cơ hình thành sỏi thận. Chiết xuất từ quả lựu có khả năng điều chỉnh nồng độ oxalat, canxi và phosphat, những thành phần phổ biến của sỏi thận – một trong những nguyên nhân gây tiểu ra máu ở phụ nữ.  

5. Dùng rau bina 

Rau bina (rau chân vịt, cải bó xôi) cũng có thể dùng như một bài thuốc dân gian chữa tiểu buốt ra máu tại nhà hiệu quả và an toàn đối với các chị em phụ nữ. Rau bina có hàm lượng chất xơ cao và đặc tính chống oxy hóa có khả năng làm giảm kích ứng bàng quang, tăng cường sức khỏe đường tiết niệu nói chung. 

Bạn có thể dùng hỗn hợp nước ép rau bina và nước dừa. Đây là một thức uống hoạt động như thuốc lợi tiểu, giúp nữ giới hạn chế tình trạng tiểu buốt, hỗ trợ điều trị nhiễm trùng bàng quang, khắc phục chứng đi tiểu ra máu ở phụ nữ. 

6. Thực phẩm giàu vitamin C 

Vitamin C không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch mà còn làm axit hóa nước tiểu, hạn chế sự phát triển của một số vi khuẩn và ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Cách điều trị đi tiểu ra máu ở phụ nữ bằng thực phẩm giàu vitamin C có thể áp dụng với trái cây họ cam quýt, ổi, sơ ri, cà rốt, ớt chuông, rau diếp, dứa (thơm)… Tuy nhiên, bạn cũng cần cẩn thận khi ăn nhiều thực phẩm có tính axit trong thời gian bị nhiễm trùng đường tiết niệu vì chúng có khả năng gây kích ứng bàng quang.  

7. Uống nước ép nam việt quất

Cách điều trị đi tiểu ra máu ở phụ nữ bằng nam việt quất
Cách điều trị đi tiểu ra máu ở phụ nữ bằng nam việt quất

Quả nam việt quất là một trong những phương thuốc tự nhiên điều trị nhiễm trùng đường tiểu tại nhà hiệu quả. Thành phần hoạt tính trong quả nam việt quất được cho là có khả năng liên kết với thành bàng quang, ngăn vi khuẩn bám vào. Do đó, nếu phụ nữ đi tiểu ra máu do nhiễm trùng đường tiết niệu, hãy cân nhắc thêm quả nam việt quất vào chế độ ăn hằng ngày. 

8. Sử dụng baking soda

Baking soda được cho là có tác dụng trung hòa axit trong nước tiểu, giúp giảm các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường tiểu và cho phép cơ thể chống lại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Baking soda cũng ngăn chặn nhiễm trùng lây lan đến thận. Tuy nhiên, bạn nên hết sức thận trọng khi dùng baking soda vì nếu dùng không đúng cách sẽ dẫn đến một số tác dụng phụ như: tiêu chảy, buồn nôn, đau dạ dày, nôn, co giật, thậm chí là hôn mê, có thể nguy hiểm đến tính mạng. 

9. Dùng probiotic 

Probiotic (lợi khuẩn) là các vi khuẩn có lợi cho sức khỏe khi tiêu thụ vào cơ thể. Có thử nghiệm đã cho thấy lợi khuẩn lactobacillus sản xuất hydro peroxide, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng đường tiết niệu. Đặc biệt, nếu chị em phụ nữ đang phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, men vi sinh chính là một lựa chọn lý tưởng để ngăn ngừa và điều trị tiểu ra máu.  

Việc áp dụng cách điều trị tiểu ra máu bằng các thành phần tự nhiên hay phải nhờ đến sự can thiệp từ các phương pháp y khoa phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bạn cần đến bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm cần thiết nhằm tìm ra nguyên nhân gốc rễ của tình trạng mà mình gặp phải và được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Nếu tiểu ra máu do thay đổi nhất thời trong sinh hoạt và ăn uống, bạn có thể tận dụng những cách điều trị tại nhà kể trên để tình trạng thuyên giảm nhanh chóng. 

Cách phòng tránh tiểu rắt buốt ra máu ở nữ 

Cách phòng tránh tiểu rắt buốt ra máu ở nữ 

Phòng bệnh hơn chữa bệnh và bạn hãy chủ động tránh xa cảm giác khó chịu do tiểu buốt ra máu gây ra bằng những cách đơn giản dưới đây:

  • Uống nhiều nước để đào thải chất cặn bã và vi khuẩn ra ngoài nhanh hơn, hạn chế chúng phát triển 
  • Tránh ăn quá nhiều muối để giảm áp lực lên thận 
  • Vệ sinh vùng kín đúng cách (lau từ trước ra sau để ngăn vi khuẩn ở vùng hậu môn lây lan sang âm đạo và niệu đạo), tránh thụt rửa 
  • Không nhịn tiểu để tránh nước tiểu tích tụ trong bàng quang, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi 
  • Không hút thuốc lá vì hút thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị vi khuẩn xâm nhập và gây viêm nhiễm, dẫn đến tình trạng tiểu buốt, tiểu ra máu
  • Không lạm dụng thuốc giảm đau để tránh nguy cơ kích thích bàng quang và thận 
  • Tránh dùng các loại bột giặt có nguy cơ gây kích ứng 
  • Thăm khám phụ khoa định kỳ và thăm khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường để được điều trị các bệnh lý tiết niệu sinh dục kịp thời. 


Tiểu buốt tiểu rắt ra máu ở nữ không những gây cảm giác đau đớn ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày mà còn tiềm ẩn nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Bên cạnh việc thăm khám phụ khoa định kỳ, bạn hãy chủ động áp dụng cách phòng tránh để bảo vệ sức khỏe đường tiết niệu tốt hơn.

Tiểu ra máu ở phụ nữ và các thắc mắc thường gặp 

Tình trạng tiểu ra máu là nỗi lo của nhiều chị em phụ nữ. Trong một số trường hợp, đây là dấu hiệu bệnh lý và sẽ rất nguy hiểm nếu không sớm điều trị. Vậy tiểu ra máu có lây không? Tiểu ra máu kiêng ăn gì? Dưới đây là phần giải đáp cho những thắc mắc thường gặp quanh tình trạng này:

1. Phụ nữ bị tiểu máu có lây cho người khác không? 

bị tiểu máu có lây cho người khác không? 

Khi bản thân hay có người thân trong gia đình tiểu ra máu thì băn khoăn của nhiều người là “Bị tiểu máu có lây không?” Câu trả lời “Không”. Tình trạng tiểu ra máu không phải do lây nhiễm từ người khác bị bệnh. Nguyên nhân phổ biến gây tiểu ra máu là nhiễm trùng đường tiết niệu, lưu ý là nhiễm trùng đường tiết niệu không được coi là bệnh lây nhiễm. Tuy nhiên, vẫn có khả năng bạn sẽ lây vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu cho nửa kia thông qua hoạt động quan hệ tình dục. 

2. Đi tiểu buốt ra máu ở nữ có nguy hiểm không? 

Trong nhiều trường hợp, tiểu buốt ra máu ở nữ không nguy hiểm nhưng mặt khác, việc có máu trong nước tiểu có thể là dấu hiệu phản ánh bệnh lý. Nếu bạn nhìn thấy máu thì đó là tiểu máu đại thể. Nếu bạn không nhìn thấy máu bằng mắt thường thì đó là tiểu máu vi thể. Nguyên nhân là bởi lượng máu quá nhỏ nên chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi khi xét nghiệm nước tiểu. Dù là loại tiểu máu nào thì điều quan trọng nhất vẫn là phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh.  

Một số nguyên nhân gây ra tình trạng đi tiểu ra máu thật sự nghiêm trọng và phải điều trị y khoa. Nếu nguyên nhân lành tính, do tác dụng phụ của thuốc hay thực phẩm, bạn có thể thử những cách chữa tiểu buốt ra máu tại nhà đơn giản như:  

  • Uống nhiều nước 
  • Thêm nhiều thực phẩm giàu vitamin C vào chế độ ăn như trái cây họ cam quýt, ổi, sơ ri, cà rốt, ớt chuông, rau diếp, thơm (dứa)
  • Dùng probiotic bổ sung 
  • Uống nước ép nam việt quất, nước ép rau bina và dừa… 

4. Khi bị tiểu buốt, tiểu rắt kiêng ăn gì?

Có những loại thực phẩm sẽ gây kích thích bàng quang và làm tăng thêm áp lực cho hệ thống tiết niệu đang bị tổn thương. Do đó, nếu bạn bị tiểu buốt, tiểu rắt thì rất cần kiêng ăn những loại thực phẩm và đồ uống như:

  • Chất tạo ngọt có trong soda ăn kiêng và kẹo ít đường 
  • Gia vị cay, nóng như mù tạt, ớt… 
  • Các đồ uống có gas 
  • Các đồ uống chứa caffeine (trà, cà phê, nước tăng lực…)
  • Các loại rượu, bia… 

Ngoài việc kiêng ăn một số thực phẩm khi bị tiểu buốt, tiểu rắt, bạn cũng không nên bỏ qua một số bài thuốc dân gian để hỗ trợ điều trị. Vậy bị đái ra máu uống lá gì cho nhanh khỏi? 

  • Lá huyết dụ (kết hợp với lá lấu, rễ cây ráng, lá tiết dê, lá cây muối): Rửa sạch nguyên liệu, giã nát rồi thêm nước, gạn lọc bỏ bã lấy nước uống.
  • Lá bèo cái (kết hợp với lá thài lài, rễ tranh và mã đề): Rửa sạch sau đó đem phơi khô hoặc sao vàng toàn bộ để sắc lấy nước uống.  
  • Lá phượng vĩ thảo (seo gà): Làm sạch phượng vĩ thảo sau đó sắc với nước vo gạo dùng uống hằng ngày trị tiểu buốt ra máu. 
  • ngải cứu (kết hợp với rễ cỏ tranh, phượng vĩ thảo): Rửa sạch nguyên liệu sau đó cho vào nồi đun cùng khoảng 1 lít nước trong khoảng 20 phút, lọc lấy nước, bỏ bã. Mỗi khi uống có thể thêm vào 1 thìa mật ong để dễ uống hơn.
  • Lá mã đề, râu ngô: Làm sạch nguyên liệu sau đó phơi khô trong bóng râm không có ánh nắng gay gắt, cho vào nồi đun khoảng 10 phút rồi tắt bếp và chắt lấy nước uống. 


Việc áp dụng các cách trị tiểu ra máu bằng thảo dược Đông y nhằm trị các nguyên nhân thận hư, bàng quang thấp nhiệt, viêm nhiễm đường tiết niệu hoặc do sỏi. Lưu ý là khi áp dụng các bài thuốc trị tiểu buốt ra máu bằng các loại lá thảo dược, bạn cần kiên trì trong thời gian dài. 

4. Tiểu ra máu không đau có sao không? Có cần đi khám không?

Tiểu ra máu không đau có cần đi khám không?

Tiểu ra máu không đau có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Các tổn thương ở bất kỳ vị trí nào trong hệ tiết niệu từ thận, niệu quản đến bàng quang đều có thể dẫn đến có máu trong nước tiểu:

Ngoài các nguyên nhân bệnh lý thì tiểu ra máu không đau có thể là triệu chứng nhất thời do sử dụng thuốc (rifampicin, metronidazol…) hay thực phẩm chứa phẩm màu hoặc màu tự nhiên (củ dền, thanh long đỏ…) Nếu tình trạng tiểu máu thoáng qua thì bạn không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu tình trạng tiểu ra máu lặp lại, bạn cần nhanh chóng đến thăm khám tại các cơ sở y tế. 

5. Đi tiểu ra máu sau khi quan hệ có nguy hiểm không, có lây truyền bệnh xã hội không? 

Phụ nữ đi tiểu ra máu sau khi quan hệ có thể chỉ là tình trạng nhất thời, không cần quá lo lắng. Quan hệ xong tiểu ra máu có thể do rách màng trinh sau lần đầu quan hệ, khô âm đạo, tác dụng phụ của thuốc tránh thai nội tiết tố… 

Tuy nhiên, tình trạng tiểu ra máu cũng có thể cảnh báo những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có bệnh lây qua đường tình dục. Nếu không dùng biện pháp bảo vệ khi quan hệ thì rất có khả năng bạn sẽ bị lây bệnh xã hội từ bạn tình bị nhiễm bệnh. Các bệnh xã hội thường gặp là:

Các bệnh xã hội có thể đi kèm với các triệu chứng khác của nhiễm trùng đường tiết niệu như nóng rát khi đi tiểu, đau bụng dưới, sốt và ớn lạnh. Khi đó, bạn cần đến bệnh viện để thăm khám, làm các xét nghiệm chuyên sâu. Nếu tiểu ra máu chỉ xuất hiện một lần và không có triệu chứng khác, bạn có thể theo dõi thêm tại nhà. 

6. Đi tiểu ra máu đông có phải là dấu hiệu sảy thai?

Đi tiểu ra máu đông trong thai kỳ khiến nhiều chị em lo lắng là dấu hiệu sảy thai. Thực chất, đi tiểu ra máu đông khi mang thai cũng xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, thường là do nhiễm trùng đường tiết niệu. 

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng gây đi tiểu ra máu đông khi mang thai như:

  • Sỏi bàng quang hoặc thận 
  • Viêm cầu thận 
  • Ung thư bàng quang hoặc thận 
  • Chấn thương thận do té ngã hoặc tai nạn 
  • Rối loạn di truyền, như hồng cầu hình liềm 
  • Thai ngoài tử cung

Nếu bạn đi tiểu ra máu đông kèm đau bụng hoặc ra máu âm đạo, nghi ngờ động thai, sảy thai, hãy đi kiểm tra càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn bạn nhé. 

7. Sau khi ăn thanh long ruột đỏ tiểu ra giống máu có sao không? 

Không phải đi tiểu ra máu ở phụ nữ lúc nào cũng là tình trạng đáng báo động. Nước tiểu có màu đỏ đôi khi không phải do có lẫn máu. Việc ăn các loại thực phẩm như thanh long đỏ, củ dền, rau dền đỏ, đại hoàng và một số loại quả mọng… có thể khiến nước tiểu có màu sậm giống máu. Trong trường hợp này, bạn không cần lo lắng bởi nước tiểu sẽ sớm trở lại bình thường khi cơ thể đào thải hết sắc tố làm đổi màu nước tiểu.

Vậy ăn thanh long ruột đỏ đi tiểu giống máu có sao không? Nếu bạn ăn một lượng quá nhiều thanh long đỏ, nước tiểu của bạn có thể chuyển sang màu hồng hoặc đỏ. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với phân. Đây là vấn đề không liên quan đến việc có máu trong nước tiểu hay phân, tuy nhiên ăn quá nhiều thanh long đỏ dễ khiến bạn bị rối loạn tiêu hóa do trong thanh long có chứa nhiều chất xơ. 

Như vậy trước khi tìm hiểu cách điều trị tiểu ra máu ở phụ nữ, chị em cần xác định nguyên nhân để xử lý triệt để. Hãy duy trì lối sống lành mạnh, uống đủ nước, vệ sinh vùng kín đúng cách và thăm khám sức khỏe định kỳ để giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý gây tiểu ra máu và chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân nói chung. 

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Hematuria https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15234-hematuria Ngày truy cập 24/3/2025

Blood in urine (hematuria) https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/blood-in-urine/diagnosis-treatment/drc-20353436 Ngày truy cập 24/3/2025

12 BEST Home Remedies For UTIs https://nafc.org/bhealth-blog/home-remedies-for-utis/ Ngày truy cập 24/3/2025

Exploring the Effects of Probiotic Treatment on Urinary and Serum Metabolic Profiles in Healthy Individuals https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10696601/ Ngày truy cập 24/3/2025 

Blood in urine – NHS https://www.nhs.uk/conditions/blood-in-urine/ Ngày truy cập 24/3/2025  

Phiên bản hiện tại

15/04/2025

Tác giả: Trần Thị Tuyết Trinh

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Đi tiểu buốt ở phụ nữ là bệnh gì? 8 căn bệnh bạn không ngờ tới

Khí hư có mùi hôi tanh là gì? Nguyên nhân do đâu?


Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi, Đa khoa, Hello Bacsi · Tác giả: Trần Thị Tuyết Trinh · Ngày cập nhật: 15/04/2025

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo