backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Cỏ tranh có tác dụng gì, cách nấu nước uống và tác dụng phụ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 29/01/2024

Cỏ tranh có tác dụng gì, cách nấu nước uống và tác dụng phụ

Cỏ tranh hay còn gọi là Bạch mao căn là loài cỏ mọc hoang ở khắp nơi trên đất nước ta nhưng ít ai biết được rằng đây cũng là vị thuốc rất hay được ứng dụng trong các bài thuốc của Y học cổ truyền. Tác dụng của rễ cây cỏ tranh chủ yếu được biết đến là lợi tiểu, giải độc, cầm máu, kháng khuẩn. Cùng tìm hiểu cách thu hái và sử dụng cỏ tranh trong các bài thuốc cũng như là những lưu ý khi sử dụng dược liệu này.

Tên thường gọi: Cỏ tranh

Tên gọi khác: Nhả cà, Bạch mao căn, Lạc cà (Tày), Đia (Kdong), Gan (Dao)

Tên khoa học: Imperata cylindrica (L.) Raeusch.

Họ: Lúa (Poaceae)

Tổng quan 

Tìm hiểu chung về vị thuốc cỏ tranh

Cỏ tranh là cây thân thảo, sống dai, chiều dài thân khoảng 30 – 90cm chia thành 1 – 4 đốt. Thân rễ cứng, có vảy.

Lá hẹp, dài khoảng 15 – 30cm, rộng khoảng 3 – 6mm, mặt trên thô ráp, mặt dưới nhẵn, gân giữa phát triển, mép lá sắc có thể làm đứt tay.

Cụm hoa là hình chùy, dài khoảng 5 – 20cm, bông màu trắng bạc có lông nhỏ dài phủ đầy.

Bạn có thể bắt gặp hình ảnh cây cỏ tranh ở khắp nơi vì nó mọc hoang khắp cả nước.

Bộ phận dùng của cây cỏ tranh

  • Thân rễ, khô gọi là bạch mao căn, tươi gọi là sinh mao căn. Rễ dài ngắn khác nhau, hình trụ, đường kính khoảng 0,2 – 0,4cm; rễ chia nhiều đốt; bề mặt màu trắng ngà tới vàng nhạt, bóng nhẹ, có nhiều nếp nhăn chạy dọc. Rễ nhẹ, có độ dai nhưng ở mấu giữa các đốt thì giòn dễ gãy. Vị hơi ngọt.
  • Thường thu hoạch vào mùa thu (khoảng tháng 10 – 11) và mùa xuân (Tháng 3- 4), lúc trời khô ráo, sẽ cắt bỏ phần thân trên cổ rễ, rửa sạch đất cát, tuốt bỏ sạch bẹ, lá và rễ con, đem phơi khô. Rễ khi phơi khô có màu trắng ngà hay vàng nhạt, có nhiều đốt, không mùi, không vị, sau hơi ngọt.
  • Theo y học cổ truyền Trung Hoa thì không sử dụng phần thân rễ trên mặt đất mà chỉ lấy phần rễ được đào sâu phía dưới, rửa sạch đất cát, bỏ hết lông con bên ngoài, phơi khô dùng dần.

Thành phần hóa học trong rễ cỏ tranh

Thân rễ cây cỏ tranh có chứa các chất sau đây:

  • Biphenyl ether cylindol
  • Cylindren
  • Các phenol imperanen
  • Sesquiterpene
  • Lignan
  • Các axit hữu cơ (acid oxalic, acid malic)
  • Các loại đường (saccharose, glucose, fructose, xylose)
  • Các khoáng chất canxi, natri, magie, sắt, kali,…
  • Ít calo.

Các hoạt chất này có tác dụng lợi tiểu, kháng khuẩn.

Tác dụng, công dụng

Rễ cỏ tranh có tác dụng gì?

công dụng của cỏ tranh

Theo y học cổ truyền

Uống nước rễ tranh có tác dụng gì thì theo y văn cổ, cỏ tranh là loại dược liệu có các đặc điểm sau:

  • Rễ vị ngọt, tính hàn; hoa vị ngọt, tính ôn
  • Quy kinh tâm, tỳ, vị
  • Tác dụng:
  • Trừ bỏ nhiệt ẩn ở bên trong
  • Tiêu huyết ứ
  • Lợi tiểu
  • Giải độc
  • Chủ trị:
    • Sốt nóng
    • Khó tiểu
    • Đái ra máu
    • Phù viêm thận cấp
    • Sỏi thận
    • Hen suyễn
    • Ho ra máu
    • Chảy máu cam
    • Cầm máu.
  • Bạch mao căn còn được dùng chung với râu ngô, mía lau, mã đề,… nấu nước uống giải nhiệt, lợi tiểu.

    Hoa cỏ tranh được dùng để chữa chảy máu cam, nôn ra máu, ho ra máu, chảy máu vết thương.

    Theo y học hiện đại

    Một số tác dụng của rễ cỏ tranh đã được thử nghiệm trên động vật là:

    • Làm nhanh đông máu: Trong điều trị hạ canxi máu của thỏ, rễ cỏ tranh được sử dụng cho thấy giúp thỏ mau hồi phục hơn.
    • Lợi tiểu: Dược liệu đem sắc thành thuốc đen hoặc ngâm trong nước kiệt để thụt dạ dày cho thỏ có hiệu quả lợi tiểu.
    • Ức chế vi khuẩn: Trên trực khuẩn lỵ Flexner và Sonnei.

    Tiêm tĩnh mạch nước sắc với liều 10-15g/kg khiến thỏ thở gấp, hoạt động chậm chạp trong 1 giờ, sau đó trở lại bình thường. Khi tăng liều 25g/kg khiến thỏ tử vong sau 6 giờ.

    Nuôi thỏ bằng nước sắc dược liệu này trong 36 giờ sẽ gặp tình trạng tăng hô hấp, mọi hoạt động bị ức chế. Khi dừng uống nước sắc, mọi hoạt động trở về bình thường.

    Liều dùng

    Liều dùng thông thường của rễ cỏ tranh là bao nhiêu?

    liều dùng cỏ tranh

    Nước sắc cỏ tranh được dùng với liều 30 – 35g dược liệu tươi, 12 – 20g dược liệu khô mỗi ngày.

    Một số bài thuốc có rễ cỏ tranh

    Bạch mao căn được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

    Lợi tiểu (trị bí tiểu, khó tiểu)

    Trường hợp bạn mắc chứng tiểu khó do thấp nhiệt phạm hạ tiêu gây nên tiểu sẻn, tiểu khó, nước tiểu màu vàng sậm, tiểu buốt rắt khi đi tiểu. Bạn có thể sử dụng bạch mao căn kết hợp với các vị thuốc nam khác sau đây:

  • Cách 1: Thái nhỏ, trộn đều 40g râu ngô, 25g xa tiền, 30g bạch mao căn, 5g hoa cúc. Mỗi lần dùng 50g hỗn hợp này pha với nước sôi thành 0,75 lít để uống trong ngày vào những lúc khát nước. Với trẻ em 6 – 14 tuổi chỉ dùng 25g hỗn hợp pha với nước sôi thành 0,35 lít nước, chia ra uống lúc khát. Uống liên tục 10 ngày.
  • Cách 2: Sắc chung 50g rễ cỏ tranh tươi (sinh mao căn), 10g rau má, 15g lá sen cạn, 10g râu ngô, 8g diếp cá. Lấy nước sắc thu được chia làm 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục 3 – 5 ngày.
  • Giải độc, mát gan

    • Cách 1: Cạo sạch vỏ 150g sinh mao căn, thêm 50g bạch anh tươi, ninh nhừ với 150g thịt heo nạc đã thái mỏng. Ngày ăn 1 lần trong liên tục 10 – 15 ngày.
    • Cách 2: Rửa sạch 200g sinh mao căn, nấu cùng 700ml nước. Đun lửa to đến khi sôi thì hạ nhỏ lửa, đun thêm 7 – 10 phút. Lọc lấy nước uống thay nước trong ngày. Uống liên tục 10 – 15 ngày.

    Dùng hỗ trợ các trường hợp viêm thận cấp

    • Cách nấu nước rễ cỏ tranh theo công thức: 200g dược liệu khô + 500ml nước, lửa nhỏ đến khi còn 100 – 150ml thì tắt bếp. Lọc lấy nước, chia thành 2 – 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục 1 tháng.
    • Cách nấu nước rễ cỏ tranh tươi theo công thức: rễ cỏ tranh tươi, cam thảo nam, kim ngân hoa, hoàng đằng, đậu đen, mã đề, cỏ mần trầu, kinh giới, kim anh tử mỗi vị 10g sắc cùng 3 bát nước tới khi đặc còn 1 bát. Nước được uống sau bữa ăn, liên tục trong 15 ngày. 

    Hỗ trợ điều trị viêm đường tiết niệu

    Nấu nước rễ cỏ tranh khô 10g, đinh lăng 20g, kim ngân 20g, rau diếp cá 20g, rau má 20g, kim tiền thảo 20g, tang diệp 16g, hương nhu 16g để uống trong ngày.

    Chữa ho kéo dài do phế hư

    Sắc nước bạch mao căn 20g, gừng 20g, rễ cây xương sông 16g, tang bạch bì 16g, cát cánh 12g, bán hạ chế 10g, trần bì 10g, cam thảo 10g; chia nước sắc thu được làm 2 lần uống trong ngày. Uống 3 – 4 ngày liên tục.

    Dùng trong trường hợp da vàng, nước tiểu vàng do can khí uất kết

    Sắc nước rễ cỏ tranh khô 16g, đinh lăng 20g, nam hoàng bá 14g, nhân trần 12g, bạch thược 12g, xa tiền 12g, củ đợi 12g, chi tử 10g, đan bì 8g, chỉ xác 8g. Nước sắc thu được chia thành 2 lần uống trong ngày.

    Dùng trong điều trị sốt xuất huyết

    thành phần hóa học của cỏ tranh

    Sắc nước rễ cỏ tranh khô 20g, cỏ mực 20g, rau má 20g, đậu đen sao thơm 24g, tang diệp 16g, kinh giới 16g, cam thảo 12g. Nước sắc thu được chia làm 2 lần uống trong ngày.

    Trị ho ra máu, đờm lẫn máu do phế nhiệt

    Bạn dùng cỏ mực 20g, rau má 20g, bạch mao căn 16g, sinh địa 12g, ngân hoa 12g đem sắc thành nước thuốc, chia 2 lần uống trong ngày.

    Chữa họng khô, miệng khô do tân dịch hao tổn

    Bạn dùng cát cánh 20g, rễ cỏ tranh 16g, đinh lăng 16g, hoài sơn 16g, sa sâm 12g, khởi tử 12g, mạch môn 12g, cam thảo 10g, sơn thù 10g, trạch tả 10g, đan bì 8g sắc thành nước thuốc, chia 2 lần uống trong ngày.

    Trị chảy máu tiêu hóa

    Bạn dùng củ gừng nướng cháy 21g, bạch mao căn 20g, trắc bách diệp 16g, thục địa 12g, a giao 6g sắc thành nước uống, chia 2 – 3 lần uống trong ngày.

    Trị sỏi thận

    Cách đun nước cỏ tranh trị sỏi thận như sau: 20g dược liệu khô, 20g mã đề, 20g đinh lăng, 16g cối xay, 10g mộc thông, 10g kim tiền thảo đem sắc với nước lọc, chia 2 lần uống trong ngày. Uống liên tục 4 – 5 ngày.

    Chữa trường hợp chảy máu cam

    • Cách 1: Dùng bạch mao căn 36g, chi tử 18g sắc cùng 400ml nước đến khi còn 100ml. Uống khi còn nóng trước khi đi ngủ hoặc khi thức dậy. Uống liên tục 7 – 10 ngày.
    • Cách 2: Dùng sinh mao căn 80g nấu nước uống hằng ngày sau khi ăn no. Uống liên tục 7 – 10 ngày.

    Dùng hỗ trợ trong điều trị hen suyễn

    Nấu nước rễ cỏ tranh tươi, ngày khoảng 20g uống sau khi ăn cơm tối. Uống liên tục 8 ngày.

    Lưu ý, thận trọng khi dùng

    Khi dùng cỏ tranh, bạn nên lưu ý những gì?

    Để sử dụng cỏ tranh một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.

    Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện bất kỳ tác dụng phụ của rễ cỏ tranh nào như đau bụng, nôn mửa hoặc dấu hiệu khác thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

    Những người sau đây không nên dùng vị dược liệu này:

    • Thể chất hàn hoặc hư hỏa, người không mắc bệnh lý thực nhiệt
    • Đang bị suy nhược cơ thể
    • Người có tiền sử dị ứng với dược liệu này.

    Mức độ an toàn của cỏ tranh

    Không sử dụng vị thuốc này trong thời kỳ mang thai và cho con bú. 

    Tương tác có thể xảy ra với cỏ tranh

    Vị thuốc này có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

    Cỏ tranh mọc hoang ở khắp nước ta nhưng việc tìm được nguồn dược liệu xử lý đạt chuẩn không phải dễ dàng. Bạn nên chọn những nhà thuốc đông y uy tín, tìm hiểu kỹ trước khi mua. Giá 1kg rễ cỏ tranh hiện nay rơi vào khoảng 270.000đ. 

    Vị thuốc rễ cây cỏ tranh

    • Bài thuốc
      • Trị bí tiểu, khó tiểu
      • Giải độc mát gan
      • Viêm thận cấp
      • Viêm đường tiết niệu
      • Ho dai dẳng do phổi hư
      • Can khí uất kết gây vàng da, vàng nước tiểu
      • Sốt xuất huyết
      • Khạc, ho ra máu do phế nhiệt
      • Khô miệng, khô họng do hao tổn tân dịch
      • Xuất huyết tiêu hóa
      • Sỏi thận
      • Chảy máu cam
      • Hen suyễn
    • Lưu ý khi sử dụng:
      • Luôn hỏi bác sĩ trước khi sử dụng hoặc kết hợp vị thuốc này vào điều trị
      • Lưu ý tác dụng phụ đau bụng, nôn mửa và các dấu hiệu khác thường khác
    • Giá bán: Giá 1 kg rễ cỏ tranh khoảng 270.000đ

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

    Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


    Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 29/01/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo