backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Cây huyết dụ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 13/06/2023

Cây huyết dụ

Huyết dụ là loại cây cảnh được trồng phổ biến trong vườn nhà, làm hàng rào hay trong các chùa, đình, công viên… Loại cây này có màu đỏ rất đặc trưng, là điểm nhấn cho khu vườn xung quanh là màu xanh lá. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng ngoài việc làm cây cảnh thì nó cũng là một vị thuốc Nam có rất nhiều tác dụng trong việc chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh lý về máu.

Vậy cụ thể huyết dụ là loại cây, vị thuốc như thế nào, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé!

Tên thường gọi: Cây huyết dụ

Tên gọi khác: Huyết dụ lá đỏ, thiết thu, long huyết, phất dữ, chổng đeng (Tày), co trường lâu (Thái), quyền diên ái (Dao)

Tên nước ngoài: Dracaena (Anh), cordyline (Pháp)

Tên khoa học: Cordyline ferrea C Koch, C.fruticosa (L.) Chev

Họ: Huyết dụ (Dracaenaceae)

Tổng quan 

Tìm hiểu chung về cây huyết dụ

Cây huyết dụ đỏ là loại cây nhỏ, cao khoảng 2 mét.

Thân mảnh, mang nhiều đốt sẹo, ít phân nhánh.

Lá huyết dụ mọc tập trung ở ngọn cây, xếp thành hai dãy, hình lưỡi kiếm, dài khoảng 20 – 50 cm, rộng khoảng 5 – 10cm. Gốc lá thắt lại, đầu thuôn nhọn. Mép lá nguyên lượn sóng. Hai mặt màu đỏ tía, có loại chỉ có một mặt đỏ còn một mặt màu lục xám. Cuống lá dài có bẹ và rãnh ở mặt trên.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành chùm xim hoặc chùy phân nhánh, dài 30 – 40 cm, mỗi nhánh mang rất nhiều hoa trắng, mặt ngoài màu tía, lá đài 3 thuôn nhọn, cánh hoa 3 hơi thắt lại ở giữa, nhị hoa 6 thò ra bên ngoài tràng, bầu có 3 ô.

Quả mọng hình cầu.

Mùa hoa và quả là tháng 12 đến tháng 1 hằng năm.

Huyết dụ có 2 loại, ngoài huyết dụ lá 2 mặt đỏ, còn có một loài huyết dụ lá to một mặt màu đỏ một mặt màu xanh lục. Cả 2 loại đều được dùng làm thuốc nhưng loại 2 mặt đỏ có tác dụng tốt hơn nên thường được dùng nhiều hơn. 

Bộ phận dùng làm thuốc của cây huyết dụ

Rễ, lá huyết dụ được dùng làm thuốc, thu hái quanh năm. 

Lá huyết dụ có thể dùng tươi hay phơi âm can, sao vàng đều được. Bạn chỉ nên hái lá ở những cây đã trưởng thành và tươi tốt, không sử dụng lá còn non.

Rễ nên được thái nhỏ, sao thơm. 

Thành phần hóa học trong cây huyết dụ

Lá huyết dụ có chứa phenol, acid amin, đường, anthocyan.

Tác dụng, công dụng

cây huyết dụ có tác dụng gì

Cây huyết dụ có tác dụng gì?

Tác dụng dược lý của huyết dụ

  • Tăng co tử cung tại chỗ: Dịch chiết cồn 40 độ của lá huyết dụ, đã bốc hơi cồn đến tỉ lệ 1:1 liều 2ml/kg trên thỏ cái gây mê bằng cloralhydrat 7% gây co tử cung sau 2 giờ. Trương lực cơ tăng dần như kiểu ergotamin.
  • Tác dụng kiểu estrogen: Tác dụng yếu khi thử nghiệm trên chuột cống cái.
  • Tác dụng hướng sinh dục nữ: Cao huyết dụ làm tăng trọng lượng tử cung và buồng trứng ở chuột cống cái.
  • Tác dụng kháng khuẩn: Lá huyết dụ sấy khô, nghiền thành bột chiết bằng nước, cô đặc dịch thu được đến tỷ lệ 2:1 và điều chỉnh về pH 7, cho thấy có tác dụng kháng khuẩn khá và yếu với các chủng Staphylococcus aureus, Bacillus anthracis, E.coli, Proteus vulgaris, Streptococcus faecalis.
  • Tác dụng kháng viêm và oxy hóa (2003, Cambie RC cùng đồng sự tại Khoa Hóa Đại học Auckland, New Zealand).
  • Tác dụng chống ung thư dạ dày (5/2013, Liu S và các cộng sự tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Trung Ương Xiang Ya, Hồ Nam, Trung Quốc).

Tác dụng của huyết dụ theo y học cổ truyền

Lá huyết dụ có vị ngọt nhạt, tính mát, bình. Quy kinh can và thận. Lá huyết dụ có tác dụng thanh nhiệt, cầm máu, tan máu đông, giảm đau.

Trong y học dân gian, lá huyết dụ được dùng làm thuốc chữa rong huyết, băng huyết, xích bạch đới, thổ huyết, lỵ ra máu, đi tiểu ra máu, trĩ, ho ra máu, sốt xuất huyết. Tuy nhiên chống chỉ định dùng huyết dụ trước khi sinh con hoặc đã sinh xong nhưng còn sót rau.

Rễ và lá huyết dụ dùng chữa vết thương và phong thấp gây đau nhức.

Liều dùng

Liều dùng thông thường của huyết dụ là bao nhiêu?

Liều dùng cây huyết dụ là 8 – 16 gam cây khô hoặc 16 – 30 gam lá tươi.

Một số bài thuốc có chứa huyết dụ

bài thuốc từ cây huyết dụ

Cây huyết dụ được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

  • Chữa rong kinh, rong huyết, băng huyết: Kinh trong chu kỳ ra nhiều, kinh ra bất thường ngoài chu kỳ hoặc kinh ra quá nhiều sau khi sinh con hoặc sảy thai (nhau thai đã ra rồi):
    • Lá huyết dụ 20g, rễ cỏ tranh 10g, đài vẫn còn của quả mướp (phần đuôi quả) 10g, rễ cỏ gừng 8g đem sắc uống.
    • Lá huyết dụ 30g, lá trắc bá sao 20g đem sắc lấy nước. Bẹ móc đốt thành tro hoặc muôi nồi 10g, cao da trâu 15g đem sắc lấy nước. Tất cả đun loãng, khuấy đều, uống.
    • Lá huyết dụ 20g, cành tía tô 10g, hoa cau đực 10g, tóc một nhúm đốt thành than. Thái nhỏ nguyên liệu, sao vàng, sắc uống.
  • Chữa bạch đới, khí hư: Bạn dùng lá huyết dụ tươi 40g, lá thuốc bỏng 20g, bạch đồng nữ 20g đem sắc uống.
  • Chữa kiết lị ra máu: Rễ cây huyết dụ 20g, nhọ nồi 12g, rau má 20g đem rửa sạch, giã nát, thêm nước để lọc lấy nước cốt, uống ngày 2 – 3 lần.
  • Chữa đi tiểu ra máu: Lá huyết dụ 20g; rễ cây ráng, lá lau, lá cây muội, lá tiết dê mỗi vị 10g. Tất cả đem rửa sạch, giã nát, thêm nước để lọc lấy nước cốt.
Bạn có thể dùng riêng 40 – 50 g huyết dụ tươi hoặc 20 – 25g hoa và lá khô để sắc uống.
  • Chữa ho ra máu: Lá huyết dụ 10g, rễ rẻ quạt 8g, trắc bách diệp sao đen 4g, lá thài lài tía 4g đen phơi khô, sắc với nước chia làm 2 lần uống trong ngày.
  • Chữa sốt xuất huyết, xuất huyết dưới da: Lá huyết dụ tươi 30g, trắc bá sao cháy 20g, cỏ nhọ nồi 20g đem sắc uống.
  • Chữa bị thương ứ máu hoặc phong thấp đau nhức: Cả cây huyết dụ 30g, huyết giác 15g đem sắc uống.
  • Lưu ý, thận trọng khi dùng

    Khi dùng cây huyết dụ, bạn nên lưu ý những gì?

    Để sử dụng huyết dụ một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.

    Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

    Mức độ an toàn của cây huyết dụ

    Bạn không sử dụng dược liệu này khi đang mang thai.

    Phụ nữ cho con bú có thể sử dụng được, nhưng nếu mới sinh phải đảm bảo nhau thai đã ra hết.

    Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

    Tương tác có thể xảy ra với huyết dụ

    Huyết dụ có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

    Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


    Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 13/06/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo