Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

6 cách chữa đi tiểu buốt tại nhà cho nữ an toàn và hiệu quả

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Trần Cẩm Tú · Ngày cập nhật: 19/01/2023

6 cách chữa đi tiểu buốt tại nhà cho nữ an toàn và hiệu quả
Quảng cáo

Tiểu buốt, hoặc nóng rát khi đi tiểu, là tình trạng mà đàn ông và phụ nữ đều có thể gặp phải ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, tình trạng này thường phổ biến hơn ở phụ nữ. Bài viết sẽ mang lại cho bạn những cách chữa đi tiểu buốt tại nhà cho nữ với 3 tiêu chí: an toàn, đơn giản và hiệu quả.

Tiểu buốt là gì? Tiểu buốt là cảm giác khó chịu hoặc nóng rát khi đi tiểu. Ai cũng có thể mắc chứng tiểu buốt. Tuy nhiên, những đối tượng có nguy cơ mắc chứng tiểu buốt cao hơn gồm có: phụ nữ mang thai; phụ nữ mắc bệnh tiểu đường; phụ nữ có vấn đề về bàng quang.

>> Gợi ý cho bạn: Nguyên nhân và cách chữa tiểu buốt sau khi quan hệ

Có thể chữa tiểu buốt tại nhà không?

Tiểu buốt ở nữ là bệnh gì? Tình trạng khó tiểu, tiểu buốt, tiểu rắt ở phụ nữ có thể xuất phát từ nhiều bệnh lý như:

Có thể chữa trị triệt để chứng tiểu buốt ở nữ giới tại nhà không? Câu trả lời là “Có” nếu tình trạng tiểu buốt ở mức độ nhẹ và không liên quan đến viêm nhiễm. Trong khi đó, đa số các trường hợp tiểu buốt do bệnh lý không thể tự điều trị tại nhà mà cần phải được bác sĩ chỉ định.

Phương pháp điều trị có thể bao gồm: dùng kháng sinh, tránh các chất kích thích và/ hoặc điều trị các vấn đề, bệnh lý tiềm ẩn khác. Vì thế, để điều trị dứt điểm chứng tiểu buốt, bạn cần được chẩn đoán và nhận tư vấn từ bác sĩ.

>> Hỏi đáp Bác sĩ: Tiểu buốt có tự hết không, cách trị tiểu buốt tại nhà là gì?

6 cách chữa tiểu buốt tại nhà cho nữ an toàn và hiệu quả

6 cách hỗ trợ chữa đi tiểu buốt tại nhà cho nữ bên dưới đây chỉ có thể giúp giảm bớt các triệu chứng. Ưu điểm của chúng là an toàn và không ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh của bạn.

1. Hình thành thói quen đi tiểu lành mạnh

cách chữa đi tiểu buốt tại nhà cho nữ

Thói quen đi tiểu lành mạnh không chỉ là cách chữa tiểu buốt tại nhà cho nữ mà còn là cách phòng ngừa chứng tiểu buốt. Những thói quen mà chị em nên thực hành gồm có:

  • Đừng nín tiểu, nếu không bạn có thể bị suy yếu cơ bàng quang và nhiễm trùng bàng quang.
  • Đừng đi tiểu quá vội vã, vì bàng quang cần có đủ thời gian để thải tất cả nước tiểu ra ngoài. Nước tiểu đọng lại trong bàng quang quá lâu có thể gây nhiễm trùng bàng quang.
  • Hạn chế tư thế ngồi lơ lửng trên bệ xí, việc này khiến bạn khó làm rỗng bàng quang hoàn toàn. Vậy nên, tốt nhất bạn nên ngồi trên bệ xí khi đi tiểu.
  • Lau khô cô bé từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh. Điều này sẽ ngăn vi khuẩn đường ruột xâm nhập vào niệu đạo.

>> Lý giải ngay: Phụ nữ xuất nước tiểu khi quan hệ có phải là xuất tinh?

2. Uống đủ nước

uống nước - cách hỗ trợ chữa đi tiểu buốt tại nhà cho nữ

Uống nhiều nước hơn là cách hữu hiệu và đơn giản nhất để chữa đi tiểu buốt tại nhà cho nữ. Nước giúp đẩy vi khuẩn và các chất kích thích ra khỏi bàng quang, từ đó giảm bớt triệu chứng tiểu buốt, tiểu rát.

Bạn cần bổ sung đủ 2 lít nước mỗi ngày cho cơ thể. Ngoài ra, nếu nhận thấy nước tiểu có màu vàng sẫm và cô đặc, bạn nên uống nhiều nước hơn. Khi cơ thể đủ nước, nước tiểu của bạn sẽ có màu vàng nhạt.

3. Bổ sung vitamin C để đường tiết niệu khỏe mạnh

cách chữa đi tiểu buốt tại nhà cho nữ - bổ sung vitamin C

Một cách chữa tiểu buốt ở phụ nữ đơn giản khác chính là bổ sung những thực phẩm giàu vitamin C. Theo lý giải, vitamin C sẽ hạn chế sự phát triển của một số vi khuẩn trong đường tiết niệu bằng cách axit hóa nước tiểu.

Vậy, trong chế độ ăn uống hằng ngày, bạn đừng bỏ qua những thực phẩm dinh dưỡng giàu vitamin C như: cam, dứa, xoài, ổi, ớt chuông, cải xoăn, rau mồng tơi…

>> Đọc thêm: 9 lời khuyên dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe phụ nữ

4. Bổ sung thực phẩm giàu probiotics

Cách hỗ trợ chữa đi tiểu buốt tại nhà cho chị em mà ít người biết đó chính là bổ sung thêm lợi khuẩn cho cơ thể. Nghiên cứu đã cho thấy probiotics có thể chống lại vi khuẩn và nấm gây tiểu buốt.

Những thực phẩm giàu probiotics mà bạn có thể thêm vào chế độ ăn uống gồm có: sữa chua không đường, kim chi, kefir, kombucha.

5. Cắt giảm tối đa những chất kích thích bàng quang khỏi chế độ ăn uống

Cách đơn giản mà bạn có thể hạn chế tình trạng tiểu buốt chính là loại bỏ những yếu tố kích thích và áp lực lên bàng quang của bạn. Cụ thể, bạn nên hạn chế những thực phẩm sau đây để giảm tình trạng nóng rát khó chịu khi đi tiểu:

  • Đường và chất làm ngọt nhân tạo
  • Cà phê, trà và rượu bia
  • Đạm động vật, hãy chỉ cung cấp một lượng đủ. Ăn quá nhiều thịt sẽ khiến tình trạng tiểu buốt tiến triển nghiêm trọng hơn.

6. Dùng nước râu ngô (râu bắp)

Trà râu bắp

Nghiên cứu khoa học đã chứng minh râu ngô có khả năng giảm kích ứng đường tiểu và tăng bài tiết nước tiểu. Trong Đông y, râu bắp có vị ngọt, tính bình có tác dụng bình can, lợi đàm, lợi tiểu.

Thành phần nước râu ngô hỗ trợ điều trị tiểu buốt cho phụ nữ gồm có: Củ sả, râu ngô, đậu đen và bông mã đề. Cách nấu đơn giản như sau:

  1. Đem rửa sạch tất cả các nguyên liệu.
  2. Cho tất cả nguyên liệu vào ấm với khoảng 500ml nước.
  3. Khi nước sôi thì tắt bếp, để nguội và bảo quản nước râu ngô trong tủ lạnh.
  4. Mỗi ngày uống 2-3 cốc nước, kiên trì uống trong 7 ngày.

Những cách giúp giảm cơn đau buốt khi đi tiểu

Nếu cơn đau buốt khi đi tiểu làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bạn, tốt nhất bạn nên gặp bác sĩ để được điều trị. Tuy nhiên, vẫn có một số cách để giúp bạn giảm đau buốt, hoặc đau rát khi đi tiểu ngay tại nhà, bao gồm:

  • Chườm nóng, hoặc tắm nước ấm. Việc này sẽ giúp bạn giảm đau nhờ việc tăng tuần hoàn máu và thư giãn cơ bắp.
  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn (như: ibuprofen, naproxen, và aspirin). Cách giảm cơn đau do tiểu buốt này có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng. Tuy nhiên, bạn thông báo cho bác sĩ khi đi khám. Đó là vì một số bệnh nhiễm trùng đường tiểu có thể diễn biến nặng hơn nếu như bạn chỉ giảm đau mà không được điều trị.
  • Mặc quần áo thoải mái, chọn đồ lót có chất liệu cotton. Điều này sẽ ngăn tích tụ độ ẩm ở vùng kín, từ đó giúp cho tình trạng nhiễm trùng không trở nặng.

Khi nào nên gặp bác sĩ?

cách chữa đi tiểu buốt tại nhà cho nữ

Nếu bạn đã thử những cách hỗ trợ chữa đi tiểu buốt tại nhà cho nữ trên trong 2-3 ngày nhưng những triệu chứng nóng rát không thuyên giảm, tốt nhất bạn nên đến bệnh viện kiểm tra. Vì có thể, tình trạng đi tiểu buốt của bạn là do bệnh lý gây nên.

Ngoài ra, bạn cũng nên đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu gặp các tình trạng sau:

  • Cơn đau dữ dội dai dẳng, kéo dài hơn 5 ngày.
  • Tiểu buốt dẫn đến cơn đau ở vùng bụng, vùng chậu.
  • Tiểu buốt đi kèm với các triệu chứng: sốt, khí hư bất thường, chảy máu âm đạo bất thường,…
  • Nước tiểu có mùi lạ, hoặc có máu.
  • Bạn đang mang thai.

Phòng ngừa đi tiểu buốt ở phụ nữ

Phòng ngừa chứng tiểu buốt ở phụ nữ

Bên cạnh những cách hỗ trợ tiểu buốt tại nhà cho nữ, những biện pháp phòng ngừa cũng có thể giảm các triệu chứng của bạn. Một số thói quen trong sinh hoạt có thể giúp bạn giảm nguy cơ đi tiểu buốt do sinh lý, bao gồm:

  • Không thụt rửa sâu vào âm đạo.
  • Không dùng các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ có mùi thơm và có tính tẩy rửa cao, để giảm nguy cơ kích ứng.
  • Nên thay băng vệ sinh thường xuyên trong những ngày hành kinh.
  • Nên sử dụng bao cao su trong hoạt động tình dục.
  • Nên đi tiểu đúng cách như hướng dẫn trên.
  • Nên lau khô vùng kín từ trước ra sau.
  • Nên uống đủ nước và ăn uống lành mạnh.

Mặc dù có nhiều biện pháp hỗ trợ chữa đi tiểu buốt tại nhà cho nữ, thế nhưng nếu như các triệu chứng tiếp tục kéo dài, bạn cần đi khám. Bác sĩ sẽ xác định chính xác nguyên nhân và hướng dẫn phương pháp điều trị cụ thể cho tình trạng tiểu buốt ở phụ nữ.

Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích về những cách chữa đi tiểu buốt tại nhà cho nữ. Hãy tham gia Cộng đồng Sức khỏe phụ nữ để bạn thoải mái chia sẻ và tâm sự với chị em phụ nữ, các chuyên gia và bác sĩ của chúng tôi!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Trần Cẩm Tú · Ngày cập nhật: 19/01/2023

Quảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

Quảng cáo
Quảng cáo
Quảng cáo