Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho thường khiến cho các bậc cha mẹ lo lắng, sốt ruột không biết con có mắc phải bệnh lý gì nguy hiểm không. Tình trạng ho nhiều còn có thể khiến trẻ biếng ăn, mất ngủ, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể để giữ cho đường thở thông thoáng, loại bỏ đờm, dịch tiết hoặc thức ăn mắc nghẹn khỏi cổ họng. Thực tế là trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh có thể bị ho do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng lại chưa thể nói, diễn tả bằng lời những vấn đề đang gặp phải. Do đó, cha mẹ cần phải chú ý và nhận biết được các trường hợp đáng lo ngại để đưa trẻ đến gặp bác sĩ kịp thời.
Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho là do đâu?
Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho có thể là biểu hiện, triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau như cảm lạnh thông thường, cúm, dị ứng, viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn, hít phải tác nhân ô nhiễm…
Bạn có thể dự đoán tình trạng bệnh của trẻ thông qua tiếng ho cùng các dấu hiệu đi kèm như:
- Ho do cảm lạnh: Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho có đờm, nghẹt mũi, sổ mũi, sốt, ho nhiều về đêm.
- Ho do hen suyễn: Cơn ho thường kèm theo triệu chứng thở khò khè, khó thở.
- Ho do viêm thanh khí phế quản: Tiếng ho nghe như tiếng chó sủa.
- Ho gà: Trẻ thường ho thành từng cơn trong nhiều tuần và có triệu chứng thở rít.
- Ho do nuốt phải dị vật: Cơn ho bắt đầu đột ngột và kèm theo tiếng thở khò khè.
- Ho do dị ứng: Bé thường ho khan, hắt hơi liên tục, chảy nước mắt…
Sau đây, Hello Bacsi sẽ liệt kê các nguyên nhân có khả năng khiến trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho cùng những triệu chứng đi kèm để bạn dễ tìm cách xử trí phù hợp.
1. Các bệnh viêm đường đường hô hấp trên
Những căn bệnh viêm đường hô hấp trên như cảm lạnh, cúm, viêm phế quản, viêm họng… có thể khiến trẻ bị ho từ 5 – 7 ngày và nguyên nhân đa phần là do virus.
Cảm lạnh có thể gây ra cơn ho từ nhẹ đến trung bình, trong khi những cơn ho do cúm thường nghiêm trọng. Nếu bị viêm thanh khí phế quản thì sẽ xuất hiện tình trạng bé bị ho nhiều vào ban đêm và có kèm theo thở khó.
Triệu chứng ho cũng cần được phân biệt rõ là ho khan hay ho có đờm. Trong đó, ho khan thường là kết quả của tình trạng kích ứng đường hô hấp trên (xoang, họng, dây thanh quản), còn ho có đờm nhiều khả năng là do phản ứng lại sự kích ứng ở đường hô hấp dưới dẫn đến tạo ra đờm. Cả hai dạng ho này đều có xu hướng là các triệu chứng nặng hơn vào giờ đi ngủ, khi trẻ chuyển từ tư thế đứng sang tư thế nằm khiến cho chất nhầy, nước bọt ngưng đọng trong đường thở.
Nhìn chung, trẻ càng nhỏ thì nguy cơ gặp vấn đề về hô hấp càng cao do đường thở hẹp hơn. Do đó, nếu thấy trẻ có biểu hiện khó thở, gắng sức để hít thở thì cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
2. Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho do trào ngược dạ dày – thực quản
Triệu chứng thường gặp khi trẻ bị trào ngược axit là ho nhiều, thường xuyên nôn, hơi thở có mùi hoặc bị ợ nóng. Đây cũng là nguyên nhân khiến bé bị ho nhiều về đêm khi ngủ.
3. Dị ứng
Dị ứng có thể khiến trẻ bị ho nhiều, ngứa cổ họng, chảy nước mũi, chảy nước mắt, đau họng hoặc phát ban.
Hầu hết trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh không bị ho do dị ứng theo mùa nhưng có thể bị dị ứng với các chất trong môi trường xung quanh khi hít phải gồm:
- Phấn hoa
- Lông động vật
- Mạt bụi nhà
- Khói bụi ô nhiễm
- Khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động)
4. Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho do viêm phổi
Viêm phổi là căn bệnh thường gặp ở trẻ em với các triệu chứng bao gồm:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Run rẩy
- Khó thở
- Ho kéo dài
Trẻ nhỏ dễ mắc bệnh viêm phổi do virus hoặc vi khuẩn gây ra khi đang vui chơi ở trường học, công viên, khu trò chơi…
5. Hen suyễn
Không chỉ băn khoăn “Bé ho nhiều phải làm sao?”, nhiều cha mẹ còn thắc mắc không biết cơn ho dữ dội của trẻ có phải do hen suyễn gây ra hay không. Thực tế, ngoài ho nhiều, triệu chứng dễ nhận ra trẻ đang bị hen suyễn là thở khò khè, thở rít vào ban đêm.
6. Ho gà
Ho gà là một căn bệnh nguy hiểm do vi khuẩn gây ra, có thể ảnh hưởng đến cả trẻ sơ sinh cũng như người lớn. Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Trẻ nhỏ nên được tiêm vắc-xin ho gà mũi thứ nhất khi được 2 tháng tuổi.
7. Trẻ bị ho nhiều do xơ nang
Xơ nang thường gặp ở trẻ nhỏ cùng các cơn ho có đờm vàng hoặc xanh nhạt. Đó được xem là một trong những dấu hiệu nặng nhất mà bé gặp phải. Các dấu hiệu khác của xơ nang là:
- Viêm phổi tái phát
- Nhiễm trùng xoang
- Không tăng cân
- Mồ hôi có vị mặn.
8. Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho do mắc dị vật đường thở
Khi dị vật bị mắc kẹt trong đường thở, bé thường có những biểu hiện như:
- Ho sặc sụa liên tục
- Da tím tái
- Chảy nước mắt, nước mũi
- Vã mồ hôi
- Ngạt thở…
Nếu dị vật nhỏ bị kẹt và bỏ quên trong đường thở mà phụ huynh không biết, không kịp thời đưa trẻ đi khám và điều trị, thì bé sẽ bị ho nhiều, kéo dài, viêm phổi tái phát.
9. Chảy dịch mũi sau
Nếu cơ thể trẻ vì một lý do nào đó mà sản sinh quá nhiều chất nhầy, đến mức gây chảy dịch mũi sau, thì chất nhờn sẽ chảy xuống phía sau cổ họng, gây kích thích niêm mạc họng, dẫn đến tình trạng trẻ bị ho nhiều.
Tình trạng này thường xảy ra do bé bị nhiễm virus hoặc dị ứng và thường trở nặng vào ban đêm. Trẻ có thể ho có đờm hoặc không, kèm theo các triệu chứng khác như ngứa cổ họng, hắt hơi, ngứa mắt, chảy nước mắt, nổi mẩn (nếu bị dị ứng).
10. Một số nguyên nhân khác khiến trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho nhiều
Việc lạm dụng thuốc xịt giảm xung huyết mũi cũng có thể gây ho nhiều và kéo dài ở trẻ em. Nguyên nhân là vì những loại thuốc này có thể khiến niêm mạc mũi bị sưng và kích thích, gây xung huyết, chảy dịch sau họng.
Bên cạnh đó, nếu thời tiết khô hạn khiến không khí hanh khô, hoặc không khí quá ẩm ướt làm gia tăng sự phát triển của nấm bệnh, mạt nhà… thì cũng có khả năng khiến trẻ nhỏ bị ho kéo dài.
Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho phải làm sao?
Nhiều bậc cha mẹ thường thắc mắc trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho phải làm sao? Trước hết, cha mẹ cần theo dõi phản ứng ho của trẻ, đánh giá, phân biệt loại ho cùng các triệu chứng kèm theo để có cách xử trí phù hợp. Việc chăm sóc, điều trị ho ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh sẽ dựa trên nguyên nhân cũng như triệu chứng là ho khan hay ho đờm.
1. Điều trị ho dữ dội cho trẻ dựa trên nguyên nhân
Tùy vào từng nguyên nhân gây ho mà lời đáp cho vấn đề “Bé ho nhiều phải làm sao?” sẽ khác nhau. Chẳng hạn:
- Trẻ bị ho nhiều do bệnh viêm đường đường hô hấp trên, thì những trường hợp nhiễm virus không được điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể kiểm soát cơn ho cho trẻ bằng các loại thuốc khác theo đơn của bác sĩ.
- Ho nhiều do trào ngược axit, việc điều trị còn phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ, kỹ thuật y tế và các vấn đề khác. Lúc này, bạn nên đưa trẻ đi khám để được hướng dẫn chữa trị và chăm sóc đúng cách.
- Trẻ nhỏ ho nhiều do mắc bệnh hen suyễn thì việc điều trị bệnh hen suyễn phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh và có thể bao gồm việc hạn chế khói, bụi, ô nhiễm không khí hoặc nước hoa.
- Dị ứng khiến bé ho nhiều phải làm sao? Câu trả lời là, bạn nên đưa trẻ làm các xét nghiệm để tìm ra các chất gây dị ứng. Những dị nguyên thường là thực phẩm, phấn hoa, lông vật nuôi và bụi…
- Nếu bé bị ho nhiều do hóc dị vật, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám để được xử lý dị vật kịp thời.
2. Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho: Nên áp dụng các mẹo chữa ho cho trẻ tại nhà
Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho phải làm sao? Nhìn chung, cơn ho ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh thường không quá nghiêm trọng và có thể thuyên giảm bằng việc áp dụng các biện pháp đơn giản tại nhà, chẳng hạn như:
- Xông hơi cho trẻ: Bạn có thể bật nước nóng để hơi nước tỏa đầy trong phòng tắm, sau đó bế trẻ ngồi xông hơi trong khoảng 15 – 20 phút. Hơi nước nóng sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
- Vệ sinh mũi thường xuyên: Rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý có thể giúp làm sạch đường thở, hạn chế những cơn ho, hắt hơi bất chợt.
- Cho trẻ bú thường xuyên: Việc bú đủ sẽ giúp làm ẩm đường thở của trẻ, khắc phục tình trạng ho khan do khô cổ họng.
- Cho trẻ nghỉ ngơi: Hãy để trẻ có thời gian được nghỉ ngơi nhiều hơn để nhanh chóng phục hồi, lấy lại sức.
- Hạn chế hút thuốc lá hay để người hút thuốc tiếp xúc với trẻ: Khói thuốc có thể gây ra các vấn đề về hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên: Việc dọn dẹp nhà cửa, phòng ốc giúp loại bỏ bụi bẩn gây ho cho trẻ.
- Loại bỏ dị nguyên ra khỏi môi trường sống: Việc hít phải phấn hoa, lông động vật… có thể khiến trẻ sơ sinh lâu lâu bị ho vài tiếng. Bạn nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những dị nguyên này để không kích thích cơn ho.
Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho phải làm sao?
- Đưa trẻ đi khám và áp dụng các liệu pháp điều trị theo nguyên nhân gây ra cơn ho như:
- Ho do viêm đường hô hấp trên
- Ho do trào ngược
- Ho do không khí ô nhiễm
- Ho do dị ứng
- Ho do hóc dị vật…
- Áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà để giảm nhẹ triệu chứng như:
- Hít thở hơi nước ấm
- Vệ sinh mũi họng với nước muối sinh lý
- Đảm bảo trẻ được cung cấp đầy đủ lượng chất lỏng cần thiết
- Đảm bảo trẻ nghỉ ngơi đầy đủ
- Giữ nhà cửa thông thoáng
- Không để trẻ tiếp xúc với người hút thuốc, kể cả người hút thuốc thụ động…
Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị ho: Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Không chỉ nên quan tâm đến vấn đề “Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho 1-2 tiếng có sao không?” mà bạn cũng cần kịp thời nhận biết những triệu chứng bất thường khác để đưa trẻ đi khám, bao gồm:
- Thở khò khè
- Nhịp thở nhanh hơn bình thường
- Khó thở
- Da xanh xao, tím tái
- Sốt cao từ 38 độ C trở lên
- Ho kéo dài hơn vài giờ/ lần
- Ho kéo dài hơn 2 tuần
- Ho ra máu
- Ho do mắc nghẹn dị vật
- Hít vào nghe tiếng rít (thở rít)
- Có dấu hiệu mất nước
- Bỏ bú
- Ngủ li bì, khó đánh thức.
Một số trường hợp trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho cần phải được đưa đi cấp cứu ngay khi:
- Cơn ho tệ hơn trong nhiều ngày
- Trẻ sơ sinh bị ho và có dấu hiệu suy hô hấp (thở rất mạnh, nôn khan, da chuyển sang màu xanh, các đường xương sườn hiện ra khi cố gắng thở, bụng lõm xuống khi thở, lỗ mũi nở ra).
Trẻ bị ho và những thắc mắc thường gặp
1. Trẻ sơ sinh bị ho, sổ mũi nhưng không sốt có sao không?
Trẻ sơ bị ho, sổ mũi nhưng không sốt có thể chỉ là do cảm lạnh thông thường, hen suyễn hoặc dị ứng với tác nhân ở môi trường xung quanh mà không liên quan đến vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Tuy vậy, các bố mẹ cũng không nên chủ quan mà vẫn phải theo dõi các biểu hiện của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi các triệu chứng trở lên nghiêm trọng hơn.
Trẻ sơ sinh bị ho, sổ mũi, thở khò khè thường là dấu hiệu của hen suyễn. Đối với trẻ bị hen suyễn, âm thanh thường gặp là âm thanh như huýt sáo phát ra bên trong ngực, thường nghe khi thở ra nhiều hơn khi hít vào, đôi khi nghe thấy trong cả lúc hít vào và thở ra. Để được chẩn đoán chính xác, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
2. Trẻ 2 tháng tuổi bị ho có nguy hiểm không?
Thông thường, trẻ em dưới 4 tháng không bị ho nhiều. Vì vậy, nếu trẻ 2 tháng tuổi bị ho thì có thể liên quan đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Ví dụ, nếu trẻ 2 tháng tuổi bị ho, đó có thể là virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra một bệnh nhiễm virus nguy hiểm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trẻ 2 tháng tuổi bị ho cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Cảm lạnh hoặc cảm cúm
- Bệnh Croup (viêm thanh khí phế quản cấp)
- Hen suyễn
- Ho gà
- Viêm tiểu phế quản
- Viêm phổi
- COVID-19
- Dị ứng
- Hóc dị vật…
Tùy vào nguyên nhân và những triệu chứng kèm theo mà tình trạng ho ở trẻ dưới 2 tháng tuổi sẽ được điều trị bằng các cách thức phù hợp. Cơn ho nếu xuất hiện cùng những biểu hiện bất thường như khó thở, tím tái, nôn mửa là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.
3. Tại sao trẻ 3 tháng bị ho?
Trẻ 3 tháng tuổi bị ho có thể là do các nguyên nhân sau:
- Trong nhà có người hút thuốc lá
- Dùng than củi để xông sau khi sinh
- Môi trường sống xung quanh quá nhiều khói bụi ô nhiễm
- Thời tiết thay đổi
- Triệu chứng của các bệnh lý như viêm phế quản, viêm phổi, dị ứng, ho gà…
- Bị sặc, hóc dị vật
- Nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV).
Nhiều trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho thở khò khè là do đường hô hấp dưới của bé tăng tiết dịch nhầy để chống lại các vi khuẩn, virus gây bệnh hoặc dị vật nằm trong khí quản của bé.
4. Trẻ 4 tháng bị ho phải làm sao?
Cũng như những trường hợp trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho khác, bạn cần theo dõi các biểu hiện của trẻ, cố gắng loại trừ những tác nhân môi trường có thể gây kích ứng đường hô hấp của trẻ. Với những trường hợp trẻ 4 tháng bị ho nhẹ, các mẹ có thể thực hiện các biện pháp tại nhà để hỗ trợ giảm nhẹ cơn ho như tăng cữ bú, giữ ấm đường hô hấp cho trẻ…
Nếu tình trạng ho ngày càng nặng thêm và kéo dài, xuất hiện cùng các triệu chứng bất thường khác như nôn, sốt, bỏ ăn, khó thở, thở mạnh… thì hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
5. Trẻ nhỏ bị ho kiêng ăn gì?
Để giúp con mau khỏi bệnh, nhiều cha mẹ quan tâm tìm hiểu trẻ bị ho kiêng ăn gì? Sau đây sẽ là nhóm thực phẩm bạn không nên cho trẻ ăn hoặc uống khi bé ho, sổ mũi:
- Thức ăn cay hoặc nhiều dầu mỡ: Đây là nhóm thực phẩm vừa có hại cho hệ tiêu hóa vừa có thể khiến cơn ho của trẻ trầm trọng hơn.
- Thực phẩm có vị tanh: Theo Đông y, hải sản như tôm, cua, cá… thường có tính hàn, có vị tanh không tốt cho trẻ bị ho nên mẹ cần hạn chế hoặc không cho bé ăn các món này.
- Thực phẩm nhiều đường: Theo Đông y, đồ ăn vặt, các loại bánh ngọt… là nhóm thực phẩm nhiều đường dễ khiến cơ thể “bốc hỏa” nên trẻ bị ho cần kiêng ăn để nhanh khỏi bệnh.
- Đồ ăn nhanh, đồ ăn đặc sánh: Vì những món ăn này có thể dễ gây nghẹn như sốt khoai, sốt chứa bột năng, bột đao, lòng đỏ trứng…
- Đậu phộng, chocolate: Hai loại thực phẩm này có thể làm tăng lượng đờm trong cổ họng và gây ra sự khó chịu. Do đó, mẹ cần đưa đậu phộng và chocolate vào “danh sách đen” nếu trẻ bị ho thường xuyên.
- Đồ uống lạnh, nước ngọt có ga: Các loại thức uống này có thể kích thích cổ họng khiến bé đau họng và ho nhiều hơn nên ba mẹ cần giúp con tránh xa. Thay vào đó, bạn nên cho bé uống nước lọc hoặc nước ép trái cây không đá để bổ sung đủ chất lỏng.
Như vậy, nếu bạn chế biến đồ ăn dặm cho trẻ ăn trong lúc bị ho, hãy chú ý tránh kết hợp cùng những thực phẩm có thể khiến tình trạng ho trở nên nặng hơn như các loại hải sản, đậu phộng… Ví dụ, trẻ bị ho không nên ăn cháo tôm, cháo cua.
6. Trẻ bị ho nên ăn gì? Có ăn thịt gà được không?
Nhìn chung, trẻ bị ho nên ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, không cần phải cắt bỏ hoàn toàn thực phẩm nào. Tốt nhất, ba mẹ nên ưu tiên cho trẻ ăn những món ở dạng lỏng như cháo, súp để trẻ dễ nuốt, dễ tiêu, mùi vị dễ chịu.
Quan niệm dân gian thường cho rằng trẻ bị ho không nên ăn thịt gà vì thịt gà có tính phong ngứa và đẩy nhanh quá trình hình thành đờm, khiến bé bị ngứa cổ và ho nhiều hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhi khoa, tình trạng ho ở trẻ không liên quan đến thịt gà mà là phản xạ tự nhiên của cơ thể để bảo vệ hệ hô hấp trước các tác nhân có hại như virus, vi khuẩn, nấm mốc hay dị vật đường hô hấp… Thậm chí, việc cho bé kiêng thịt gà khi ho, nhất là trong thời gian dài còn có thể khiến sức đề kháng của trẻ bị giảm sút do thiếu chất. Từ đó có thể khiến cơn ho kéo dài dai dẳng hơn.
Tuy nhiên, trường hợp những trẻ có tiền căn dị ứng thịt gà trước đó, thì mẹ sẽ cần phải kiêng cho bé trong thời gian này vì có thể làm bé ho nhiều hơn do phản ứng dị ứng của cơ thể.
7. Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho có dùng kháng sinh được không?
Hầu hết trường hợp bác sĩ sẽ không kê đơn thuốc kháng sinh cho trẻ khi các bé chỉ bị ho, sổ mũi, đau họng… Nguyên nhân là vì thuốc kháng sinh chỉ có hiệu quả chống lại vi khuẩn và không có tác dụng đối với virus.
Trong khi đó, phần lớn các bệnh hô hấp ở trẻ do virus gây ra, bao gồm một số bệnh phổ biến như:
- Cảm lạnh, cảm cúm thông thường.
- Viêm phế quản ở trẻ em với những triệu chứng như ho, thở khò khè… cũng là do virus gây ra.
- Viêm xoang, một tình trạng viêm niêm mạc mũi và các xoang cũng do virus gây ra.
- Nhiễm trùng tai ở trẻ cũng thường tự khỏi mà không cần dùng kháng sinh.
Ngoài ra, khi trẻ bị sổ mũi, có dịch nhầy màu vàng hoặc xanh trong mũi cũng không có nghĩa là bé bị nhiễm khuẩn. Hơn nữa, triệu chứng này thường chỉ kéo dài trong khoảng 7-10 ngày và thường không cần dùng đến thuốc kháng sinh.
8. Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh ho nhiều về đêm nhưng không sốt là do đâu?
Những nguyên nhân có thể khiến trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt là:
- Cảm lạnh
- Hen suyễn
- Dị ứng
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Hội chứng chảy dịch mũi sau
- Hậu nhiễm trùng đường hô hấp
- Dị vật mắc kẹt trong đường thở
- Căng thẳng hoặc lo sợ điều gì đó trước khi ngủ
Nhìn chung, hầu hết các trường hợp trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt thường hiếm khi là biểu hiện của một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ cơn ho liên quan đến các bệnh lý như hen suyễn, ho gà… bạn nên đưa bé đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
9. Cách chưng lê trị ho cho bé là như thế nào?
Nếu bạn muốn chưng lê trị ho cho bé, hãy thử các cách chưng lê cùng với các nguyên liệu tốt cho sức khỏe khác như:
- Lê hầm kỷ tử, táo tàu, đường phèn đơn giản
- Lê chưng đường phèn, kỷ tử trị ho
- Lê chưng mật ong
- Lê chưng với gừng và mật ong
Cách chưng lê trị ho cho bé khá đơn giản. Sau khi rửa sạch hết tất cả nguyên liệu, cắt nhỏ từng miếng thì bạn cho lê cùng các nguyên liệu muốn phối hợp cùng vào tô thủy tinh rồi đem chưng trong xửng hấp hoặc nồi nước trong khoảng 15 – 40 phút. Cuối cùng, bạn lấy lê chưng ra để nguội rồi cho bé ăn từng miếng nhỏ và uống nước để giảm ho, đau họng.
Lưu ý, khi kết hợp lê với gừng hay mật ong thì mẹ không nên dùng cho bé dưới 1 tuổi vì có thể dẫn đến dị ứng mật ong, thậm chí là ngộ độc. Khi cho bé dùng gừng, mẹ cũng cần để ý đến liệu lượng, tránh cho quá nhiều dẫn đến cay nồng khiến bé không dùng được.
10. Trẻ bị ho khan, phải làm sao?
Khi trẻ lớn bị ho khan, các mẹ có thể sử dụng những nguyên liệu hay vật dụng cơ bản trong gia đình nhằm xoa dịu cơn ho của trẻ như sau:
- Cho trẻ uống đủ nước
- Bổ sung tỏi vào các món ăn của trẻ
- Sử dụng thuốc trị ho và một số tinh dầu thiên nhiên
- Giữ độ ẩm cho mũi, họng của trẻ
- Cho trẻ ngậm 1 thìa cà phê mật ong
Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi bị khó thở, ho ra máu hoặc bị sốt, bạn nên đưa bé đến khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
[embed-health-tool-vaccination-tool]