backup og meta

Trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt: Nguyên nhân và cách khắc phục

Trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt: Nguyên nhân và cách khắc phục

Cơn ho của trẻ mang nhiều tín hiệu khác nhau. Có khi, trẻ bị ho chỉ là do kích ứng cổ họng, nhưng đôi khi, cơn ho cũng là dấu hiệu cảnh báo một bệnh nguy hiểm. Vậy, trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt có phải là biểu hiện của vấn đề sức khỏe nào đó hay không?

Các bậc cha mẹ thường cảm thấy lo lắng mỗi khi thấy trẻ ho nhiều về đêm, kẻ cả khi bé ho nhiều về đêm nhưng không sốt. Để hiểu rõ về tình trạng này, mời bạn tham khảo bài viết tổng hợp thông tin dưới đây của Hello Bacsi.

Điểm mặt 8 nguyên nhân khiến trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt

1. Cảm lạnh

Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt là do cảm lạnh thông thường. Cơn ho có thể từ nhẹ đến trung bình và thường trở nặng vào ban đêm. Điều này là do chất nhầy từ mũi và xoang chảy xuống cổ họng và gây ho khi bé ngủ.

Ngoài ho, cảm lạnh còn có thể khiến trẻ gặp phải các triệu chứng như:

Đôi khi, trẻ bị cảm lạnh có thể phát sốt nhẹ, nhưng triệu chứng này thường không phổ biến.

2. Hen suyễn

Bệnh hen suyễn không được chẩn đoán hoặc không kiểm soát được có thể dẫn đến triệu chứng ho mà không sốt. Hen suyễn cũng có thể gây ho về đêm vì đường hô hấp có xu hướng nhạy cảm hơn vào ban đêm và có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé.

Nếu trẻ bị hen suyễn, bé có thể có những biểu hiện như:

  • Ho và thở khò khè
  • Hụt hơi
  • Tức ngực, đau ngực
  • Hơi thở nông, nhanh.

Các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn khi bé hít phải khói, phấn hoa hoặc các tác nhân gây kích ứng khác. Nếu bạn nghi ngờ trẻ bị hen suyễn, hãy đưa bé đi khám càng sớm càng tốt để có thể điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

3. Trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt do bị dị ứng

Trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt do dị ứng

Nếu dị ứng là lý do khiến trẻ bị ho nhiều nhưng không sốt, các triệu chứng có thể xảy ra ở những thời điểm nhất định trong năm hoặc xảy ra khi bé tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. 

Khi bé hít phải các tác nhân gây dị ứng, vùng mũi – cổ họng có thể bị kích thích. Hơn nữa, dị ứng cũng có thể gây chảy nước mũi sau, khiến đường thở càng bị kích ứng hơn. Ngoài ra, trẻ bị dị ứng còn có những dấu hiệu như:

  • Nghẹt mũi
  • Sổ mũi
  • Ngứa mắt
  • Hắt hơi
  • Mệt mỏi.

4. Trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) được xem là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt. Đây là tình trạng axit và các chất khác từ dạ dày thường xuyên trào ngược lên thực quản (ống nối giữa miệng và dạ dày). Trào ngược axit có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản dẫn đến cơn ho đột ngột. Tình trạng ho có thể trở nên rõ rệt, thường xuyên hơn về đêm khi trẻ nằm ngủ. Các triệu chứng khác ở trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản là:

  • Ợ nóng
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Hơi thở có mùi hôi
  • Men răng bị mòn 
  • Đau ngực hoặc đau vùng bụng trên
  • Khó nuốt, đau khi nuốt.

5. Hội chứng chảy dịch mũi sau khiến trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt

Trong cơ thể, chất nhầy bao phủ đường thở, giúp ngăn chặn các chất kích thích đi sâu vào hệ hô hấp, từ đó loại bỏ các tác nhân gây bệnh, phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu trẻ gặp một số vấn đề sức khỏe như dị ứng hoặc nhiễm trùng có thể khiến chất nhầy tích tụ nhiều hơn.

Việc chất nhầy dư thừa tích tụ ở phía sau xoang và chảy xuống cổ họng được gọi là hội chứng chảy dịch mũi sau. Tình trạng này có thể gây kích ứng cổ họng dẫn đến triệu chứng ho.

Cơn ho thường trở nặng vào ban đêm khi trẻ nằm ngủ. Do đó, cha mẹ sẽ nhận thấy trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tình trạng chảy dịch mũi sau thường không liên quan đến tình trạng ho nặng và thở khò khè. Bé ho nhiều nhưng không sốt do chảy dịch mũi sau có thể có những triệu chứng khác như:

6. Hậu nhiễm trùng đường hô hấp

Trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt

Trong một số trường hợp, trẻ có thể bị ho mà không sốt sau khi đã hoàn toàn khỏi bệnh nhiễm trùng. Điều này là do tình trạng viêm làm tăng sản xuất chất nhầy cũng như tổn thương đường hô hấp trên và dưới, vì vậy mà có thể gây ho sau khi hết bệnh. Hơn nữa, sau khi bị nhiễm trùng, đường hô hấp trở nên đặc biệt nhạy cảm với mọi thứ từ không khí lạnh đến bụi.

Dưới đây là các tình trạng nhiễm trùng có thể khiến trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt sau khi đã khỏi bệnh:

  • Viêm phế quản: Viêm phế quản thường gây ho có đờm cùng với sốt nhẹ và cơn ho có thể kéo dài vài tuần sau khi hết sốt.
  • Ho gà: Ho gà có thể gây ra những cơn ho dữ dội khiến trẻ thở hổn hển. Bệnh cũng có thể gây sốt nhẹ, nhưng cơn sốt thường chấm dứt rất lâu trước khi cơn ho biến mất. Trẻ bị ho gà có thể ho kéo dài trong 10 tuần hoặc hơn.
  • Bệnh viêm thanh khí phế quản cấp  (Bệnh Croup): Đây là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây sưng khí quản. Các triệu chứng ban đầu của bệnh có thể bao gồm sốt. Khi bệnh tiến triển, cơn sốt có thể giảm bớt nhưng triệu chứng ho như tiếng chó “sủa” và khàn giọng có thể xuất hiện.

7. Dị vật mắc kẹt trong đường thở

Ở trẻ nhỏ, tình trạng ho nhiều về đêm nhưng không sốt có thể là do dị vật bị kẹt trong đường thở của bé. Tính tò mò, ham trải nghiệm, cảm giác khó chịu khi mọc răng… có thể thôi thúc bé đưa một số vật nhỏ vào mũi miệng và vô tình để dị vật mắc kẹt lại.

Tình trạng dị vật bị mắc kẹt trong đường thở có thể gây kích ứng niêm mạc họng và dẫn đến ho. Hơn nữa, cơn ho cũng là cơ chế tự nhiên của cơ thể để cố gắng đẩy dị vật ra ngoài.

8. Căng thẳng hoặc lo lắng

Trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt do căng thẳng

Một số trẻ thường ho húng hắng hoặc hắng giọng khi căng thẳng. Do đó, nếu bạn thấy trẻ ho nhiều nhưng không sốt, đó có thể là một thói quen mỗi khi bé cảm thấy lo lắng. Nếu cơn ho xuất hiện nhiều vào ban đêm, có thể là bé cảm thấy sợ một điều gì đó khi đi ngủ.

Trong trường hợp này, bạn nên trấn an bé và làm cho con không tập trung vào cơn ho. Việc trò chuyện với con sẽ giúp bạn biết được nguyên nhân gây căng thẳng cho bé, từ đó có biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt có nguy hiểm không?

Tình trạng bị ho nhưng không sốt có nguy hiểm hay không còn tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tác nhân gây ra vấn đề này. Nếu trẻ ho do dị ứng, căng thẳng… thì cha mẹ không nên quá lo lắng. Chỉ cần loại bỏ dị nguyên và nỗi lo trong lòng trẻ là có thể khắc phục được tình trạng này.

Nhìn chung, trong hầu hết các trường hợp, trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt thường hiếm khi là biểu hiện của một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ cơn ho của trẻ có liên quan đến các bệnh lý như hen suyễn, ho gà… bạn nên đưa bé đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt phải làm sao?

Tùy thuộc vào nguyên nhân khiến trẻ bị ho nhưng không sốt mà có những biện pháp xử lý khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, các trường hợp ho mà không sốt có thể được cải thiện bằng những phương pháp sau:

1. Cho trẻ dùng thuốc trị ho không kê đơn

Trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt

Một số siro trị ho không kê đơn và viên ngậm trị ho cho trẻ em có thể giúp giảm bớt cơn ho khó chịu. Những sản phẩm này thường được làm từ thành phần thiên nhiên, giúp long đờm, giảm ho ngứa cổ họng.

Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý không lạm dụng siro ho cho bé. Đồng thời, bạn cũng không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc ho để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

2. Áp dụng các biện pháp chữa ho nhiều về đêm nhưng không sốt tại nhà cho trẻ

Các cơn ho cấp tính đôi khi có thể được cải thiện bằng những biện pháp tại nhà, chẳng hạn như:

  • Sử dụng máy tạo độ ẩm để giữ ẩm không khí
  • Vệ sinh mũi cho trẻ thường xuyên bằng nước muối sinh lý để hạn chế tích tụ chất nhầy
  • Cho trẻ tắm hoặc hít thở hơi nước ấm để giảm bớt nghẹt mũi, giúp đường thở thông thoáng
  • Giữ ấm cơ thể cho bé, nhất là vào những ngày mưa hoặc thời tiết trở lạnh hoặc thời điểm giao mùa
  • Không để gió từ quạt và máy lạnh thổi thẳng vào mặt bé
  • Cho bé uống nhiều nước lọc, nước trà ấm với mật ong, chanh đào mật ong… để làm dịu cảm giác kích ứng cổ họng
  • Đảm bảo bé được nghỉ ngơi nhiều để cơ thể có đủ sức chống lại nhiễm trùng
  • Với những trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt do trào ngược dạ dày thực quản, bạn không nên cho bé ăn sát giờ ngủ. Hãy đảm bảo bữa ăn cuối trong ngày của con cách giờ đi ngủ ít nhất 3 giờ. Ngoài ra, các bé cũng nên tránh ăn quá no, ăn thức ăn nhiều dầu mỡ và thực phẩm chua, cay.
  • Vệ sinh không gian sống của bé để phòng ngừa các dị nguyên như khói bụi, lông thú cưng, phấn hoa, mạt bụi…

Trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt: Khi nào cần đi khám?

Trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt

Thực tế tình trạng ho nhiều về đêm nhưng không sốt thường không gây nhiều nguy hiểm cho trẻ. Thế nhưng vẫn có một số trường hợp cha mẹ cần lưu ý đưa con đi khám ngay tại các cơ sở y tế, chẳng hạn như:

  • Cơn ho kéo dài hơn 4 tuần
  • Ho ngày càng trầm trọng hơn
  • Lượng chất nhầy tăng 
  • Trẻ có các triệu chứng bất thường kèm cơn ho như:
    • Thở khò khè
    • Khó thở
    • Hụt hơi
    • Đau ngực
    • Ho có đờm, dịch đờm có thể lẫn máu hoặc hơi hồng
    • Ho về đêm dẫn đến mất ngủ
    • Ho gây khàn giọng
    • Tím tái môi, đầu ngón tay, ngón chân
    • Chất nhầy có kèm máu sẫm màu hoặc dính thức ăn hay vật gì đó trông như bã cà phê
    • Sốt cao.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về tình trạng trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt. Việc tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây ho nhưng không sốt có thể giúp bạn có biện pháp điều trị phù hợp cho bé, từ đó giúp bệnh nhanh khỏi.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Coughing (for Parents) – Nemours KidsHealth https://kidshealth.org/en/parents/childs-cough.html Ngày truy cập: 07/12/2023

Coughs and colds in children – treatment, prevention, causes | healthdirect https://www.healthdirect.gov.au/coughs-and-colds-in-children Ngày truy cập: 07/12/2023

Colds, coughs and ear infections in children – NHS https://www.nhs.uk/conditions/baby/health/colds-coughs-and-ear-infections-in-children/ Ngày truy cập: 07/12/2023

Cough in babies, children & teens https://raisingchildren.net.au/guides/a-z-health-reference/cough Ngày truy cập: 07/12/2023

Cough in children https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24507905/ Ngày truy cập: 07/12/2023

Cough but no fever: Causes, treatments, and home remedies https://www.medicalnewstoday.com/articles/cough-but-no-fever Ngày truy cập: 07/12/2023

5 reasons why you have a dry cough but no fever https://www.insider.com/guides/health/conditions-symptoms/dry-cough-no-fever Ngày truy cập: 07/12/2023

Common causes for a dry cough but not fever – My Pharmacy https://www.mypharmacy.co.uk/reasons-for-a-dry-cough/ Ngày truy cập: 07/12/2023

Phiên bản hiện tại

20/12/2023

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 20/12/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo