backup og meta

Các mốc phát triển của trẻ sinh non: Nắm rõ để chăm sóc trẻ tốt hơn!

Các mốc phát triển của trẻ sinh non: Nắm rõ để chăm sóc trẻ tốt hơn!

Bé sinh thiếu tháng thường có tốc độ phát triển chậm hơn nên sẽ cần nhiều sự hỗ trợ từ ba mẹ để có thể bắt kịp bạn bè. Vậy nên, bạn cần nắm rõ các mốc phát triển của trẻ sinh non để có cách chăm sóc bé phù hợp nhất!

Khi hiểu rõ các mốc phát triển của trẻ sinh non, ba mẹ sẽ kịp thời hỗ trợ nếu bé có dấu hiệu chậm phát triển so với độ tuổi. Được vậy, con yêu sẽ lớn lên khỏe mạnh cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ không thua gì các bạn đồng trang lứa.

Tuổi của trẻ sinh non được tính như thế nào? 

Việc nắm rõ độ tuổi của bé là cơ sở để ba mẹ biết con yêu sắp đạt mốc phát triển nào, tốc độ phát triển có tốt hay không và từ đó điều chỉnh cách chăm sóc cho phù hợp. Thế nhưng với trẻ sinh non, bạn sẽ cần hiệu chỉnh độ tuổi của bé để có đánh giá chính xác hơn.

Để có căn cứ đánh giá tốc độ phát triển của trẻ sinh non, bạn cần tính tuổi hiệu chỉnh của bé bằng cách lấy tuổi thực tế (tuổi tính từ lúc bé ra đời) trừ số tuần bé sinh non. Ví dụ, bé đã ra đời được 8 tuần (2 tháng tuổi) nhưng sinh non 4 tuần thì tuổi hiệu chuẩn sẽ là 4 tuần (khoảng 1 tháng tuổi). 

Chiều cao và cân nặng chuẩn của trẻ sinh non 

chiều cao cân nặng của trẻ sinh non

Cân nặng, chiều cao và chu vi vòng đầu của mỗi trẻ sinh non sẽ khác biệt tùy thuộc vào tuần thai khi sinh và sức khỏe tổng thể của bé. Tuy nhiên, ba mẹ có thể tham khảo bảng chiều cao, cân nặng và chu vi vòng đầu trung bình cho trẻ sinh non sau: 

Với bé trai: 

Tuổi thai tính theo tuần Cân nặng (kg)  Chiều cao (cm) Chu vi vòng đầu (cm)
24 0,65 31 22
26 0,83 34 23,5
28 1,1 36,5 25,8
30 1,4 39 27,5
32 1,8 42 29,5
34 2,25 44,9 31
36 2,7 47 32,8
38 3,2 49,5 34
40 3,6 51 35

Với bé gái: 

Tuổi thai tính theo tuần Cân nặng (kg)  Chiều cao (cm) Chu vi vòng đầu (cm)
24 0.6 30 21,1
26 0,8 33 23
28 1 35,6 25
30 1,3 38,5 27
32 1,7 41,1 29
34 2,1 44 30,5
36 2,6 46,5 32,1
38 3,1 48,5 33,5
40 3,4 50,5 34,9

Cần nhớ

Mỗi trẻ đều có tốc độ phát triển khác nhau và cũng có nhiều yếu tố tác động đến quá trình phát triển của bé. Vậy nên, bảng cân nặng, chiều cao và chu vi vòng đầu trung bình trên chỉ là số liệu tham khảo chứ không phải tiêu chuẩn để so sánh, đánh giá. Để biết bé có phát triển tốt hay không, bạn cần dựa vào đánh giá của bác sĩ.

Các mốc phát triển của trẻ sinh non từ 1 tháng đến 6 tuổi 

Với trẻ sinh non, ba mẹ cần sử dụng tuổi điều chỉnh của trẻ khi theo dõi quá trình phát triển cho đến khi trẻ được 2 tuổi.

1. Các mốc phát triển của trẻ sinh non 1 tháng tuổi (4 tuần)

Các kỹ năng bé sẽ học được khi đạt mốc 1 tháng tuổi theo tuổi hiệu chuẩn là:

Mốc phát triển kỹ năng xã hội

  • Nhìn ba mẹ, dõi mắt theo ba mẹ 
  • Có các hành động giúp bản thân thoải mái hơn, chẳng hạn như đưa tay lên miệng 
  • Tỏ ra khó chịu khi buồn chán và vui vẻ hơn khi có người bế hay nói chuyện với bé 
  • Nhìn lướt qua các đồ vật

Mốc phát triển kỹ năng ngôn ngữ

  • Tạo được những âm nguyên âm ngắn 
  • Có phản ứng khi nghe âm thanh bất ngờ  
  • Im lặng hoặc quay đầu tìm kiếm khi nghe giọng ba mẹ
  • Có dấu hiệu nhạy cảm với môi trường (chẳng hạn như khóc nhiều, run rẩy hoặc giật mình quá mức) hoặc cần hỗ trợ thêm để xử lý các hoạt động sinh hoạt thường ngày 
  • Có kiểu khóc khác nhau khi đói hay mệt

Mốc phát triển kỹ năng vận động 

  • Cử động cả hai tay và hai chân cùng lúc 
  • Nâng cằm lên khi nằm sấp 
  • Mở nhẹ các ngón tay khi nằm nghỉ

2. Các mốc phát triển của trẻ sinh non 2 tháng tuổi (8 tuần

Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi sẽ có những mốc phát triển như sau: 

Mốc phát triển kỹ năng xã hội 

  • Mỉm cười khi được tương tác
  • Phát ra âm thanh thể hiện sự vui vẻ hay buồn bã

Mốc phát triển kỹ năng ngôn ngữ 

  • Bập bẹ những âm ngắn

Mốc phát triển kỹ năng vận động 

  • Mở và nắm tay
  • Đưa tay lại gần nhau trong thời gian ngắn
  • Nâng đầu và phần ngực lên khi nằm sấp
  • Giữ đầu ổn định khi được đỡ ngồi

3. Các mốc phát triển của trẻ sinh non 4 tháng tuổi (16 tuần)

trẻ sinh non được 4 tháng tuổi

Trẻ 4 tháng tuổi sẽ có những mốc phát triển sau:

Mốc phát triển kỹ năng xã hội

  • Cười thành tiếng
  • Tìm kiếm ba mẹ/người chăm sóc khi buồn chán

Mốc phát triển kỹ năng ngôn ngữ

  • Phát triển giọng nói
  • Bập bẹ những âm dài

Mốc phát triển kỹ năng vận động 

  • Tự đỡ người bằng khuỷu tay và cổ tay khi nằm sấp
  • Lật từ tư thế nằm sấp sang nằm ngửa
  • Giữ tay ở tư thế mở
  • Có thể nắm hai tay lại với nhau
  • Cầm nắm đồ vật

4. Các mốc phát triển của trẻ sinh non 6 tháng tuổi (24 tuần

Các mốc phát triển của trẻ sinh non khi được 6 tháng tuổi là:

Mốc phát triển kỹ năng xã hội

  • Chạm tay hoặc mỉm cười khi thấy hình ảnh phản chiếu của mình
  • Ngoái nhìn khi có người gọi tên

Mốc phát triển kỹ năng ngôn ngữ

  • Bập bẹ những âm như “da”, “ga”, “ba” hay “ka”

Mốc phát triển kỹ năng vận động

  • Ngồi trong khoảng thời gian ngắn mà không cần đỡ
  • Lật từ tư thế nằm sấp sang nằm ngửa 
  • Truyền đồ chơi từ tay này sang tay kia 
  • Nhặt các đồ vật nhỏ bằng 4 ngón tay 
  • Đập đồ vật nhỏ vào các bề mặt xung quanh. 

5. Các mốc phát triển của trẻ sinh non 9 tháng tuổi (36 tuần)

trẻ sinh non được 9 tháng tuổi

9 tháng tuổi, bé sẽ có các mốc phát triển như sau: 

Mốc phát triển kỹ năng xã hội

  • Biết dùng các cử chỉ cơ bản (chẳng hạn như giơ tay ra khi muốn được bế hoặc vẫy tay khi tạm biệt)
  • Tìm đồ vật bị rơi
  • Chơi các trò chơi như ú òa và đập tay với người khác
  • Luôn ngoái nhìn khi có người gọi tên

Mốc phát triển kỹ năng ngôn ngữ

  • Nói “ba” hoặc “mẹ” chung chung
  • Nhìn quanh khi nghe những câu hỏi như “Bình sữa của con đâu rồi?” hay “Chăn của con đâu rồi?”
  • Bắt chước âm thanh mà ba mẹ hoặc người chăm sóc tạo ra… 

Mốc phát triển kỹ năng vận động

  • Ngồi vững mà không cần người khác hỗ trợ 
  • Bám và đu người để đứng dậy
  • Chuyển dễ dàng từ tư thế ngồi sang nằm và ngược lại
  • Bò bằng tay và đầu gối
  • Cầm thức ăn lên để ăn
  • Nhặt các đồ vật nhỏ bằng 3 ngón tay và ngón cái
  • Thả đồ vật có chủ ý
  • Đập các đồ vật vào nhau… 

6. Các mốc phát triển của trẻ sinh non 12 tháng tuổi (48 tuần hay 1 năm) 

Khi được 1 tuổi, bé sẽ có các mốc phát triển như sau: 

Mốc phát triển kỹ năng xã hội

  • Tìm kiếm đồ vật bị giấu
  • Bắt chước các cử chỉ mới

Mốc phát triển kỹ năng ngôn ngữ

  • Gọi “ba” hay “mẹ” một cách cụ thể
  • Sử dụng từ khác ngoài “mẹ”, “ba” hoặc dùng tên riêng 
  • Làm theo các hướng dẫn kèm minh họa bằng cử chỉ, chẳng hạn như khi ba mẹ chỉ tay vào một món đồ và nói “Đưa (đồ vật) cho ba/mẹ nào!”.

Mốc phát triển kỹ năng vận động

  • Bắt đầu tập đi
  • Có thể đứng mà không người cần đỡ
  • Thả đồ vật vào trong cốc
  • Nhặt đồ vật nhỏ bằng 1 ngón tay và ngón cái
  • Cầm thức ăn lên để ăn… 

7. Các mốc phát triển của trẻ sinh non 15 tháng tuổi (60 tuần hay 1 năm 3 tháng)

các mốc phát triển của trẻ sinh non 15 tháng tuổi

Các mốc phát triển của trẻ sinh non khi được 15 tháng tuổi như sau: 

Mốc phát triển kỹ năng xã hội

  • Bắt chước thao tác vẽ nguệch ngoạc
  • Cầm cốc để uống nước mà không làm đổ nhiều
  • Chỉ tay để thể hiện câu hỏi hoặc nhờ giúp đỡ
  • Nhìn xung quanh khi nghe những câu hỏi như “Trái bóng của con đâu?” hoặc “Chăn của con đâu?”

Mốc phát triển kỹ năng ngôn ngữ

  • Nói được câu 3 từ (không tính trường hợp bé gọi tên người khác)
  • Nói được một câu, dù phát âm chưa rõ ràng
  • Làm theo các hướng dẫn không kèm minh họa bằng cử chỉ. 

Mốc phát triển kỹ năng vận động

  • Ngồi xổm để nhặt đồ vật
  • Bò lên cầu thang
  • Chạy
  • Cầm bút để vẽ
  • Thả đồ vật vào cốc và lấy đồ ra khỏi cốc

8. Các mốc phát triển của trẻ sinh non 18 tháng tuổi (72 tuần hoặc 1 tuổi rưỡi)

Trẻ sinh non 18 tháng tuổi sẽ có một số mốc phát triển như sau: 

Mốc phát triển kỹ năng xã hội

  • Tham gia chơi cùng người khác
  • Bắt đầu tập tự mặc đồ và cởi đồ
  • Chỉ vào hình trong sách hoặc đồ vật mình thích để ba mẹ chú ý
  • Quay sang nhìn người lớn nếu có điều gì mới xảy ra
  • Bắt đầu học cách múc bằng muỗng
  • Dùng lời nói để nhờ giúp đỡ… 

Mốc phát triển kỹ năng ngôn ngữ

  • Xác định được ít nhất 2 bộ phận cơ thể
  • Gọi tên được ít nhất 5 đồ vật quen thuộc

Mốc phát triển kỹ năng vận động

  • Bước lên cầu thang khi có người nắm tay
  • Ngồi được trên ghế nhỏ
  • Cầm đồ chơi trong khi bước đi
  • Vẽ nguệch ngoạc theo ý thích
  • Ném quả bóng nhỏ ra xa vài mét khi đang đứng

9. Các mốc phát triển của trẻ sinh non 24 tháng tuổi (2 tuổi)

trẻ sinh non 24 tháng tuổi

Khi được 2 tuổi, bé sẽ có một số mốc phát triển như sau:

Mốc phát triển kỹ năng xã hội

Mốc phát triển kỹ năng ngôn ngữ

  • Sử dụng được ít nhất 50 từ
  • Kết hợp 2 từ thành cụm từ hoặc câu ngắn
  • Làm theo hướng dẫn có 2 phần
  • Gọi tên được ít nhất 5 bộ phận cơ thể
  • Câu nói rõ nghĩa hơn (người lạ có thể hiểu được khoảng 50% câu của bé)

Mốc phát triển kỹ năng vận động

  • Biết đá bóng
  • Biết nhún hai chân để nhảy lên cao
  • Biết phối hợp tay chân để chạy
  • Trèo lên thang dây ở khu trò chơi
  • Xếp chồng đồ vật lên nhau
  • Lật trang sách
  • Dùng tay để xoay các đồ vật như núm vặn, đồ chơi hoặc nắp
  • Vẽ được đường thẳng

10. Các mốc phát triển của trẻ sinh non 2 tuổi rưỡi 

Bé sinh non 2 tuổi rưỡi thường sẽ có các mốc phát triển như sau: 

Mốc phát triển kỹ năng xã hội

  • Đi vệ sinh trong bô hoặc biết dùng nhà vệ sinh
  • Dùng nĩa để xiên thức ăn
  • Rửa và lau khô tay
  • Chơi các trò chơi nhập vai nhiều hơn
  • Thu hút sự chú ý của ba mẹ xem bằng câu nói hoàn chỉnh

Mốc phát triển kỹ năng ngôn ngữ

  • Biết cách sử dụng đại từ chính xác

Mốc phát triển kỹ năng vận động

  • Leo cầu thang bằng cách bước từng chân
  • Chạy thành thạo mà không bị ngã
  • Bắt chước để vẽ được đường thẳng đứng
  • Cầm bút màu bằng ngón khác thay vì cầm bằng cả nắm tay
  • Bắt được quả bóng lớn

11. Các mốc phát triển của trẻ sinh non 3 tuổi 

Khi được 3 tuổi, bé sẽ học thêm được các kỹ năng như sau: 

Mốc phát triển kỹ năng xã hội

  • Tự vào nhà vệ sinh và tự đi tiểu tiện
  • Tự mặc áo mà không cần giúp đỡ
  • Tự ăn mà không cần giúp đỡ
  • Chơi trò chơi nhập vai
  • Hòa thuận với người khác và biết chia sẻ. 

Mốc phát triển kỹ năng ngôn ngữ

  • Sử dụng câu 3 từ
  • Câu nói rõ nghĩa đến mức người lạ có thể hiểu được 75%
  • Kể lại một câu chuyện trong sách hoặc được xem trên tivi 
  • So sánh đồ vật bằng các từ như “to hơn” hoặc “ngắn hơn”
  • Hiểu các từ như “bên trên” hoặc “bên dưới”… 

Mốc phát triển kỹ năng vận động

  • Biết đi xe đạp ba bánh
  • Trèo lên và trèo xuống ghế
  • Nhảy về phía trước
  • Vẽ một vòng tròn
  • Vẽ hình người với đầu và 1 bộ phận cơ thể khác
  • Cắt bằng kéo dành cho trẻ em…

12. Các mốc phát triển của trẻ sinh non 4 tuổi

trẻ sinh non được 4 tuổi

Bé sinh non 4 tuổi cần đạt được các mốc phát triển như sau: 

Mốc phát triển kỹ năng xã hội

  • Tự vào nhà vệ sinh và tự đi đại tiện 
  • Đánh răng 
  • Tự mặc và cởi đồ mà không cần nhiều sự hỗ trợ 
  • Chơi trò chơi nhập vai có câu chuyện chặt chẽ… 

Mốc phát triển kỹ năng ngôn ngữ

  • Trả lời các câu hỏi như “Con làm gì khi lạnh?” hay “Con làm gì khi buồn ngủ?” 
  • Sử dụng câu 4 từ 
  • Câu nói rõ nghĩa đến mức người lạ có thể hiểu được 100% 
  • Vẽ những hình ảnh người khác có thể nhận ra 
  • Tuân theo các quy tắc đơn giản trong một số trò chơi 
  • Kể lại cho ba mẹ nghe một câu chuyện trong sách

Mốc phát triển kỹ năng vận động

  • Nhảy lò cò bằng một chân
  • Leo cầu thang bằng cách bước từng chân mà không cần hỗ trợ
  • Vẽ hình người có ít nhất 3 bộ phận cơ thể
  • Vẽ hình chữ thập đơn giản
  • Tháo và cài nút áo cỡ trung bình
  • Cầm bút chì bằng ngón khác thay vì cầm bằng cả nắm tay

13. Các mốc phát triển của trẻ sinh non 5-6 tuổi 

Trong độ tuổi từ 5-6, bé sẽ có các mốc phát triển sau: 

Mốc phát triển kỹ năng xã hội

  • Làm theo các hướng dẫn đơn giản
  • Tự mặc quần áo mà không cần hỗ trợ nhiều

Mốc phát triển kỹ năng ngôn ngữ

  • Có kỹ năng ngôn ngữ tốt
  • Có thể đếm đến 10
  • Xác định được 4 màu trở lên

Mốc phát triển kỹ năng vận động

  • Đứng thăng bằng trên một chân
  • Nhảy lò cò
  • Có thể thắt dây thành nút
  • Vẽ hình người có ít nhất 6 bộ phận cơ thể
  • Viết một vài chữ cái và số
  • Bắt chước để vẽ được hình vuông và hình tam giác. 

Thắc mắc thường gặp về các mốc phát triển của trẻ sinh non

các mốc phát triển của trẻ sinh non 15 tháng tuổi

Mỗi bé sẽ có thể trạng và tốc độ phát triển riêng nên chắc hẳn ba mẹ sẽ có nhiều băn khoăn trong hành trình theo dõi mốc phát triển của con.

1. Trẻ sinh non mấy tháng biết lật? 

Trẻ sinh non thường sẽ biết lật khi được 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của mỗi bé là khác nhau nên ba mẹ cần kiên nhẫn chờ đợi thêm một khoảng thời gian ngắn nếu bé chưa biết lật khi được 4 tháng tuổi. Trong thời gian chờ đợi và theo dõi, bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn một số bài tập dành cho trẻ sơ sinh giúp cổ cứng cáp hơn để hỗ trợ bé.

2. Trẻ sinh non mấy tháng biết ngồi, bò và đi? 

Các mốc phát triển kỹ năng ngồi, bò và đi của trẻ sinh non là:

3. Trẻ sinh non mấy tháng mọc răng? 

Thông thường, trẻ sinh đủ tháng sẽ bắt đầu mọc răng từ khoảng 6 đến 9 tháng tuổi. Trẻ sinh non có thể sẽ mọc răng chậm hơn vài tháng, thường là từ 8 đến 12 tháng tuổi.

4. Trẻ sinh non mấy tháng cho ăn dặm? 

Thời điểm thích hợp để bắt đầu tập ăn dặm cho bé sinh non thường là khoảng 6 tháng tuổi tính từ ngày dự sinh. Tuy nhiên, thời gian này có thể giao động ở mỗi trẻ. Để biết chính xác thời điểm có thể cho bé ăn dặm, bạn có thể quan sát các dấu hiệu cho thấy con đã sẵn sàng ăn dặm như:

  • Có thể ngồi vững mà không cần hoặc cần rất ít sự hỗ trợ
  • Có thể giữ đầu ổn định
  • Đưa tay hoặc đồ chơi vào miệng
  • Hướng mắt và miệng về phía muỗng có thức ăn.

5. Trẻ sinh non 1 tháng tăng bao nhiêu kg là chuẩn? 

Tốc độ tăng cân ở mỗi bé rất khác nhau tùy theo tuổi thai và tình trạng sức khỏe. Trẻ sinh non được 24 tuần thai (sinh sau tuần thứ 24 của thai kỳ) có thể tăng 5 gram mỗi ngày. Trẻ sinh ở tuần thứ 33 trở đi có thể tăng tới 30 gram mỗi ngày. Trung bình, mức tăng cân chuẩn với trẻ nặng hơn 2 kg khi sinh là 20-30 gram mỗi ngày.

6. Các dấu hiệu trẻ sinh non phát triển bình thường là gì? 

Bé dù sinh thiếu tháng vẫn có thể phát triển toàn diện và khỏe mạnh nếu có các dấu hiệu sau:

  • Phát triển thể chất đều đặn: Trẻ sinh non cần có tăng trưởng về cân nặng và chiều cao đều đặn. Bác sĩ cũng sẽ đo cân nặng và chiều cao của bé thường xuyên để theo dõi quá trình phát triển
  • Phát triển kỹ năng vận động: Trẻ sinh non phải đạt được các mốc phát triển kỹ năng vận động như lật, ngồi, bò và đi phù hợp với tuổi hiệu chỉnh. 
  • Phát triển kỹ năng ngôn: Trẻ sinh non cần phát triển các kỹ năng ngôn ngữ như cười, bập bẹ, phản ứng với âm thanh… 
  • Phát triển kỹ năng xã hội: Trẻ sinh non cần có phản ứng với gương mặt của người khác, bắt đầu tương tác với người khác, thể hiện sự quan tâm và tò mò về môi trường xung quanh.

7. Trẻ sinh non có thông minh không?

Trẻ sinh non có thể sẽ chậm phát triển về nhận thức và kỹ năng xã hội hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Bé càng thiếu tháng thì càng dễ gặp khiếm khuyết về vận động, hành vi và nhận thức. Tuy nhiên, trí thông minh còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau và trẻ sinh non hoàn toàn có thể thông minh như bé đủ tháng nếu được chăm sóc tốt.

Để não bộ của bé phát triển tốt nhất, ba mẹ cần tạo ra một môi trường và lịch sinh hoạt ổn định cho trẻ sinh non. Bên cạnh đó, bạn có thể kích thích phát triển não bộ cho bé bằng những cách như:

  • Tạo môi trường yên tĩnh cho bé: Bạn hãy cố gắng tạo cho bé một môi trường thoải mái, không có âm thanh ồn ào để bé tập trung phát triển.
  • Áp dụng phương pháp da kề da: Da kề da là phương pháp mẹ bế bé để bé có thể tiếp xúc trực tiếp với cơ thể mình. Phương pháp này giúp bé ổn định tâm lý, bú tốt hơn và từ đó phát triển toàn diện hơn.
  • Trò chuyện với con nhiều hơn: Trò chuyện với con sẽ giúp bé xây dựng được vốn từ vựng phong phú hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đọc sách cho bé nghe để kích thích trí tưởng tượng của con.

Khi nắm rõ các mốc phát triển của trẻ sinh non, bạn có thể can thiệp kịp thời khi bé cần được hỗ trợ thêm để học được các kỹ năng cần thiết cho lứa tuổi của mình. Lúc này, bé có thể phát triển tối ưu và toàn diện để theo kịp các bé đủ tháng rất nhanh đấy.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Your Preemie’s Growth & Developmental Milestones https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/preemie/Pages/Preemie-Milestones.aspx Ngày truy cập: 26/12/2024 

Premature birth https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/premature-birth/symptoms-causes/syc-20376730 Ngày truy cập: 26/12/2024 

Premature baby development concerns https://raisingchildren.net.au/newborns/premature-babies/development/premature-development-concerns# Ngày truy cập: 26/12/2024 

Growth and development after prematurity https://www.tommys.org/pregnancy-information/premature-birth/taking-your-baby-home/growth-and-development-after-prematurity  Ngày truy cập: 26/12/2024 

What to Know About Premature Baby Weight https://www.whattoexpect.com/first-year/ask-heidi/premature-baby-size.aspx#long Ngày truy cập: 26/12/2024

Height And Weight Gain Growth Chart For Premature Babies https://www.momjunction.com/articles/baby-weight-gain-and-weight-chart_00362524/#frequently-asked-questions Ngày truy cập: 26/12/2024 

Phiên bản hiện tại

13/01/2025

Tác giả: Như Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: Tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo