backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi: Tìm hiểu chi tiết về sự phát triển của trẻ

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 21/01/2022

    Trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi: Tìm hiểu chi tiết về sự phát triển của trẻ

    Bé 4 tuần tuổi bắt đầu sự phát triển bằng cách học mút và tầm nhìn của bé cũng được nâng cao. Hãy giao tiếp với trẻ bằng lời nói và ánh mắt để khuyến khích trẻ trong thời gian này nhé! Đọc ngay bài viết này để hiểu rõ hơn về sự phát triển của trẻ 4 tháng tuổi.

    Hành vi và phát triển

    Bé phát triển như thế nào?

    Bé đã được bốn tuần tuổi. Vào lúc này, bé sẽ rất thích và muốn được mút một thứ gì đó, vậy nên bạn đừng ngăn cấm bé làm điều này. Trên thực tế, cho bé ngậm núm vú giả rất có ích trong việc giúp bé khỏi quấy khóc. Trong nhiều trường hợp, bé thậm chí có thể lấy chính ngón tay cái hoặc đầu ngón tay của mình để ngậm.

    Ở tuần thứ 4, bé có thể có khả năng nhìn tập trung vào các đồ vật cách xa trong khoảng từ 20 – 35 cm.

    Mẹ cần làm gì để hỗ trợ cho bé?

    Giai đoạn này, hãy luôn cho bé nằm ngửa khi bé ở tư thế nằm, thậm chí cả khi bé vẫn còn thức. Nếu nằm sấp, đầu bé cũng có nguy cơ bị lõm, vì vậy hãy luôn đặt bé nằm ngửa để phòng ngừa tình trạng này.

    Hãy nhìn thẳng và đối mặt với bé để khuyến khích bé nhìn bạn. Bạn cũng có thể cuộn khăn hoặc đặt một chiếc chăn dưới ngực bé để giúp bé luyện tập khả năng ngồi dậy. Làm như vậy sẽ giúp hệ thống kiểm soát thần kinh và cơ bắp của bé hoàn thiện hơn.

    Sức khỏe và an toàn

    Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?

    Ở giai đoạn này, bạn cần đưa bé đi khám theo đúng lịch trình bác sĩ đề xuất. Bác sĩ có thể thực hiện:

    • Lấy máu từ gót chân bé bằng que thử nhanh để kiểm tra liệu bé có mắc bệnh phenylceton niệu hoặc nhược giáp hay không. Xét nghiệm máu cũng có thể giúp bác sĩ kiểm tra các vấn đề về rối loạn chuyển hóa. Ngoài ra, bạn có thể đề nghị bác sĩ thực hiện các xét nghiệm kiểm tra chuyên sâu để có thể phát hiện ra các rối loạn hoặc các tình trạng sức khỏe khác mà bé có thể mắc phải.
    • Trong một số trường hợp, bé có thể được yêu cầu tiêm vắc xin phòng ngừa viêm gan B. Điều này càng quan trọng hơn nếu bạn đã kiểm tra và được phát hiện dương tính với viêm gan B. Nếu bạn không bị viêm gan B, bạn có thể cho bé tiêm vắc xin viêm gan B vào bất cứ thời điểm nào trong hai tháng đầu đời, hoặc bạn có thể cho bé tiêm một mũi vắc xin tổng hợp bạch hầu – ho gà – uốn ván khi bé đủ hai tháng tuổi. Các bé sinh khó cũng có thể được tiêm vắc xin tổng hợp và tiêm thêm vắc xin phòng ngừa viêm gan B. Hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn quyết định cho bé tiêm vắc xin.
    • Tiến hành kiểm tra thính giác. Bác sĩ sẽ kiểm tra để đảm bảo bé không mắc bất kỳ khiếm khuyết nào về thính giác.

    Mẹ nên biết thêm những gì khi chăm bé 4 tuần tuổi?

    Những tháng đầu đời là thời gian bé quấy khóc nhiều nhất. Tình trạng quấy khóc là khi bé la khóc dữ dội. Có khoảng 10-25 %  các bé dưới 3 tháng tuổi, kể cả trẻ sơ sinh khỏe mạnh và ăn ngoan quấy khóc. Trong ba tháng đầu tiên, tất cả trẻ sơ sinh khóc nhiều hơn ở bất kỳ thời điểm nào khác, nhưng khóc như thế nào thì lại khác nhau. Một số bác sĩ gọi tình trạng này là nguyên tắc số Ba (3): mỗi lần bé khóc 3 giờ, ít nhất ba lần một tuần, ít nhất trong ba tuần liên tiếp – thường bắt đầu từ giữa tuần thứ ba đến tuần thứ sáu. Bé thường quấy khóc vào buổi tối. Nhiều bé sẽ khóc dữ dội, không thể dỗ được, bé có thể siết chặt nắm đấm của mình và đạp chân liên tục. Mỗi bé có những dấu hiệu khác nhau, nhưng thường tình trạng các bé sẽ cải thiện sau khoảng 3 tháng.

    Một vài người cho rằng tình trạng quấy khóc có thể do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện của bé hoặc có thể do bé bị dị ứng thức ăn. Số khác lại cho rằng nguyên nhân có thể là do hệ thống thần kinh vẫn còn đang phát triển của bé hoặc do tính khí của bé dễ bị kích động. Mặc dù có thể nhiều cha mẹ cảm thấy bất lực nhưng bạn hãy yên tâm vì tình trạng này chỉ xuất hiện tạm thời và điều này không phải là dấu hiệu của bệnh tật.

    Mỗi bé sẽ có các tình trạng quấy khóc khác nhau và do đó các phương pháp đối phó cũng khác nhau. Vì vậy, bạn có thể cần phải thử nghiệm một vài cách để tìm ra phương pháp tốt nhất để giúp bé hạn chế quấy khóc. Dưới đây là một số gợi ý:

    Cố gắng tạo ra một không gian thoải mái, ấm áp và êm dịu tương tự như môi trường trong bụng mẹ: Bạn có thể quấn chăn cho bé, xốc nhẹ bé trên tay của bạn hoặc cho bé nằm nôi.

    Nhiều bé lại cảm thấy dễ chịu khi nghe những âm thanh như tiếng máy hút bụi, máy rửa chén, máy sấy hoặc tiếng đưa nôi. Tất cả các âm thanh này đều tương tự như những âm thanh của các cơ quan trong cơ thể mẹ khi bé còn nằm trong tử cung. Ngoài ra bạn còn có thể cho bé tắm nước ấm, chườm một chai nước nóng hoặc khăn ấm lên bụng bé để bé cảm thấy thoải mái hoặc cho bé ngậm núm vú. Một số bậc phụ huynh chia sẻ rằng các triệu chứng đầy hơi của bé sẽ được cải thiện khi cho bé dùng simethicone – một loại thuốc  giúp tiêu hóa dễ dàng.

    Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức vì bé khóc suốt ngày Tốt hơn là nên có người giúp bạn luân phiên trông nom bé. Nếu bạn phải đặt bé vào giường cũi trong một vài phút để đi tắm dù bé vẫn đang khóc, hãy yên tâm rằng làm như vậy sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và tinh thần của bé. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bé khóc thét và tỏ ra đau đớn, nếu bé không tăng cân, sốt hoặc có các triệu chứng quấy khóc sau ba tháng tuổi – vì đây có thể là dấu hiệu cho thấy bé có thể mắc phải một tình trạng sức khỏe nhất định.

    Mối quan tâm của mẹ

    Những điều mẹ cần quan tâm là gì?

    Ở giai đoạn bé 1 tháng tuổi, bạn cần lưu ý về sức khỏe của bé và thuốc lá. Nếu bạn hoặc bất kỳ ai trong gia đinh bạn hút thuốc, hãy ngừng thuốc ngay lập tức. Khói thuốc cực kỳ nguy hiểm cho bé bởi nó có thể gây suy yếu phổi, làm cho trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng tai, ngáy và rối loạn hô hấp khi ngủ. Chúng đều là những nguyên nhân gây ra các bệnh về sức khỏe, hành vi và khả năng học hỏi ở bé. Chúng cũng làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh SIDS. Thậm chí nếu bạn hút thuốc khi em bé không ở trong phòng thì các hóa chất độc hại cũng sẽ lưu lại trong phòng, bám trên quần áo và có thể ảnh hưởng đến bé.

    Hãy hỏi bác sĩ làm cách nào để bỏ thuốc, hoặc nếu bạn hoặc người thân trong gia đình không thể bỏ thuốc ngay, hãy hỏi bác sĩ phương pháp để chăm sóc bé và không để khói thuốc ảnh hưởng đến bé.

    Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 21/01/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo