Wonder week 26 là khoảng thời gian bé tìm hiểu về vị trí của mọi vật trong không gian, hiểu được khái niệm xa gần, học trườn bò cũng như phát triển ngôn ngữ. Đây là mốc phát triển rất tuyệt vời nhưng ba mẹ có thể gặp chút khó khăn vì bé không chịu rời xa bạn, hay quấy khóc và không chịu ăn ngủ theo nếp sinh hoạt thông thường.
Trong quá trình phát triển, trẻ nhỏ có những mốc phát triển vượt bậc được gọi là wonder week mà trong đó, bé sẽ học được nhiều kỹ năng mới nhưng đồng thời cũng hay quấy khóc, khó ăn, khó ngủ hơn. Đối với wonder week 26, bé sẽ hiểu được vị trí xa gần của các sự việc trong không gian nên dễ lo lắng, khóc lóc khi thấy ba mẹ đi xa khỏi mình. Điều này có thể gây khó khăn và cản trở sinh hoạt hằng ngày nhưng bạn có thể giúp bé bình tĩnh vượt qua giai đoạn này với những bí quyết trong bài viết này của Hello Bacsi đấy.
Wonder week 26 của bé là gì?
Wonder week là thuật ngữ chỉ những tuần phát triển vượt trội của trẻ nhỏ về thể chất và tinh thần mà trong tuần đó bé sẽ học được nhiều kỹ năng mới như ngồi, bò, đứng… Wonder week 26 hay còn gọi là tuần khủng hoảng 26 là tuần phát triển nhảy vọt thứ 5 trong quá trình phát triển trí não trong 20 tháng đầu đời của trẻ.
Trong tuần này, bé sẽ tiếp tục củng cố cũng như hoàn thiện các kỹ năng vận động, giao tiếp và các giác quan của mình. Ngoài ra, bé cũng bắt đầu nhận thức được mối quan hệ giữa các vật xung quanh, giữa các âm thanh và cảm giác, giữa những bộ phận cơ thể… và bày tỏ cảm nhận với những phát hiện mới này.
Bé nhận thức được khoảng cách của vật thể trong không gian nên cũng sẽ nhận ra khoảng cách giữa mình và ba mẹ. Do đó, bé thường có biểu hiện bám ba mẹ và bắt đầu quấy khóc khi thấy bạn rời đi. Bé khám phá ra ba mẹ có thể đi nhanh và đi xa khỏi mình nhưng không có cách ngăn cản việc này nên có biểu hiện khó chịu. Điều này có nghĩa là ba mẹ sẽ khó rời khỏi bé để làm việc cá nhân hơn mà phải luôn để ý đến con.
Có thể bạn quan tâm
Thời điểm “bùng phát” wonder week 26
Wonder week 26 có thể bắt đầu trong khoảng tuần tuổi thứ 23 – 26 của bé. Khi tính tuần tuổi để xác định mốc wonder week, bạn hãy tính theo ngày dự sinh của bé chứ không phải là ngày thực sinh. Ví dụ, bé dự sinh ngày 10/08 nhưng thực sinh vào 15/08 thì cách tính tuần tuổi chính xác cho bé là tính từ ngày 10/08.
Biểu hiện của bé trong wonder week 26
Một số biểu hiện của bé trong tuần khủng hoảng 26 có thể bao gồm:
- Trẻ hay quấy khóc và ném đồ.
- Trẻ không muốn ba mẹ rời khỏi mình.
- Trẻ bắt chước và lập lại những âm thanh xung quanh.
- Trẻ thường nhấc đồ vật lên để xem có gì bên dưới không.
- Trẻ bắt đầu có biểu hiện quan tâm – thắc mắc về hình dáng, vẻ ngoài của các đồ vật.
- Trẻ có thể bỏ ăn, bỏ bú và nhất định không chịu ăn kể cả khi ba mẹ đã dỗ dành.
- Trẻ không thích tiếp xúc với người lạ vì cảm thấy ngại, thậm chí là không muốn bị người lạ nhìn, gọi hay đụng chạm.
Thời gian kéo dài của wonder week 26
Không có khoảng thời gian kết thúc cố định cho wonder week 26 của bé vì mỗi bé sẽ có tốc độ phát triển khác nhau. Tuy nhiên, bạn có thể quan sát cảm xúc của con để đoán biết thời điểm kết thúc tuần khủng hoảng. Nếu bé dần bớt quấy khóc và bắt đầu sinh hoạt theo nếp bình thường thì đây có thể là dấu hiệu tuần khủng hoảng sắp kết thúc. Khi bước qua wonder week, bé sẽ bước vào sunny week (tuần nắng đẹp) mà bé sẽ vui vẻ và hợp tác hơn.
Có thể bạn quan tâm
Kỹ năng bé học được sau wonder week 26
Sau mỗi tuần khủng hoảng, bé sẽ luôn có thêm nhiều kỹ năng mới. Một số kỹ năng bé sẽ học được trong wonder week 26 có thể là:
1. Kỹ năng vận động
Ở giai đoạn này, bé thường không thích ở yên một chỗ mà sẽ luôn tìm cách di chuyển cơ thể dù có trườn bò thành thạo hay chưa. Các kỹ năng vận động bé có thể có trong wonder week 26 là:
- Trườn chéo chi
- Bò lùi hoặc bò về phía trước
- Tự ngồi dậy khi đang nằm
- Tự đứng dậy
- Bám vào đồ vật và đi men theo đồ vật
- Bám và đẩy đồ vật đi một đoạn
- Cầm đồ chơi bằng cả hai tay để khám phá
- Cho đồ chơi vào hoặc lấy đồ chơi ra khỏi hộp
- Dốc ngược hộp, xô, rổ… để đổ hết đồ chơi ra ngoài
- Nhấc thảm/chăn… lên để quan sát phía bên dưới.
2. Kỹ năng quan sát
Trong wonder week của bé, không chỉ phát triển kỹ năng vận động, bé còn phát triển kỹ năng quan sát. Bé sẽ có một số biểu hiện về kỹ năng quan sát như:
- Thích quan sát hoạt động của người lớn
- Thích ngắm hình ảnh các con vật trong sách tranh…
- Thích quan sát hoạt động của các con vật, đặc biệt là khi chúng phát ra tiếng kêu…
3. Kỹ năng ngôn ngữ
Những biểu hiện của quá trình phát triển kỹ năng ngôn ngữ ở trẻ trong giai đoạn này là:
- Có thể kết nối hành động và lời nói đơn giản
- Chăm chú lắng nghe mẹ giải thích và mô tả những sự vật, sự việc bé thấy
- Thích nghe tiếng các con vật khi xem tranh ảnh về chúng
- Thích lắng nghe các âm thanh do mình tạo ra như lắc chuông, đập tay vào mặt phẳng, gõ đồ vật vào nhau…
4. Khả năng nhận thức
Khả năng nhận thức của bé phát triển vô cùng mạnh mẽ trong wonder week 26:
- Bé thích khám phá cơ thể của mình, thích mẹ chỉ và gọi tên các bộ phận trên cơ thể
- Bé có thể bắt chước một số điệu bộ và kết nối điệu bộ với lời nói như vẫy tay chào tạm biệt, vỗ tay…
- Bé nhận ra mối quan hệ về vị trí giữa các vật trong không gian, hay nói cách khác là hiểu được khoảng cách giữa các vật
- Bé nhận ra mối quan hệ giữa các bộ phận cơ thể, từ đó phối hợp các bộ phận để tạo ra các kỹ năng vận động mới
- Bé hiểu được mối liên hệ giữa hành động này với hành động kia như bấm công tắc thì đèn sẽ sáng, bấm điều khiển từ xa thì tivi sẽ bật…
5. Cảm xúc – Xã hội
Những phát triển về cảm xúc – xã hội của bé trong tuần khủng hoảng 26 như sau.
- Bé tỏ ý phản đối khi mẹ rời đi
- Bé lắc đầu khi không đồng ý.
6. Phát triển cá nhân
Phát triển về mặt cá nhân của bé trong khoảng thời gian này cụ thể như sau: Bé biết chọn sách để xem, chọn đồ chơi để chơi.
Bật mí bí quyết cùng bé vượt qua wonder week 26 nhẹ nhàng
Khi đang phát triển và khám phá ra nhiều điều mới, bé không tránh khỏi bỡ ngỡ, lo lắng hay khó chịu. Tuy nhiên, có một số cách giúp bạn xoa dịu cảm xúc của bé để bình tĩnh hơn và ba mẹ dễ dàng thực hiện công việc hàng ngày hơn:
1. Xoa dịu cảm giác sợ xa cách ba mẹ cho con
Nếu bé quấy khóc khi thấy ba mẹ đi ra xa khỏi mình, bạn có thể trấn an bé bằng một số cách như sau:
- Thực sự chú ý đến con: Khi tương tác với trẻ, ba mẹ hãy cố gắng gác lại mọi việc và tập trung hoàn toàn vào bé. Ví dụ, bạn hãy tránh vừa chơi cùng con và vừa nói chuyện điện thoại hay lướt web… vì điều này sẽ khiến bé cảm thấy như ba mẹ đang không thực sự “hiện diện” bên cạnh mình. Bạn có thể không ở cạnh bé 24/7 nhưng mỗi khi ở bên bé, hãy dành trọn giây phút đó cho con.
- Chào tạm biệt con bằng một “quy trình” nhất quán: Nếu có việc cần rời bé, hãy thông báo với bé bằng một câu chào tạm biệt nhất quán và cho bé biết bạn sẽ trở lại ngay. Sau đó, bạn hãy cố gắng quay lại với con thật nhanh để bé yên tâm. Khi bé đã quen với “quy trình” tạm biệt cố định và thấy bạn luôn trở về nhanh chóng, bé sẽ bớt lo lắng khi bạn rời đi.
- Tập “rời xa bé”: Bạn có thể tập cho bé quen dần với việc có khoảng cách giữa bé với ba mẹ bằng cách chơi ú òa hay trốn tìm. Ban đầu, bạn có thể trốn sau chiếc gối cạnh con rồi dần trốn xa hơn và kín hơn như trốn sau cửa. Khi bé biết bò, bạn có thể đi nhanh để bé bò theo và hiểu được mình có thể kiểm soát được khoảng cách với ba mẹ.
- Thiết lập trình tự ngủ cho con: Nhiều bé cảm thấy lo sợ khi phải tách khỏi mẹ vào ban đêm. Để bé an tâm đi ngủ, bạn cần thiết lập trình tự ngủ cho con nếu trước giờ chưa thực hiện. Khi tới giờ ngủ của con, bạn bắt đầu hạn chế những hoạt động gây kích thích và tạo không khí yên tĩnh cho con. Sau đó, bạn cho con thực hiện những thói quen trước khi ngủ như lau người, thay đồ, vệ sinh răng miệng… Khi đã quen với trình tự này, bé sẽ an tâm đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
- Cho bé thời gian để thích nghi nếu cần rời bé trong khoảng thời gian dài: Nếu cần ra ngoài trong khoảng thời gian dài, bạn hãy sắp xếp thời gian cho bé làm quen trước với người sẽ trông bé khi không có bạn. Nếu gửi bé tới môi trường mới, bạn cũng nên giúp bé tìm hiểu không gian đó trước để tạo cảm giác an toàn. Bên cạnh đó, bạn cần nói trước với người trông bé về thói quen và sở thích của bé để tránh làm bé bất ngờ. Khi tạm biệt con và gửi con cho người trông trẻ, bạn hãy giải thích lý do cần tạm thời rời xa bé và hẹn thời gian quay về.
2. Hỗ trợ bé tập luyện kỹ năng vận động mới
Wonder week của bé là thời gian bé phát triển vượt bậc về thể chất và trí não nên ba mẹ cần hỗ trợ bé phát triển tối đa.
Giúp bé tập bò
Mẹ có thể hỗ trợ bé tập bò từ sớm bằng một số bài tập như sau:
- Bài tập với tay để lấy đồ vật: Cho bé nằm sấp, bày đồ chơi trước mặt bé rồi khuyến khích bé với tay lấy đồ chơi. Động tác với đồ chơi sẽ giúp bé học cách dùng một tay chống người, tay kia vươn ra để lấy đồ chơi, từ đó học bò một cách tự nhiên nhất.
- Bài tập đẩy người về phía trước: Động tác đẩy người về phía trước giúp bé luyện cơ lưng và thúc đẩy bé dồn trọng tâm vào cả tay và chân để chuẩn bị cho tư thế bò. Bạn có thể để bé nằm sấp, cầm một món đồ chơi yêu thích của bé rồi ngồi trước mặt và khuyến khích bé đẩy người tới phía trước để lấy đồ chơi.
Giúp bé tập giữ thăng bằng
Ngoài tập bò, bạn cũng có thể tập cho bé giữ thăng bằng bằng trò chơi đi máy bay. Bạn hãy bế bé trong tư thế nằm sấp rồi nhẹ nhàng “cất cánh” và “bay” khắp phòng. Bạn hãy sáng tạo bằng cách thay đổi độ cao, rẽ trái, rẽ phải, lượn vòng tròn và đi kèm cả tiếng vù vù minh họa. Đây là trò chơi yêu thích của rất nhiều bé và cũng giúp bé tập giữ thăng bằng tốt hơn.
Trong khoảng thời gian bé đang khám phá khả năng vận động, bạn hãy tạo cho con môi trường an toàn và phong phú để bé thoải mái trải nghiệm hơn. Ngoài việc bọc những góc sắc nhọn của các vật dụng trong nhà lại, hãy đảm bảo ổ điện, phích nước, ly thủy tinh… không nằm trong tầm tay của trẻ. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chuẩn bị cho bé nhiều loại đồ chơi khác nhau cùng những loại hộp hay rổ đựng đồ chơi để bé khám phá. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho bé ra ngoài trời ngắm nhìn xe cộ, cây cối, con người, đồ vật, con vật… để thỏa mãn sự tò mò của bé.
3. Hỗ trợ bé phát triển ngôn ngữ
Wonder week 26 là lúc bé bắt đầu hiểu được mối liên hệ giữa đồ vật và tên gọi, giữa hành động và lời nói nên đây là khoảng thời gian rất thích hợp để phát triển ngôn ngữ. Để hỗ trợ bé, bạn hãy giải thích ngắn gọn, dễ hiểu cho bé về những việc mình đang làm và những đồ vật xung quanh. Nếu có thể, hãy tạo cơ hội cho con được nhìn, chạm vào để cảm nhận, ngửi và nếm… những vật bạn nói đến.
Bạn cũng có thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể bằng cách thực hiện một số điệu bộ, cử chỉ để minh họa cho những từ ngữ thường dùng như ăn, ngủ, chơi đồ chơi… Khi lớn hơn, bé có thể dùng những cử chỉ, điệu bộ này giao tiếp với ba mẹ.
Hát và múa minh họa cho bé cũng là cách hay để giúp bé làm quen với ngôn ngữ. Bạn có thể chọn các bài hát về bộ phận cơ thể và cùng hát với bé trước gương để chỉ cho bé mắt, mũi, miệng, chân, tay… theo nhịp điệu.
Ngoài ra, bạn có thể cho bé xem sách tranh có hình các động vật để chỉ cho bé tên các loại động vật trong sách. Bạn hãy gọi tên và bắt chước tiếng của các loại động vật như gâu gâu, meo meo, quạc quạc… để bé dễ nhớ hơn hoặc sử dụng sách có âm thanh thực tế.
[embed-health-tool-vaccination-tool]