backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tuần khủng hoảng của bé (wonder weeks): Điều kỳ diệu ẩn sau sự “khó ở”

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 07/09/2021

    Tuần khủng hoảng của bé (wonder weeks): Điều kỳ diệu ẩn sau sự “khó ở”

    Với nhiều ba mẹ, tuần khủng hoảng của bé có thể là nỗi ám ảnh vì con cứ quấy khóc và bám dính khiến bạn vừa lo vừa mệt. Thế nhưng, trong những tháng đầu đời, đây lại là giai đoạn hết sức quan trọng, đánh dấu sự phát triển cả về trí tuệ lẫn khả năng vận động của trẻ. 

    Tuần khủng hoảng của bé hay wonder weeks là thời điểm trẻ sẽ trải qua rất nhiều thay đổi cả về thể chất lẫn tâm lý. Nếu bình thường trẻ rất ngoan, ít khi quấy khóc thì ở giai đoạn này nhiều bé lại đột ngột bỏ bú, ngủ ít và hay đòi mẹ khiến ba mẹ hết sức hoang mang.  

    Vậy tuần khủng hoảng của bé là gì? Tại sao bé lại có biểu hiện “trái nắng trở trời” như vậy? Đây có phải là dấu hiệu bé đang bị bệnh? Xem ngay những chia dưới đây của Hello Bacsi để hiểu hơn về giai đoạn đặc biệt này mẹ nhé! 

    Tuần khủng hoảng của bé là gì? 

    Để hiểu rõ hơn về khái niệm tuần khủng hoảng của bé, bạn sẽ cần hiểu về khái niệm bước phát triển nhảy vọt của trẻ hay metal leap. 

    Bước phát triển nhảy vọt của bé hay metal leap là những bước phát triển nhanh và mạnh cả về thể chất lẫn trí tuệ trong 20 tháng đầu đời. Sẽ có 10 bước phát triển nhảy vọt quan trọng mà bé phải trải qua, mỗi bước sẽ thể hiện những thay đổi quan trọng trong nhận thức của trẻ về thế giới cũng như cách trẻ vận dụng những hiểu biết đó để phát triển những kỹ năng mới.  

    Vậy tuần khủng hoảng của bé là gì? Tuần khủng hoảng, tuần lễ bão tố hay wonder weeks là giai đoạn xuất hiện các bước phát triển nhảy vọt về trí tuệ và kỹ năng của bé trong 2 năm đầu đời.  

    Trong giai đoạn này, não và hệ thần kinh của bé sẽ có sự thay đổi vượt bậc để giúp bé mở rộng nhận thức và giác quan. Tuy nhiên, do chưa thích nghi kịp về mặt nhận thức, thể chất nên trẻ thường có những biểu hiện “khó ở” vô cớ khiến nếp sinh hoạt của bé và cả gia đình thay đổi hoàn toàn. 

    Nhìn chung, cách bước phát triển nhảy vọt của trẻ sẽ hoạt động theo cách thức sau: bé sẽ trải qua một tuần khủng hoảng (wonder weeks) với nhiều biểu hiện khó ở. Sau đó, bé sẽ có 1 tuần đầy nắng (sunny weeks), tuần lễ bé đã hoàn thành việc học kỹ năng mới và sẵn sàng “trình diễn” với cả thế giới. Lúc này, bé thường ngủ và bú tốt hơn, ít quấy khóc và không còn bám víu mẹ.  

    Dấu hiệu giúp mẹ nhận biết tuần khủng hoảng của bé 

    tuần khủng hoảng của bé

    Khi trẻ bước vào giai đoạn tuần khủng hoảng, bạn sẽ phải đương đầu với những thay đổi đột ngột về tính nết của trẻ. Cụ thể, bé sẽ có những biểu hiện cực kỳ “khó ở” như: 

    1. Quấy khóc vô cớ, hay cáu giận, ỉ ôi 
    2. Đòi mẹ nhiều hơn, muốn bố mẹ âu yếm, dỗ dành thường xuyên 
    3. Khó ngủ, ngủ ít, khóc đêm nhiều. Ngủ không sâu giấc, đang ngủ có thể dậy quấy khóc, ngủ muộn hơn, dậy sớm hơn 
    4. Chán ăn, biếng bú 
    5. Tâm trạng thay đổi thất thường, dễ cáu gắt, bực bội. 

    Chi tiết 10 tuần khủng hoảng của trẻ mà mẹ cần biết 

    Sẽ có 10 bước phát triển nhảy vọt của bé trong 20 tháng đầu đời, tương ứng với đó, bé sẽ trải qua 10 tuần khủng hoảng của trẻ nhỏ: 

    1. Giữa tuần 4 đến giữa tuần 5: Sự thay đổi giác quan

    Đây là lúc bé sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ về giác quan. Sau tuần khủng hoảng này, bé nhìn mọi vật chăm chú và thường xuyên hơn, muốn chạm vào mọi vật, biết phản ứng lại khi bạn trêu đùa và nhạy cảm hơn với mùi hương.

    2. Giữa tuần 7 đến giữa tuần 9: Tuần lễ của khám phá

    Ở tuần khủng hoảng này, bé sẽ có thể nhận ra những hình thù đơn giản trong không gian, bắt đầu sử dụng các chi của cơ thể, bắt đầu nhận ra sự thân thuộc ở một số người và vật mà bé nhìn thấy. 

    Sau thời gian này, thiên thần nhỏ có thể giữ đầu ổn định hơn, biết quay đầu về phía có âm thanh, bắt đầu có dấu hiệu muốn cầm nắm. Bé muốn khám phá, quan sát các bộ phận của cơ thể và có thể tạo ra các âm thanh gầm gừ nho nhỏ.

    3. Giữa tuần 11 đến giữa tuần 12: Tuần của vận động

    Ở giai đoạn này, bé sẽ biết dùng các giác quan để phân biệt thứ tự và sự tồn tại của vật thể trong môi trường xung quanh, sự chuyển đổi âm thanh, chuyển động, ánh sáng, hương vị, mùi và kết cấu. 

    Sau tuần này, bé sẽ bắt đầu biết lẫy, lật sấp, lật ngửa, ngóc đầu, xoay người theo nhiều hướng và biết dùng mắt để theo dõi một vật nào đó. Đồng thời, bé cũng cười nhiều hơn và thích nghe âm thanh ở những cao độ khác nhau.

    4. Tuần khủng hoảng của bé và giữa tuần 14 đến giữa tuần 19

    tuần khủng hoảng của bé

    Đây là lúc bé bắt đầu hiểu 1 hành động sẽ dẫn đến kết quả gì và thử nghiệm cách mọi thứ xảy ra. Sau tuần này, bé sẽ: 

    • Có kỹ năng cầm nắm tốt hơn 
    • Biết đưa mọi thứ vào miệng 
    • Cho tay vào miệng mút 
    • Biết đưa mắt để tìm bố mẹ, người thân 
    • Phản ứng lại với hình ảnh trong gương 
    • Nhận ra tên của mình 
    • Dừng lại khi bú, đẩy núm vú hoặc bình sữa ra khi no.

    5. Giữa tuần 22 đến giữa tuần 26: Tuần lễ của các mối quan hệ

    Bé có thể di chuyển tốt hơn do các chi đã có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Lúc này, thiên thần nhỏ đã biết được mối quan hệ giữa mọi thứ.  

    Bé có thể cảm thấy căng thẳng và lo lắng vì bây giờ bé đã có thể nhận ra khoảng cách xa gần cũng như cảm thấy cô đơn, thiếu an toàn khi rời xa bố mẹ. 

    Sau tuần này, bé sẽ quan tâm hơn đến hành động của người khác. Bé bắt đầu biết nhấc người và ném mọi thứ để khám phá và xem bản thân có thể làm gì.  

    Ngoài ra, bé cũng bắt đầu hiểu các từ có nghĩa để thực hiện theo, biết cách thổi bong bóng bằng cách phun nước bọt, tạo ra âm thanh bằng cách chuyển động lưỡi, bắt đầu đứng lên với sự hỗ trợ.

    6. Tuần khủng hoảng của bé: Giữa tuần 33 đến giữa tuần 37

    Trẻ có thể nhận ra các thứ được nhóm lại hoặc đã được phân loại, phân biệt được đặc điểm của sự vật và muốn khám phá. 

    Sau tuần này, bé sẽ hiểu một số từ, nhận ra sự phản chiếu của chính mình và có thể chơi các trò chơi như trò ú òa, bắt chước người khác, thể hiện cảm xúc của bản thân, thích chơi trò chơi, hát và bắt đầu tập bò. 

    7. Giữa tuần 41 đến giữa tuần 46: Thế giới của trình tự

    Bé sẽ bắt đầu hiểu về trình tự, các bước để làm một việc gì đó và ghép các hành động lại với nhau. Sau tuần này, con có thể trả lời các câu hỏi đơn giản, chỉ vào các vật, biết cách nói chuyện điện thoại, bắt chước cử chỉ và cố gắng tự mặc quần áo. 

    8. Tuần khủng hoảng của bé: Giữa tuần 51 đến giữa tuần 54

    Bé bắt đầu khám phá trình tự của những hành động cá nhân và kết quả của những hành động đó. Sau tuần này, bé sẽ hiểu mặc quần áo là một tín hiệu cho một hoạt động sắp diễn ra, thể hiện sự thích thú với những thứ bé muốn làm, tập vẽ và sử dụng việc quan sát để học tập.

    9. Giữa tuần 59 đến giữa tuần 61: Tuần lễ của nguyên tắc

    Các tuần khủng hoảng của bé đã đi đến những cột mốc cuối cùng. Đây lúc bé bước vào giai đoạn tập đi, có nhiều kỹ năng về thể chất, có thể bắt chước và đóng kịch, sử dụng ngôn ngữ để diễn tả cảm xúc và thu hút mọi người. 

    Bé cũng hiểu về sự hài hước, có thể thương lượng và mặc cả, cố gắng làm theo cách của mình. Sau tuần này, bé sẽ biết thể hiện tình cảm bằng nhiều cách (bao gồm cả giận dữ), bắt đầu xem xét và suy nghĩ về tương lai và có một số nỗi sợ không hiểu được.

    10. Tuần khủng hoảng của bé: Giữa tuần 70 đến giữa tuần 76

    Đến thời điểm này, bé đã gần được 20 tháng tuổi, có khả năng hiểu các từ ngữ và có thể sửa đổi hành vi cho phù hợp với hoàn cảnh. Bé cũng bắt đầu phát triển sự đồng cảm, biết sử dụng các hình bày tỏ và kỹ năng ngôn ngữ để thể hiện cảm xúc.  

    Sau tuần này, trẻ sẽ bắt đầu khám phá các giới hạn, tìm hiểu về quyền sở hữu và sự chia sẻ, bắt đầu hiểu biết đầy đủ hơn về khái niệm thời gian, bắt đầu nói và tiếp thu nhiều kiến thức hơn. 

    Mẹ cần làm gì khi bé ở trong giai đoạn tuần khủng hoảng? 

    Tuần khủng hoảng của bé là giai đoạn đánh dấu sự phát triển vượt bậc của trẻ về thể chất lẫn trí tuệ. Tuy nhiên, với cha mẹ, đây có thể là giai đoạn đầy khó khăn khi phải đương đầu. Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn dễ dàng vượt qua giai đoạn đặc biệt này: 

    • Kiên nhẫn với bé: Bé quấy khóc và bám dính bạn là dấu hiệu của cảm giác không an toàn. Việc ôm ấp và trấn an trẻ sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. 
    • Không cần quá lo: Các mốc thời gian trên chỉ là con số trung bình và không phải bé nào cũng vậy, sẽ có bé đến sớm hoặc đến muộn. Ngoài ra, các biểu hiện của bé trong giai đoạn này chỉ là quá trình phát triển tự nhiên nên mẹ không cần quá lo. 
    • Cố gắng cho bé bú nhiều hơn nhưng đừng ép nếu bé không muốn.
    • Dỗ bé đi ngủ sớm hơn bình thường và cắt bớt một giấc ngủ ngày nếu bé quấy khóc, khó chịu về đêm. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 07/09/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo