backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Bí quyết cùng con vượt qua wonder week 19 nhẹ nhàng và hiệu quả

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc · Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 22/08/2023

    Bí quyết cùng con vượt qua wonder week 19 nhẹ nhàng và hiệu quả

    Wonder week 19 là một trong những giai đoạn phát triển vượt bậc dài nhất và đi kèm nhiều kỹ năng quan trọng như cầm nắm, lật hay bập bẹ. Với những kỹ năng phức tạp này, bé có thể khá khó khăn để làm quen nên rất cần ba mẹ ở bên để hỗ trợ đấy.

    Những mốc phát triển của bé tuy là niềm phấn khởi, vui mừng cho ba mẹ nhưng cũng là khoảng thời gian khó khăn với trẻ vì con phải làm quen với nhiều điều mới. Để bé nhẹ nhàng vượt qua giai đoạn phát triển vượt bậc như wonder week 19, ba mẹ cần ở bên hỗ trợ khi bé luyện tập kỹ năng mới.

    Thời điểm diễn ra “cơn khủng hoảng” wonder week 19

    Wonder week 19 hay tuần khủng hoảng 19 bắt đầu khi bé được khoảng 14 – 17 tuần tuổi. Đây là giai đoạn phát triển nhảy vọt số 4 trong quá trình phát triển của bé và cũng là giai đoạn dài nhất và có tác động mạnh nhất đối với rất nhiều bé.

    Để tính chính xác thời điểm bé bước vào wonder week 19, ba mẹ hãy tính tuổi của bé theo ngày dự sinh thay vì căn cứ vào ngày bé ra đời. Bên cạnh đó, mỗi bé có tốc độ phát triển khác nhau nên mốc thời gian bước vào wonder week 19 cũng có thể không như dự đoán.

    2. Dấu hiệu nhận biết wonder week 19

    dấu hiệu wonder week 19

    Trong tuần khủng hoảng 19, bé có thể có những biểu hiện sau:

  • Khó ngủ: Nếu trước đây con luôn ngủ đúng lịch sinh hoạt thì khi bước vào wonder week 19, con có thể đột nhiên bắt đầu ngủ giấc ngắn hơn hoặc hay thức dậy trong đêm. Điều này có thể ảnh hưởng đến lịch sinh hoạt và giấc ngủ của ba mẹ.
  • Bám ba mẹ hơn: Bé có thể chỉ muốn ở bên ba mẹ và muốn được bế nhiều hơn bình thường.
  • Hay khóc hơn: Bé trong tuần khủng hoảng có thể hay khóc hơn và nhạy cảm hơn. Bé có thể sẽ bớt khóc nếu được ba mẹ bế và chú ý, vỗ về. 
  • Ngại người lạ: Bé có thể bắt đầu ngại khi gặp người lạ và có dấu hiệu lo lắng khi xa cách ba mẹ.
  • Muốn được chú ý: Bé có thể bắt đầu đòi được ba mẹ chú ý và ở bên mình mọi lúc. Trẻ cũng có thể dễ chán hơn và cần thay đổi môi trường thường xuyên hơn.
  • Ăn ít hơn: Bé có thể không hứng thú với việc bú sữa hoặc ăn ít hơn bình thường.
  • Tâm trạng thay đổi thường xuyên: Bé có thể thay đổi tâm trạng từ vui vẻ sang khó chịu, quấy khóc rất nhanh.
  • Thích gặm/mút đồ vật hơn: Bé có thể sẽ mút ngón tay, núm vú giả, gặm chăn, yếm… nhiều hơn trước.
  • Wonder week 19 kéo dài bao lâu? 

    Giai đoạn quấy khóc, khó chịu của wonder week 19 thường kéo dài đến tuần 19 của bé. Bé thường sẽ vui vẻ trở lại vào khoảng tuần thứ 20 – 22. Tuần khủng hoảng 19 dài hơn nhiều so với các bước nhảy vọt trước đây là vì các kỹ năng bé học được ở giai đoạn này đã phức tạp hơn. Sau giai đoạn này, bé sẽ có sự thay đổi rất lớn.

    Kỹ năng mới của bé sau wonder week 19

    wonder week 19Trong tuần khủng hoảng 19, bé sẽ phát triển nhiều kỹ năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Cụ thể: 

    1. Phát triển nhận thức

    • Bé hiểu được rằng một đối tượng tồn tại ngay cả khi con không nhìn thấy.
    • Bé thay đổi cách nhìn, nghe, ngửi, nếm và cảm nhận.
    • Bé tìm được các đồ vật bị giấu (đồ nằm dưới gối/mền hay đồ trong hộp kín).

    2. Phát triển kỹ năng vận động trong tuần wonder week 19 

    • Bé kiểm soát cơ thể tốt hơn, đặc biệt là cánh tay, bàn tay và ngón tay. Đây là độ tuổi mà bé có thể bắt đầu cầm đồ chơi và chuyền đồ từ tay này sang tay khác. Vậy nên, bé có thể sẽ rất thích kỹ năng mới này và bắt đầu cầm nắm mọi thứ xung quanh như đồ ăn, chén dĩa hay thậm chí là mặt và tóc của ba mẹ. Khi này, bạn cần chú ý không để đồ vật có thể gây nguy hiểm quanh bé và nhắc nhở bé nếu bé nắm tóc bạn gây đau.
    • Bé có thể lắc, đập và ném đồ vật.
    • Một số bé cũng có thể bắt đầu biết lăn trong tuần này.
    • Bé bắt đầu tập bò.
    • Bé biết ngồi thẳng.

    3. Phát triển kỹ năng ngôn ngữ

    • Bé bập bẹ được nhiều từ hơn.
    • Bé nhận ra được sự khác biệt trong giọng nói.
    • Bé nhận ra tên riêng của mình. Bé cũng có thể hiểu một hoặc nhiều từ khác.

    Tất cả những phát triển và thay đổi này có thể khiến bé hay quấy khóc hơn. Ví dụ như bé có thể khó chịu khi nhận thấy sự hiện diện của mẹ nhưng lại thấy mẹ bỏ đi xa khỏi mình. Bé cũng có thể bị quá tải cảm giác khi năm giác quan dần thay đổi.

    Ba mẹ cũng cần nhớ rằng mỗi bé sẽ phát triển những kỹ năng khác nhau. Có bé sẽ tập trung phát triển các kỹ năng về thể chất trong khi có bé tập trung vào kỹ năng ngôn ngữ trước. 

    Mẹo cùng con vượt qua wonder week nhẹ nhàng

    Tuy bé không tránh khỏi khó chịu, quấy khóc khi phải làm quen với kỹ năng mới nhưng ba mẹ có thể hỗ trợ bé để giai đoạn này con cảm thấy dễ chịu và hiệu quả hơn. Một số cách giúp đỡ bé phát triển bạn có thể tham khảo là: 

    • Mua đồ chơi cho bé: Bé ở độ tuổi này chưa thực sự biết cách chơi với đồ chơi nhưng có  thể dùng đồ chơi để tập các kỹ năng mới như cầm nắm, lắc, tìm đồ vật… 
    • Cho bé tiếp xúc với nhiều đồ vật: Ngoài đồ chơi, bạn hãy cho bé tiếp xúc với nhiều đồ vật trong nhà với hình dạng, kết cấu và màu sắc khác nhau. 
    • Cho bé làm quen với sách: Bạn có thể cho bé cầm và thao tác với các loại sách mềm hay sách làm bằng chất liệu không thấm nước. 
    • Cho bé nhiều cơ hội để quan sát: Bạn có thể cho bé ra ngoài ngắm nhìn xe cộ và hoạt động xung quanh. Ngoài ra, bạn cũng có thể để bé quan sát người trong gia đình sinh hoạt hàng ngày. 
    • Giúp bé thực hiện các kỹ năng mà bé đang luyện tập nếu bé thực hiện chưa đúng: Bạn có thể làm mẫu cho bé xem hoặc cầm tay để chỉ bé cách thực hiện. Tuy nhiên, bạn tránh ép bé tập những kỹ năng con chưa hứng thú nhé. 
    • Chơi một số trò chơi: Bạn có thể chơi ú òa để giúp bé hiểu được sự hiện diện của đồ vật. 
    • Lắp rèm chắn sáng để giúp bé ngủ ngon hơn: Việc lắp rèm chắn sáng có thể giúp bé ít bị phân tâm bởi đồ vật trong phòng và phân biệt được giờ ngủ với giờ chơi tốt hơn.

    Wonder week 19 là một thế giới đầy những sự kiện và kỹ năng mới mẻ đợi bé và ba mẹ cùng nhau khám phá. Cột mốc phát triển này tuy khó khăn với bé nhưng với sự hỗ trợ của bạn, con sẽ nhanh chóng vượt qua và có thêm nhiều khám phá về thế giới xung quanh ngay thôi.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

    Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


    Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 22/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo