Ho là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh ở trẻ em. Thực tế, ho là một phản xạ lành mạnh và quan trọng giúp bảo vệ đường thở. Mặc dù vậy, phụ huynh vẫn cần quan sát kỹ và chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi bị ho thật cẩn thận, để bé sớm khỏi bệnh hoặc phát hiện những bất thường có thể xảy ra đối với bé.
Bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu vì sao trẻ 2 tháng tuổi bị ho và dấu hiệu nhận biết những cơn ho này, đồng thời tiết lộ một số thông tin liên quan đến tình trạng bé 2 tháng bị ho và nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi.
9 nguyên nhân khiến trẻ 2 tháng tuổi bị ho
Thông thường, trẻ em dưới 4 tháng không bị ho nhiều. Vì vậy, nếu trẻ 2 tháng tuổi bị ho thì điều đó có thể liên quan đến những vấn đề nghiêm trọng.
Ví dụ, nếu trẻ 2 tháng tuổi bị ho, đó có thể là virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra một bệnh nhiễm virus nguy hiểm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trẻ 2 tháng tuổi bị ho cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
1. Cảm lạnh hoặc cảm cúm
Hầu hết các cơn ho ở trẻ em do cảm lạnh gây ra và thường ảnh hưởng đến đường thở dưới, chẳng hạn như bệnh viêm phế quản do virus.
Cảm lạnh hoặc cảm cúm là nguyên nhân rất phổ biến khiến trẻ 2 tháng tuổi bị ho và sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng. Các cơn ho thường là ho khan. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh, trẻ em 2 tháng tuổi có thể bị ho có đờm nhớt và thường sốt nhẹ về đêm.
Trẻ 2 tháng tuổi bị ho do cảm lạnh gây ra bởi virus có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí là lâu hơn nếu trẻ bị tái cảm lạnh ngay sau đợt cảm lạnh khác. Không khí lạnh có thể khiến trẻ 2 tháng tuổi bị ho nặng hơn vào ban ngày, các cơn ho trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm. Khi bé bị cảm lạnh, chất nhầy từ mũi và xoang có thể chảy xuống cổ họng và gây ra ho khi ngủ. Điều này có thể khiến trẻ bị mất ngủ.
Ngoài ra, nếu trẻ ho nhiều do cảm lạnh có thể sẽ kích thích phản xạ bịt miệng khiến bé bị nôn trớ. Không những thế, ho do cảm lạnh cũng khiến bé bị nôn mửa nếu có nhiều chất nhầy chảy xuống cổ họng, gây buồn nôn.
2. Trẻ 2 tháng tuổi bị ho do bệnh Croup
Bệnh Croup, hay còn gọi là bệnh viêm thanh khí phế quản, thường được kích hoạt bởi virus. Nói một cách dễ hiểu, dấu hiệu nhận biết bệnh Croup xảy ra là khi một phần đường hô hấp trên của trẻ bị sưng tấy. Vì Croup khiến cho niêm mạc khí quản sưng lên và có thể gây bít tắc đường thở nên bé thường cảm thấy khó thở khi mắc bệnh này.
Bệnh Croup thường xảy ra ở trẻ em dưới 3 tuổi vì đường thở của các bé rất hẹp. Các triệu chứng ban đầu chỉ là sụt sịt hay như cảm lạnh bình thường. Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh Croup thường là tiếng ho khan nghe như tiếng sủa (âm thanh khó nhầm lẫn). Tiếng ho giống như tiếng hải cẩu sủa xuất hiện khi trẻ hít vào, chứ không phải khi bé thở ra.
Trẻ 2 tháng tuổi bị ho nặng hơn khi đường hô hấp trên sưng to hơn. Cơn ho có thể bắt đầu đột ngột và thường xảy ra vào giữa đêm.
Bên cạnh đó, vì các bé còn nhỏ nên đường thở cũng nhỏ hơn. Do đó, khi đường thở bị sưng lên, bé thường cảm thấy khó thở. Hầu hết trẻ em mắc bệnh này sẽ có tiếng thở rít khi trẻ hít vào. Mặc dù các triệu chứng có thể đáng sợ, nhưng bệnh thường khỏi trong khoảng vài ngày.
Kể từ lần đầu tiên nghe thấy tiếng trẻ ho khi ngủ, Croup thường sẽ hết sau 3 hoặc 4 ngày. Nếu không, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ.
3. Trẻ ho do hen suyễn
Nếu trẻ phát ra âm thanh khò khè như tiếng huýt sáo khi thở ra, rất có thể là đường dẫn khí dưới phổi bị sưng. Điều này thường xảy ra do bệnh hen suyễn.
Mặc dù nhiều chuyên gia thường cho rằng bệnh hen suyễn không phổ biến ở trẻ em dưới 2 tuổi, nhưng nếu trẻ đã từng bị chàm bội nhiễm hoặc có tiền sử gia đình bị hen suyễn, bé cũng sẽ có nguy cơ bị ho do hen suyễn.
Trẻ 2 tháng tuổi bị ho do mắc bệnh hen suyễn thường có xu hướng ho nặng hơn vào ban đêm. Những cơn ho này thường kéo dài kèm theo các triệu chứng khác như tiếng thở khò khè. Các bé cũng thường bị co rút khi hít vào và thở ra ngoài lồng ngực và cơ hoành.
Những triệu chứng của hen suyễn khá giống với các biểu hiện của chứng cảm lạnh, đồng thời còn kèm theo ngứa mắt và chảy nước mắt. Thậm chí, các bé cũng có thể bị nôn mửa nếu có nhiều chất nhầy chảy xuống cổ họng và gây buồn nôn. Mặc dù vậy, đây thường không phải là triệu chứng đáng báo động, trừ khi bé nôn không ngừng.
Nếu trẻ 2 tháng tuổi bị ho kéo dài trên 3 tuần, hãy đưa trẻ đi khám ngay.
4. Ho gà
Ho gà là một bệnh truyền nhiễm có thể được ngăn ngừa bằng cách tiêm chủng. Khi trẻ được 2 tháng tuổi, bé đã đủ điều kiện để được tiêm mũi 1 của vắc xin 5 trong 1 hoặc vắc xin 6 trong 1 phòng chống nhiều bệnh, bao gồm cả bệnh ho gà. Nếu chưa được chủng ngừa, trẻ có nguy cơ rất cao bị mắc bệnh này, vì lúc này hệ miễn dịch của trẻ còn rất yếu.
Bệnh ho gà do vi khuẩn Bordetella ho gà gây nhiễm trùng đường hô hấp. Trẻ 2 tháng tuổi bị ho gà sẽ có những cơn ho liên tục, thường xuyên mà không thở được giữa các cơn. Khi kết thúc cơn ho, các bé sẽ phải hít thở sâu và tạo ra âm thanh khục khục.
Khi ho, lưỡi của các bé thường thè ra, mắt bị lồi và đổi màu da mặt. Một số triệu chứng khác của bệnh ho gà ít xảy ra hơn là sổ mũi, hắt hơi và hiếm khi là sốt nhẹ.
Bệnh ho gà có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nghiêm trọng nhất là ở trẻ dưới 1 tuổi không được chủng ngừa ho gà. Bệnh rất dễ lây lan, vì vậy, tất cả trẻ em nên tiêm phòng ho gà khi được 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng, 15 tháng và 4–6 tuổi.
5. Trẻ 2 tháng tuổi bị ho do bệnh viêm tiểu phế quản
Đây là một bệnh nhiễm trùng có thể gây ho và thở khò khè ở trẻ nhỏ. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra co thắt đường thở, bao gồm các yếu tố môi trường như khói bụi ô nhiễm. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ dưới 1 tuổi là do virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra. Bệnh viêm tiểu phế quản do nhiễm virus cũng có thể làm cho đường dẫn khí dưới phổi bị sưng và khiến trẻ phát ra âm thanh như tiếng huýt sáo khi thở ra.
Triệu chứng của bệnh viêm tiểu phế quản thường bắt đầu giống như một cơn cảm lạnh thông thường nên trẻ sẽ bị ho và kèm theo sổ mũi. Các đặc điểm như ho hoặc thở khò khè thường có liên quan đến cả viêm tiểu phế quản và hen suyễn, vì vậy, rất khó có thể phân biệt trẻ mắc bệnh nào. Tuy nhiên, bệnh viêm tiểu phế quản thường xuất hiện vào mùa thu đông và có thể kèm theo sốt nhẹ, bỏ bú, chán ăn.
6. Viêm phổi
Trẻ 2 tháng tuổi bị ho cũng có thể do viêm phổi. Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng phổi do virus hoặc vi khuẩn gây ra, thường xảy ra khi bé bị cảm lạnh. Bệnh gây ra những cơn ho đột ngột, sốt cao và thở nhanh.
Trẻ 2 tháng tuổi bị ho do viêm phổi thường sẽ kèm theo đờm vàng hoặc xanh. Viêm phổi cũng thường gây ra những cơn ho kèm sốt từ 39°C trở lên, đặc biệt nếu trẻ yếu và thở nhanh. Tuy nhiên, bệnh có thể được phòng ngừa bằng cách chủng ngừa. Hãy đưa trẻ đi khám nếu có những triệu chứng của bệnh viêm phổi.
7. Trẻ bị ho do COVID-19
Trẻ 2 tháng tuổi bị ho có thể do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Ở trẻ nhỏ, mặc dù bệnh thường gây ra những triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí là không có triệu chứng nhưng cũng có thể khiến một số trẻ bị ho.
Các triệu chứng của bệnh COVID-19 ở trẻ nhỏ thường rất khác nhau và thường giống với cảm lạnh hoặc cảm cúm. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 2-14 ngày kể từ ngày tiếp xúc với virus.
Ngoài việc khiến trẻ 2 tháng tuổi bị ho khan liên tục, bệnh cũng có thể gây ra các triệu chứng như sốt, chảy nước mũi, khó thở, bú ít, thay đổi hành vi, nôn mửa, tiêu chảy hoặc các triệu chứng khác.
Một số trẻ cũng có thể ho giống như bị bệnh Croup. Trong một số trường hợp hiếm, COVID-19 có thể gây bệnh nặng dẫn đến bé phải nhập viện.
8. Dị ứng
Dị ứng có thể khiến trẻ 2 tháng tuổi bị ho sau khi tiếp xúc với các tác nhân cụ thể. Bất kỳ loại khói bụi nào cũng có thể gây kích ứng đường thở và gây ho. Khói thuốc lá là một trong số đó và là ví dụ phổ biến nhất. Một số ví dụ khác có thể là khói than củi, khói bụi, khói nhang đèn, khí thải động cơ…
Bên cạnh đó, việc hít phải mạt bụi, lông động vật hoặc nấm mốc có thể là nguyên nhân khiến trẻ 2 tháng tuổi bị ho, hắt hơi và sổ mũi. Dị ứng thường khiến những cơn ho kéo dài. Nếu trẻ vẫn bị ho sau 3 tuần, hãy đưa bé đi khám bác sĩ.
9. Trẻ 2 tháng tuổi bị ho do hóc dị vật
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ 2 tháng tuổi bị ho là do mắc dị vật trong cổ họng. Điều này có thể gây ngạt thở kèm những cơn ho đột ngột.
Tình trạng tắc nghẽn đường thở dưới do dị vật cũng có thể khiến bé thở khò khè. Những dấu hiệu ban đầu của mắc dị vật là ho đột ngột, sau đó là thở hổn hển, ho nhỏ, dai dẳng trong khoảng thời gian vài ngày sau đó, không kèm theo bất kỳ triệu chứng cảm lạnh nào khác và không có tiền sử cảm lạnh hoặc sốt gần đây.
Nếu dị vật chặn phần lớn hoặc hoàn toàn đường thở, da của bé sẽ bắt đầu chuyển sang màu tái nhợt hoặc xanh lam. Khi phát hiện trẻ bị hóc dị vật, hãy liên hệ tổng đầi cấp cứu 115 để được hướng dẫn sơ cứu và đưa trẻ đi cấp cứu kịp thời.
Trẻ 2 tháng tuổi bị ho phải làm sao?
Việc điều trị ho cho trẻ 2 tháng tuổi phụ thuộc vào nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng này. Vì vậy, bạn có thể xem chi tiết cách chữa ho cho bé 2 tháng tuổi dựa trên từng nguyên nhân trong bài viết Bé 2 tháng tuổi bị ho: 9 cách điều trị dựa trên từng nguyên nhân cụ thể.
Bên cạnh đó, cơn ho của bé có thể giảm nhẹ bằng các biện pháp hỗ trợ tại nhà, chẳng hạn như:
- Cho bé bú thường xuyên để chất nhầy loãng ra và dễ đào thải hơn.
- Giữ ấm cho bé.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bẩn, dị nguyên…
- Không để quạt hay máy lạnh hướng thẳng vào người trẻ.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được trẻ 2 tháng tuổi bị ho do đâu, từ đó có phương hướng điều trị phù hợp.
[embed-health-tool-vaccination-tool]