Mang thai ngoài tử cung là một tình trạng bất thường của thai kỳ. Lúc này, bào thai sẽ không phát triển trong tử cung (dạ con) mà ở một vị trí khác của cơ thể, thường là ống dẫn trứng. Nếu không phát hiện sớm thì sự phát triển của thai nhi sẽ gây vỡ ống dẫn trứng. Từ đó gây chảy máu bên trong và đe dọa tính mạng người mẹ. Vậy nguyên nhân thai ngoài tử cung là gì? Tình trạng này có ngăn ngừa được không?
Bạn có thể tìm hiểu chi tiết về vấn đề thai kỳ này qua bài viết sau của Hello Bacsi. Việc nhận thức được nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ sẽ giúp phụ nữ có biện pháp phòng ngừa mang thai ngoài tử cung hiệu quả hơn.
Nguyên nhân thai ngoài tử cung là gì? Yếu tố nào làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung?
Ở một thai kỳ bình thường, trứng sẽ thụ tinh tại ống dẫn trứng rồi di chuyển về buồng tử cung để làm tổ và phát triển. Khi trứng không làm tổ ở vị trí này, mà làm tổ ở vị trí khác như: ống dẫn trứng, buồng trứng, ổ bụng, sừng tử cung, cổ tử cung… gây ra tình trạng thai ngoài tử cung. Hay gặp nhất là thai ngoài tử cung vị trí ở vòi tử cung ( ống dẫn trứng). Vậy nguyên nhân nào khiến phụ nữ chửa ngoài dạ con?
Nguyên nhân thai ngoài tử cung
Trên thực tế, nguyên nhân thai ngoài tử cung thường liên quan đến các vấn đề của ống dẫn trứng nhưng không phải lúc nào cũng có thể xác định rõ ràng. Trong một số trường hợp, các nguyên nhân gây chửa ngoài dạ con có thể bao gồm:
- Ống dẫn trứng bị tổn thương, hình thành sẹo, bị tắc nghẽn do nhiễm trùng hoặc phẫu thuật trước đó.
- Vòi trứng bị lệch, tắc, hẹp bẩm sinh gây cản trở hoặc làm chậm quá trình di chuyển của trứng xuống tử cung.
- Mất cân bằng nội tiết hoặc sự phát triển bất thường của trứng đã thụ tinh cũng có thể là nguyên nhân gây thai ngoài tử cung.
Các yếu tố nào làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung?
Mang thai ngoài tử cung có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào trong độ tuổi sinh sản. Bên cạnh những nguyên nhân thai ngoài tử cung kể trên, phụ nữ sẽ có nguy cơ chửa ngoài dạ con cao hơn nếu:
- Trên 35 tuổi
- Đã từng mang thai ngoài tử cung
- Hút thuốc lá nhiều trước khi mang thai
- Từng phẫu thuật vùng bụng, phẫu thuật vùng chậu hoặc phá thai nhiều lần
- Có tiền sử mắc các bệnh phụ khoa chẳng hạn như viêm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung…
- Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu, chlamydia… có thể gây viêm ống dẫn trứng và làm tăng nguy cơ chửa ngoài dạ con.
- Mặc dù hiếm gặp nhưng nếu thụ thai xảy ra sau khi bạn đã thắt ống dẫn trứng hoặc đặt vòng tránh thai thì nguy cơ mang thai ngoài tử cung xảy ra rất cao.
- Việc dùng thuốc cải thiện khả năng sinh sản hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được chứng minh là làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Hơn nữa, bản thân tình trạng vô sinh cũng làm tăng nguy cơ này.
Nếu bạn phát hiện mình có những nguy cơ kể trên thì cần đi khám sức khỏe sinh sản trước khi mang thai. Hãy thảo luận với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn giải pháp giảm thiểu rủi ro nếu mang thai ngoài tử cung nhé!
Triệu chứng cảnh báo mang thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung bạn có thể có những dấu hiệu của mang thai như: Chậm kinh, nghén, căng tức ngực, đau bụng… kèm theo các dấu hiệu cảnh báo thai ngoài tử cung là chảy máu âm đạo nhẹ và đau vùng chậu. Các triệu chứng cụ thể thường phụ thuộc vào vị trí tụ máu và dây thần kinh nào đang bị kích thích.
Mặt khác, trong trường hợp tình trạng mang thai ngoài tử cung không được phát hiện sớm có thể dẫn đến biến chứng như Vỡ khối chửa gây chảy máu ồ ạt, có thể gây sốc và dẫn đến tử vong. Điều này có thể đe dọa tính mạng nên bạn cần lưu ý đến các triệu chứng cảnh báo nguy hiểm như:
- Đau bụng dữ dội
- Chảy máu âm đạo nghiêm trọng
- Sốc, choáng váng và ngất xỉu.
Nếu có những triệu chứng cảnh báo mang thai ngoài tử cung kể trên thì mẹ bầu nên được nhập viện ngay lập tức để được cấp cứu kịp thời. Việc sớm điều trị thai ngoài tử cung giúp hạn chế nguy cơ tử vong cũng như giúp phụ nữ bảo tồn được ống dẫn trứng.
Bạn có thể phòng ngừa thai ngoài tử cung không? Giải pháp ngăn ngừa là gì?
Việc phòng ngừa có thể khó khăn nếu nguyên nhân thai ngoài tử cung liên quan đến di truyền, mất cân bằng nội tiết hoặc thậm chí là do không xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, để hạn chế nguy cơ thì bạn vẫn nên duy trì lối sống lành mạnh bằng cách:
- Ăn uống lành mạnh và duy trì cân nặng hợp lý
- Không hút thuốc hoặc tập cai thuốc nếu có kế hoạch mang thai sinh con
- Quan hệ tình dục an toàn để tránh các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục
- Sử dụng biện pháp tránh thai nếu chưa muốn mang thai. Điều này giúp bạn tránh nguy cơ nạo phá thai và các hệ lụy về sau.
- Bạn nên khám phụ khoa định kỳ hoặc ngay khi có triệu chứng mắc bệnh để được điều trị sớm nhất có thể. Điều này giúp bạn ngăn ngừa rủi ro ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Nhìn chung, việc tìm hiểu về nguyên nhân thai ngoài tử cung và các triệu chứng giúp chị em có nhiều thông tin hữu ích để ngăn ngừa rủi ro hiệu quả hơn khi mang thai. Ngoài ra, nếu có những thắc mắc cụ thể khác về vấn đề thai ngoài tử cung thì cách tốt nhất là bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn chính xác nhé!
[embed-health-tool-due-date]