backup og meta

30 thực đơn cho bé 2 tuổi: Đủ chất, thơm ngon, bé tăng cân đều

30 thực đơn cho bé 2 tuổi: Đủ chất, thơm ngon, bé tăng cân đều

Việc xây dựng thực đơn cho bé 2 tuổi luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ, bởi đây là giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ. Một thực đơn khoa học không chỉ giúp bé nhận đủ dưỡng chất cần thiết mà còn kích thích vị giác, giúp bé ăn ngon miệng và tăng cân đều đặn, phát triển chiều cao tối ưu. 

Hãy cùng Hello Bacsi khám phá cách thiết kế thực đơn đủ chất, thơm ngon, đảm bảo bé yêu phát triển khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng mỗi ngày qua bài viết sau đây nhé.

Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 2 tuổi như thế nào? 

nhu cầu dinh dưỡng của trẻ 2 tuổi

Trẻ 2 tuổi đang ở giai đoạn phát triển nhanh chóng cả về thể chất lẫn trí tuệ. Vì vậy, việc xây dựng một thực đơn cho bé 2 tuổi đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng là yếu tố vô cùng cần thiết để hỗ trợ sự phát triển toàn diện của bé.

Ở độ tuổi này, nhu cầu năng lượng của trẻ tăng cao, trung bình khoảng 1000-1400 calo/ngày. Cha mẹ cần đảm bảo chế độ ăn uống hàng ngày của bé bao gồm ba bữa chính đầy đủ dinh dưỡng và thêm từ 1-2 bữa phụ. Đặc biệt, sự cân đối giữa các nhóm thực phẩm trong từng bữa ăn đóng vai trò quan trọng.

Sữa vẫn là một phần thiết yếu trong chế độ dinh dưỡng của bé, bởi sữa cung cấp canxivitamin D – hai thành phần cần thiết cho sự phát triển của xương và răng. Trẻ 2 tuổi nên được bổ sung khoảng 700mg canxi và 600 IU vitamin D mỗi ngày. Lượng sữa khuyến nghị là từ 480-720ml/ngày, ưu tiên sữa nguyên chất để đảm bảo bé nhận đủ chất béo phục vụ cho sự tăng trưởng và phát triển trí não. Tuy nhiên, lượng sữa nên được điều chỉnh sao cho phù hợp với tổng khẩu phần ăn, tỷ lệ lý tưởng là 3 phần sữa và 7 phần thức ăn.

Bổ sung chất sắt cũng rất quan trọng để ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu. Các thực phẩm giàu sắt như thịt bò, thịt gà cá, và các loại đậu nên được đưa vào thực đơn hàng ngày.

Một khẩu phần ăn đề xuất hàng ngày cho trẻ 2 tuổi gồm:

  • 1 khẩu phần trái cây
  • 2,5 khẩu phần rau
  • 1,5 khẩu phần sữa
  • 4 khẩu phần ngũ cốc
  • 1 khẩu phần thịt nạc, trứng hoặc thực phẩm giàu đạm.

Cần nhớ

Chế độ ăn uống cân đối và khoa học sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, tăng cân đều và có đủ năng lượng để khám phá thế giới xung quanh.

[embed-health-tool-child-growth-chart]

Xây dựng thực đơn cho bé 2 tuổi cần chú ý điều gì? 

xây dựng thực đơn cho bé 2 tuổi

Giai đoạn 2 tuổi là lúc bé khám phá thế giới xung quanh bằng rất nhiều các giác quan, kể cả vị giác. Việc xây dựng một thực đơn khoa học gồm các món ăn cho bé 2 tuổi không chỉ giúp bé phát triển toàn diện mà còn tạo thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ nhỏ.

1. Cần đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhóm dinh dưỡng cho bé 

Các món ăn cho bé 2 tuổi cần đảm bảo đủ 4 nhóm chất thiết yếu: chất bột đường, chất đạm, chất béo cùng các vitamin và khoáng chất

  • Tinh bột: Cơm, bún, phở, bánh mì… cung cấp năng lượng chính cho bé.
  • Protein: Thịt, cá, trứng, đậu… giúp bé phát triển cơ bắp và hệ miễn dịch.
  • Chất béo: Dầu ăn, mỡ… cần thiết cho sự phát triển não bộ.
  • Vitamin và khoáng chất: Có nhiều trong rau xanh, trái cây… giúp bé khỏe mạnh và tiêu hóa tốt.

Sự cân đối giữa các nhóm dưỡng chất này giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ.

2. Đa dạng các loại thực phẩm tươi ngon 

Thực đơn cho bé 2 tuổi mỗi ngày cần có sự đa dạng, bố mẹ cần tránh cho trẻ em ăn một vài loại thực phẩm nhất định chỉ vì con thích hay tiện lợi trong khâu chế biến… Việc sử dụng nhiều loại thực phẩm khác nhau không chỉ bổ sung dinh dưỡng đầy đủ mà còn giúp bé khám phá và làm quen với nhiều hương vị mới, kích thích sự thèm ăn.

3. Đủ bữa 

Để thiết kế một thực đơn phù hợp cho bé 2 tuổi tăng cân, bên cạnh dinh dưỡng, bố mẹ cũng cần đảm bảo số bữa ăn. Ở lứa tuổi này, trẻ sẽ cần ăn 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ. 

4. Các món ăn cần trang trí thật bắt mắt

trang trí món ăn cho bé 2 tuổi

Việc trang trí các món ăn bắt mắt sẽ kích thích vị giác của bé. Bố mẹ có thể tạo hình món ăn hoặc cơm bằng những hình thù dễ thương, như nhân vật hoạt hình, hoa lá, ngôi sao… kết hợp màu từ rau củ như cà rốt, bí đỏ, bắp cải tím…

5. Hạn chế tối đa các thực phẩm có nguy cơ gây hại 

Trẻ nhỏ nên hạn chế những thực phẩm có chứa chất bảo quản, đường, muối nhiều như đồ ăn đóng hộp, xúc xích… vì chúng không tốt cho sức khỏe của trẻ. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần tránh các món ăn nhanh cho bé 2 tuổi như hamburger, gà rán, khoai tây chiên… và nước ngọt vì sẽ gây béo phì, ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa của trẻ.

Đối với trẻ trên 1 tuổi, nếu bố mẹ muốn nêm gia vị cần ưu tiên sử dụng gia vị dành cho trẻ ăn dặm, các gia vị có nguồn gốc tự nhiên…

Gợi ý thực đơn cho bé 2 tuổi trong 30 ngày để con ăn ngon miệng, tăng cân tốt

xây dựng thực đơn cho bé 2 tuổi

Ngày 1: 

  • Bữa sáng (7h00): Bánh mì sandwich, thịt bò bằm và nước cam.
  • Bữa phụ 1 (9h00): Sữa.
  • Bữa trưa (11h00): Phi lê cá điêu hồng áp chảo, cơm, đậu que luộc, canh khoai mỡ và táo.
  • Bữa phụ 2 (14h00): Sữa và bánh flan.
  • Bữa tối (17h00): Thịt kho trứng cút, cơm và canh bí đỏ thịt viên, chuối.
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa.

Ngày 2: 

  • Bữa sáng (7h00): Súp cua óc heo, nước ép cà rốt.
  • Bữa phụ 1 (9h00): Sữa chua.
  • Bữa trưa (11h): Sườn heo kho nước dừa, cơm, cà rốt hấp, canh chua tôm, quýt.
  • Bữa phụ 2 (14h00): Sữa và bánh bông lan.
  • Bữa tối (17h00): Cá thu sốt cà, cơm, bông cải luộc và canh thịt bò nấu cải chua.
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa. 

Ngày 3: 

  • Bữa sáng (7h00): Cháo thịt bằm, dưa hấu.
  • Bữa phụ 1 (9h00): Sữa
  • Bữa trưa (11h00): Thịt bò xào rau củ, cơm, canh bí xanh (bí đao) nấu thịt viên và thanh long.
  • Bữa phụ 2 (14h00): Sữa + rau câu.
  • Bữa tối (17h00): Gà kho gừng, cơm, cải chíp xào và canh cà chua đậu hũ.
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa. 

Ngày 4: 

  • Bữa sáng (7h00): Cháo cá hồi, nước ép ổi.
  • Bữa phụ 1 (9h00): Sữa.
  • Bữa trưa (11h00): Thịt heo nhồi đậu hũ sốt cà, cơm, canh cá diêu hồng nấu ngót và nho.
  • Bữa phụ 2 (14h00): Sữa chua trái cây.
  • Bữa tối (17h00): Bò kho mềm, cơm, su su xào và canh mướp nấu tôm.
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa. 

Ngày 5:

  • Bữa sáng (7h00): Hủ tiếu thịt bằm, nước ép táo.
  • Bữa phụ 1 (9h00): Sữa.
  • Bữa trưa (11h00): Sườn xào chua ngọt, cơm, đậu bắp luộc, canh cà chua nấu trứng và lê.
  • Bữa phụ 2 (14h00): Phô mai, váng sữa.
  • Bữa tối (17h00): Gà chiên nước mắm, cơm, mướp xào, canh rau muống nấu tôm.
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa. 

Ngày 6:

  • Bữa sáng (7h00): Cháo lươn đậu xanh, sinh tố chuối dâu.
  • Bữa phụ 1 (9h00): Sữa chua, trái cây theo mùa
  • Bữa trưa (11h00): Cá thu kho thơm, cơm, đậu cô ve xào thịt bò, canh cải bẹ xanh nấu thịt bằm, đu đủ.
  • Bữa phụ 2 (14h00): Sữa, bánh flan
  • Bữa tối (17h00): Mực nhồi thịt sốt cà, cơm, cà rốt hấp, canh rau dền nấu tôm.
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa. 

Ngày 7: 

  • Bữa sáng (7h00): Bánh cuốn, dưa gang.
  • Bữa phụ 1 (9h00): Sữa.
  • Bữa trưa (11h00): Thịt heo kho nước dừa, cơm, rau củ thập cẩm xào, canh rau lang nấu tôm, chuối.
  • Bữa phụ 2 (14h00): Sữa chua, trái cây theo mùa.
  • Bữa tối (17h00): Thịt gà ram, cơm, mướp xào, canh rau ngót nấu thịt nạc.
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa. 

Ngày 8: 

  • Bữa sáng (7h00): Cháo thịt bằm đậu Hà Lan.
  • Bữa phụ 1 (9h00): Trái cây theo mùa.
  • Bữa trưa (11h00): Thịt kho trứng cút, cơm, canh cua rau đay, bí đỏ hấp, dưa hấu.
  • Bữa phụ 2 (14h00): Sữa, bánh bông lan.
  • Bữa tối (17h00): Trứng hấp tôm nấm, cơm, đậu cô ve hấp, canh hầm rau củ, táo. 
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa. 

Ngày 9:

Bữa sáng cho bé 2 tuổi

  • Bữa sáng (7h00): Bánh pancake ăn cùng trái cây.
  • Bữa phụ 1 (9h00): Sữa.
  • Bữa trưa (11h00): Cơm trắng, canh cua rau mồng tơi, cá điêu hồng sốt cam, dưa lưới.
  • Bữa phụ 2 (14h00): Váng sữa, bánh rán Doraemon.
  • Bữa tối (17h00): Cơm, thịt xào rau củ, canh đu đủ hầm xương, lê. 
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa. 

Ngày 10: 

  • Bữa sáng (7h00): Cháo bồ câu hạt sen cà rốt.
  • Bữa phụ 1 (9h00): Chuối, sữa chua.
  • Bữa trưa (11h00): Trứng chiên nấm rơm, cơm, canh rau cải nấu tôm, su su cà rốt xào thịt bò, quýt.
  • Bữa phụ 2 (14h00): Sữa.
  • Bữa tối (17h00): Thịt bò xào rau củ, cơm, canh chua tôm, dưa hấu. 
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa.

Ngày 11:

  • Bữa sáng (7h00): Bánh bao trứng cút nhân thịt. 
  • Bữa phụ 1 (9h00): Nước ép trái cây.
  • Bữa trưa (11h00): Trứng hấp, cơm trắng, dưa leo, canh cải nấu thịt cá rô, thơm. 
  • Bữa phụ 2 (14h00): Váng sữa.
  • Bữa tối (17h00): Chả tôm, cơm, đậu que xào, canh rau xanh nấu thịt viên, chuối.
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa.

Ngày 12: 

  • Bữa sáng (7h00): Phở bò.
  • Bữa phụ 1 (9h00): Sữa.
  • Bữa trưa (11h00): Ba rọi kho trứng cút, cơm, cải thảo xào, canh bí xanh, xoài. 
  • Bữa phụ 2 (14h00): Soup cua, nước cam.
  • Bữa tối (17h00): Cơm nắm với rong biển và ruốc cá hồi, rau củ luộc, mít. 
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa. 

Ngày 13: 

  • Bữa sáng (7h00): Nui xào thịt bò sốt cà chua. 
  • Bữa phụ 1 (9h00): Sữa.
  • Bữa trưa (11h00): Thịt viên sốt cà chua, cơm, canh bông hẹ nấu thịt nạc với đậu hũ non, vú sữa. 
  • Bữa phụ 2 (14h00): Sinh tố.
  • Bữa tối (17h00): Cá hồi áp chảo sốt chanh dây, cơm, mướp xào, canh bầu nấu tôm, lê.
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa.

Ngày 14: 

  • Bữa sáng (7h00): Bánh cuốn. 
  • Bữa phụ 1 (9h00): Sữa. 
  • Bữa trưa (11h00): Phi lê cá chẽm áp chảo, cơm, đậu bắp luộc, canh cải nấu thịt, cam.
  • Bữa phụ 2 (14h00): Dưa lưới, sữa.
  • Bữa tối (17h00): Thịt gà kho lạt, cơm, bầu luộc, canh rau ngót nấu thịt bằm, chuối.
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa. 

Ngày 15:

  • Bữa sáng (7h00): Nui nấu thịt viên. 
  • Bữa phụ 1 (9h00): Bánh flan
  • Bữa trưa (11h00): Cơm nắm rắc rong biển, thịt viên áp chảo, rau củ xào, canh cua đồng rau tập tàng, bưởi.
  • Bữa phụ 2 (14h00): Cháo tôm.
  • Bữa tối (17h00): Lươn sốt teriyaki, cơm, đậu đũa luộc, canh rau củ, nho.
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa.

Ngày 16:

  • Bữa sáng (7h00): Cháo cá hồi cà rốt.
  • Bữa phụ 1 (9h00): Sinh tố dâu.
  • Bữa trưa (11h00): Gà rô ti, cơm, canh bí đỏ hầm xương, nhãn.
  • Bữa phụ 2 (14h00): Sữa.
  • Bữa tối (17h00): Tôm xào rau củ, cơm, canh khoai mỡ nấu tôm khô, mận. 
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa. 

Ngày 17: 

  • Bữa sáng (7h00): Hủ tiếu thịt bằm, trứng cút. 
  • Bữa phụ 1 (9h00): Sữa.
  • Bữa trưa (11h00): Cá hú kho lạt, cơm, rau củ thập cẩm xào thịt bò, canh bầu nấu tôm, dâu tây
  • Bữa phụ 2 (14h00): Bánh pancake rau củ. 
  • Bữa tối (17h00): Cá hồi sốt tương, cơm, su su xào, canh khoai từ nấu thịt bằm, đu đủ. 
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa.

Ngày 18: 

bữa sáng cho bé với mì Ý

  • Bữa sáng (7h00): Mì Ý thịt bò bằm, nước cam/quýt. 
  • Bữa phụ 1 (9h00): Trái cây theo mùa. 
  • Bữa trưa (11h00): Ếch chiên bơ, cơm, bầu luộc, canh trứng đậu hũ, nho. 
  • Bữa phụ 2 (14h00): Súp cua. 
  • Bữa tối (17h00): Chả tôm cuộn rong biển, cơm, canh bí đỏ nấu giò sống, đu đủ.
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa. 

Ngày 19:

  • Bữa sáng (7h00): Bánh mì sandwich kẹp trứng thịt. 
  • Bữa phụ 1 (9h00): Sữa hạt. 
  • Bữa trưa (11h00): Cơm chiên sò điệp, canh rong biển, chuối. 
  • Bữa phụ 2 (14h00): Váng sữa
  • Bữa tối (17h00): Trứng cuộn cơm rong biển, cà rốt luộc, dưa hấu.
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa. 

Ngày 20:

  • Bữa sáng (7h00): Mì Quảng gà cho bé.
  • Bữa phụ 1 (9h00): Sữa đậu nành
  • Bữa trưa (11h00): Bò xào khoai tây, cơm, canh củ thập cẩm hầm xương, lê. 
  • Bữa phụ 2 (14h00): Bánh mì phô mai nho
  • Bữa tối (17h00): Thịt bò xào giá, cơm, canh rau ngót nấu thịt, chôm chôm. 
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa.

Ngày 21: 

  • Bữa sáng (7h00): Soup hải sản. 
  • Bữa phụ 1 (9h00): Sữa chua Hy Lạp
  • Bữa trưa (11h00): Cơm, thịt bò viên, canh bí đao, dưa lê. 
  • Bữa phụ 2 (14h00): Nước ép lựu. 
  • Bữa tối (17h00): Thịt ba chỉ ram tôm đất, cơm, su su luộc, canh khoai môn thịt viên, mãng cầu ta (na). 
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa. 

Ngày 22: 

  • Bữa sáng (7h00): Bánh mì sandwich trứng ốp la. 
  • Bữa phụ 1 (9h00): Váng sữa. 
  • Bữa trưa (11h00): Ếch chiên bơ, cơm, cà rốt hấp, canh rau lang nấu tôm, chuối.  
  • Bữa phụ 2 (14h00): Bánh khoai tây. 
  • Bữa tối (17h00): Thịt viên sốt Teriyaki, cơm, canh cà rốt su su hầm xương ống, đu đủ. 
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa. 

Ngày 23: 

  • Bữa sáng (7h00): Bún riêu. 
  • Bữa phụ 1 (9h00): Sinh tố hồng xiêm.
  • Bữa trưa (11h00): Trứng hấp thịt bằm nấm rơm, cơm, canh cua mướp mồng tơi, thơm. 
  • Bữa phụ 2 (14h00): Sữa bắp. 
  • Bữa tối (17h00): Phi lê cá basa chưng tương, cơm, rau dền luộc, canh mồng tơi nấu tôm, chuối. 
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa. 

Ngày 24: 

  • Bữa sáng (7h00): Phở bò. 
  • Bữa phụ 1 (9h00): Sinh tố chuối xoài.
  • Bữa trưa (11h00): Tôm nướng phô mai, cơm, cải thảo xào, canh cà chua trứng, khế ngọt.
  • Bữa phụ 2 (14h00): Cháo nghêu
  • Bữa tối (17h00): Phi lê cá hồi áp chảo, cơm, đậu đũa luộc, canh bầu nấu tôm, măng cụt. 
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa.

Ngày 25: 

  • Bữa sáng (7h00): Bún mọc.
  • Bữa phụ 1 (9h00): Nho.
  • Bữa trưa (11h00): Thịt viên sốt cà chua, cơm, rau lang xào, canh bí đỏ thịt bằm, ổi. 
  • Bữa phụ 2 (14h00): Sữa chua. 
  • Bữa tối (17h00): Cá basa kho thơm, cơm, cải thìa xào, canh cua rau đay, mít.
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa.

Ngày 26:

  • Bữa sáng (7h00): Hủ tiếu. 
  • Bữa phụ 1 (9h00): Phô mai con bò cười. 
  • Bữa trưa (11h00): Cơm cuộn rong biển và cá hồi, cà rốt xào, canh rong biển nấu thịt bằm, táo.
  • Bữa phụ 2 (14h00): Sinh tố dâu tây.
  • Bữa tối (17h00): Thịt bò bằm nấu khoai tây, bánh mì, nho.
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa. 

Ngày 27: 

Bữa sáng cho bé 2 tuổi

  • Bữa sáng (7h00): Nui sao nấu thịt bằm. 
  • Bữa phụ 1 (9h00): Váng sữa.
  • Bữa trưa (11h00): Lươn sốt Teriyaki, cơm, bầu luộc, canh cải chíp thịt bằm, bưởi.
  • Bữa phụ 2 (14h00): Bánh yến mạch cho bé.
  • Bữa tối (17h00): Gà chiên nước mắm, cơm, dưa leo, canh chua thơm cà, dưa lưới.
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa. 

Ngày 28: 

  • Bữa sáng (7h00): Phở gà.
  • Bữa phụ 1 (9h00): Bánh gạo cho bé.
  • Bữa trưa (11h00): Đậu hũ kho tôm, cơm, bắp cải luộc, canh bí xanh nấu thịt, kiwi. 
  • Bữa phụ 2 (14h00): Sinh tố chuối.
  • Bữa tối (17h00): Tôm chiên xù, cơm, bắp cải luộc, canh mồng tơi nấu tôm khô, nho. 
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa.

Ngày 29: 

  • Bữa sáng (7h00): Nui xào thịt bò.
  • Bữa phụ 1 (9h00): Chuối.
  • Bữa trưa (11h00): Cơm, ruốc cá hồi, su su luộc, canh rong biển nấu thịt bằm, dâu tây. 
  • Bữa phụ 2 (14h00): Trứng gà luộc. 
  • Bữa tối (17h00): Gà sốt mật ong, cơm, bầu luộc, canh rau lang nấu tôm, táo ta. 
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa.

Ngày 30:  

  • Bữa sáng (7h00): Cháo bào ngư. 
  • Bữa phụ 1 (9h00): Thanh long, sữa chua 
  • Bữa trưa (11h00): Chả mực, cơm, rau lang xào, canh bầu nấu tôm, lựu. 
  • Bữa phụ 2 (14h00): Váng sữa.
  • Bữa tối (17h00): Chả trứng hấp, cơm, dưa leo, canh bí ngòi, bòn bon.
  • Bữa phụ 3 (20h00): Sữa.

Các thắc mắc thường gặp xoay quanh việc xây dựng thực đơn cho bé 2 tuổi 

xây dựng thực đơn cho bé

1. Những nguyên tắc nào cần chú ý khi xây dựng thực đơn cho bé 2 tuổi tăng cân, tăng chiều cao? 

Để thiết kế thực đơn cho bé 2 tuổi tăng cân, tăng chiều cao, bố mẹ cần đa dạng các nhóm thực phẩm (tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo bé nhận đủ năng lượng trong mỗi bữa ăn, chú ý lựa chọn thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi lên thực đơn tăng cân cho bé 2 tuổi.

2. Việc lên thực đơn cho bé 2 tuổi suy dinh dưỡng cần chú ý điều gì? 

Thực đơn cho bé 2 tuổi suy dinh dưỡng cũng cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng với 4 nhóm thực phẩm chính. Ngoài ra, hầu hết trẻ suy dinh dưỡng thường biếng ăn, vì vậy, mẹ nên lưu ý chia nhỏ bữa ăn và thiết kế món ăn bắt mắt để kích thích vị giác của trẻ

3. Làm sao để lên thực đơn cho bé 2 tuổi kén ăn mà vẫn đủ chất? 

Trẻ kén ăn là một vấn đề khá phổ biến, thường khiến bố mẹ đau đầu vì không biết làm sao giúp con đủ chất. Khi lên thực đơn cho bé 2 tuổi kén ăn, biếng ăn, bố mẹ cần lưu ý:

  • Tạo thực đơn với đa dạng thực phẩm và trình bày bắt mắt. 
  • Đừng ép buộc khi bé không muốn ăn. Việc đe dọa, trừng phạt, la mắng, thậm chí là đánh đập đều khiến tình trạng biếng ăn của bé ngày càng trầm trọng hơn. Hãy chờ cho đến khi bé thật đói và cho bé thử ăn món mới.
  • Cho trẻ ăn đúng giờ. Hãy giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống đúng giờ. Bạn không nên cho trẻ ăn bất cứ thứ gì nếu chưa đến thời điểm của bữa ăn nhẹ và bữa ăn chính. Trước khi bắt đầu bữa ăn khoảng 10-15 phút, hãy thông báo cho con biết là đã sắp đến giờ ăn và nếu không chịu ăn đến quá giờ sẽ không được ăn nữa.
  • Chia nhỏ khẩu phần ăn. Việc này tạo cho trẻ không cảm thấy áp lực khi phải ăn hết một khẩu phần ăn lớn.
  • Chọn thực phẩm lành mạnh cho bữa phụ như sữa chua, trái cây, bánh ăn dặm ít ngọt… Bố mẹ chú ý không nên cho trẻ ăn gần với bữa chính.

4. Các món ăn sáng cho bé 2 tuổi ngon miệng, bổ dưỡng cho bé là các món gì?

Hello Bacsi gợi ý các món ăn mà bố mẹ có thể đưa vào thực đơn bữa sáng cho bé 2 tuổi:

  • Cháo các loại: cháo thịt heo, cháo đậu, cháo bồ câu, cháo tôm… giúp bé dễ tiêu hóa, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng.
  • Bánh pancake trái cây: Bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất từ trái cây, dễ làm và thay đổi hương vị.
  • Bánh quy ngũ cốc nguyên hạt với sữa tươi: Cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, giúp bé no lâu.
  • Bánh mì nướng, trứng luộc và cà chua: Dễ làm, kết hợp với nhiều loại topping khác nhau như trứng, bơ, phô mai, rau củ.
  • Bún, phở, mì, nui: Dễ ăn, cung cấp nhiều năng lượng.
  • Bánh bao, bánh cuốn, bánh ướt… dễ ăn, dễ đổi vị. 
  • Súp…

Hello Bacsi hi vọng rằng với 30 thực đơn cho bé 2 tuổi mà chúng tôi đã giới thiệu trong bài, các bố mẹ đã đủ tự tin để xây dựng chế độ ăn cho bé yêu để con phát triển vượt trội.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Sample Menu for a Two-Year-Old – HealthyChildren.org https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/toddler/nutrition/Pages/Sample-One-Day-Menu-for-a-Two-Year-Old.aspx Ngày truy cập 07/01/2025

Baby and toddler meal ideas – NHS https://www.nhs.uk/conditions/baby/weaning-and-feeding/baby-and-toddler-meal-ideas/ Ngày truy cập 07/01/2025

Dietary guidelines & food groups 2-3 years | Raising Children Network https://raisingchildren.net.au/toddlers/nutrition-fitness/daily-food-guides/dietary-guide-2-3-years Ngày truy cập 07/01/2025

Feeding your baby: 1–2 years | UNICEF Parenting https://www.unicef.org/parenting/food-nutrition/feeding-your-baby-1-2-years Ngày truy cập 07/01/2025

Feeding Your 1- to 2-Year-Old (for Parents) – Nemours KidsHealth https://kidshealth.org/en/parents/feed12yr.html Ngày truy cập 07/01/2025

Nutrition and Hydration Requirements In Children and Adults – StatPearls – NCBI Bookshelf https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK562207/ Ngày truy cập 07/01/2025

Phiên bản hiện tại

07/02/2025

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Linh Nguyễn


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 2 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo