backup og meta

Mách bạn bí quyết cùng con vượt qua "cơn bão" wonder week 12 dễ dàng

Mách bạn bí quyết cùng con vượt qua "cơn bão" wonder week 12 dễ dàng

Wonder week 12 là mốc phát triển quan trọng với sự hoàn thiện kỹ năng vận động và năm giác quan ở trẻ. Ở tuần khủng hoảng này, bé rất cần ba mẹ hỗ trợ để làm quen với những kỹ năng mới và chinh phục thêm nhiều thử thách trong quá trình phát triển đấy. 

Khi chạm mốc 12 tuần tuổi, bé bắt đầu nhận thức được thế giới xung quanh có nhiều biến đổi và cũng học được cách phối hợp tay chân tốt hơn để có những cử động nhịp nhàng. Tuy nhiên, đây cũng là một tuần khủng hoảng khi bé thường xuyên quấy khóc, bám mẹ và khó ngủ hơn. Vậy wonder week 12 kéo dài bao lâu và làm thế nào để mẹ cùng con vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng? Đừng bỏ qua những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết sau bạn nhé! 

“Cơn bão” wonder week 12 là gì?

Wonder week hay tuần khủng hoảng là tuần phát triển nhảy vọt trong quá trình phát triển thể chất và kỹ năng của trẻ trong 20 tháng đầu đời. Trong các tuần khủng hoảng, kỹ năng và nhận thức của trẻ sẽ tăng vượt bậc nên bé sẽ có nhiều thử thách và nhiều điều cần khám phá hơn.

Wonder week 12 là giai đoạn phát triển vượt bậc thứ ba trong quá trình phát triển của bé. Đây là tuần bé luyện tập cách vận động nhịp nhàng, mượt mà hơn thay vì chuyển động giật cục như những tuần trước. Bé cũng hiểu được nguyên nhân của một hành động nào đó và biết cách cầm, nắm, sờ, chạm… các vật xung quanh. Ngoài ra, năm giác quan của bé cũng hoàn thiện hơn nên bé sẽ tiếp nhận thế giới xung quanh theo cách mới.

Mẹ cần lưu ý là tuần khủng hoảng 12 thường xảy ra vào khoảng tuần thứ 11 – 13 kể từ ngày dự sinh của bé chứ không phải ngày bé chào đời nhé! 

Có thể bạn quan tâm

Wonder week 12 kéo dài bao lâu?

Wonder week 12 kéo dài bao lâu

Bé bước vào wonder week 12 thường sẽ bắt đầu quấy khóc, khó chịu vào khoảng tuần thứ 12, tương đương với khi con được tầm 2,8 tháng tuổi. Khoảng thời gian “khó ở” hay quấy khóc này thường sẽ kéo dài 1 – 7 ngày và sau đó bé sẽ thoải mái, vui vẻ hơn.

Tuy nhiên, mỗi bé sẽ có tốc độ phát triển khác nhau nên bạn cần quan sát biểu hiện của con để biết wonder week 12 kéo dài trong bao lâu. Nếu bé dần bớt quấy khóc thì đó có thể là dấu hiệu tuần khủng hoảng sắp kết thúc.

Khi “cơn bão” wonder week 12 xảy ra, bé sẽ có những biểu hiện nào? 

tuần khủng hoảng Wonder week 12

Wonder week 12 đánh dấu cột mốc bé biết cách phối hợp các phần trên cơ thể tốt hơn để chuyển động nhịp nhàng hơn. Trong giai đoạn này, năm giác quan của trẻ cũng sẽ hoàn thiện hơn. Bên cạnh những kỹ năng mới, trẻ cũng có những biểu hiện khó chịu như:

  • Bé bỗng “khó ở”: Bé có thể sẽ quấy khóc, la hét, cáu kỉnh, tức giận thường xuyên.
  • Bé không thoải mái với người lạ: Nhìn chung, trẻ đến khoảng 12 tuần tuổi mới có thể nhận biết rõ khuôn mặt của ba mẹ và những người thân quen bên cạnh. Khi này, bé bắt đầu có khả năng phân biệt người lạ với người quen. Nếu thấy gương mặt không quen thuộc, trẻ sẽ cảm thấy hơi lo lắng, sợ hãi và thu mình lại.
  • Bé không theo lịch ăn ngủ thông thường: Trẻ đang trong wonder week 12 thường hay thức giấc, quấy khóc và đòi bú vào ban đêm. 

Kỹ năng bé học được trong wonder week 12

tuần khủng hoảng Wonder week 12

Sau mỗi tuần khủng hoảng, trẻ sẽ phát triển nhảy vọt về cả thể chất, kỹ năng và nhận thức. Sau khi trải qua wonder week 12, trẻ  thường sẽ đạt được các mốc phát triển sau: 

1. Tăng trưởng về thể chất

Trong tháng thứ 3, chiều cao của bé có thể tăng khoảng 2 – 3 cm so với trước và cân nặng tăng thêm khoảng 0,6 – 1,2 kg. Ngoài ra, chu vi vòng đầu của trẻ 3 tháng tuổi cũng đã đạt khoảng 40 cm. Nhìn chung, chiều cao và cân nặng của bé sau wonder week 12 là:

Chiều cao: 

  • Bé trai: 57,6 – 61,4 cm
  • Bé gái: 55,6 – 64 cm

Cân nặng: 

  • Bé trai: khoảng 6,4 kg
  • Bé gái: khoảng 5,8 kg

2. Phát triển kỹ năng và nhận thức

Các giác quan và khả năng nhận thức của bé sau wonder week 12 có thể phát triển mạnh mẽ. Một số biểu hiện của sự phát triển này là:

  • Thị giác: Bé thường nhìn chăm chú theo ba mẹ, người thân và các đồ vật di chuyển.
  • Thính giác: Bé có thể nhận diện âm thanh tốt hơn, đặc biệt là nhận ra chính xác giọng của mẹ.
  • Khứu giác: Trẻ có thể dùng khứu giác để phân biệt mùi người quen và người lạ. Với những người có mùi hương bé không quen thuộc, bé sẽ quấy khóc, sợ hãi và đòi ba mẹ.
  • Vị giác: Bé có thể nuốt trơn tru và từ tốn hơn.
  • Xúc giác: Trẻ có thể cầm nắm đồ vật chắc chắn hơn và muốn cho mọi thứ vào miệng. Vậy nên, bạn chú ý cần đảo bảo những vật nguy hiểm không nằm trong tầm tay của trẻ.
  • Nhận thức: Bé biết cười và tạo âm thanh để thu hút sự chú ý của người lớn. Ngoài ra, bé cũng hiểu được mối quan hệ nguyên nhân và kết quả, ví dụ như muốn di chuyển một vật nào đó (chẳng hạn là đồ chơi) thì phải dùng lực tác động.

Bí quyết cùng con vượt qua “cơn bão” wonder week 12 nhẹ nhàng

cùng con vượt qua Wonder week 12

Để bé phát triển tốt trong wonder week 12 và ba mẹ cũng không gặp quá nhiều khó khăn trong việc chăm sóc bé, bạn có thể tham khảo những cách sau:

1. Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ

Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng trong việc hỗ trợ bé phát triển thật tốt. Để đảm bảo bé có đủ dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu phát triển trong tuần khủng hoảng 12, bạn cần:

  • Đảm bảo bé bú đủ: Hãy quan sát và theo dõi xem bé đã bú đủ hay chưa. Trẻ 3 tháng tuổi cần bú khoảng 8 – 10 cữ mỗi ngày và mỗi cữ bé bú khoảng 100 – 150 ml sữa.
  • Chú ý đến chế độ ăn của mẹ nuôi con bằng sữa mẹ: Nếu bé bú sữa mẹ, bạn hãy chú ý bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng, lành mạnh vào thực đơn hàng ngày của mình. 
  • Tận dụng sự hỗ  trợ: Để tránh bé lỡ mất cữ bú khi mẹ bận cũng như để mẹ có thêm thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức, mẹ có thể hút sữa trước rồi trữ đông để người thân có thể giúp đỡ trong việc cho bé bú.

2. Tạo cảm giác dễ chịu cho bé

Một số việc bạn có thể làm để giúp bé bình tĩnh và bớt quấy khóc hơn như sau:

  • Cho bé tắm nước ấm rồi đặt bé vào khăn tắm mềm và nhẹ nhàng massage cho bé.
  • Cho bé nghe những bài hát nhẹ nhàng, du dương. Bạn cũng có thể bật tiếng ồn trắng khi bé đi ngủ nếu bé thích tiếng ồn trắng.
  • Thường xuyên dành thời gian chơi với bé và vuốt ve bé để con cảm nhận được ba mẹ luôn ở bên mình.

3. Cùng con chơi những trò hỗ trợ sự phát triển

Các bé trong tuần khủng hoảng 12 đã biết nhìn ngắm xung quanh và thích theo dõi đồ vật chuyển động. Vậy nên, bạn có thể dùng các món đồ chơi yêu thích của con và di chuyển qua lại, lên xuống chầm chậm để bé tập nhìn theo.

Để bé có thể tập cầm nắm và xác định vị trí đồ vật, bạn hãy đặt đồ chơi của con trong tầm với sao cho bé cần gắng sức một chút để lấy. Cách này sẽ giúp bé phát triển khả năng cầm nắm, với lấy đồ đạc hiệu quả.

Thời điểm này cũng là lúc bé có thể tự ngẩng đầu khi nằm sấp. Do đó, mẹ có thể dành thời gian “tummy time” giúp bé vận động vùng cơ cổ và cột sống tốt hơn.

Mẹ cũng có thể bế bé đi dạo quanh nhà và mô tả cho bé các đồ vật xung quanh và cho bé chủ động sờ chạm, nhìn ngắm, cảm nhận nhiều chất liệu, kết cấu khác nhau. Bé sẽ rất thích thú khi được khám phá mọi vật bằng các giác quan đang dần hoàn thiện của mình đấy.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Wonder Weeks Chart: How The Wonder Weeks Affect Baby and Toddler Sleep

https://www.babysleepsite.com/baby-sleep-patterns/wonder-weeks-chart-baby-toddler-sleep/  Ngày truy cập 18/08/2023

Leap 3

https://www.thewonderweeks.com/mental-leap-3/ Ngày truy cập 18/08/2023

Wonder Weeks Leap 3: Wonder Week 12 Smooth Transitions

https://www.mamasorganizedchaos.com/wonder-weeks-leap-3-wonder-week-12-smooth-transitions/ Ngày truy cập 18/08/2023

Wonder Week 12: The World of Smooth Transitions (Leap 3)

https://www.bellybelly.com.au/baby/wonder-week-12-leap-3/ Ngày truy cập 18/08/2023

When are the Wonder Weeks?

http://www.mybabysleepguide.com/2012/01/when-are-wonder-weeks.html Ngày truy cập 18/08/2023

Phiên bản hiện tại

28/08/2023

Tác giả: Như Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm

Nhi khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Mỹ (AIH)


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 28/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo