backup og meta

Trị táo bón cho bà bầu: 5 cách tự nhiên đảm bảo sức khỏe mẹ và bé

Trị táo bón cho bà bầu: 5 cách tự nhiên đảm bảo sức khỏe mẹ và bé

Táo bón là tình trạng thường gặp ở nhiều mẹ bầu. Khoảng 16-39% phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng này. Sự thay đổi nội tiết tố và lối sống trong thai kỳ là những “thủ phạm” gây ra táo bón. Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, trước khi áp dụng bất kỳ biện pháp nào, kể cả cách trị táo bón cho bà bầu tại nhà, mẹ vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nhé!

Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu kỹ hơn về cách chữa táo bón cho bà bầu. Ngoài ra, những giải pháp phòng ngừa an toàn, hiệu quả cũng có thể giúp mẹ bầu có một thai kỳ chất lượng, khỏe mạnh và thoải mái.

4 nguyên nhân chính gây táo bón khi mang thai

Trước khi tìm hiểu về các cách trị táo bón cho bà bầu nhanh nhất, bạn cần hiểu rõ nguyên nhân gây táo bón để có cách xử lý phù hợp. 

Tuy tình trạng này có thể gặp ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, nhưng tỷ lệ táo bón ở phụ nữ mang thai thường cao nhất ở tam cá nguyệt thứ ba. Những nguyên nhân chính bao gồm:

1. Thay đổi nội tiết tố (Progesterone)

  • Khi mang thai, cơ thể sản xuất một lượng lớn hormone progesterone – một hormone quan trọng để thai nhi phát triển bình thường. Tuy nhiên, progesterone không chỉ ảnh hưởng đến sự co giãn ở tử cung mà còn tác động đến hệ tiêu hóa.
  • Progesterone làm giãn các cơ trơn trong cơ thể, bao gồm cả cơ của ruột. Điều này khiến ruột của mẹ bầu hoạt động chậm hơn – làm giảm tốc độ di chuyển của thức ăn và chất thải qua đường tiêu hóa.
  • Khi thức ăn và chất thải di chuyển chậm, ruột có thêm thời gian để hấp thụ nước, làm cho phân trở nên khô và cứng hơn. Từ đó khiến mẹ bầu gặp khó khăn khi đi vệ sinh.

2. Áp lực từ tử cung và thai nhi

Tử cung lớn hơn khi thai nhi phát triển tạo áp lực lên các cơ quan xung quanh, trong đó có hệ tiêu hóa. Áp lực này đặc biệt ảnh hưởng đến ruột già và trực tràng, khiến phân khó di chuyển qua đường tiêu hóa của mẹ bầu.

Ngoài ra, tử cung lớn hơn trong thai kỳ cũng có thể làm giảm khả năng co bóp của ruột, khiến quá trình vận chuyển phân từ ruột già ra ngoài trở nên khó khăn hơn. Đây là lý do khiến mẹ bầu dễ gặp phải táo bón trong giai đoạn cuối thai kỳ.

3. Chế độ ăn uống thiếu chất xơ, uống ít nước và ít vận động

Chất xơ có vai trò quan trọng trong việc làm mềm phân và thúc đẩy sự co bóp của ruột. Chế độ ăn ít thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt… khiến mẹ bầu dễ bị táo bón.

Bên cạnh đó, việc uống không đủ nước cũng là một yếu tố khiến tình trạng táo bón trở nên trầm trọng hơn. Khi cơ thể thiếu nước, phân sẽ mất nước và trở nên khô cứng, khó đẩy ra ngoài. Mẹ bầu nên đảm bảo uống đủ lượng nước mỗi ngày để giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả và tránh tình trạng táo bón.

4. Sử dụng thuốc bổ sung sắt

Trong thai kỳ, các bác sĩ thường khuyến cáo bà bầu bổ sung sắt để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi và phòng ngừa thiếu máu. 

Tuy nhiên, vi chất này cũng có thể gây táo bón vì sắt làm thay đổi hệ vi sinh vật trong ruột, khiến quá trình tiêu hóa bị chậm lại. Thêm vào đó, sắt có thể làm phân trở nên khô và khó thải ra ngoài.


Táo bón trong thai kỳ là có thể xuất phát từ: 

  • Thay đổi hormone
  • Áp lực của thai nhi lên tử cung
  • Chế độ sinh hoạt hoặc do các thực phẩm bổ sung
Song nguyên nhân cũng có thể xuất phát từ nhiều yếu tố kết hợp. Vì thế, nếu tình trạng táo bón kéo dài, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp.

Cách trị táo bón cho bà bầu

Mẹ bầu bị táo bón nhẹ hoàn toàn có thể áp dụng một số cách trị táo bón cho bà bầu tại nhà, bao gồm:

trị táo bón cho bà bầu

1. Điều chỉnh chế độ ăn uống

Một chế độ ăn uống hợp lý và cân bằng là yếu tố quan trọng nhất trong các cách trị táo bón cho bà bầu. Mẹ bầu nên ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa và giúp làm mềm phân. Một số cách đơn giản bao gồm:

  • Tăng cường chất xơ trong bữa ăn. Bạn có thể bổ sung khoảng 25-30g chất xơ mỗi ngày, đặc biệt trong các bữa ăn chính và bữa phụ. Các nguồn thực phẩm giàu chất xơ mà bạn nên thêm vào thực đơn bầu bao gồm:
    • Rau có màu xanh đậm như cải bó xôi, cải xoăn, bông cải xanh.
    • Trái cây giàu chất xơ và vitamin như táo, chuối, lê, mận khô (prune), thanh long
    • Ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt, lúa mạch.
    • Các loại đậu như đậu đen, đậu lăng.

cách trị táo bón cho bà bầu

  • Uống đủ nước: là cách chữa táo bón cho bà bầu đơn giản nhưng hiệu quả cao. Để chữa trị táo bón, mẹ bầu nên uống ít nhất 8-10 ly nước mỗi ngày. Đặc biệt là vào buổi sáng sau khi thức dậy và trong suốt cả ngày để hỗ trợ hệ tiêu hóa.
  • Hạn chế tiêu thụ thực phẩm gây táo bón. Những loại thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón, bao gồm: Cà phê; Thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chiên rán; Sô cô laCác sản phẩm từ sữa như sữa và phô mai; Thịt đỏ;  Chuối xanh

cách trị táo bón cho bà bầu

2. Vận động nhẹ nhàng

Mặc dù không phải là cách trị táo bón cho bà bầu nhanh nhất nhưng thói quen luyện tập thể dục cũng là cách an toàn và đơn giản mẹ bầu có thể thử. Việc vận động nhẹ nhàng sẽ kích thích nhu động ruột để giảm chứng táo bón. 

Các hoạt động nhẹ như đi bộ, yoga hoặc bơi lội trong thai kỳ có thể giúp kích thích nhu động ruột, làm cho phân di chuyển dễ dàng hơn qua đường ruột. Đặc biệt, ngoài điều trị táo bón, yoga cho mẹ bầu đặc biệt còn có thể giúp thư giãn và giảm căng thẳng.

Lưu ý khi tập thể dục trong thai kỳ

Sức khỏe và thể trạng của mỗi mẹ bầu là khác nhau. Vì thế, để an toàn cho mẹ và bé, bạn nên lắng nghe cơ thể và luôn luôn chú ý theo sự hướng dẫn của bác sĩ về các bài tập phù hợp. Ngoài ra, hãy tránh những bài tập có thể gây căng thẳng hoặc chấn thương cho cơ thể của mẹ bầu.

3. Bổ sung probiotics

Probiotics, hay còn gọi là vi khuẩn có lợi, giúp duy trì sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột, từ đó hỗ trợ tiêu hóa và giảm táo bón ở phụ nữ mang thai.

Theo nghiên cứu, probiotics có thể thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột. Tiêu thụ khoảng 300g sữa chua mỗi ngày có thể đóng vai trò cải thiện các triệu chứng táo bón trong thai kỳ. Việc bổ sung probiotics trong thai kỳ không chỉ giúp cải thiện chất lượng phân và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Probiotics còn giúp giảm viêm trong ruột và cải thiện sự hấp thụ chất dinh dưỡng.

Nguồn thực phẩm giàu probiotics và an toàn cho cho bà bầu bao gồm:

  • Sữa chua tự nhiên (lựa chọn loại không đường hoặc ít đường)
  • Tương miso
  • Kim chi, Ô-liu lên men.

4. Sử dụng thuốc trị táo bón theo hướng dẫn của bác sĩ

Trong trường hợp táo bón kéo dài và không cải thiện qua các phương pháp tự nhiên, mẹ bầu có thể cần sự hỗ trợ từ thuốc trị táo bón. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần phải được bác sĩ chỉ định và giám sát chặt chẽ.

Thuốc trị táo bón cho bà bầu

Những loại thuốc nhuận tràng an toàn cho bà bầu:

  • Thuốc nhuận tràng tạo khối. Các loại thuốc này như Metamucil, FiberCon giúp tăng khối lượng phân, kích thích nhu động ruột và làm mềm phân. Chúng thường được coi là an toàn cho bà bầu vì không được cơ thể hấp thụ.
  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu. Các loại thuốc như Milk of Magnesia, Magnesium citrate giúp giữ nước trong ruột, làm mềm phân. Tuy nhiên, nên sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng mất nước.
  • Thuốc làm mềm phân. Các loại thuốc như Colace giúp làm mềm phân, giúp đi đại tiện dễ dàng hơn.
  • Thuốc nhuận tràng kích thích. Các loại thuốc như Dulcolax có tác dụng kích thích co bóp ruột. Loại thuốc này thường được sử dụng khi các biện pháp khác không hiệu quả, nhưng cần thận trọng vì có thể gây co thắt tử cung.

Thuốc trị táo bón cho bà bầu không nên là lựa chọn đầu tiên. Bạn nên thử những cách tự nhiên. Vậy, khi nào bạn mới nên dùng thuốc trị táo bón?

  • Táo bón kéo dài nhiều ngày và không cải thiện dù đã thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường vận động.
  • Táo bón gây đau đớn
  • Táo bón khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt.

Lưu ý khi sử dụng thuốc:

  • Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, kể cả thuốc không kê đơn. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của bạn và đưa ra lời khuyên phù hợp.
  • Không tự ý tăng liều hoặc thời gian sử dụng thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Theo dõi tác dụng phụ. Một số thuốc nhuận tràng có thể gây ra tác dụng phụ như đau bụng, tiêu chảy, hoặc mất cân bằng điện giải. Nếu bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.
Thuốc nhuận tràng chỉ là một phần trong quá trình điều trị táo bón. Bạn nên kết hợp việc sử dụng thuốc với việc điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường vận động và bổ sung đủ nước để đạt hiệu quả tốt nhất.
Quan trọng nhất, bạn cần tuân thủ sự chỉ dẫn của bác sĩ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa táo bón ngay từ đầu thai kỳ để có một thai kỳ khỏe mạnh.

5. Các mẹo dân gian trị táo bón cho bà bầu 

Sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như mật ong, mè đen, và dầu dừa là cách trị táo bón hiệu quả và an toàn cho bà bầu. Các phương pháp này không chỉ hỗ trợ làm mềm phân, cải thiện nhu động ruột, mà còn giúp làm dịu các triệu chứng khó chịu mà bà bầu thường gặp phải trong thai kỳ. 

Mẹo dân gian trị táo bón cho bà bầu bằng dầu dừa

  • Dầu dừa không chỉ giúp bôi trơn đường ruột mà còn cung cấp năng lượng nhanh chóng, làm giảm ma sát khi đại tiện và thúc đẩy quá trình tiêu hóa.
  • Cách dùng dầu dừa trị táo bón thai kỳ: Mỗi ngày, mẹ bầu có thể dùng 1-2 muỗng canh dầu dừa. Dầu dừa có thể được sử dụng để trộn salad, xào món ăn, hoặc pha vào nước ấm để uống.

Mẹo dân gian trị táo bón cho bà bầu bằng mật ong và mè đen

  • Chất xơ trong mè đen giúp tăng khối lượng phân, kích thích nhu động ruột và làm mềm phân. Đồng thời, mật ong chứa các hợp chất kháng khuẩn giúp bảo vệ đường ruột, giảm viêm và tạo điều kiện thuận lợi cho hệ vi sinh đường ruột phát triển.
  • Cách dùng mật ong và mè đen trị táo bón thai kỳ: Rang 50g mè đen trên lửa nhỏ cho đến khi có mùi thơm. Sau đó, trộn mè đen đã rang với 30g mật ong nguyên chất. Với khẩu phần trên, bạn có thể chia làm 2 dùng trong một ngày.

Các phương pháp này không chỉ hỗ trợ làm mềm phân, cải thiện nhu động ruột, mà còn giúp làm dịu các triệu chứng khó chịu mà các phụ nữ mang thai thường gặp phải. Tuy nhiên, nếu tình trạng táo bón kéo dài hoặc không cải thiện, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Phòng ngừa táo bón khi mang thai

Bên cạnh các phương pháp trị táo bón cho bà bầu, những thói quen và thay đổi trong lối sống là bước đầu tiên bạn nên chú ý. Dưới đây là những phương pháp phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng táo bón ở mẹ bầu, mang lại sự thoải mái và duy trì sức khỏe tiêu hóa trong suốt thai kỳ.

Phòng ngừa táo bón khi mang thai

1. Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh

Để duy trì một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng. Những thay đổi trong khẩu phần ăn có thể làm giảm nguy cơ táo bón và giúp cơ thể luôn cảm thấy dễ chịu trong suốt thai kỳ của bạn.

2. Thực hiện các bài tập đều đặn

Vận động thường xuyên là một phương pháp rất hữu ích để ngăn ngừa táo bón khi mang thai. Các bài tập nhẹ nhàng không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể mà còn thúc đẩy quá trình tiêu hóa và lưu thông máu.

3. Chăm sóc giấc ngủ và tinh thần

Mặc dù không phải là cách trị táo bón cho bà bầu nhanh nhất, nhưng giảm căng thẳng là phương pháp bạn nên thử.

Tinh thần thoải mái và giấc ngủ đủ giấc có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa. Căng thẳng, lo âu hoặc thiếu ngủ có thể làm cho quá trình tiêu hóa trở nên kém hiệu quả, dẫn đến táo bón.

Câu hỏi thường gặp

1. Bà bầu có nên tự dùng thuốc nhuận tràng không kê đơn không?

Mẹ bầu không nên tự ý sử dụng thuốc nhuận tràng không kê đơn. Mỗi loại thuốc đều có những tác dụng phụ nhất định và có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn loại thuốc phù hợp và an toàn.

2. Chế độ ăn thế nào giúp giảm táo bón nhanh chóng?

Để giảm táo bón nhanh chóng, mẹ bầu nên tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu. Đồng thời, uống đủ nước mỗi ngày và hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh.

3. Táo bón khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Táo bón thường không gây ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Tuy nhiên, nếu tình trạng táo bón kéo dài và nghiêm trọng có thể gây ra các vấn đề cho mẹ bầu như nứt kẽ hậu môn, trĩ…

Những điều này sẽ gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống trong thai kỳ của các mẹ.

4. Bà bầu bị táo bón có nên thụt hậu môn không?

Bà bầu không nên thụt hậu môn khi bị táo bón, trừ khi có chỉ định từ bác sĩ, vì phương pháp này có thể gây tổn thương và tăng nguy cơ biến chứng. Việc thụt hậu môn có thể kích thích tử cung co bóp, gây ảnh hưởng đến thai nhi. 

5. Bà bầu bị táo bón nên và không nên ăn gì?

  • Nên ăn: Rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, sữa chua, nước ép trái cây.
  • Không nên ăn: Thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ uống có ga, các loại hạt cứng, đồ uống có cồn.

6. Bà bầu bị táo bón có nên rặn mạnh khi đi ngoài không?

Bà bầu không nên rặn mạnh khi đi ngoài vì điều này có thể tạo áp lực lên vùng chậu và làm tăng nguy cơ biến chứng. Việc rặn mạnh có thể gây ra nứt kẽ hậu môn, trĩ và thậm chí là sa trực tràng. Thay vào đó, bạn nên thư giãn và cố gắng đi đại tiện một cách nhẹ nhàng.

Kết luận

Mẹ bầu bị táo bón kéo dài có thể gây ra các biến chứng như nứt kẽ hậu môn, trĩ, gây đau đớn và ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Việc điều trị táo bón sớm và an toàn rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ. 

Trị táo bón cho bà bầu đúng cách không chỉ giúp giảm bớt tình trạng táo bón mà còn giúp đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Hãy luôn tham khảo ý kiến chuyên gia để có giải pháp phù hợp và an toàn nhất cho cả mẹ và bé bạn nhé!

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Treating constipation during pregnancy – PMC (nih.gov)

https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC3418980/

Ngày truy cập: 17/11/2024

Pregnancy constipation: Are stool softeners safe? – Mayo Clinic

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/expert-answers/pregnancy-constipation/faq-20058550

Ngày truy cập: 17/11/2024

Pregnancy Constipation: Pain, Causes, Treatments & Relief (clevelandclinic.org)

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21895-pregnancy-constipation

Ngày truy cập: 17/11/2024

Constipation during pregnancy | Pregnancy Birth and Baby (pregnancybirthbaby.org.au)

https://www.pregnancybirthbaby.org.au/constipation-during-pregnancy#:~:text=Common%20causes%20of%20constipation%20during,and%20maintaining%20good%20toileting%20habits.

Ngày truy cập: 17/11/2024

Relieving Constipation During Pregnancy | Tips & Safe Remedies (americanpregnancy.org)

https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-health-wellness/constipation-during-pregnancy/

Ngày truy cập: 17/11/2024

The Effect of Probiotic Yogurt on Constipation in Pregnant Women: A Randomized Controlled Clinical Trial – PMC (nih.gov)

https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC5294450/

Ngày truy cập: 17/11/2024

Laxatives During Pregnancy | American Pregnancy Association

https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/is-it-safe/laxatives-during-pregnancy/

Ngày truy cập: 17/11/2024

Táo bón ở phụ nữ mang thai (hongngochospital.vn)

https://hongngochospital.vn/vi/dieu-tri-tao-bon-khi-mang-thai

Ngày truy cập: 17/11/2024

How to prevent constipation in pregnancy | NCT

https://www.nct.org.uk/information/pregnancy/body-pregnancy/how-prevent-constipation-pregnancy

Ngày truy cập: 17/11/2024

5 Tips to Relieve Pregnancy Constipation | UNM Health Blog | Albuquerque, New Mexico

https://unmhealth.org/stories/2023/06/5-tips-relieve-pregnancy-consumption.html

Ngày truy cập: 17/11/2024

Constipation during pregnancy | Pregnancy Birth and Baby (pregnancybirthbaby.org.au)

https://www.pregnancybirthbaby.org.au/constipation-during-pregnancy

Ngày truy cập: 17/11/2024

Phiên bản hiện tại

03/01/2025

Tác giả: Trần Cẩm Tú

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Mẹ bầu bị tiêu chảy 3 tháng cuối có sao không?

Bà bầu bị táo bón nên ăn gì và kiêng gì để nhanh khỏi?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Trần Cẩm Tú · Ngày cập nhật: Tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo