Trong suốt thai kỳ dài đằng đẵng, mẹ thường sẽ không tránh được việc bị va chạm vào bụng bầu. Sự va chạm đó có thể xảy ra do làm việc, do phải chăm sóc con cái hoặc thậm chí là vui đùa với thú cưng…
Nếu mẹ đang lo lắng rằng sự va chạm này xảy ra thường xuyên có ảnh hưởng đến thai nhi không thì hãy đi tìm câu trả lời qua những chia sẻ của bác sĩ Tạ Trung Kiên với Hello Bacsi trong bài viết sau nhé!
Mẹ bị va chạm vào bụng bầu nhiều có sao không?
Nỗi lo khi bị va chạm vào bụng bầu thường xuyên thật ra không nghiêm trọng như các mẹ vẫn nghĩ. Đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ nhất, khi em bé còn rất nhỏ và mẹ chưa lộ rõ bụng bầu. Trong giai đoạn này, việc tiếp xúc, va chạm với vùng bụng của mẹ sẽ không có gì đáng lo ngại trừ những tai nạn hay chấn thương nghiêm trọng.
Trên thực tế, hầu hết phụ nữ vẫn có thể làm việc, lái xe, chăm sóc con cái hoặc cả thú cưng trong lúc mang thai. Có thể nói, bên trong cơ thể mẹ là một vùng khá an toàn và có thể bảo vệ em bé tốt nhất nhờ chức năng của những bộ phận sau đây:
- Tử cung của mẹ với cơ trơn mạnh mẽ, co giãn tốt sẽ hỗ trợ bảo vệ em bé bên trong khỏi những va chạm hàng ngày khi mẹ hoạt động và làm việc.
- Nước ối trong tử cung có chức năng như một bộ phận giảm xóc và chịu áp lực thay em bé, giúp bé không chịu tác động trực tiếp bởi ngoại lực.
- Khi mang thai, mẹ thường tăng cân. Một phần do lớp mỡ bụng của mẹ đang dày lên để bảo vệ em bé ở bên trong.
Nhìn chung, việc bị va chạm vào bụng bầu hàng ngày hay đè lên bụng khi mang thai trong lúc quan hệ tình dục… thường không gây nguy hiểm cho thai nhi. Tuy nhiên, ở tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba thì mẹ bầu cần phải lưu ý nhiều hơn. Bởi vì lúc này em bé đã trở nên ngày càng lớn và chiếm gần hết không gian bên trong tử cung. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có ít nước ối và lớp đệm bảo vệ bé hơn nên mẹ phải cẩn thận với mọi va chạm để tránh nguy cơ sinh non.
Những trường hợp trong cuộc sống khiến mẹ dễ bị va chạm vào bụng bầu
Hầu hết phụ nữ mang thai sẽ không tránh phải việc bị va chạm vào bụng bầu hay bụng bầu bị va đập trong các sinh hoạt thường ngày. Có thể kể đến một vài trường hợp phổ biến như:
Chăm sóc trẻ em hoặc thú cưng
Đối với các mẹ nuôi thú cưng hoặc đã có con nhỏ thì sẽ không tránh được việc phải chăm sóc con cái và vật nuôi trong nhà. Mẹ có thể vẫn bế con, đón nhận những cái ôm đầy năng lượng của bé hoặc vui đùa với thú cưng của mình. Hầu hết những trường hợp này đều gây ra sự va chạm vào bụng bầu hay đè lên bụng bầu của mẹ nhưng không nguy hiểm.
Tuy nhiên, các nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng bụng của mẹ bầu chỉ có thể chịu được tác động đến từ người hoặc động vật có trọng lượng dưới 18 kg. Vì vậy, nếu bé con hoặc thú cưng nhà bạn nặng trên 18 kg thì bạn nên cẩn thận để không bị va chạm mạnh vào bụng khi mang thai. Giải pháp là bạn nên tập cho bé cách ôm mẹ nhẹ nhàng hơn, hạn chế tối đa sự va chạm với thú cưng.
Làm công việc nhà
Tình trạng bị va đập vào bụng khi mang thai trong lúc làm công việc nhà gần như là điều không thể tránh khỏi. Việc mang thai có thể khiến bạn dễ mất thăng bằng và mất tập trung. Đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba, khi bụng của mẹ trở nên rất nặng nề thì việc bị va vào cửa, bàn ghế, cây lau nhà hay tay vịn cầu thang… là rất hay xảy ra. Do đó, nhiều mẹ băn khoăn không biết bụng bầu bị va đập có sao không hay va đập vào bụng bầu có sao không? Thực tế là mẹ có thể yên tâm là em bé sẽ không bị khó chịu hoặc bị đau bởi những cú va chạm nhỏ ấy.
Va chạm vào bụng bầu khi lái xe
Trong thời gian mang thai, việc bạn lái xe hơi hay xe máy đều có nguy cơ bị va chạm vào bụng bầu. Điều này có thể diễn ra thường xuyên ở tam cá nguyệt thứ ba khi bụng mẹ đã rất lớn. Sự va chạm mạnh vào bụng khi mang thai có thể do mẹ thắng gấp hoặc nghiêm trọng hơn là xảy ra tai nạn. Trong trường hợp này, bản thân mẹ thường dễ rơi vào nguy hiểm hơn em bé nên bạn hãy đến bệnh viện ngay lập tức dù chỉ gặp tai nạn xe nhẹ.
Các tư thế trong “chuyện ấy”
Tin vui là “chuyện ấy” của vợ chồng bạn không phải thay đổi quá nhiều về các tư thế hoặc thói quen khi bạn đang mang thai. Bởi vì gần như không có tư thế quan hệ nào thật sự không an toàn với mẹ bầu.
Đôi khi, chỉ đơn giản là có một số tư thế quan hệ khiến mẹ không thoải mái, chẳng hạn như khi phải nằm ngửa. Mặc dù với vị trí này, sự va chạm vào bụng bầu hay đè lên bụng khi mang thai không có gì nguy hiểm nhưng vợ chồng bạn cũng nên thử một vài tư thế quan hệ khác. Điều này vừa giúp “chuyện ấy” đỡ nhàm chán vừa giúp mẹ bầu thoải mái và có trải nghiệm “yêu” tốt hơn.
Tập thể dục khi mang thai
Đối với những mẹ yêu thích tập thể dục thì sẽ không tránh được trường hợp bị va chạm vào bụng bầu khi luyện tập. Mặc dù tập thể dục khi mang thai là hoạt động cần thiết. Thế nhưng, mẹ cũng cần chú ý nhiều hơn đến cách tập để đảm bảo an toàn cho bản thân và em bé.
- Sử dụng máy chạy bộ: Mẹ nên đứng ở vị trí từ giữa trở về sau trên băng chạy để bụng bầu không va chạm vào bảng điều khiển. Đồng thời, mẹ hãy nhấn Emergency Stop (nút dừng khẩn cấp) ngay nếu bị ngã hoặc muốn dừng chạy ngay lập tức.
- Tập tạ: Mẹ cần hạn chế khối lượng tạ và tránh nâng tạ bằng lưng. Đồng thời, hãy kiểm tra tình trạng sức khỏe để đảm bảo sự cân bằng và bảo vệ khớp xương khi tập luyện trong giai đoạn mang thai. Nếu muốn an toàn hơn, các mẹ hãy nhờ đến spotter (người đỡ tạ dùm) hỗ trợ trong suốt quá trình tập tạ.
- Yoga nóng: Mẹ cần tránh loại yoga này khi mang thai vì nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Tuy nhiên, mẹ vẫn được thoải mái tập các loại yoga khác trong suốt thai kỳ. Yoga là bộ môn mang đến niềm vui và trải nghiệm thú vị cho mẹ bầu.
Khi nào mẹ nên đến bệnh viện kiểm tra sau khi bị va chạm vào bụng bầu?
Bên cạnh những tình huống va chạm vào bụng bầu thường gặp, không gây nguy hiểm cho mẹ và bé thì vẫn có những trường hợp không an toàn mà mẹ bầu cần đến bệnh viện ngay.
- Mẹ bầu bị tai nạn giao thông: Dù gặp phải tai nạn giao thông nghiêm trọng hoặc chỉ va quẹt nhỏ với xe khác thì các mẹ vẫn cần đến bệnh viện ngay lập tức để được hõ trợ y tế kịp thời.
- Mẹ bầu bị té, ngã: Hầu hết các tư thế té/ ngã như nằm sấp hoặc ngã ngồi đều có tác động mạnh đến thai nhi. Việc bị ngã khi mang thai là trường hợp mẹ không nên chủ quan mà cần đến bệnh viện thăm khám ngay lập tức.
- Mẹ bầu bị tấn công có chủ đích: Một số trường hợp bị đánh vào bụng khi mang thai xảy ra là vì bạo lực gia đình hoặc mẹ bầu bị tấn công bởi đối tượng xấu. Nếu những cú đánh hoặc đá vào bụng là cố ý thì mẹ bầu phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh hoặc cộng đồng ngay và cần nhập viện càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, mẹ cũng không nên chủ quan khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại sau khi bị va chạm vào bụng bầu như:
- Chảy máu âm đạo.
- Đau hoặc chuột rút liên tục.
- Các cơn co thắt tử cung diễn ra thường xuyên và không thuyên giảm ngay cả khi mẹ nghỉ ngơi tốt.
- Thai nhi giảm cử động.
- Khi bị va chạm vùng bụng, nguy hiểm nhất đó là lực tác động mạnh, làm nhau bong non, cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng mẹ và cả thai nhi. Một số tình huống sau khi bị tác động bánh nhau không bong ngay mà có thể biểu hiện tổn thương sau đó vài ngày. Do đó, sau va chạm mạnh chúng ta cũng nên để ý theo dõi và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Tuy hầu hết các trường hợp bị va chạm vào bụng bầu không đe dọa sự an toàn của mẹ và bé nhưng các mẹ vẫn nên bảo vệ bụng của mình thật cẩn thận. Đặc biệt là nếu thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất ổn thì mẹ hãy đến bệnh kiểm tra ngay nhé! Chúc các mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
[embed-health-tool-due-date]