backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

22 điều cần làm trong 3 tháng cuối thai kỳ để chuẩn bị đón bé yêu chào đời

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Yến Oanh · Ngày cập nhật: 30/11/2023

    22 điều cần làm trong 3 tháng cuối thai kỳ để chuẩn bị đón bé yêu chào đời

     tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ), cơ th m bu bt đu có những thay đi ln đưc xem như du hiu chng t ngày thiên thn nh ca gia đình bn chào đi đang đến rt gn.

    Mỗi giai đoạn trong thai kỳ đều có những thay đổi riêng. Tuy nhiên, tam cá nguyệt thứ ba được xem là thời điểm khó khăn nhất đối với mẹ bầu. Trong giai đoạn này, mẹ bầu sẽ đối diện với những đổi thay như thế nào? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn qua bài viết sau nhé.

    Mẹ bầu sẽ có những thay đổi gì trong 3 tháng cuối thai kỳ?

    Tam cá nguyệt thứ ba được xem là thời điểm căng thẳng nhất trong thai kỳ, vì bé yêu ngày càng phát triển, cơ thể bạn lại càng nặng nề. Những cử động thường ngày đơn giản như bước xuống giường hay đứng dậy từ ghế bỗng trở nên khó khăn và khiến mẹ tốn nhiều sức lực hơn. Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi như đã từng trải qua lúc mới mang thai. Bạn sẽ bắt đầu nhạy cảm hơn khi chuẩn bị cho việc chuyển dạ, sinh nở và làm mẹ.

    Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ có niềm vui nhỏ từ việc cảm nhận những chuyển động của bé trong bụng. Trong giai đoạn này, chính tâm lý hồi hộp, bồn chồn mong muốn chào đón con yêu sẽ giúp bạn có thêm động lực để dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, chuẩn bị những khâu cuối cùng cho hành trình vượt cạn của mình.

    Với những thay đổi như vậy, điều mẹ bầu cần quan tâm nhất chính là chăm sóc bản thân thật tốt. Tâm lý bà bầu 3 tháng cuối không nên quá căng thẳng hay lo lắng. Bạn nên tìm cách thư giãn và nghỉ ngơi thật tốt. Những giờ nghỉ ngắn trong ngày có thể giúp bạn nạp thêm năng lượng đấy.

    Mẹ có gặp phải tình trạng khó ngủ trong tam cá nguyệt thứ 3?

    khó ngủ trong 3 tháng cuối thai kỳ

    Khi bụng ngày một to hơn, bạn có thể gặp khó khăn khi tìm một tư thế ngủ thoải mái và việc đổi tư thế nằm cũng trở nên khó khăn hơn. Nằm ngửa sẽ không thoải mái vì trọng lượng của em bé gây áp lực cho tĩnh mạch ở lưng dưới. Điều này làm chậm việc lưu thông máu từ phần thân dưới tới tim.

    Nằm nghiêng sẽ là lựa chọn tốt nhất. Trong đó, nghiêng bên trái sẽ giúp tuần hoàn máu tốt hơn, điều này rất quan trọng đối với bé. Bạn chỉ cần nhớ nghiêng người sang bên trái trước khi thiếp đi và trở lại thế nằm đó lúc thức dậy. Bên cạnh đó, việc đặt gối giữa đầu gối hoặc phía sau lưng có thể làm cho bạn cảm thấy thoải mái hơn. Liên quan đến việc mất ngủ trong tam cá nguyệt thứ ba, có thể kể đến các tác nhân:

  • Chứng chuột rút: do các dây thần kinh và các mạch máu đi đến chân phải chịu áp lực từ tử cung
  • Hội chứng chân không yên: xảy ra do bạn cảm thấy cần phải cử động chân thường xuyên vì cảm giác khó chịu ở chân
  • Chứng ợ nóng: cảm giác nóng bỏng ở ngực dưới, có thể tồi tệ hơn khi tử cung chiếm nhiều không gian hơn, đẩy dạ dày ra khỏi vị trí bình thường. Đối với chứng ợ nóng, bạn có thể dùng thuốc kháng acid nếu bác sĩ cho phép
  • Chứng ngạt mũi gây ra bởi sự gia tăng lưu lượng máu đến màng nhầy ở mũi và miệng
  • Cử động của em bé trong bụng (thai máy)
  • Nhu cầu đi tiểu sẽ tăng lên khi thai nhi phát triển và thay đổi vị trí
  • Những giấc mơ kỳ lạ: một số thai phụ gặp phải những giấc mơ khác thường vào cuối thai kỳ
  • 22 điều mẹ bầu cần làm trong 3 tháng cuối thai kỳ

    1. Tìm hiểu về quá trình vượt cạn trước

    Đây là cách mà bạn chuẩn bị tinh thần và cả kiến thức vững vàng khi sắp sửa làm mẹ. Không thể đoán trước được việc chuyển dạ sẽ diễn ra như thế nào và kéo dài bao lâu, nhưng việc tìm hiểu về nó có thể giúp bạn cảm thấy sẵn sàng hơn.

    2. Tìm hiểu các cơn co thắt có thể xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ

    Chỉ sau tháng thứ tư mang thai, bạn có thể bắt đầu cảm thấy cơ bắp của mình thắt chặt theo thời gian. Những cơn co thắt này được gọi là những cơn co Braxton Hicks. Không phải ai cũng có chúng. Nếu bạn gặp phải Braxton Hicks, hãy ghi lại cảm giác và mức độ thường xuyên xảy ra, vì điều này có thể giúp phân biệt chúng với những dấu hiệu thực sự của chuyển dạ.

    3. Nắm rõ cử động của bé trong bụng

    Thai nhi trong bụng mẹ luôn lớn dần lên từng ngày. Đến tam cá nguyệt thứ ba, bé đã to hơn rất nhiều, vì thế mẹ có thể cảm nhận được những cử động thai nhi trong bụng. Mỗi bé đều có cách cử động khác nhau mỗi khi thức giấc hoặc đang ngủ, mẹ phải biết được đâu là tình trạng bình thường của con. Nếu có bất kỳ động thái khác thường nào, bạn cần báo với hộ lý hoặc bác sĩ ngay lập tức.

    4. Khám tiền sản thường xuyên

    khám thai sản định kỳ

    Trong lần khám ba tháng cuối của thai kỳ, nữ hộ sinh sẽ nói với bạn về việc chuẩn bị cho chuyển dạ và sinh nở, bao gồm cách nhận biết những dấu hiệu đầu tiên của chuyển dạ và cách đối phó với những cơn đau đẻ. Bác sĩ sẽ đo vòng bụng của bạn tại mỗi lần khám thai để kiểm tra sự tăng trưởng của bé. Nếu em bé cần kiểm tra thêm để biết rõ sự phát triển, bác sĩ sẽ sắp xếp để bạn được siêu âm.

    5. Đừng bỏ qua các triệu chứng tiền sản giật trong 3 tháng cuối thai kỳ

    Tiền sản giật là tình trạng mang thai xảy ra khi nhau thai không hoạt động đúng cách. Nó có thể xảy ra từ tuần thứ 20 của thai kỳ, nhưng cũng rất có thể phát triển trong tam cá nguyệt thứ ba. Các nữ hộ sinh sẽ tìm ra dấu hiệu tiền sản giật trong lần khám tiền sản định kỳ. Các triệu chứng bao gồm cao huyết áp và protein trong nước tiểu.

    Mặc dù các xét nghiệm của hộ sinh mà mẹ bầu thực hiện là cách hiệu quả nhất để nhận biết sự phát triển của triệu chứng tiền sản giật, mẹ bầu cũng nên để ý những triệu chứng này: nhức đầu trầm trọng, thị lực giảm, nôn mửa, buồn nôn, bàn tay bị sưng. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng trên mẹ bầu nhé!

    Có thể bạn quan tâm: 9 dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai 3 tháng cuối mẹ bầu cần lưu ý

    6. Lên kế hoạch sinh con

    Kế hoạch sinh con là cách để bạn truyền đạt mong muốn của mình đến nữ hộ sinh cũng như bác sĩ chăm sóc bạn trong quá trình chuyển dạ. Kế hoạch sẽ bao gồm cách bạn muốn sinh, những gì bạn muốn xảy ra và những gì bạn muốn tránh. Tất nhiên, không phải lúc nào mọi chuyện cũng theo ý muốn, nhưng biết trước có thể giúp các chuyên gia đưa ra quyết định tốt hơn trong quá trình bạn sinh nở.

    7. Trò chuyện với con

    Trò chuyện với bé trong bụng, tại sao không? Bé yêu của bạn lúc này đã có thể nghe được giọng nói của bố mẹ, chính vì vậy đây là thời điểm tuyệt vời để giao tiếp và kết nối với con. Bạn cũng có thể thử đọc sách, báo hoặc hát cho con nghe.

    8. Mua quần áo cho con

    mua quần áo cho con trong 3 tháng cuối thai kỳ

    Bố mẹ nên nghĩ đến quần áo, giường ngủ và những đồ cần thiết khác, chẳng hạn như tã lót, mà bé sẽ cần rồi đấy! Tuy vậy, trước hết hãy mua những thứ cơ bản thôi nhé và dành dụm một khoản tiền để mua sau khi đã sinh bé, bởi vì biết đâu bạn sẽ nhận được nhiều quần áo từ bạn bè và gia đình như quà tặng. Bố mẹ hãy lưu ý giặt kỹ đồ bé trong bột giặt phi sinh học trước khi sử dụng để tránh làm hại làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh.

    9. Sửa soạn túi đồ mang đến bệnh viện

    Nếu bạn không chuẩn bị đồ để mang đến bệnh viện, có thể bạn sẽ gặp khó khăn đấy. Mọi thứ cần sẵn sàng để khi sinh bạn sẽ không phải “thiếu trước hụt sau”. Tốt nhất bạn nên có hai túi: một túi dành cho việc sinh nở của bạn, túi khác bao gồm những đồ dùng cho bé mới chào đời. Ngoài ra, bố cũng cần chuẩn bị sẵn một túi cho mình nữa đấy! Hãy xem những gợi ý về những gì mẹ bầu cần trong túi mang đến bệnh viện.

    Có thể bạn quan tâm: Mang thai 3 tháng cuối – Những điều mẹ cần biết trước khi “vượt cạn”

    10. Bạn cần ngủ nhiều hơn khi ở 3 tháng cuối thai kỳ

    Nếu mẹ bầu khó đi vào giấc ngủ vào buổi tối, bạn nên mua một cái gối tốt để giúp dễ dàng đi sâu vào giấc ngủ. Hãy thử đặt thêm một gối giữa hai đầu gối và một gối chèn dưới bụng để mẹ bầu có thể thoải mái nhé.

    11. Mua sẵn những mặt hàng gia dụng

    Hãy làm cho cuộc sống của bạn dễ dàng hơn ngay từ bây giờ. Khi làm bố mẹ, bạn cần tích lũy các kiến thức cơ bản như sản phẩm làm sạch, thực phẩm đóng hộp và đông lạnh trước khi bé chào đời và công việc mua sắm trở nên nặng nề hơn gấp đôi. Bạn cũng nên nấu sẵn một phần bữa ăn và để trong tủ lạnh, sẵn sàng cho chuỗi ngày bận rộn sắp tới.

    12. Tham gia câu lạc bộ của những mẹ bầu

    tham gia câu lạc bộ bà bầu

    Đó sẽ là nơi bạn có thể vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa tích lũy kiến thức lại còn có thể sẻ chia những câu chuyện của riêng mình. Bởi suy cho cùng, trải nghiệm làm mẹ không chỉ vô cùng thiêng liêng mà còn thú vị đúng không?

    13. Chú trọng vấn đề ăn uống trong 3 tháng cuối thai kỳ

    Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng ở giai đoạn này của thai kỳ rất quan trọng đối với sức khoẻ của mẹ lẫn bé. Đặc biệt, mẹ bầu cần bổ sung chất sắt, giúp tạo ra các tế bào hồng cầu. Thai nhi hấp thu sắt từ mẹ nên ít khi thiếu sắt nhưng người mẹ lại có nguy cơ cao.

    Các thực phẩm cung cấp lượng chất sắt dồi dào như thịt nạc, rau xanh và ngũ cốc nên được ưu tiên trong thực đơn của mẹ bầu. Bên cạnh đó, một ly nước cam sau bữa ăn cũng giúp cơ thể thai phụ hấp thụ thêm chất sắt.

    Có thể bạn quan tâm: 3 tháng cuối thai kỳ tăng bao nhiêu kg là tốt nhất để chuyển dạ an toàn?

    14. Tập giãn cơ

    Mẹ bầu cần nới lỏng cơ thể để sẵn sàng cho sự ra đời của bé. Những bài tập giãn cơ trong kỳ tam cá nguyệt thứ ba sẽ cho bạn một tinh thần thoải mái và giúp giảm bớt các cơn đau nhức khi mang thai. Thậm chí bạn chỉ cần thỉnh thoảng giãn cơ hay nhún nhảy cũng đã có thể tránh được bị chuột rút ở chân. Thật đơn giản mà hữu hiệu phải không?

    15. Massage vòng bụng khi mang bầu 3 tháng cuối

    Khi bụng ngày càng lớn lên, bạn sẽ muốn dành thời gian để hiểu nhiều hơn đứa con sắp chào đời của mình. Đây là thời điểm cực kỳ thích hợp để cả hai bạn gần hơn với con bằng việc massage nhẹ nhàng theo những đường cong của bụng. Có thể bé sẽ “trả lời” sự vuốt ve của bố mẹ bằng việc cử động đấy.

    3 việc mẹ bầu nên làm và không nên làm vào buổi sáng

    16. Sắp xếp đồ dùng của bé

    Việc sắp xếp này có lẽ sẽ khó khăn hơn rất nhiều sau khi bé chào đời. Bạn sẽ trở thành những ông bố bà mẹ mất ngủ để chăm con. Chính vì vậy, ngay từ thời kỳ tam cá nguyệt thứ ba này, bạn có thể cùng bạn đời chuẩn bị trước công đoạn này trước để sẵn sàng chào đón bé.

    17. “Yêu” trong 3 tháng cuối thai kỳ, tại sao không?

    quan hệ trong 3 tháng cuối thai kỳ

    Nếu bạn đang có một thai kỳ khỏe mạnh, không biến chứng, bạn có thể tiếp tục chuyện chăn gối bình thường. Tuy vậy, bạn nên tìm tư thế thích hợp vì lúc này bụng của mẹ bầu đã khá to.

    18. Nhờ sự giúp đỡ

    Gia đình và bạn bè sẽ luôn sẵn sàng bên bạn lúc này, vì vậy đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ. Ai cũng sẽ hiểu rằng bạn sẽ gặp khó khăn thế nào khi chuẩn bị sinh em bé. Họ sẽ cho bạn lời khuyên hữu ích nhất và giúp bạn có tinh thần sảng thoải mái hơn khi sắp phải làm mẹ.

    19. Tìm hiểu về bệnh viện nơi bạn sắp sinh

    Đây là điều quan trọng nếu bạn quyết định sẽ sinh ở một bệnh viện. Hãy tìm hiểu kỹ quy trình và các chế độ sinh nở ở bệnh viện để có trải nghiệm an toàn và tốt nhất.

    20. Tránh những cơn đau lưng

    Trong giai đoạn này, mẹ bầu hãy cố gắng không nhất bất cứ vật gì nặng, vì nó sẽ dễ làm căng dây chằng. Bạn có thể hỏi nữ hộ sinh hoặc một chuyên gia vật lý trị liệu đưa cho một dây đai thai sản hỗ trợ cho lưng.

    21. Học cách chăm sóc trẻ sơ sinh trong giai đoạn bầu 3 tháng cuối

    Nếu ở hai kỳ tam cá nguyệt trước đó, bạn ưu tiên đọc những thông tin về mang thai, thì giai đoạn này bạn nên chuyển hướng sang những điều liên quan đến trẻ sơ sinh. Bởi một khi bé đã chào đời, chắc hẳn bạn sẽ khá vất vả và khó có thời gian để đọc đấy!

    22. Học cách cho con bú

    Càng chuẩn bị kỹ, bạn sẽ càng đỡ vất vã hơn để chăm con khi mới sinh. Cho con bú là một trong những điều bạn cần học. Bạn có thể hỏi xin kinh nghiệm từ những bà mẹ khác hoặc tham gia những lớp học hữu ích dành cho các thai phụ sắp sinh.

    Với những thông tin trên, Hello Bacsi hy vọng có thể giúp mẹ bầu chuẩn bị tâm lý, sức khỏe trong những tuần cuối thai kỳ để sẵn sàng chào đón con yêu!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Yến Oanh · Ngày cập nhật: 30/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo