backup og meta

Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ

Ngâm chân cho bà bầu: 4 cách làm nước ngâm chân và lưu ý cần nhớ

Theo các chuyên gia, việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và một số thảo dược vào mỗi tối có thể giúp đôi chân được thư giãn, giảm phù và tăng cường lưu thông máu hiệu quả. Từ đó mang đến cho phụ nữ mang thai cảm giác dễ chịu, khoan khoái, giúp ngủ ngon hơn. 

Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ mách bạn 4 công dụng tuyệt vời của việc ngâm chân cùng những gợi ý về những cách nước ngâm chân cho bà bầu. Mời các chị em cùng tham khảo!

Tại sao bà bầu bị phù chân?

Cùng với niềm hạnh phúc khi được làm mẹ, giai đoạn mang thai cũng là lúc mẹ bầu gặp nhiều thay đổi về sức khỏe cũng như cảm xúc. Điều này được khoa học giải thích là do sự thay đổi lớn về sinh lý người mẹ để phù hợp cho việc mang thai. Nếu như ốm nghén, mệt mỏi và thay đổi tâm trạng thường gặp ở tam cá nguyệt thứ 1 thì hiện tượng bà bầu bị phù chân lại là một trong những vấn đề phổ biến mà mẹ bầu phải đối mặt ở tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 khi thai nhi đã lớn dần lên và gây chèn ép vào hệ thống tĩnh mạch. Khoảng 90% phụ nữ mang thai bị phù ở vùng chân, bao gồm bàn chân và mắt cá chân, đặc biệt là trong vài tháng cuối của thai kỳ.

Ngâm chân cho bà bầu: Nhận 4 lợi ích sức khỏe 

lợi ích khi ngâm chân cho bà bầu

Ngâm chân với nước ấm và thảo dược là một hình thức trị liệu từ rất lâu đời được cho là có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, kể cả cho phụ nữ mang thai. Dưới đây là một số công dụng mà chị em bầu bí có thể nhận được từ việc ngâm chân mỗi tối:

1. Giảm căng thẳng và căng cơ

Khi mang thai, nhất từ tam cá nguyệt thứ 2 trở đi, cân nặng của các mẹ bầu thường tăng trưởng nhanh, gây ra căng thẳng và mệt mỏi cho các cơ và khớp, đặc biệt là đối với các mẹ bầu có công việc cần phải đứng lâu hoặc ngồi nhiều. Việc ngâm chân cho bà bầu với nước ấm và các loại thảo dược có thể giúp giảm căng thẳng và thư giãn các cơ, làm giảm đau nhức và đem lại cảm giác thư giãn, thoải mái. Hiệu quả thư giãn sẽ tăng lên nếu mẹ bầu vừa được ngâm chân vừa được massage các huyệt đạo ở bàn chân.

2. Giảm chứng phù nề

Như đã giải thích ở trên, càng ở các tháng cuối của thai kỳ khi thai nhi lớn, cân nặng mẹ bầu tăng lên sẽ làm tăng áp lực lên hệ thống tĩnh mạch chi dưới. Do đó, việc bà bầu bị phù chân là một triệu chứng phổ biến trong thai kỳ, đặc biệt là trong giai đoạn mang thai 3 tháng cuối. Việc bà bầu ngâm chân trong nước ấm với một số loại thảo dược có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu và giảm bớt tình trạng ứ trệ tuần hoàn ngoại vi dẫn đến phù nề.

3. Ngâm chân cho bà bầu giúp hỗ trợ giảm đau

Việc ngâm chân bằng nước ấm được xem như phương pháp chườm ấm trong phục hồi chức năng để điều trị các chứng đau nhức. Phương pháp này làm tăng tuần hoàn máu nuôi, giãn cơ. Bà bầu ngâm chân trong nước ấm có thể giúp giảm đau và giảm cảm giác khó chịu. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những mẹ bầu bị đau lưng, đau chân hoặc đau nhức các khớp do lạnh.

4. Thư giãn và cải thiện giấc ngủ 

Ở những tháng cuối của thai kỳ, rất nhiều mẹ bầu gặp vấn đề về giấc ngủ như trằn trọc khó vào giấc, ngủ hay tỉnh giấc, giấc ngủ nông,… làm cho mẹ bầu không khỏi mệt mỏi. Thay vì tìm kiếm cách điều trị bằng thuốc với các các cân nhắc tác dụng không mong muốn thì các phương pháp điều trị không dùng thuốc an toàn luôn được ưu tiên lên trước.

Trong đó, thói quen ngâm chân trong nước ấm trước khi đi ngủ có thể giúp các mẹ bầu thư giãn, giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Nước ấm massage nhẹ nhàng các huyệt vị ở chân đặc biệt hữu ích cho những bà bầu gặp khó khăn trong việc ngủ hoặc có vấn đề về giấc ngủ.

Mách bạn 4 cách làm nước ngâm chân cho bà bầu giảm phù nề, giảm đau hiệu quả

ngâm chân cho bà bầu

Việc ngâm chân mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thế nhưng không phải chị em bầu bí nào cũng biết cách pha nước ngâm chân “đúng bài” để đạt hiệu quả tốt nhất. Dưới đây là một số cách làm nước ngâm chân cho bà bầu để giảm phù nề, giảm đau, thư giãn hiệu quả: 

1. Ngâm chân cho bà bầu trong nước ấm 

Để ngâm chân cho bà bầu trong nước ấm hãy sử dụng một chậu hoặc thau đựng nước ấm và ngâm chân trong khoảng 10 -15 phút. Nước ấm giúp thư giãn các cơ và mạch máu, làm giảm sự tích tụ chất lỏng và giảm phù nề. 

Khi ngâm chân bằng nước ấm, bạn cũng có thể cho thêm vài giọt tinh dầu như tinh dầu bạc hà, tinh dầu gừng để tăng hiệu quả thư giãn, giảm viêm. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng tinh dầu mà bạn dùng là an toàn cho mẹ bầu cũng như thai nhi và không dùng quá nhiều.

2. Ngâm chân nước muối 

Theo kinh nghiệm dân gian, việc ngâm chân bằng nước muối ấm có tác dụng làm tăng cường lưu thông máu và giảm tình trạng phù nề ở chân, giúp kháng khuẩn, giảm tình trạng viêm khớp. Đồng thời, thói quen ngâm chân nước muối ấm vào buổi tối trước khi đi ngủ sẽ giúp mẹ bầu thư giãn, giải tỏa cảm giác mệt mỏi từ đó giúp dễ ngủ và ngủ ngon hơn.

Để ngâm chân cho bà bầu bằng nước muối ấm, các chị em bầu bí có thể dùng muối hột hoặc muối Epsom. Cách làm như sau: Hòa 2 thìa cà phê muối vào nước ấm và ngâm chân trong khoảng 10 – 15 phút. 

3. Ngâm chân giảm phù nề cho bà bầu với ngải cứu 

ngâm chân cho bà bầu với ngải cứu

Theo y học cổ truyền, ngải cứu có tác dụng cải thiện lưu thông máu, giảm đau nhức cơ bắp – đau nhức xương, giảm căng thẳng, giảm mệt mỏi, trị cảm cúm, trị ho, đau họng… 

Do đó, nhiều người thường sử dụng ngải cứu làm nước ngâm chân cho bà bầu nhằm giúp chị em bầu bí giảm tình trạng phù nề chân, hạn chế tình trạng lạnh bàn chân từ đó cải thiện sức khỏe, cải thiện giấc ngủ….   

Để ngâm chân cho bà bầu bằng lá ngải cứu, các mẹ bầu nên thực hiện như sau:  

  • Chuẩn bị 1 nắm lá ngải cứu tươi hoặc khô 
  • Rửa sạch ngải cứu, vẩy cho ráo nước. Nếu dùng ngải cứu khô bạn cũng nên rửa cho sạch bụi bẩn. 
  • Cho ngải cứu cùng 1,5l nước vào nồi đun sôi.
  • Sau khi nước sôi, đun thêm tầm 5 phút rồi đổ ra thau dùng để ngâm chân cho bà bầu. 
  • Đợi nước nguội bớt xuống còn nhiệt độ phù hợp thì tiến hành ngâm chân.

4. Ngâm chân giảm phù nề cho bà bầu với các thảo dược chanh, gừng, sả và muối

Bà bầu ngâm chân với các thảo dược như chanh, gừng, sả và muối giúp giảm tình trạng phù chân khi mang thai hiệu quả, thư giãn các cơ bắp và thần kinh, tăng cường sức khỏe xương khớp. 

Để có nước ngâm chân cho bà bầu với các loại thảo dược trên, bạn cần: 

  • 1 quả chanh ta 
  • 1 nhánh gừng sẻ 
  • 3 củ sả 
  • 1 thìa cà phê muối 
  • 1,5l nước
  • Vật dụng để ngâm chân.

Cách làm nước ngâm chân cho bà bầu với gừng, sả, chanh, muối như sau: 

  • Sả bóc bỏ lớp vỏ khô bên ngoài (nếu có).
  • Rửa sạch gừng, củ sả, chanh.  
  • Đập dập gừng, sả, cắt khúc củ sả cho gọn. Chanh cắt lát nhỏ. 
  • Cho 1,5l nước vào nồi cùng với sả và gừng, đun sôi trong khoảng 5 phút. 
  • Tắt bếp và đổ nước ra thau đựng đã có sẵn muối và chanh, khuấy nhẹ cho muối tan. Khi nước đã nguội bớt, bạn cũng có thể bóp nhẹ các lát chanh để tinh dầu trong vỏ chanh tiết ra. 
  • Đợi nước ngâm chân có nhiệt độ phù hợp thì tiến hành ngâm chân.

Ngâm chân cho bà bầu: Cần lưu ý những gì? 

lưu ý khi ngâm chân cho bà bầu

Để việc ngâm chân cho bà bầu mang lại hiệu quả tốt nhất, các chị em bầu bí nên lưu ý những điều sau: 

  • Massage chân nhẹ nhàng chân trong quá trình ngâm chân: Việc này có thể giúp kích thích tuần hoàn máu và giảm sự tích tụ chất lỏng. Sử dụng các động tác nhẹ nhàng, xoa bóp từ mắt cá chân lên đến bắp chân và bàn chân. 
  • Nâng cao chân: Nếu bị phù nề nhiều, mẹ bầu có thể nâng cao chân trong quá trình ngâm chân để giúp tăng hiệu quả giảm phù. Do đó, bạn hãy dùng một chiếc ghế nhỏ thấp hoặc thảm để đặt thau nước ngâm chân lên trong quá trình ngâm.
  • Nhiệt độ nước ngâm chân: Nhiệt độ nước ngâm chân chỉ nên giới hạn ở khoảng 38 – 43 độ C và không vượt quá 45 độ C. Nếu không có nhiệt kế để đo nhiệt độ nước, bạn có thể nhúng cùi chỏ tay vào nước để thử. 
  • Thời gian ngâm chân: Không nên ngâm chân quá lâu, các mẹ bầu chỉ nên ở khoảng 10 – 20 phút, để tránh các vấn đề về sức khỏe. Ngâm chân đến khi cảm thấy thoải mái, thư giãn là được. 
  • Thời điểm ngâm chân: Thời điểm ngâm chân tốt nhất là tầm 6 – 7 giờ tối và không nên ngâm chân ngay sau khi vừa ăn xong, nên đợi khoảng 1 tiếng rồi mới ngâm chân. Điều này giúp hạn chế tình trạng ngồi tĩnh tại một chỗ ngay sau khi ăn vì sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn. 
  • Dụng cụ ngâm chân: Khi ngâm chân với các loại thảo dược, mẹ bầu cần tránh các dụng cụ có chất liệu là nhựa, kim loại…. Nguyên do là bởi các chất liệu này có thể làm giảm hiệu quả trị liệu của các thảo dược. Ngoài ra cần đảm bảo dụng cụ ngâm chân cho bà bầu luôn được vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi dùng. 
  • Phòng tránh trượt ngã: Có một điểm nhỏ nhưng rất quan trọng là mẹ bầu sau khi ngâm chân xong cần phải lau chân khô ráo và đi lại nhẹ nhàng, tránh tối đa nguy cơ té ngã rất nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Ngâm chân giảm phù nề cho bà bầu: Những ai không nên ngâm chân? 

Theo các chuyên gia sức khỏe, mẹ bầu nên tránh ngâm chân nếu có các vấn đề sau: 

  • Có dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tiền sản giật 
  • Tăng huyết áp khi mang thai 
  • Có vết thương hở, nhiễm trùng ở chân…
  • Mẹ bầu có sẵn bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới thì không nên áp dụng ngâm chân nước ấm thường xuyên do có nguy cơ làm nặng lên tình trạng của bệnh.

Lưu ý với dấu hiệu bất thường:

Nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong/sau khi ngâm chân, chẳng hạn như: đau, sưng, ngứa hoặc xuất hiện bất kỳ vấn đề sức khỏe khác, hãy dừng việc ngâm chân lại và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Hello Bacsi tin rằng với những thông tin được chia sẻ trong bài, các mẹ bầu đã nắm rõ được các lợi ích của việc ngâm chân khi mang thai, biết cách ngâm chân giảm phù nề, giảm đau… hiệu quả.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

7 Natural Ways to Reduce Swelling in Your Feet While Pregnant

https://rmccares.org/2020/07/02/7-natural-ways-to-reduce-swelling-in-your-feet-while-pregnant/  Ngày truy cập 24/5/2024

Evaluation Research on the Use of the Foot Bath for Pregnant Women Experiencing Low Back Pain

https://www.jstage.jst.go.jp/article/jans1981/19/1/19_31/_article Ngày truy cập 24/5/2024

Effect of foot exercise and warm water foot soak on foot edema among antenatal women – a literature review

https://www.journalijar.com/article/27010/effect-of-foot-exercise-and-warm-water-foot-soak-on-foot-edema-among-antenatal-women—a-literature-review/  Ngày truy cập 24/5/2024

Pregnant and Suffering From Swollen Feet? Here’s What to Do

https://www.gardenobgyn.com/blog/pregnant-and-suffering-from-swollen-feet-here-s-what-to-do Ngày truy cập 24/5/2024

Soaking Feet Hydrotherapy Using Warm Water to Improve Quality of Sleeping Among Pregnant Women

https://www.researchgate.net/figure/Differences-in-soaking-feet-using-warm-water-hydrotherapy-and-health-education-on-the_tbl3_350527115 Ngày truy cập 24/5/2024

Phiên bản hiện tại

27/05/2024

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Phù chân khi mang thai có nguy hiểm?

Phù chân khi mang thai tháng thứ 9: Lời khuyên dành cho các bà bầu


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 27/05/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo