backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Đau bụng khi rụng trứng kéo dài bao lâu? Dấu hiệu bất thường là gì?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Túy Phượng · Sản - Phụ khoa · Phòng khám Sản Phụ Khoa - KHHGĐ BS. Trần Túy Phượng


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

Bạn đang cần các sản phẩm này? Hãy đặt mua thông qua đường dẫn trên trang nhé! Hoàn toàn không thêm phụ phí và bạn cũng giúp chúng tôi có một khoản hoa hồng nhỏ. Tìm hiểu ngay về hệ thống liên kết của chúng tôi tại đây!

    Đau bụng khi rụng trứng kéo dài bao lâu? Dấu hiệu bất thường là gì?

    Tình trạng đau bụng khi rụng trứng có nguy hiểm không, kéo dài bao lâu và xuất phát từ nguyên nhân gì… là các vấn đề được chị em quan tâm khi có những lo lắng về chu kỳ kinh nguyệt.

    Nhiều bạn gái thường thắc mắc khi rụng trứng có đau bụng không hay đau bụng khi rụng trứng kéo dài bao lâu? Theo các chuyên gia, ước tính có khoảng 1/5 phụ nữ cảm thấy đau bụng và khó chịu khi sự rụng trứng diễn ra. Thời gian mà cơn đau kéo dài là khác nhau ở mỗi người. Trong hầu hết trường hợp, đau bụng khi rụng trứng (hay đau bụng ngày rụng trứng) là tình trạng bình thường và không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, nếu cơn đau nghiêm trọng có thể là dấu hiệu của bệnh lý nào đó. Vì vậy, bạn đừng nên quá chủ quan mà hãy tìm hiểu thông tin về tình trạng này để chăm sóc sức khỏe sinh sản tốt hơn nhé!

    Nguyên nhân gây đau bụng khi rụng trứng

    Nhiều chị em thường thắc mắc tại sao rụng trứng lại đau bụng hay bị đau bụng khi rụng trứng có nguy hiểm không, nguyên nhân do đâu? Theo các chuyên gia sức khỏe, hiện nay, các nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng gây ra tình trạng đau bụng khi rụng trứng nhưng có thể thấy rằng cơn đau này không nghiêm trọng. Có một số giả thuyết có thể giải thích cho cơn đau này là:

    • Nang trứng hình thành và phát triển: Các hormone sẽ thúc đẩy buồng trứng sản xuất khoảng 20 nang trứng mỗi chu kỳ. Các nang trứng này sẽ “cạnh tranh” với nhau đến khi chỉ còn 1 nang trứng tồn tại. Người ta cho rằng đau bụng khi rụng trứng là do nang trứng nở ra làm căng màng buồng trứng.
    • Vỡ nang trứng: Khi trứng trưởng thành, nang trứng phình to trước thời điểm phóng noãn, nang trứng vỡ ra để giải phóng noãn. Điều này có thể gây chảy máu nhẹ và kích thích niêm mạc tử cung dẫn đến đau bụng khi rụng trứng.

    Đau bụng khi rụng trứng kéo dài bao lâu? Dấu hiệu nhận biết

    Đau bụng khi rụng trứng

    Khi rụng trứng đau bụng dưới mấy ngày? Đau bụng khi rụng trứng là cơn đau xảy ra trước khi hành kinh khoảng 2 tuần. Cơn đau này chỉ kéo dài khoảng vài phút hoặc tiếp tục trong 1 – 2 ngày tiếp theo. Một số triệu chứng khác của tình trạng này bao gồm:

    • Đau ở bụng dưới.
    • Đau ở bên phải hoặc bên trái tùy thuộc vào buồng trứng bên nào của bạn đang giải phóng trứng.
    • Cơn đau bụng khi rụng trứng có thể thay đổi từ bên này sang bên kia đối với mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Nhưng cũng có trường hợp đau bụng duy trì ở một bên trong vài chu kỳ liên tiếp.
    • Cảm giác đau khi rụng trứng hay đau bụng dưới ngày rụng trứng thường khác nhau với mỗi người. Đó có thể là cảm giác đau âm ỉ khó chịu, đau nhói hoặc chuột rút.

    Khi nào cơn đau bụng trước khi hành kinh trở nên nghiêm trọng?

    Cơn đau bụng khi rụng trứng thường vô hại nhưng bạn cũng không nên chủ quan. Nếu cơn đau bụng dữ dội và kéo dài thì đây có thể là triệu chứng cảnh báo một số bệnh lý như:

    • Lạc nội mạc tử cung: Lớp niêm mạc tử cung phát triển ở vị trí khác, chẳng hạn như ruột. Các triệu chứng khác của bệnh bao gồm đau bụng kinh dữ dội và đau khi quan hệ tình dục.
    • U nang buồng trứng: Một túi chất lỏng bất thường phát triển trên buồng trứng.
    • Bệnh lây truyền qua đường tình dục gây viêm vùng chậu mãn tính hoặc viêm ống dẫn trứng.
    • Mang thai ngoài tử cung: Khi thai phát triển bên ngoài tử cung, chẳng hạn như thai làm tổ ở ống dẫn trứng sẽ khiến bạn cảm thấy đau bất thường. Cần chú ý các dấu hiệu như chậm kinh, đau bụng dữ dội, âm đạo chảy máu… thì nên nhập viện ngay lập tức để được cấp cứu kịp thời.
    • Viêm ruột thừa: Bạn có thể nhầm lẫn viêm ruột thừa với đau bụng khi rụng trứng. Vì vậy, nếu cơn đau diễn ra ở bên phải thì bạn nên cảnh giác và sớm đi khám.

    Mách bạn cách giảm đau bụng trong thời kỳ rụng trứng

    Đau bụng khi rụng trứng

    Ngoài việc đi tìm lời đáp cho thắc mắc đau bụng khi rụng trứng có nguy hiểm không, các chị em phụ nữ cũng quan tâm đến việc làm thế nào để giảm nhẹ triệu chứng đau bụng ngày rụng trứng. Theo các chuyên gia sản phụ khoa, nếu cơn đau bụng khi rụng trứng không xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý hoặc mang thai ngoài tử cung thì bạn có thể tự chăm sóc tại nhà và giảm đau bằng một số cách sau:

  • Bạn nên cố gắng thư giãn và nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh làm việc quá sức.
  • Chườm ấm bụng dưới bằng túi giữ nhiệt, chai nước ấm và nên tắm bằng nước ấm để giảm cảm giác đau bụng dưới ngày rụng trứng.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm hoặc dùng thuốc tránh thai để ngăn ngừa cơn đau bụng khi rụng trứng.
  • Trong trường hợp bạn cảm thấy cơn đau bụng diễn ra bất thường và kèm theo những dấu hiệu sau đây thì nên đi khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời:

    • Sốt trên 38 độ C
    • Cảm thấy đau khi tiểu tiện
    • Buồn nôn hoặc nôn mửa nghiêm trọng
    • Đau bụng dữ dội kéo dài hơn 1 ngày
    • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn nhưng không có tác dụng
    • Chảy máu âm đạo bất thường.

    Triệu chứng đau bụng khi rụng trứng là một phần bình thường của chu kỳ kinh nguyệt nên bạn không cần quá lo lắng. Hãy chú ý nghỉ ngơi nhiều hơn trong giai đoạn này và có thể dùng thuốc giảm đau khi cần thiết. Nếu cơn đau khi rụng trứng khiến bạn thấy khó chịu và đau kéo dài thì nên đi khám phụ khoa càng sớm càng tốt nhé!

    Bài viết được tham vấn y khoa bởi BS Trần Túy Phượng. Với hơn 20 năm kinh nghiệm, từng công tác tại BV Phụ Sản Tiền Giang, bác sĩ Phượng chuyên về thăm khám, quản lý thai kỳ, hiếm muộn và các bệnh lý phụ khoa tại phòng khám Sản Phụ khoa – KHHGĐ BS. Trần Túy Phượng (tỉnh Tiền Giang).

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Trần Túy Phượng

    Sản - Phụ khoa · Phòng khám Sản Phụ Khoa - KHHGĐ BS. Trần Túy Phượng


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo