Nấm da đầu là căn bệnh do nhiễm nấm ở vùng da đầu. Không chỉ gây ngứa ngáy khó chịu, bệnh còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tóc và da đầu. Quá trình điều trị bệnh cần kết hợp giữa thuốc uống, thuốc bôi và dầu gội trị nấm theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất.
Nấm da đầu đặc trưng với các triệu chứng như ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, bong gàu và rụng tóc. Việc hiểu rõ về bệnh có thể giúp bạn nhanh chóng kiểm soát tình trạng này, tránh biến chứng và khôi phục mái tóc khỏe mạnh.
Nấm da đầu là gì?
Nấm da đầu, còn gọi là bệnh hắc lào da đầu, là bệnh da liễu xảy ra do nhiễm nấm Dermatophytes trên da đầu và tóc. Bệnh rất dễ lây lan và thường gây ngứa, rụng tóc, khô da có vảy.
Có hơn 40 loài dermatophytes khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có một số ít liên quan đến bệnh. Tác nhân gây bệnh phổ biến nhất ở Hoa Kỳ là Trichophyton tonsurans và ở New Zealand, châu Âu, châu Á là loài Microsporum canis. Khi xâm nhập vào lớp da ngoài cùng của da đầu, nang tóc hay thân tóc, loại nấm này gây ra bệnh.
Phân loại nấm da đầu theo tình trạng viêm nhiễm:
- Nấm da đầu loại gây viêm: Hệ thống miễn dịch phản ứng với nấm có thể dẫn đến tình trạng nấm tổ ong da đầu (kerion), gây ra các mảng đau, chứa đầy mủ, đôi khi rỉ dịch. Kerion có thể gây sẹo và rụng tóc vĩnh viễn.
- Nấm da đầu loại không viêm: Bệnh không gây rụng tóc vĩnh viễn. Có hai loại nấm da đầu không viêm:
- Nấm đầu chấm đen: Thường do T.tonsurans, T.violaceum gây ra, khiến thân tóc bị gãy ở bề mặt da đầu.
- Nấm đầu mảng xám: Do các loại nấm Microsporum gây ra, khiến sợi tóc xám đục, gãy cách da đầu vài mm. Tổn thương dạng này thường là các mảng tròn, có thể lan rộng toàn bộ vùng da đầu.
Phân loại bệnh dựa trên cách nấm xâm nhập và tác động vào thân tóc:
- Nhiễm trùng ectothrix: Nấm phát triển bên trong nang tóc, bên ngoài thân tóc, bao phủ bề mặt tóc và phá hủy lớp biểu bì. Ví dụ: Loài Microsporum canis gây ra loại này.
- Nhiễm trùng endothrix: Nấm xâm nhập vào thân tóc và phát triển bên trong. Lớp biểu bì không bị phá hủy. Ví dụ như Trichophyton tonsurans.
- Nhiễm trùng favus: Đây là tình trạng nhiễm trùng dermatophyte mãn tính do T. schoenleinii gây ra, đặc trưng bởi các cụm sợi nấm ở gốc sợi tóc và lớp vảy vàng xung quanh thân tóc.
Bệnh nấm da đầu có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn ở mọi lứa tuổi, nhưng thường phổ biến ở:
- Trẻ em từ 3-14 tuổi, đặc biệt là nhóm từ 4-7 tuổi.
- Những người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như mắc HIV/AIDS, ung thư, tiểu đường.
- Người có thói quen vệ sinh kém.
- Người sống ở môi trường đông đúc hoặc có điều kiện kinh tế – xã hội thấp.
- Người sống trong môi trường ẩm ướt, nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm thuận lợi cho nấm phát triển.
- Người chơi các môn thể thao đối kháng.
- Người dùng chung đồ vật cá nhân như mũ, lược, khăn tắm…
- Người có chấn thương nhẹ ở da đầu.
- Người bị tăng tiết mồ hôi (đổ mồ hôi quá nhiều).
Dấu hiệu nhận biết và triệu chứng nấm da đầu
Làm sao biết mình bị nấm da đầu?
Bệnh có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hoặc một phần da đầu. Các dấu hiệu dễ nhận biết có thể bao gồm:
- Ngứa da đầu, có thể nhẹ hoặc dữ dội.
- Nổi mẩn đỏ, có thể nổi thành các mảng đỏ sưng tấy.
- Rụng tóc, có thể rụng từng mảng tóc.
- Da đầu bong tróc trông giống như gàu.
- Da đầu có vảy hoặc bị viêm ở vị trí tóc bị gãy sát da đầu.
- Vùng da đầu bị đau hoặc nhạy cảm.
- Sưng, đau hạch bạch huyết.
Các triệu chứng của nấm thường tiến triển theo giai đoạn như sau:
- Sau 4-10 ngày kể từ khi tiếp xúc với nấm: Nổi mẩn đỏ, tròn như một cục u nhỏ giống như mụn nhọt, có vảy, có thể ngứa.
- Vùng da nổi mẩn đỏ này lan rộng, tạo thành một vòng tròn ngày càng lớn hơn, có đường viền đỏ nổi bật.
- Tóc tại vị trí nhiễm nấm trở nên giòn và dễ gãy.
- Vùng da đầu nhiễm nấm có thể bị hói, không có tóc mọc lên.
- Nếu bệnh tiến triển nặng dẫn đến nhiễm trùng do vi khuẩn, mảng da sẽ rỉ dịch.
Dấu hiệu nấm da đầu trở nặng cần điều trị kịp thời
Những dấu hiệu bệnh trở nặng mà bạn cần đặc biệt chú ý:
- Đầu quá nhiều gàu: Da đầu bị nấm thường tiết ra bã nhờn nhiều hơn bình thường, do đó mà gàu có thể bị ướt. Khi bệnh trở nặng, gàu cũng có thể bong ra nhiều hơn. Nếu có dấu hiệu bất thường về gàu thì người bệnh cần đi khám để được điều trị.
- Ngứa ngáy dữ dội: Gàu nhiều có thể gây ngứa dữ dội và có mùi hôi ở vùng da đầu, kể cả khi đã gội đầu.
- Xuất hiện mụn đỏ: Khi bệnh tiến triển nặng, da đầu có thể nổi những nốt mụn đỏ.
- Rụng tóc không kiểm soát: Khi bệnh nặng và không được điều trị, lượng tóc rụng tăng dần, không thể kiểm soát, gây hói từng mảng.
- Viêm da lan rộng: Một số trường hợp trở nặng có thể gây viêm da lan rộng, cần loại bỏ nấm gây bệnh và điều trị phục hồi nang tóc.
Hậu quả khi không điều trị kịp thời
Bệnh cần được điều trị sớm và đúng cách. Nếu bỏ qua hoặc trì hoãn điều trị, bệnh có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với sức khỏe da đầu mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống:
- Nhiễm trùng da đầu: Nhiễm trùng da đầu là gì? Đây là tình trạng tổn thương da đầu và nang tóc do sự tấn công của vi khuẩn hoặc nấm gây bệnh. Nếu da đầu bị nấm không được điều trị đúng cách và kịp thời, vùng da tổn thương có thể bị nhiễm khuẩn thứ phát.
- Nấm tổ ong da đầu (kerion): Một số trường hợp bệnh tiến triển nặng, cơ thể quá mẫn cảm với nấm, có thể gây viêm nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng kerion. Đây là những khối sưng mềm, gây đau, nổi rõ trên da đầu, thường chảy mủ và được bao phủ bởi lớp vảy dày, màu vàng.
- Nổi mẩn lan rộng: Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây nổi mẩn đỏ ở các bộ phận có lông khác như lông mày, lông mi, cũng như có thể xuất hiện hạch bạch huyết khu vực.
- Rụng tóc vĩnh viễn: Bệnh nấm da đầu viêm nặng có thể dẫn đến tình trạng rụng tóc vĩnh viễn ở một số vùng da.
- Sẹo trên da: Kerion có thể để lại sẹo trên da người bệnh.
- Ảnh hưởng sức khỏe tâm lý: Rụng tóc, hói đầu có thể khiến người bệnh buồn bã, căng thẳng, tự ti khi giao tiếp xã hội, đặc biệt là khi bệnh gây ra các mảng hói vĩnh viễn.
Các phương pháp điều trị nấm da đầu hiệu quả
Nấm có thể sống rất lâu trên da. Do đó, bệnh khó chữa khỏi và dễ tái phát, cần phải điều trị lại. Việc kịp thời phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu và điều trị sớm có thể mang lại hiệu quả tích cực.
Các phương pháp điều trị da đầu bị nấm hiệu quả thường bao gồm:
- Dùng thuốc trị nấm đường uống.
- Dùng thuốc hoặc kem bôi.
- Kết hợp với dùng dầu gội đặc trị.
Nấm đầu bôi thuốc gì?
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc bôi trị nấm da đầu để ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan. Thành phần chính trong các loại thuốc bôi này thường là:
- Povidone-iodine
- Ketoconazole
- Imidazole
- Ciclopirox.
Lưu ý khi sử dụng thuốc:
- Chỉ bôi thuốc trị nấm da đầu theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
- Không tự ý tăng liều hoặc sử dụng kéo dài, vì có thể gây kích ứng hoặc các tác dụng phụ không mong muốn.
- Kết hợp sử dụng dầu gội trị nấm để hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa lây lan.
- Thuốc bôi chỉ có tác dụng hỗ trợ kiểm soát triệu chứng và giảm nguy cơ lây lan, không thể điều trị dứt điểm nấm da đầu. Cần sử dụng kèm thuốc uống hoặc các phương pháp điều trị khác dưới sự chỉ định của bác sĩ.
Thuốc trị nấm da đầu an toàn được khuyên dùng
Các phương pháp điều trị tại chỗ thường không hiệu quả. Vì vậy, bác sĩ thường kê đơn thuốc uống để điều trị da đầu bị nấm. Các thuốc trị nấm da đầu đường uống thường được bác sĩ chỉ định là:
- Griseofulvin (Gris-Peg)
- Terbinafine
- Itraconazole (Sporanox, Tolsura)
- Fluconazole (Diflucan).
Cách xử lý tại nhà khi da đầu bị nấm
Những mẹo dân gian trị da đầu bị nấm phổ biến
Ngoài việc tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ, người bệnh cũng có thể kết hợp một số mẹo dân gian trị nấm da đầu sau đây để tăng hiệu quả chữa bệnh:
- Dùng chanh: Chanh chứa axit hữu cơ, vitamin C, chất chống oxy hóa, khoáng chất… có tác dụng sát khuẩn, diệt nấm, đồng thời cải thiện da đầu và kiểm soát dầu nhờn. Bạn có thể dùng chanh tươi hoặc kết hợp chanh với dầu oliu, muối hoặc dầu dừa để tăng hiệu quả.
- Dùng lá chè xanh: Chứa polyphenol, epicatechicalat, epicatechin… lá chè xanh có tính kháng nấm, kháng khuẩn mạnh, giúp làm sạch da đầu và giảm ngứa.
- Dùng lá trầu không: Với thành phần giàu chất kháng viêm, kháng nấm, lá trầu không được dùng trong nhiều bài thuốc trị bệnh nấm da.
- Dùng lá ổi: Nước lá ổi giúp ức chế hoạt động của vi khuẩn, nấm men và giảm ngứa.
- Dùng tinh dầu tràm trà: Gamma-terpinene và Terpinen-4-ol trong tinh dầu tràm trà giúp kháng khuẩn và kháng nấm hiệu quả. Do đó mà được ứng dụng nhiều trong điều trị các bệnh nấm da đầu.
- Dùng bồ kết: Saponin và các vitamin, khoáng chất trong bồ kết giúp khử khuẩn, giảm sự phát triển của nấm, chống viêm hiệu quả.
- Dùng vỏ bưởi: Vitamin trong vỏ bưởi có lợi cho sức khỏe tóc.
- Các mẹo dân gian trị nấm da đầu khác: Ngoài ra, nhiều người cũng dùng giấm táo hoặc nha đam để hỗ trợ điều trị nấm da đầu.
Ưu điểm của những cách trị nấm da đầu tại nhà:
- Nguyên liệu dễ tìm, chi phí thấp.
- An toàn, ít tác dụng phụ nếu sử dụng đúng cách.
- Có thể cải thiện triệu chứng nhẹ khi nấm mới khởi phát.
Nhược điểm:
- Hiệu quả chậm, cần kiên trì thực hiện.
- Không phù hợp với tình trạng nấm nặng hoặc kéo dài.
- Có thể gây kích ứng tùy thuộc vào cơ địa của một số người.
- Rủi ro từ thảo dược không sạch, bị phun thuốc hóa học, có thể gây kích ứng hoặc khiến bệnh trầm trọng hơn.
Do đó, khi áp dụng các cách trị nấm da đầu tại nhà, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Hướng dẫn chăm sóc da đầu khi bị nấm
Bị nấm da đầu nên gội đầu như thế nào?
Khi bị nấm da đầu, người bệnh cần duy trì vệ sinh sạch sẽ bằng cách gội đầu thường xuyên với tần suất hợp lý theo hướng dẫn sau:
- Gội đầu với dầu gội chống nấm từ 2 đến 3 lần/tuần, liên tục trong vòng 6 tuần để kiểm soát tình trạng bệnh và ngăn ngừa lây lan.
- Khi gội nên ưu tiên dùng nước ấm và phải xả nước sạch nhiều lần.
- Làm khô tóc ngay sau khi gội xong.
- Không cào, gãi mạnh vì điều này làm xước da đầu, gây nhiễm trùng, sẹo và khiến nấm lan rộng hơn.
Dầu gội trị nấm: Chọn loại nào?
Bác sĩ có thể khuyên người bị nấm da đầu dùng dầu gội trị nấm da đầu để hỗ trợ loại bỏ bào tử nấm và giúp ngăn ngừa lây nhiễm sang người khác hoặc các vùng khác trên cơ thể. Dưới đây là 5 loại dầu gội trị nấm da đầu phổ biến, được nhiều chuyên gia khuyên dùng:
- Dầu gội Nizoral: Chứa ketoconazole 2% (20 mg/g), giúp ức chế hoạt động của nấm men, giảm ngứa và khắc phục các triệu chứng nấm da đầu.
- Dầu gội trị nấm da đầu Selsun 1,8%: Có selenium sulfide 1,8%, thường được dùng để điều trị gàu, ngứa, viêm da tiết bã và một số loại nấm da đầu, phù hợp với cả tình trạng nấm và gàu nặng.
- Dầu gội Haicneal: Chứa ketoconazole 2% giúp chống lại tác nhân gây gàu, nấm, cải thiện triệu chứng bệnh, giúp thoáng da đầu và chắc khỏe tóc.
- Dầu gội dược liệu Thái Dương 7: Chứa 13 dược liệu an toàn, lành tính với tóc và da đầu, giúp giảm ngứa, gàu do nấm gây ra. Các dưỡng chất bổ sung cũng giúp tóc chắc khỏe, bóng mượt hơn. Dầu gội này phù hợp với cả da đầu nhạy cảm khi đang bị nhiễm nấm.
- Dầu gội Vichy Dercos Anti Dandruff: Chứa nước khoáng núi lửa, aluminium hydrochloride và cetyl alcohol, giúp giảm ngứa, gàu ngay từ lần gội đầu tiên, phù hợp cho cả da nhạy cảm.
Khi lựa chọn dầu gội trị nấm, người bệnh nên lưu ý những tiêu chí sau:
- Chọn dầu gội chứa thành phần đặc trị nấm da đầu: Ưu tiên các sản phẩm có hoạt chất chống nấm như ketoconazole, selenium sulfide hoặc chiết xuất thảo dược an toàn.
- Chọn dầu gội không gây kích ứng: Chọn sản phẩm không chứa sulfate, paraben hay các chất tẩy rửa mạnh để tránh làm tổn thương da đầu.
- Chọn dầu gội phù hợp loại tóc: Với tóc khô, nên chọn dầu gội có thêm thành phần dưỡng ẩm. Với tóc dầu, ưu tiên loại kiểm soát bã nhờn.
- Chọn dầu gội có nguồn gốc rõ ràng, thương hiệu uy tín: Mua dầu gội từ thương hiệu uy tín và nhà thuốc chính hãng để đảm bảo chất lượng.
Lời khuyên từ chuyên gia
Khi có các dấu hiệu nấm da đầu như rụng tóc, bong tróc da đầu, ngứa da đầu hoặc các biểu hiện bất thường khác trên da đầu, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Đặc biệt, khi có những triệu chứng sau, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt:
- Nổi mẩn đỏ không cải thiện sau 10 ngày điều trị.
- Mẩn đỏ lan rộng ra các vùng khác trên cơ thể.
- Vùng tổn thương đỏ hơn hoặc gây đau đớn.
- Vị trí nổi mẩn đỏ chảy dịch, chảy mủ.
- Sốt từ 38°C trở lên.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa bệnh tái phát, bạn nên ghi nhớ lời khuyên của chuyên gia sức khỏe như sau:
- Tất cả các thành viên trong gia đình, ngay cả những người không bị nhiễm bệnh, cũng nên sử dụng dầu gội chống nấm để giảm nguy cơ lây bệnh cũng như tái nhiễm nấm.
- Điều trị tất cả các loại bệnh nấm da cùng một lúc, như nấm da chân và nấm da tay. Nếu chỉ điều trị một vùng, bạn vẫn sẽ bị tái nhiễm nấm da vì nấm có thể nhanh chóng lan sang các vùng khác.
- Giặt gối, khăn tắm, ga trải giường thường xuyên.
- Vệ sinh, khử trùng hoặc thay mới lược, bàn chải và các thiết bị chăm sóc tóc dùng chung.
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân như mũ, khăn, lược.
- Đảm bảo luôn giữ cho tóc và da đầu khô ráo, sạch sẽ. Làm khô tóc sau khi gội đầu hoặc đi mưa về.
- Rửa tay sạch sau khi chạm vào động vật hoặc đất.
- Đưa vật nuôi đi khám nếu nghi ngờ bị nhiễm nấm vì đây có thể là nguồn lây bệnh.
Ngoài ra, chế độ ăn uống lành mạnh và thói quen sinh hoạt khoa học cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị nấm:
- Nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng.
- Kiêng gãi vết thương nhiễm nấm da đầu để tránh gây tổn thương, để lại sẹo hoặc lây lan sang bộ phận khác.
- Tắm gội sau khi tập thể dục để rửa sạch mồ hôi và giảm nguy cơ nấm sinh sôi, phát triển.
- Thay quần áo mỗi ngày, bao gồm cả đồ lót và tất. Giặt quần áo trước khi mặc lại, bao gồm cả quần áo thể dục.
FAQs – Những câu hỏi thường gặp
1. Nấm da đầu có tự khỏi được không?
Bệnh có thể khó chữa khỏi. Người bệnh cần phải dùng thuốc chống nấm theo chỉ dẫn liên tục trong ít nhất sáu tuần. Đôi khi, nấm da đầu có vẻ đã biến mất, nhưng bệnh có thể tái phát nếu nhiễm trùng không được điều trị hoàn toàn. Trong nhiều trường hợp, trẻ em bị bệnh nấm da đầu sẽ tự khỏi sau tuổi dậy thì.
2. Trẻ em bị nấm da đầu nên làm gì?
Trẻ em bị nấm cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Hầu hết các bệnh nhi đều phải dùng thuốc trị nấm da đầu kê toa trong ít nhất 6-8 tuần. Nhiều trẻ cần kết hợp thuốc bôi và dầu gội trị nấm để tăng hiệu quả điều trị.
Sau 6-8 tuần dùng thuốc này, bạn nên cho trẻ đi tái khám để bác sĩ cân nhắc xem có nên cho bé tiếp tục dùng thuốc hay không.
3. Nấm da đầu khi đang mang thai phải làm sao?
Khi có dấu hiệu bị nấm da đầu trong thai kỳ, mẹ bầu cần đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác và hỗ trợ điều trị. Bác sĩ sẽ cân nhắc loại thuốc phù hợp với sức khỏe của thai phụ và thai nhi, từ đó lên phác đồ điều trị dựa trên tình trạng bệnh. Mẹ bầu cần tuân theo hướng điều trị của bác sĩ để đảm bảo an toàn.
4. Làm sao để phân biệt nấm da đầu với các bệnh lý khác như vảy nến?
Nấm da đầu là bệnh do nấm gây ra, trong khi vảy nến là bệnh mãn tính do một vấn đề về hệ thống miễn dịch khiến các tế bào da phát triển nhanh hơn bình thường.
Bệnh vảy nến da đầu có thể trông giống với nấm da đầu không viêm, nhưng vảy thường lan rộng hơn. Để phân biệt chính xác nhất, bạn nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán.
5. Gội đầu thường xuyên có ngăn được nấm da đầu không?
Giữ da đầu sạch sẽ là một trong những cách ngăn ngừa bệnh nấm da đầu được các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo. Bạn không nhất thiết phải gội đầu quá thường xuyên, nhưng cần đảm bảo da đầu luôn khô thoáng, sạch sẽ.
6. Nấm da đầu có lan xuống mặt không?
Có! Nấm da đầu có thể lan xuống mặt, ảnh hưởng đến lông mi, lông mày và nhiều vị trí khác. Đặc biệt, khi người bệnh chạm vào vùng bị nhiễm nấm rồi chạm lên mặt thì có thể làm lây lan nấm xuống mặt.
7. Nấm da đầu có gây rụng tóc không?
Có! Rụng tóc là một trong những triệu chứng điển hình ở người bị nấm da đầu.
Kết luận
Nấm da đầu không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và thẩm mỹ nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách. Việc phát hiện bệnh sớm, áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ là chìa khóa để kiểm soát nấm da đầu hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng và bảo vệ da đầu cũng như mái tóc khỏe mạnh.
Nếu bạn đang lo lắng về căn bệnh nấm da đầu, đừng ngần ngại thử ngay các phương pháp trị liệu hiệu quả mà Hello Bacsi đã đề cập để lấy lại mái tóc khỏe mạnh ngay hôm nay nhé! Đừng quên đặt lịch khám với bác sĩ da liễu chuyên môn ngay bây giờ để nhận tư vấn tốt nhất!