backup og meta

Thuốc đỏ Povidone (Povidone iodine): Chỉ định, cách dùng, liều dùng

Thuốc đỏ Povidone (Povidone iodine): Chỉ định, cách dùng, liều dùng

Povidone (hay còn gọi là thuốc đỏ Povidone) là dung dịch sát khuẩn ngoài da chứa povidone iodine 10%. Đây là dạng phức hợp của Iod, giải phóng Iod chậm, ít độc hơn và tác dụng kéo dài hơn dạng Iod tự do. Sản phẩm chỉ dùng ngoài da, không được uống.

Tìm hiểu thông tin về thuốc Povidone ngay qua bài viết sau!

Povidone là gì?

Biệt dược: Povidone

Hoạt chất: Povidone iodine 10%

Loại thuốc: Thuốc sát trùng, khử khuẩn

Dạng bào chế: Dung dịch dùng ngoài

Thương hiệu: Agimexpharm (Việt Nam)

Tác dụng, công dụng

Povidone iodine là gì?

Povidon iodine là phức hợp của iod với polyvinylpyrrolidon (povidon). Iod có tác dụng sát khuẩn, diệt khuẩn, nấm, virus, động vật đơn bảo, kén và bào tử. Povidon được dùng làm chất mang iod giúp giải phóng iod dần dần, do đó kéo dài tác dụng. Vì vậy tác dụng của thuốc kém hơn các chế phẩm chứa iod tự do, nhưng ít độc hơn, vì lượng iod tự do thấp hơn, dưới 1 phần triệu trong dung dịch 10%.

Tác dụng, công dụng của thuốc Povidone là gì?

Thuốc đỏ Povidone được chỉ định để:

  • Khử khuẩn và sát khuẩn các vết thương do chấn thương hay phẫu thuật, vết loét sâu.
  • Lau rửa các dụng cụ y tế trước khi tiệt khuẩn.

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lí khi có chỉ định của bác sĩ.

Chống chỉ định

  • Mẫn cảm với iod.
  • Dùng thường xuyên ở người bệnh có rối loạn tuyến giáp (đặc biệt bướu giáp nhân coloid, bướu giáp lưu hành và viêm tuyến giáp Hashimoto).
  • Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai và cho con bú.
  • Thủng màng nhĩ hoặc bôi trực tiếp lên màng não.
  • Khoang bị tổn thương nặng.
  • Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, nhất là trẻ sơ sinh.
  • Không được uống.

Liều dùng – Cách dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

thuốc đỏ povidone

Liều dùng thuốc Povidone như thế nào?

Liều dùng thuốc Povidone phụ thuộc vào tình trạng nhiễm khuẩn, dạng thuốc, nồng độ và vùng nhiễm khuẩn, chủ yếu là dùng ngoài. Có thể dùng dung dịch pha loãng hoặc không pha loãng.

  • Dung dịch không pha loãng (dùng nguyên chất): Người lớn bôi lên vùng da tổn thương. Ngày bôi 1- 3 lần, phủ gạc lên vết thương nếu cần. Liều trẻ em dùng như liều người lớn.
  • Dung dịch pha loãng: Pha loãng thành dung dịch 1% trong nước hoặc dung dịch natri clorid 0,9% (nước muối sinh lý) để rửa vết thương hoặc pha loãng thành dung dịch 2% trong dung dịch natri clorid 0,9% dùng tưới vết thương để sát khuẩn.
  • Vệ sinh tay: bạn dùng 3ml dung dịch nguyên chất bôi một phút trước khi làm việc.
  • Tiệt khuẩn để phẫu thuật: bạn bôi dung dịch nguyên chất vào lòng bàn tay trong 5 phút, sau đó rửa bằng nước đã khử khuẩn.
  • Trước khi tiêm hoặc phẫu thuật: bôi trước một phút với da ít tuyến bã nhờn, với da nhiều tuyến bã nhờn cần bôi trước 10 phút, luôn giữ da ẩm.
  • Tẩy rửa dụng cụ y tế: pha loãng thuốc với nước sạch theo tỷ lệ 1/10, ngâm dụng cụ trong 30 phút, vớt dụng cụ ra rửa lại bằng nước sạch, lau khô đem tiệt trùng.
  • Bệnh nấm da, nước ăn chân: Tẩm thuốc vào bông sạch, bôi lên vùng da bị tổn thương ngày 1–2 lần.

Nếu có dùng băng gạc, bạn nên thay gạc hàng ngày hoặc cách ngày.

Bạn nên làm gì trong trường hợp dùng quá liều?

Triệu chứng: Lượng iod quá thừa sẽ gây bướu giáp, nhược giáp hoặc cường giáp. Dùng chế phẩm nhiều lần trên vùng da tổn thương rộng hoặc bỏng sẽ gây nhiều tác dụng phụ như vị kim loại, tăng tiết nước bọt; đau rát họng và miệng, mắt bị kích ứng, sưng, đau dạ dày, ỉa chảy, khó thở do phù phổi. Có thể bị nhiễm acid chuyển hóa, tăng natri huyết và tổn thương thận.

Xử trí: Trong trường hợp uống nhầm một lượng lớn povidon iod, phải điều trị triệu chứng và hỗ trợ, chú ý đặc biệt đến cân bằng điện giải, chức năng thận và tuyến giáp.

Tác dụng phụ

Thuốc Povidone có thể gây ra tác dụng phụ nào?

cách dùng thuốc povidone
Thận trọng khi dùng thuốc thường xuyên trên vết thương với người có tiền sử suy thận

Thận trọng khi dùng thường xuyên trên vết thương đối với người có tiền sử suy thận, đối với người bệnh đang điều trị bằng lithi.

Chế phẩm có thể gây kích ứng tại chỗ. Dùng với vết thương rộng và vết bỏng nặng, có thể gây phản ứng toàn thân.

Một số tác dụng không mong muốn thường gặp khi dùng thuốc đỏ Povidone là:

Ít gặp:

  • Huyết học: giảm bạch cầu trung tính (trường hợp bị bỏng nặng).
  • Thần kinh: cơn động kinh (nếu điều trị PVP-I kéo dài).
  • Dị ứng, như viêm da do iod, đốm xuất huyết, viêm tuyến nước bọt, nhưng với tỷ lệ rất thấp.
  • Đã thấy iod trong nước ối của người mẹ dùng povidon iod gây suy giáp và bướu giáp bẩm sinh do thuốc ở trẻ sơ sinh, mặc dù người mẹ dùng lượng thấp iod làm thuốc sát khuẩn. Tuy nhiên, PVP-I cũng có thể gây cường giáp.

Rất hiếm gặp:

  • Rối loạn hệ thống miễn dịch: phản ứng phản vệ/sốc phản vệ.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn gặp phải bất kỳ tác dụng không mong muốn nào khi dùng thuốc, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.

Thận trọng/ Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc, bạn nên lưu ý những gì?

Một số lưu ý khi dùng thuốc:

  • Iod hấp thụ qua da và thải trừ qua nước tiểu nên có nguy cơ đi vào máu, gây tác động toàn thân, nhất là khi bị thương tổn thượng bì lan rộng, dùng dưới băng kín, trẻ sinh non và trẻ đang bú. Mức độ hấp thụ toàn thân phụ thuộc vào vùng và diện (rộng, hẹp) dùng thuốc. Nếu thấy kích ứng hoặc sưng phồng tại chỗ, bạn phải ngừng thuốc.
  • Tránh dùng trên vết thương rộng, lặp lại nhiều lần hoặc dùng trong thời gian dài.
  • Nếu thật cần với trẻ em, bạn hãy dùng liều thấp trong thời gian thật ngắn rồi rửa ngay bằng nước.
  • Thận trọng khi dùng thuốc cho người có tiền sử suy thận.

Sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú

Tránh dùng thường xuyên cho đối tượng này vì iod qua được hàng rào nhau thai và bài tiết qua sữa. Mặc dù chưa có bằng chứng về nguy hại, nhưng cần cân nhắc giữa lợi ích điều trị và tác dụng có thể gây ra do hấp thụ iod đối với sự phát triển và chức năng của tuyến giáp thai nhi.

Tương tác thuốc

Thuốc Povidone có thể tương tác với thuốc nào?

Thuốc này có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Một số tương tác có thể xảy ra gồm:

  • Tác dụng kháng khuẩn bị giảm khi có kiềm và protein
  • Xà phòng không làm mất tác dụng của thuốc
  • Tương tác với các hợp chất thủy ngân gây ăn da
  • Thuốc bị mất tác dụng với natri thiosulfat, ánh sáng mặt trời, nhiệt độ cao và các thuốc sát khuẩn khác
  • Có thể cản trở xét nghiệm thăm dò chức năng tuyến giáp

Thuốc Povidone có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá. Bạn không nên uống rượu trong thời gian dùng thuốc.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc này?

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc Povidone như thế nào?

Bảo quản ở nhiệt độ dưới 30º, tránh ánh sáng. Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em.

Thuốc đỏ Povidone chỉ được dùng ngoài da với mục đích sát trùng, khử khuẩn. Dùng thuốc đúng cách để đảm bảo hiệu quả, an toàn. Nếu gặp các tác dụng không mong muốn hãy báo ngay với nhân viên y tế nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Povidone. https://www.drugs.com/cdi/povidone-iodine-topical-products.html. Ngày truy cập 24/01/2018

Povidone. https://drugbank.vn/thuoc/Povidone&VD-17882-12. Ngày truy cập 27/12/2023

Povidone. https://agimexpharm.com/san-pham/povidone/. Ngày truy cập 27/12/2023

Povidone Iodine. Dược thư quốc gia 2022. https://trungtamthuoc.com/hoat-chat/povidone-iodine. Ngày truy cập 27/12/2023

Povidone-Iodine Solution in Wound Treatment. https://academic.oup.com/ptj/article/78/2/212/2633282. Ngày truy cập 27/12/2023

 

 

Phiên bản hiện tại

03/12/2024

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: SEO Team


Bài viết liên quan

10 cách để vết thương mau lành

Phòng và điều trị nấm da ở trẻ nhỏ hiệu quả


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: Tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo