Sẹo được hình thành như thế nào?
Sẹo là một phần của quá trình tự chữa lành các vết thương một cách tự nhiên. Khi bị thương, da sẽ trải qua 3 giai đoạn: sưng viêm, tăng sinh và tái tạo. Hình dáng của sẹo và cách chữa trị sẹo phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác nhau như độ sâu, kích cỡ, vị trí của vết thương cũng như độ tuổi, gen, giới tính của người bị thương. Do đó, có nhiều cách trị sẹo khác nhau.
Bạn có thể tìm hiểu rõ hơn thông qua bài viết “Quá trình hình thành sẹo sau tổn thương“.
Các loại sẹo thường gặp
1. Sẹo lồi

Loại sẹo này là kết quả của quá trình tăng sinh collagen, phổ biến hơn ở người có làn da sẫm màu, đặc biệt là người châu Phi hoặc châu Á. Sẹo lồi đôi khi gây ngứa, hơi đau, cảm giác căng cứng, đặc biệt là vấn đề thẩm mỹ. Kích thước sẹo lồi tùy thuộc vào tình trạng tổn thương da lúc đầu và có nguy cơ lớn dần theo thời gian. Có nhiều cách trị sẹo lồi như liệu pháp áp lạnh, phẫu thuật, tiêm steroid hoặc silicon để làm mờ sẹo.
2. Sẹo co rút
Loại sẹo này là di chứng của các vết thương nghiêm trọng do bỏng hoặc tai nạn. Chúng gây kéo rút da, làm giảm khả năng vận động. Sẹo co rút cũng có thể ăn sâu vào da, ảnh hưởng đến các cơ cũng như các dây thần kinh.
3. Sẹo phì đại
Các vết sẹo này thường lớn và đỏ tương tự như sẹo lồi, nhưng chúng không lan ra khỏi vùng da bị thương. Cách trị sẹo phì đại bao gồm phẫu thuật, tiêm steroid hoặc tiêm silicon giúp làm mờ sẹo.