Tuyến giáp có rất nhiều vấn đề khác nhau gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Để phát hiện và điều trị bệnh tuyến giáp kịp thời, bạn sẽ cần có những hiểu biết nhất định về chúng.
Bệnh tuyến giáp là thuật ngữ thường dùng để nói chung về các bệnh lý gây ảnh hưởng đến cấu trúc hoặc chức năng tuyến giáp. Các tình trạng chính thường gặp là suy giáp, cường giáp, viêm giáp hoặc bướu giáp, nhân giáp. Các bệnh ở tuyến giáp thường có thể điều trị được bằng việc sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật. Bài viết sau đây Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu rõ các thông tin liên quan đến các bệnh lý tuyến giáp.
Bệnh tuyến giáp là gì, có nguy hiểm không?
Tuyến giáp là một cơ quan nhỏ hình con bướm, nằm phía trước cổ, ngay dưới thanh quản. Nhiệm vụ chính của tuyến giáp là sản xuất hormone thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3) kiểm soát quá trình chuyển hóa, tăng cường sản xuất năng lượng, duy trì nhiệt độ cơ thể và ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan gồm tiêu hóa, tim mạch, thần kinh. Những vấn đề bất thường ảnh hưởng đến tuyến nội tiết này, đặc biệt là chức năng hoạt động của nó, được gọi là bệnh tuyến giáp.
Vì vùng hạ đồi và tuyến yên đảm đương nhiệm vụ kiểm soát hoạt động của tuyến giáp, nên những bệnh lý hay bất thường trên vùng tuyến yên – hạ đồi cũng góp phần hình thành nên các bệnh về tuyến giáp.
[embed-health-tool-ovulation]
Các căn bệnh liên quan đến tuyến giáp
Khi đề cập đến bệnh tuyến giáp, bạn có thể nghe thấy một số bệnh lý cụ thể sau:
1. Bệnh cường giáp
Cường giáp liên quan đến hàm lượng hormone tuyến giáp trong cơ thể quá cao. Ở tình trạng này, các triệu chứng bệnh nhân có thể gặp phải có thể kể đến như:
- Run tay
- Buồn nôn
- Nhịp tim nhanh
- Mệt mỏi
- Sợ nóng
- Tính tình nóng nảy hay cáu gắt
- Tiêu lỏng
- Đổ mồ hôi nhiều
- Mất tập trung
- Sụt cân ngoài ý muốn
- Mất ngủ
- Rối loạn kinh nguyệt.
Nguyên nhân khiến cho hormone tuyến giáp tiết ra quá nhiều có khả năng là do:
- Bệnh Graves, còn gọi là bệnh Basedow hay là bướu giáp mạch
- Bướu giáp đa nhân, bướu giáp nhân độc
- Viêm giáp.
Ngoài ra, nguyên nhân cường giáp còn có thể gặp ở người bệnh dùng một lượng i ốt quá mức hay có thể do một số loại thuốc như amiodarone hoặc ít gặp hơn trong các trường hợp: thai trứng, u quái buồng trứng… So với suy giáp, tỷ lệ người bệnh cường giáp thường ít hơn.
2. Bệnh suy giáp
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết gọi là suy giáp. Nguyên nhân gây ra bệnh có thể do:
- Bệnh Hashimoto (viêm giáp mạn tính hay viêm giáp tự miễn)
- Viêm tuyến giáp
- Sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp
- Suy giáp sau xạ
- Thuốc: một số loại thuốc có thể dẫn đến suy giáp, chẳng hạn như lithium dùng để điều trị rối loạn tâm thần.
- Teo tuyến giáp, suy giáp bẩm sinh…
Đôi khi rối loạn chức năng tuyến yên hoặc vùng hạ đồi cũng có nguy cơ gây suy giáp, ví dụ như trong bệnh suy tuyến yên, u tuyến yên…
Người bệnh suy tuyến giáp sẽ có những triệu chứng như sau:
- Mệt mỏi
- Đờ đẫn, khó tập trung
- Ngủ nhiều
- Rối loạn kinh nguyệt
- Khô da
- Táo bón
- Sợ lạnh
- Tăng cân
- Lo âu, phiền muộn hoặc thậm chí là trầm cảm
- Nhịp tim chậm.
3. Bệnh Hashimoto
Viêm tuyến giáp Hashimoto là một bệnh tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào tuyến giáp khỏe mạnh, gây viêm ở tuyến giáp. Viêm giáp Hashimoto có thể diễn biến thầm lặng, người bệnh không có biểu hiện trong nhiều năm, chỉ phát hiện ra khi tuyến giáp to hoặc chỉ số xét nghiệm máu bất thường. Tại Mỹ, viêm giáp Hashimoto là nguyên nhân chủ yếu gây suy giáp.
4. Bệnh Grave (Basedow)
Bệnh Basedow là bệnh tự miễn của tuyến giáp. Bệnh Basedow là nguyên nhân phổ biến nhất của cường giáp, biểu hiện đặc trưng gồm: bướu giáp lan tỏa, lồi mắt, phù niêm trước xương chày. Bệnh liên quan đến sự hiện diện của các kháng thể kích thích tuyến giáp.
Nữ giới bị bệnh nhiều gấp 5 – 10 lần nam giới. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là trong độ tuổi 20 – 40.
5. Bệnh bướu tuyến giáp (bướu cổ)
Bướu cổ hình thành có thể do kích thước tuyến giáp gia tăng hoặc sự phát triển tế bào bất thường tạo thành một hay nhiều cục (nhân) trong tuyến giáp. Bệnh thường không bộc lộ triệu chứng rõ ràng. Tuy vậy, đôi khi biểu hiện của bệnh tuyến giáp trong trường hợp này có thể gồm:
- Cảm giác sưng cổ
- Đau vùng cổ
- Ho nhiều
- Khàn tiếng
- Khó nuốt và khó thở.
Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó phổ biến do tình trạng thiếu i ốt trong chế độ ăn uống. Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân, các triệu chứng và các biến chứng do bướu cổ gây ra. Những bướu nhỏ không đáng chú ý và không gây ra vấn đề thường không cần điều trị.
6. Bệnh ung thư tuyến giáp
Tuyến giáp bị ung thư chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trung niên, chiếm 2/3 trường hợp, tuy nhiên ngày nay ung thư ngày càng trẻ hóa. Ung thư tuyến giáp được chia thành hai nhóm:
- Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa chiếm phần lớn 90% (thể nhú, thể nang,..)
- Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa chiếm 10% ( thể tủy, thể không biệt hóa)
Theo thống kê, hầu hết trường hợp ung thư ở tuyến giáp thường gặp thuộc thể biệt hóa có tiên lượng tốt và tỷ lệ sống cao, đặc biệt nếu người bệnh phát hiện vấn đề ngay từ giai đoạn đầu.
Triệu chứng bệnh tuyến giáp
Các dấu hiệu của bệnh tuyến giáp thường hay bị bỏ qua do triệu chứng không đặc trưng và giống với nhiều bệnh khác. Chính vì thế, rất nhiều trường hợp mắc bệnh lý tuyến giáp chỉ được phát hiện ở giai đoạn nặng, khiến việc điều trị trở nên khó khăn.
Vậy bệnh tuyến giáp thường biểu hiện như thế nào? Bạn nên cảnh giác với các triệu chứng bệnh tuyến giáp như:
- Tim đập nhanh có thể do cường giáp. Khi tuyến giáp làm việc quá sức và sản xuất quá nhiều hormone, nhịp tim tăng cao và huyết áp có thể tăng lên. Vì thế, nếu nhịp tim của bạn thường xuyên trên 100 nhịp mỗi phút và kèm theo các triệu chứng bất thường khác thì c thì có thể bạn nên đi kiểm tra chức năng tuyến giáp.
- Mệt mỏi, lo lắng, thay đổi tâm trạng thất thường. Bạn có thể có các triệu chứng khác như ngủ nhiều, khó thức dậy vào buổi sáng, mất ngủ hoặc ngủ không sâu giấc, hay lo lắng, chán nản, mất kiểm soát cảm xúc thì cũng là một trong những dấu hiệu gợi ý bệnh tuyến giáp.
- Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu bệnh tuyến giáp. Tăng cân nhanh bất thường có thể là dấu hiệu của suy giáp còn sút cân không rõ nguyên nhân lại là dấu hiệu thường gặp của bệnh cường giáp.
- Hay cảm thấy ớn lạnh hoặc nóng trong người hơn bình thường. Nếu bạn thấy mình hay bị lạnh, đặc biệt là ở bàn tay, bàn chân trong khi người khác cảm thấy bình thường thì rất có thể là dấu hiệu của suy giáp. Trong khi đó, cường giáp có thể biểu hiện theo hướng ngược lại như gây cảm giác nóng bừng hoặc đổ mồ hôi nhiều.
- Khó tập trung cũng có khả năng là biểu hiện của bệnh tuyến giáp.Khó tập trung, hay quên, dễ nhầm lẫn… là dấu hiệu thường gặp của bệnh tuyến giáp. Ở cả người mắc bệnh suy giáp hay cường giáp đều có biểu hiện khó tập trung như quên mất chỗ đậu xe, không nhớ vào bếp để làm gì hoặc khó ghi nhớ tên của một người nào đó, ngày tháng, khó tập trung vào công việc…
- Rụng tóc là một dấu hiệu của bệnh tuyến giáp ở phụ nữ. Tình trạng tóc bị rụng nhiều là một trong những biểu hiện bệnh tuyến giáp. Khi hormone tuyến giáp bị mất cân bằng, quá trình trao đổi chất bị cản trở sẽ khiến nang tóc không hoạt động, từ đó tóc ít mọc và thưa dần.
- Hay gặp phải các vấn đề về tiêu hóa. Táo bón thường xuyên có thể là dấu hiệu của suy giáp, trong khi hay bị tiêu chảy lại thường liên quan đến bệnh cường giáp. Tuy nhiên, táo bón hay tiêu chảy thì cũng có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Do đó, bạn cần xem xét thêm các dấu hiệu và triệu chứng khác để nghi ngờ có phải do bệnh tuyến giáp gây ra hay không.
- Đau cơ và khó nuốt. Tình trạng đau nhức cơ bắp có thể liên quan đến nồng độ hormone tuyến giáp thay đổi khi mắc phải các bệnh tuyến giáp. Trường hợp tuyến giáp bị phì đại quá mức sẽ thường khiến người bệnh bị khó nuốt do nó nằm ngay vùng cổ.
- Kinh nguyệt không đều và giảm ham muốn tình dục. Nếu chu kỳ kinh nguyệt bỗng nhiên không đều, lượng kinh nguyệt ra nhiều hơn, các triệu chứng tiền kinh nguyệt thường nghiêm trọng hơn thì có thể là do hoạt động bất thường của tuyến giáp. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể gặp phải các vấn đề về nhu cầu quan hệ tình dục như giảm ham muốn, khó đạt được cực khoái…
- Da khô hoặc nhờn. Da khô thường là liên quan đến suy giáp khi thiếu hụt hormone tuyến giáp khiến da trở nên khô hơn. Ngược lại, da nhờn thường là dấu hiệu của cường giáp vì tuyến giáp hoạt động mạnh cũng khiến các tuyến bã nhờn tăng tiết.
- Có triệu chứng bất thường ở mắt. Hoạt động tuyến giáp bất thường có thể gây ảnh hưởng đến mắt, dẫn đến khô mắt, chảy nước mắt, đỏ mắt, mắt bị lồi hoặc suy giảm thị lực. Trong đó, tình trạng mắt lồi là triệu chứng khá điển hình ở người bị cường giáp do basedow.
- Bị bướu cổ là dấu hiệu bệnh tuyến giáp dễ nhận thấy. Bạn có thể thấy vùng trước cổ bị sưng to hoặc xuất hiện u bướu. Tình trạng này có thể gây khó khăn khi hô hấp, nói chuyện hoặc dễ bị nghẹn khi nuốt.
Bệnh tuyến giáp được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Bệnh lý tuyến giáp thường gặp và và có tỷ lệ chữa khỏi tương đối cao nếu được phát hiện, điều trị sớm. Vì thế câu trả lời cho thắc mắc bệnh tuyến giáp có chữa được không là có thể được và phải tùy theo từng loại bệnh, từng mức độ bệnh. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh tuyến giáp từ sớm sẽ là yếu tố then chốt để người bệnh chữa bệnh thành công cũng như ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
1. Chẩn đoán
Thông thường, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, tiền căn bản thân, gia đình cũng như khám lâm sàng, khám tuyến giáp, sau đó tiến hành một số xét nghiệm dưới đây để chẩn đoán các vấn đề ở tuyến giáp, ví dụ như:
- Xét nghiệm máu dùng để kiểm tra hàm lượng hormone tuyến giáp FT4, FT3 cũng như hormone kích thích tuyến giáp TSH. Đôi khi, bạn cũng có thể cần định lượng các kháng thể như TRAb, Anti-TPO hay Anti-Tg.
- Siêu âm cũng thường được làm với mục đích phát hiện các bất thường về cấu trúc như kích thước tuyến giáp, tình trạng tưới máu, độ phản âm, các tính chất của nhân giáp nếu có. Cần lưu ý rằng siêu âm không giúp phân biệt được các nhân giáp có chức năng tăng tiết hay giảm tiết hay không. Thay vào đó, phương pháp xét nghiệm áp dụng i ốt phóng xạ có khả năng làm được điều này. Ngược lại trên hình ảnh siêu âm có thể gợi ý nguy cơ ác tính của các nhân giáp theo phân độ TIRADS.
- Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) dưới hướng dẫn của siêu âm được bác sĩ chỉ định để chẩn đoán ung thư tuyến giáp đối với những nhân giáp nghi ngờ.
2. Điều trị
Tùy vào loại bệnh cũng như mức độ tiến triển mà người bệnh có thể áp dụng phương pháp điều trị bệnh tuyến giáp khác nhau. Các lựa chọn trong điều trị thường là:
Sử dụng thuốc điều trị tuyến giáp
Nếu vấn đề của bạn là suy giáp, sử dụng hormone tuyến giáp tổng hợp dưới dạng viên uống là lựa chọn phù hợp. Ngược lại, với trường hợp cường giáp, người bệnh có thể dùng thuốc kháng giáp có tác dụng kiềm hãm quá trình sản xuất hormone tuyến giáp.
Ngoài ra, đôi khi một số loại thuốc khác cũng cần thiết để hỗ trợ kiểm soát triệu chứng bệnh tuyến giáp, ví dụ như thuốc kiểm soát nhịp tim.
Phẫu thuật tuyến giáp
Đối với những vấn đề như bướu giáp hoặc nhân giáp quá lớn hay ung thư tuyến giáp hoặc các trường hợp cường giáp không đáp ứng điều trị thuốc, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Nếu tuyến giáp bị cắt bỏ hoàn toàn, người bệnh sẽ cần được dùng hormone tuyến giáp tổng hợp hàng ngày.
Mách bạn các mẹo giúp phòng bệnh tuyến giáp
Việc thay đổi một số thói quen sinh hoạt có khả năng hỗ trợ phòng ngừa bệnh tuyến giáp. Do đó, bạn hãy:
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp, khoa học, đầy đủ các chất dinh dưỡng, vi lượng đặc biệt là i ốt
- Rèn luyện thể chất thường xuyên với những bài tập yoga, thiền, thở sâu… giúp giảm căng thẳng.
- Chú trọng chất lượng cũng như thời gian ngủ (6 – 8 giờ mỗi ngày).
- Tái khám thường xuyên và thực hiện các xét nghiệm tầm soát theo chỉ định của bác sĩ.
Bệnh tuyến giáp và các thắc mắc thường gặp
1. Kết quả chẩn đoán nhân thùy phải tuyến giáp TIRADS 3 là gì, có nguy hiểm không?
Thùy giáp bao gồm 2 thùy trái và phải nối với nhau bởi eo tuyến giáp. Khi thùy phải xuất hiện nhân thì cần được tiến hành xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cần thiết để kết luận tính chất nhân thùy phải tuyến giáp là lành tính hay ác tính. TIRADS (Thyroid Imaging Reporting and Data System) là hệ thống các đặc điểm trên siêu âm giúp đánh giá và phân loại tổn thương ở tuyến giáp. Thang đánh giá TIRADS có từ 1 đến 5.
Nếu bạn được chẩn đoán nhân thùy phải tuyến giáp TIRADS 3 tức là tổn thương nhân giáp phần lớn là lành tính, nguy cơ ác tính <5%. Bác sĩ sẽ chỉ định FNA đối với các nhân TIRADS 3 nếu kích thước từ 25mm trở lên.
Việc điều trị nhân thùy phải tuyến giáp TIRADS 3 sẽ tùy thuộc vào nguy cơ ung thư, triệu chứng chèn ép và nguy cơ ảnh hưởng chức năng của nhân giáp. Nếu nhân tuyến giáp nhỏ, lành tính thường chỉ cần theo dõi định kỳ bằng siêu âm mỗi 6 – 12 tháng mà chưa cần điều trị đặc hiệu. Nếu nhân giáp TIRADS 3 có kích thước lớn gây chèn ép đường thở, thực quản hoặc mạch máu thì có thể cân nhắc phẫu thuật hoặc đốt sóng cao tần. Trường hợp nhân giáp ác tính thì sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ.
2. Cắt toàn bộ tuyến giáp có ảnh hưởng gì không? Các biến chứng có thể xảy ra sau mổ tuyến giáp là gì?
Mặc dù phẫu thuật tuyến giáp ít khi xảy ra rủi ro hay biến chứng nguy hiểm nhưng việc cắt toàn bộ tuyến giáp có ảnh hưởng gì không thì câu trả lời là có thể có. Mức độ ảnh hưởng ở mỗi người sẽ khác nhau tùy theo thể trạng người bệnh và quá trình chăm sóc sức khỏe hậu phẫu và kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật.
Ảnh hưởng ngắn sau khi cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp thường liên quan đến tác dụng bất lợi của thuốc gây mê toàn thân. Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như ói mửa, đau cứng cổ, đau họng, khó nuốt… Những ảnh hưởng sau đó ở người phải cắt toàn bộ tuyến giáp có thể gặp phải là:
- Suy giáp
- Chảy máu sau khi phẫu thuật xong có thể gây suy hô hấp cấp tính
- Chấn thương dây thần kinh thanh quản quặt ngược gây khàn tiếng
- Tổn thương các tuyến cận giáp kiểm soát nồng độ canxi trong máu
- Tụ dịch vết mổ (seroma)
- Nhiễm trùng
Đó cũng là những biến chứng sau mổ tuyến giáp mà người bệnh cần chú ý theo dõi để phát hiện điều trị kịp thời.
3. Nếu bị u tuyến giáp lành tính có cần điều trị không?
Phần lớn các khối u lành tính thường có kích thước nhỏ, tiến triển chậm và không gây ra triệu chứng lâm sàng đáng chú ý. Việc bị u tuyến giáp lành tính có cần điều trị không thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, kích thước, tính chất khối u. Các trường hợp u tuyến lành tính kích thước nhỏ thì chưa cần điều trị đặc hiệu mà có thể theo dõi, thăm khám định kỳ.
Nếu bướu giáp có kích thước lớn hơn 4cm, gây sưng cổ, có dấu hiệu chèn ép, khó thở, khó nuốt, khó nói thì sẽ chỉ định phẫu thuật cắt tuyến giáp.
4. Mắc bệnh suy tuyến giáp có nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh suy giáp có thể tiến triển xấu và gây ra vô số biến chứng. Thế nên câu trả lời cho câu hỏi: “Bệnh suy giáp có nguy hiểm không?” là có. Do đó, người bệnh suy giáp cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để quản lý chứng bệnh này thật tốt, ngăn ngừa các biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Những biến chứng của bệnh suy giáp gồm:
- Em bé có nguy cơ bị suy giáp bẩm sinh nếu mẹ bầu bị suy giáp trong thai kỳ mà không được điều trị đúng cách
- Bệnh tim mạch
- Vô sinh, hiếm muộn
- Các vấn đề về sức khỏe tâm thần
- Phù niêm.
5. Mắc bệnh lý tuyến giáp lan tỏa có nguy hiểm không?
Bệnh lý tuyến giáp lan tỏa hay bướu giáp lan tỏa thường gặp trong các trường hợp như bướu giáp lan tỏa lành tính và bướu giáp lan tỏa nhiễm độc (bệnh Basedow) hay viêm tuyến giáp. Vì thể bệnh lý tuyến giáp lan tỏa có nguy hiểm không còn phải xem cụ thể là bướu giáp loại nào.
Hầu hết trường hợp bướu giáp lan tỏa là lành tính, không gây nguy hiểm nhiều đến sức khỏe người bệnh nếu được theo dõi, điều trị kịp thời. Tuy nhiên, một số trường hợp bướu giáp lan tỏa vẫn gây ra biến chứng nghiêm trọng như gây chèn ép, nhiễm khuẩn, xuất huyết, cường giáp, suy giáp hoặc phát triển ung thư. Do đó, bạn không được chủ quan trước bất kỳ bệnh lý tuyến giáp nào mà hãy thăm khám định kỳ để đánh giá tình trạng tuyến giáp liên tục, kịp thời can thiệp điều trị khi có diễn biến bất thường.
6. Bệnh tuyến giáp ở phụ nữ có nguy hiểm không, có ảnh hưởng đến việc mang thai và sinh con không?
Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn so với đàn ông. Các bệnh lý tuyến giáp có thể gặp phải gồm suy giáp, cường giáp, viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh basedow, bướu cổ, ung thư tuyến giáp. Các bệnh tuyến giáp có thể điều trị được nên sẽ không quá nguy hiểm nếu được phát hiện và can thiệp điều trị sớm. Ở phụ nữ, bệnh tuyến giáp cần chú ý hơn nhất là khi có kế hoạch có thai và sinh con.
Phụ nữ mang thai bị bệnh tuyến giáp nếu không được điều trị thích hợp sẽ tăng nguy cơ bị sảy thai, sinh non hoặc tiền sản giật. Hơn nữa, thai nhi cũng bị ảnh hưởng khi mẹ mắc bệnh tuyến giáp trong lúc mang thai, có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ, mắc bệnh tim bẩm sinh… Do đó, phụ nữ cần kiểm tra sức khỏe tuyến giáp định kỳ, phòng ngừa bệnh tuyến giáp nhất là khi có dự định mang thai.
7. Bệnh tuyến giáp gây sụt cân phải làm sao?
Bệnh tuyến giáp gây sụt cân thường liên quan đến tình trạng cường giáp. Hoạt động tuyến giáp tăng lên khiến cho tỷ lệ trao đổi chất tăng theo làm cho người bệnh thường bị sụt cân ngay cả khi vẫn ăn uống bình thường hoặc nhiều hơn. Khi được điều trị, chức năng tuyến giáp trở về mức bình thường sẽ giúp cân nặng ổn định trở lại. Do đó, người bệnh tuyến giáp nên ăn uống cân bằng, đầy đủ dưỡng chất bên cạnh việc điều trị sẽ tăng cân lại như cũ.
8. Mắc bệnh tuyến giáp cần kiêng ăn gì?
Một trong những vấn đề được quan tâm ở người mắc bệnh tuyến giáp chính là về chế độ ăn uống. Vậy người bệnh tuyến giáp kiêng ăn gì? Bệnh tuyến giáp ở phụ nữ kiêng ăn gì khác không? Sau đây là những thực phẩm mà những người bị bệnh tuyến giáp cần hạn chế để không làm ảnh hưởng thêm đến hoạt động tuyến giáp:
- Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành như đậu hũ, nước tương… nên ăn lượng vừa phải hợp lý, không nên ăn quá nhiều, tuy nhiên cũng không cần kiêng hẳn hoàn toàn.
- Các loại thực phẩm đông lạnh hoặc chế biến sẵn vì hàm lượng dinh dưỡng không cao mà lại chứa lượng lớn chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormone tuyến giáp.
- Một số loại rau như bông cải xanh, bắp cải, củ cải… có chứa goitrogens gây cản trở việc sử dụng i ốt của tuyến giáp, cản trở quá trình sản xuất hormone tuyến giáp.
- Thực phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo, thức uống tăng lực, nước ngọt có gas…
- Các thực phẩm chứa gluten như lúa mạch, lúa mì… có thể gây dị ứng và cản trở sự hấp thu của các thuốc điều trị bệnh tuyến giáp.
- Cà phê, trà, socola, bia rượu hay các đồ uống có chứa chất kích thích có thể khiến triệu chứng bệnh tuyến giáp nghiêm trọng hơn.
9. Người bị bệnh tuyến giáp nên uống gì?
Không chỉ thức ăn mà đồ uống cho người bệnh tuyến giáp cũng được quan tâm tìm hiểu với những thắc mắc thường thấy như “người bị bệnh tuyến giáp nên uống sữa gì?”, “người mắc bệnh tuyến giáp có uống được tinh bột nghệ không?” hay “bị tuyến giáp có uống sâm được không?”. Hello Bacsi đã tổng hợp các thông tin và giải đáp từng câu hỏi trên cho bạn ngay sau đây.
Đầu tiên, việc người bệnh tuyến giáp nên uống sữa gì thì hiện nay có rất nhiều sản phẩm sữa tăng cường dinh dưỡng phù hợp cho người bệnh để bổ sung thêm chất dinh dưỡng nhanh chóng, tiện lợi. Người bệnh tuyến giáp nên lựa chọn những loại sữa được tăng cường canxi, bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất thiết yếu để hỗ trợ dinh dưỡng cho cơ thể, nâng cao sức đề kháng, cũng như hỗ trợ quá trình điều trị.
Tiếp đến, nếu thắc mắc người mắc bệnh tuyến giáp có uống được tinh bột nghệ không thì câu trả lời là hoàn toàn được. Tuy nhiên, bạn cần chú ý đến liều lượng sử dụng và hỏi ý kiến bác sĩ khi muốn dùng trong quá trình điều trị để không gây tương tác với thuốc. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào khẳng định sử dụng tinh bột nghệ có thể điều trị bệnh tuyến giáp nhưng một nghiên cứu ở Pakistan cho thấy một nhóm người có tiêu thụ nghệ đã giúp giảm nguy cơ mắc bệnh bướu tuyến giáp so với người ít tiêu thụ nghệ.
Cuối cùng, người bị bệnh tuyến giáp cũng có thể uống sâm được. Nhiều nghiên cứu đều công nhận sâm là một dược liệu quý ở châu Á và có khả năng hỗ trợ điều trị nhiều vấn đề, trong đó có khả năng ngăn ngừa ung thư. Tuy nhiên, bạn vẫn phải hỏi ý kiến bác sĩ về cách sử dụng sâm sao cho hiệu quả trong khi điều trị bệnh tuyến giáp để tránh xảy ra những tác dụng phụ.
10. Khám tuyến giáp ở bệnh viện nào tốt?
Việc khám tuyến giáp nên thực hiện định kỳ để đánh giá tình trạng tuyến giáp nhằm phát hiện bệnh lý từ sớm và có phương pháp điều trị hiệu quả, triệt để. Vậy khám tuyến giáp ở bệnh viện nào tốt nhất? Bạn có thể tham khảo dịch vụ khám tuyến giáp các bệnh viện lớn uy tín, có nhiều năm hoạt động trong việc khám và chữa bệnh liên quan đến tuyến giáp như:
- Bệnh viện K ở Hà Nội
- Bệnh viện Bạch Mai – Khoa Nội tiết Đái tháo đường ở Hà Nội
- Bệnh viện Ung Bướu ở thành phố Hồ Chí Minh
- Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM
- Bệnh viện Chợ Rẫy
- Bệnh viện Tâm Anh…
Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn quy trình khám bệnh tuyến giáp trên website từng bệnh viện hoặc gọi đến đường dây nóng của từng bệnh viện để được tư vấn.
Hi vọng rằng qua những thông tin mà Hello Bacsi tổng được trong bài, bạn đã hiểu hơn về bệnh tuyến giáp, từ đó chăm sóc sức khỏe tốt hơn.