backup og meta

Xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp

Xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp

Tìm hiểu chung

Hormone kích thích tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nhỏ có hình giống con bướm nằm ở phía trước cổ. Tuyến giáp chịu sự chi phối của  một tuyến quan trọng gọi là tuyến yên, nơi tạo ra 3 hormone chính là triiodothyronine (T3), thyroxine (T4) và calcitonin. Tuyến giáp kiểm soát nhiều chức năng cơ thể khác nhau, bao gồm sự trao đổi chất và tăng trưởng, thông qua việc giải phóng 3 hormone này.

Hormone kích thích tuyến giáp hay còn gọi là TSH là một hormone của tuyến yên mang tín hiệu đến cho tuyến giáp. Nếu tuyến yên phát hiện có ít hormone tuyến giáp trong máu, nó sẽ sản xuất ra nhiều TSH, thúc đẩy tuyến giáp sản xuất ra nhiều hormone giáp. Khi tuyến yên phát hiện có quá nhiều hormone giáp, nó sẽ giảm sản xuất TSH, dẫn đến tuyến giáp cũng giảm sản xuất hormone giáp. Bằng cách này, 2 tuyến phối hợp với nhau để đảm bảo sản xuất đúng lượng hormone tuyến giáp. Tuy nhiên, khi hệ thống này bị gián đoạn, tuyến giáp có thể sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone, dẫn đến rối loạn.

Xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp là gì?

Xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp hay còn gọi là xét nghiệm TSH. Đây là phương pháp xét nghiệm máu đo lường lượng hormone kích thích tuyến giáp. Xét nghiệm thường được thực hiện để xác định nguyên nhân cơ bản của tình trạng chỉ số hormone tuyến giáp bất thường. Ngoài ra, xét nghiệm này còn giúp đánh giá hiệu quả hoạt động của tuyến giáp kém hay quá mức.

Khi nào bạn cần thực hiện xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp?

Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm này nếu bạn gặp phải các triệu chứng rối loạn tuyến giáp, chẳng hạn như:

  • Có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cường giáp hoặc suy giáp
  • Tuyến giáp lớn bất thường (bướu cổ)
  • Có khối u tuyến giáp (một khối u nhỏ trên tuyến giáp có thể là rắn hoặc u nang chứa đầy chất lỏng)

Ngoài ra, khi người bệnh đang trong quá trình điều trị rối loạn về tuyến giáp, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm này.

Điều cần thận trọng

Xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp có nguy hiểm không?

Để thực hiện xét nghiệm, người bệnh sẽ được trích máu. Nhìn chung đây là một thủ thuật phổ biến và an toàn cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, người bệnh có thể cảm thấy hơi đau hoặc chảy máu và bầm tím tại vị trí lấy mẫu máu. Trong những trường hợp hiếm gặp hơn, một số rủi ro có thể xảy ra như:

  • Ngất xỉu
  • Mất nhiều máu
  • Tụ máu
  • Nhiễm trùng da
  • Viêm tĩnh mạch

Quy trình thực hiện

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trước khi thực hiện

Xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp không yêu cầu chuẩn bị gì đặc biệt. Tuy nhiên, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang sử dụng, vì một số thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Những loại thuốc đó bao gồm:

  • Amiodarone
  • Dopamine
  • Liti
  • Prednisone
  • Kali iod

Người bệnh có thể cần tránh sử dụng các loại thuốc này trước khi thực hiện xét nghiệm. Tuy nhiên không cần phải ngừng dùng nếu không có chỉ định khác từ bác sĩ.

Trong khi thực hiện

Bác sĩ, y tá hoặc kỹ thuật viên sẽ lấy mẫu máu của người bệnh để xét nghiệm. Vị trí phổ biến nhất để trích máu là từ tĩnh mạch ở khuỷu tay trong của người bệnh. Thủ thuật tương tự như lấy mẫu xét nghiệm máu thông thường.

Sau khi thực hiện

Toàn bộ thủ thuật chỉ mất khoảng vài phút để. Mẫu máu sau đó sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích, sau đó giải thích kết quả cho người bệnh.

Kết quả của xét nghiệm

Kết quả của xét nghiệm hormone kích thích tuyến giáp là gì?

Chỉ số bình thường của hormone kích thích tuyến giáp là 0,4 – 4,0 mIU/L. Nếu người bệnh đã được điều trị rối loạn tuyến giáp, chỉ số bình thường là 0,5 – 3,0 mIU/L.

Chỉ số hormone kích thích tuyến giáp cao

Khi tuyến giáp sản xuất không đủ hormone, tuyến yên sẽ tiết ra nhiều hormone kích thích tuyến giáp hơn. Nếu kết quả xét nghiệm cho ra chỉ số cao hơn phạm vi bình thường, đây có thể là dấu hiệu của:

  • Tình trạng tuyến giáp hoạt động kém hay còn gọi là suy giáp. Viêm tuyến giáp Hashimoto là nguyên nhân phổ biến nhất của suy giáp.
  • Người làm xét nghiệm từng bị suy giáp hoặc đã cắt bỏ tuyến giáp đang sử dụng quá ít thuốc thay thế hormone tuyến giáp, có thể cần phải điều chỉnh liều lượng. Tương tự với người bị cường giáp đang dùng quá nhiều thuốc ức chế tuyến giáp.
  • Có vấn đề với tuyến yên chẳng hạn như có khối u sản xuất không kiểm soát mức hormone TSH.
  • Mắc rối loạn di truyền hiếm gặp và/hoặc tuyến yên không đáp ứng bình thường với hormone tuyến giáp, dẫn đến nồng độ hormone kích thích tuyến yên cao mặc dù chức năng tuyến giáp bình thường khi khám lâm sàng.

Chỉ số hormone kích thích tuyến giáp thấp

Khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone, tuyến yên sẽ tiết ra ít hormone kích thích tuyến giáp. Chỉ số thấp hơn phạm vi bình thường có thể là dấu hiệu của:

  • Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) mà bệnh Graves (Basedow) là nguyên nhân phổ biến nhất
  • Người đang điều trị suy giáp hoặc cắt bỏ tuyến giáp sử dụng quá mức thuốc hormone tuyến giáp
  • Tổn thương tuyến yên ngăn không cho nó sản xuất đủ lượng hormone kích thích tuyến giáp
  • Người bị ung thư tuyến giáp có thể được điều trị bằng thuốc nhằm ức chế hormone tuyến giáp, vì vậy chỉ số hormone kích thích tuyến giáp có thể thấp

Tuy nhiên, mức độ hormone kích thích tuyến giáp không phải lúc nào cũng dự đoán hoặc phản ánh mức độ hormone tuyến giáp. Một số người mắc bệnh lý tuyến yên sản xuất 1 dạng hormone kích thích tuyến giáp bất thường, do đó họ mặc dù chỉ số TSH là bình thường hoặc thậm chí tăng nhẹ, họ lại mắc bệnh suy giáp. Vì vậy, tùy thuộc vào kết quả, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm bổ sung khác để củng cố chẩn đoán, chẳng hạn như xét nghiệm T3, T4.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

TSH (Thyroid Stimulating Hormone) Test. https://www.healthline.com/health/tsh Ngày truy cập 4/2/2020

What Is a TSH Test? https://www.webmd.com/women/what-is-tsh-test Ngày truy cập 4/2/2020

Thyroid-stimulating Hormone (TSH). https://labtestsonline.org/tests/thyroid-stimulating-hormone-tsh Ngày truy cập 4/2/2020

Phiên bản hiện tại

07/04/2020

Tác giả: Ngà Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ độ tuổi có kinh nguyệt: Những điều bạn cần biết!

1001 thắc mắc về bệnh tuyến giáp ở phụ nữ


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 07/04/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo