backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bệnh basedow là bệnh gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lưu Thị Lanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Phòng khám Nội khoa trực tuyến BS. Lưu Thị Lanh


Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 22/09/2023

    Bệnh basedow là bệnh gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

    Người mắc bệnh basedow thường có bướu ở tuyến giáp. Nếu bướu lớn sẽ gây chèn ép, rối loạn mạch ở các vùng cơ quan lân cận. Đáng lo hơn, bệnh ngày càng phổ biến ở nhiều đối tượng, đặc biệt là phụ nữ. 

    Cụ thể basedow là bệnh gì? Bệnh basedow có chữa khỏi được không? Hello Bacsi mời bạn cùng đọc tiếp bài viết này để tìm hiểu kỹ hơn về bệnh basedow.

    Bệnh basedow là gì?

    Basedow còn có tên gọi khác là bệnh Graves. Đây là một bệnh tự miễn xảy ra ở tuyến giáp. Bệnh có liên quan đến sự xuất hiện của các kháng thể kích thích tuyến giáp. Nó là nguyên nhân phổ biến nhất của hội chứng cường giáp với những dấu hiệu đặc trưng trên cơ thể người bệnh như:

    • Mắt lồi
    • Bướu giáp lan tỏa
    • Phù niêm trước xương chày.

    Bệnh basedow có thể xuất hiện ở mọi đối tượng nhưng phổ biến nhất là nữ giới trong độ tuổi từ 20-40.

    Nguyên nhân gây bệnh basedow là gì? 

    Thông thường, ở não, vùng dưới đồi và tuyến yên hoạt động cùng nhau để điều hòa quá trình tiết hormone tuyến giáp. Khi số lượng hormone tuyến giáp ít, vùng dưới đồi gửi tín hiệu cho tuyến yên tiết ra hormone kích thích tuyến giáp (TSH).

    Nguyên nhân gây bệnh basedow

    Tuy nhiên, khi một người mắc bệnh basedow, hệ miễn dịch của họ tự động sản sinh kháng thể tấn công các thụ thể TSH. Lúc này, cơ thể không thể phân biệt được sự khác nhau của kháng thể tấn công và thông điệp ở vùng dưới đồi. Điều này dẫn đến các kháng thể kích thích tuyến giáp sản xuất hormone tuyến giáp quá mức cần thiết, gây nên chứng cường giáp. 

    Cho đến nay, y học vẫn chưa xác minh nguyên nhân gây bệnh basedow là gì. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế nhận định đa phần các trường hợp mắc bệnh có liên quan đến các yếu tố di truyền.

    Ngoài ra, một số tác nhân khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh basedow như:

    • Môi trường, điều kiện sống
    • Hóa chất tiềm ẩn trong thực phẩm mà người bệnh tiêu thụ mỗi ngày.
    • Khả năng miễn dịch của cơ thể.

    Triệu chứng thường gặp của bệnh basedow là gì?

    Graves có thể gây ra các triệu chứng đặc trưng, bao gồm:

    Cường giáp 

    Người mắc chứng cường giáp thường kèm theo các biểu hiện: 

    • Giảm cân
    • Khó tập trung nhưng lại dễ lo lắng và cáu gắt
    • Rối loạn thân nhiệt
    • Đánh trống ngực
    • Thường xuyên cảm thấy buồn nôn và nôn
    • Rối loạn tiêu hóa

    Bướu giáp lan tỏa

    Triệu chứng này thường gặp ở khoảng 80% người mắc bệnh basedow. Bướu giáp ở người bệnh basedow có thể chuyển động khi người bệnh có phản xạ nuốt. Bướu dần to lên theo thời gian nếu không được điều trị. Khi đó, bướu gây chèn ép khiến người bệnh khó nuốt, khó chịu.

    Mắt lồi

    Bệnh basedow ở nữ thường gây triệu chứng mắt lồi. Thông thường, biến chứng bệnh basedow ở mắt sẽ xuất hiện sau 6 tháng mắc bệnh. Dấu hiệu ban đầu thường là nhạy cảm với ánh sáng, thường xuyên chảy nước mắt, đau nhức hốc mắt… Nếu không điều trị, biến chứng này có thể khiến người bệnh bị giảm thị lực, thậm chí là mù lòa.

    Phù niêm

    Người mắc bệnh basedow thường có dấu hiệu da dày, sần sùi ở toàn bộ cẳng chân, đôi khi lan tới cả bàn chân.

    Chẩn đoán bệnh basedow

    Bác sĩ chẩn đoán bệnh basedow dựa vào các yếu tố lâm sàng sau khi xem xét triệu chứng, các bướu ở cổ (nếu có). Sau đó, bác sĩ sẽ kết hợp với kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp, hormone tuyến giáp (T4 và T3)…

    triệu chứng bệnh basedow

    Các phương pháp chẩn đoán bệnh basedow thường bao gồm: 

    • Khám sức khỏe tổng quát
    • Xét nghiệm máu
    • Siêu âm tuyến giáp
    • Xạ hình tuyến giáp bằng chất đồng vị phóng xạ.

    Bệnh basedow có chữa khỏi được không?

    Bệnh basedow hoàn toàn có thể chữa khỏi bằng nhiều phương pháp. Trong đó, 2 phương pháp thường được chỉ định là i-ốt phóng xạ và phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp.
    Người sau điều trị bệnh basedow thường không đủ hormone tuyến giáp. Vì vậy, họ cần liên tục được bổ sung hormone tuyến giáp.

    Các phương pháp điều trị bệnh basedow

    Trường hợp bệnh nhân có bướu lớn ở cổ, gây chèn ép hoặc xuất hiện các biến chứng ở mắt, bác sĩ thường chỉ định điều trị phẫu thuật. Trường hợp bướu giáp nhỏ, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc hoặc dùng i-ot phóng xạ đường uống. 

    Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị thích hợp. Các phương pháp cụ thể bao gồm:

    1. Điều trị basedow bằng thuốc

    Khi áp dụng cách điều trị bệnh basedow bằng thuốc, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng giáp và thuốc chẹn beta.

    Thuốc kháng giáp

    Phương pháp điều trị bệnh basedow phổ biến nhất là uống thuốc kháng giáp. Một số loại thuốc phổ biến có thể tác động tới tuyến giáp là propylthiouracil, methimazole và carbimazol. Thuốc kháng giáp giúp tuyến giáp giảm mức độ sản xuất quá nhiều hormone bằng cách ngăn chặn quá trình oxy hóa iod trong cơ quan nội tiết này.

    Cách điều trị bệnh basedow

    Các triệu chứng thường cải thiện trong vòng 4 – 6 tuần kể từ khi bạn bắt đầu dùng thuốc. Bạn cũng có thể dùng thuốc tiếp tục trong 12 – 18 tháng để đảm bảo bệnh không tái phát. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn cho bạn uống lâu hơn. Thuốc kháng giáp thường có thể được sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị khác như điều trị bằng iod phóng xạ hoặc phẫu thuật. 

    Thuốc chẹn beta

    Bệnh nhân basedow thường nhạy cảm hơn với adrenaline nên có thể dẫn đến các triệu chứng như đổ mồ hôi, run rẩy, tăng nhịp tim và lo lắng. Thuốc chẹn beta hoạt động bằng cách ngăn chặn tác dụng của adrenaline và các hợp chất tương tự khác, từ đó giúp giảm triệu chứng của bệnh basedow. 

    Thuốc chẹn beta cũng được sử dụng để điều trị tăng huyết ápcác bệnh về tim. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ có thể giúp giảm bớt các triệu chứng basedow chứ không thể chữa khỏi bệnh.

    2. Dùng i-ốt phóng xạ

    Phương pháp điều trị này phá hủy mô tuyến giáp. Sau khi người bệnh uống dung dịch có chứa i-ốt phóng xạ, tuyến giáp sẽ hấp thụ dung dịch như cách cơ thể hấp thụ i-ốt. Bức xạ tích tụ trong mô và phá hủy chúng.

    Cách chữa bệnh basedow này thường dẫn đến chứng suy giáp vì sau điều trị, tuyến giáp giảm khả năng sản xuất hormone cung cấp cho cơ thể. Lúc này, người bệnh cần dùng thuốc bổ sung hormone tuyến giáp liên tục và lâu dài.

    3. Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp

    Phương pháp này khiến cơ thể không còn khả năng tạo hormone tuyến giáp. Lúc này, người bệnh sẽ gặp phải tình trạng suy giáp, cần bổ sung hormone tuyến giáp tổng hợp trong suốt phần đời còn lại để duy trì sức khỏe.

    Kết luận

    Hy vọng những thông tin Hello Bacsi vừa cung cấp đã giúp bạn có cái nhìn bao quát về bệnh basedow. Tuyến giáp có vai trò quan trọng trong việc cung cấp hormone đảm bảo trạng thái cơ thể khỏe mạnh. Các vấn đề xảy ra ở tuyến giáp không những khiến người bệnh khó chịu mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Ngay khi có những biểu hiện bất thường ở tuyến giáp, bạn cần gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lưu Thị Lanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Phòng khám Nội khoa trực tuyến BS. Lưu Thị Lanh


    Tác giả: Đài Trương · Ngày cập nhật: 22/09/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo