backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Lồi mắt

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 28/07/2022

Lồi mắt

Nhiều người gặp phải tình trạng mắt bị lồi 1 bên hay cả 2 bên. Vậy, lồi mắt là bệnh gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị ra sao? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé!

Tìm hiểu chung

Lồi mắt là gì?

Lồi mắt là tình trạng mắt bị lồi hoặc nhô ra khỏi vị trí bình thường. Một số người bị lồi mắt từ khi mới sinh ra, một số khác lại mắc phải tình trạng này do một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Lồi mắt là một triệu chứng phổ biến của một số rối loạn. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm chi tiết.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng lồi mắt là gì?

dấu hiệu lồi mắt

Cách nhận biết mắt bị lồi là thông qua các dấu hiệu mắt lồi sau đây:

  • Mắt khô hoặc cộm
  • Đỏ
  • Đôi mắt sưng húp
  • Viêm và sưng
  • Vấn đề về thị lực
  • Đau mắt
  • Khô mắt
  • Kích ứng mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Chảy nước mắt và dịch
  • Nhìn đôi do suy yếu cơ mắt
  • Mù nếu dây thần kinh thị giác bị nén
  • Khó di chuyển mắt vì cơ mắt bị ảnh hưởng
  • Cảm thấy áp lực trong và xung quanh mắt

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu bạn hoặc người thân có mắt bị lồi 1 bên hoặc cả hai bên.

Mắt lồi đột ngột ở một bên là trường hợp khẩn cấp, cần được điều trị ngay lập tức vì nó có thể là một dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Khi nhận thấy một trong những triệu chứng này hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, bạn vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người không giống nhau. Tốt nhất, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm chi tiết.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây lồi mắt?

Nguyên nhân gây lồi mắt có thể bao gồm:

  • Bệnh Graves. Bệnh Graves là nguyên nhân phổ biến nhất gây mắt lồi. Khoảng 25-50% người mắc bệnh Graves có liên quan đến vấn đề lồi mắt. Điều thú vị là những vấn đề ở mắt có thể xảy ra 10 năm trước khi chẩn đoán các vấn đề về tuyến giáp. Các tế bào miễn dịch tấn công tuyến giáp trong bệnh Graves cũng tích tụ trong hốc mắt. Các mô mỡ và cơ quanh mắt trở nên to, đẩy mắt ra phía trước.
  • Bệnh cường giáp. Tuyến giáp nằm ở phía trước cổ. Nó giải phóng một số hormone giúp kiểm soát sự trao đổi chất. Bệnh cường giáp xảy ra khi tuyến giáp giải phóng quá nhiều các hormone này.

Các nguyên nhân tiềm ẩn khác gây lồi mắt bao gồm:

  • U nguyên bào thần kinh, một loại ung thư có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh giao cảm
  • Bệnh bạch cầu, một loại ung thư có thể ảnh hưởng đến các tế bào bạch cầu
  • Rhabdomyosarcoma (ung thư mô liên kết), một loại ung thư có thể phát triển trong các mô mềm
  • U lympho, phổ biến nhất là u lympho không hodgkin
  • Viêm mô tế bào hốc mắt, một bệnh nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến các mô xung quanh mắt
  • Hemangioma, một bệnh về các mạch máu bất thường
  • Chảy máu sâu trong mắt do chấn thương
  • Khối u di căn từ một bệnh ung thư ở nơi khác trong cơ thể
  • Các bệnh mô liên kết như sarcoidosis.

Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Những phương pháp nào giúp điều trị lồi mắt?

Điều trị lồi mắt phần lớn phụ thuộc vào những tình trạng sức khỏe gây ra vấn đề này.

Trong một số trường hợp, bác sĩ nhãn khoa (chuyên gia về mắt) có thể cảm thấy điều trị ngay lập tức là không cần thiết. Do đó, họ sẽ yêu cầu bạn đến kiểm tra thường xuyên để theo dõi tình trạng.

điều trị lồi mắt

Điều trị bệnh mắt tuyến giáp

Nếu bạn bị bệnh mắt tuyến giáp, việc điều trị có thể gồm nhiều giai đoạn khác nhau do bệnh có xu hướng tiến triển qua hai giai đoạn chính:

  • Giai đoạn “hoạt động” – khi các triệu chứng do viêm mắt, chẳng hạn như khô và đỏ, nổi bật và bạn có nguy cơ mắc các vấn đề về thị lực
  • Giai đoạn “không hoạt động” – khi tình trạng đã “hết” và nhiều triệu chứng đã lắng xuống, nhưng bạn có thể gặp phải một số vấn đề lâu dài (bao gồm cả mắt lồi)

Thông thường, giai đoạn hoạt động kéo dài trong khoảng từ vài tháng đến khoảng hai năm.

Một số phương pháp điều trị bệnh mắt tuyến giáp như:

Điều chỉnh nồng độ hormone tuyến giáp

Nếu bạn có tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp), bác sĩ sẽ chỉ định thuốc để giúp điều chỉnh mức độ hormone tuyến giáp trong máu.

Điều trị các vấn đề về tuyến giáp không nhất thiết cải thiện các triệu chứng liên quan đến mắt, nhưng nó có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề khác liên quan đến mức độ tuyến giáp bất thường và không cho tình trạng mắt nghiêm trọng hơn.

Biện pháp chung

Bác sĩ cũng có thể tư vấn về những điều bạn có thể làm, các phương pháp điều trị có sẵn, để làm giảm một số triệu chứng liên quan đến giai đoạn hoạt động của bệnh tuyến giáp.

Các biện pháp này bao gồm:

  • Ngừng hút thuốc nếu bạn hút thuốc, vì nó có thể làm tăng nguy cơ khiến các vấn đề về mắt nghiêm trọng hơn
  • Kê cao đầu khi nằm – ví dụ như sử dụng thêm gối – có thể giúp giảm tình trạng sưng quanh mắt bạn
  • Đeo kính râm nếu bạn bị chứng sợ ánh sáng (nhạy cảm với ánh sáng)
  • Cố gắng tránh để mắt tiếp xúc với các chất kích thích như bụi
  • Sử dụng thuốc nhỏ mắt trị mắt lồi để giúp giảm đau nhức và làm ẩm mắt nếu bạn bị khô mắt
  • Đeo kính có chứa lăng kính đặc biệt để giúp điều chỉnh tầm nhìn đôi

Nếu bệnh tuyến giáp của bạn ở mức độ nhẹ, các biện pháp này – cùng với các loại thuốc để điều chỉnh nồng độ hormone tuyến giáp – sẽ giúp bạn điều trị bệnh.

Corticosteroid

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, khi mắt đặc biệt đau và viêm trong thời gian hoạt động của bệnh tuyến giáp,bác sĩ có thể chỉ định corticosteroid.

Corticosteroid là loại thuốc mạnh có thể giúp kiểm soát tình trạng viêm liên quan đến bệnh tuyến giáp. Chúng có thể giúp đảm bảo tình trạng ổn định trước khi bạn làm bất kỳ loại phẫu thuật nào.

Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị tiêm corticosteroid trực tiếp vào tĩnh mạch (tiêm tĩnh mạch) do việc uống thuốc trong thời gian dài có thể gây tác dụng phụ đáng kể.

Bạn có thể cần tiêm corticosteroid hàng tuần trong khoảng thời gian 10-12 tuần. Bạn có thể bắt đầu nhận thấy sự cải thiện sau một hoặc hai tuần.

Tác dụng phụ nghiêm trọng của corticosteroid tiêm tĩnh mạch không phổ biến, nhưng bạn có thể gặp một số vấn đề ngắn trong vài ngày sau các đợt điều trị, chẳng hạn như:

  • Cảm thấy kích động
  • Khó ngủ
  • Đau đầu
  • Đỏ cổ và mặt

Xạ trị

Đôi khi, bác sĩ có thể đề nghị xạ trị hốc mắt trong thời gian hoạt động của bệnh tuyến giáp nếu corticosteroid không có hiệu quả. Xạ trị cũng có thể được kết hợp với corticosteroid.

Liều thấp của bức xạ có thể được sử dụng trên các mô và cơ trong hốc mắt để giúp giảm sưng.

Xạ trị có thể gây ra một số ít tác dụng phụ, bao gồm:

  • Các triệu chứng mắt trở nên tồi tệ hơn trong thời gian ngắn
  • Đục thủy tinh thể
  • Trong những trường hợp hiếm gặp, bệnh võng mạc đe dọa thị giác (tổn thương lớp mô ở phía trong mắt)

Phẫu thuật

Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể được coi là một phương pháp điều trị lồi mắt nếu bạn có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc kéo dài.

Phẫu thuật cũng có thể được thực hiện trong giai đoạn hoạt động của bệnh tuyến giáp nếu thị lực bị đe dọa “khẩn cấp” do chèn ép dây thần kinh thị giác (giúp truyền tín hiệu từ mắt đến não).

Phẫu thuật cũng có thể có hiệu quả nếu lồi mắt được gây ra bởi các vấn đề khác, chẳng hạn như các vấn đề với các mạch máu phía trong mắt.

Có ba loại phẫu thuật chính có thể được thực hiện ở những người bị lồi mắt, mặc dù không phải ai cũng thực hiện tất cả ba loại phẫu thuật này:

  • Phẫu thuật hạ áp hốc mắt – bác sĩ sẽ lấy một lượng nhỏ xương ra khỏi hốc mắt của bạn
  • Phẫu thuật mí mắt – giúp mí mắt đóng và mở dễ dàng hơn
  • Phẫu thuật cơ mắt – giúp mắt thẳng hàng với bên còn lại và giảm tầm nhìn đôi

Điều trị các nguyên nhân khác gây lồi mắt

Đối với các nguyên nhân khác gây lồi mắt, phương pháp điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản.

Ví dụ, nếu bạn bị nhiễm trùng ảnh hưởng đến các mô trong hốc mắt (như viêm mô tế bào) bác sĩ nhãn khoa có thể kê toa thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Họ cũng có thể làm thủ thuật để điều trị áp xe.

Nếu bạn có một khối u phía trong mắt, các bác sĩ sẽ thảo luận về các lựa chọn điều trị với bạn. Đối với hầu hết các loại ung thư, các phương pháp điều trị ung thư như:

  • Hóa trị liệu – dùng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư
  • Xạ trị – dùng bức xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư
  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u ung thư

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp bạn phòng ngừa tình trạng lồi mắt?

  • Nếu bạn có vấn đề về mắt liên quan đến cường giáp, hút thuốc có thể làm cho tình trạng tồi tệ hơn. Bỏ thuốc lá có thể giúp giảm triệu chứng của bạn. Bác sĩ có thể đề nghị kết hợp các loại thuốc theo toa, liệu pháp thay thế nicotine hoặc tư vấn để giúp bạn bỏ thuốc lá.
  • Vì mí mắt có thể không thể đóng hoàn toàn khi bạn chớp mắt hoặc ngủ bình thường, bạn có thể bị khô giác mạc nghiêm trọng. Tình trạng này không chỉ gây khó chịu, mà còn gây sẹo trong mắt, dẫn đến mất thị lực. Bạn có thể dùng nước mắt nhân tạo mỗi ngày để giảm bớt sự khó chịu và bảo vệ giác mạc khỏi bị khô nghiêm trọng.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 28/07/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo