Dầu jojoba đến từ hạt của cây jojoba. Loại dầu này có một mùi thơm tinh tế, hấp dẫn cũng như đặc tính giữ ẩm mạnh mẽ. Bên cạnh đó, dầu jojoba có đặc tính khá giống với lớp dầu tự nhiên trên da của chúng ta.
Do vậy, nhiều người đã sử dụng dầu jojoba trị mụn cũng như đem đến cho da một mức ẩm vừa đủ để không bị khô và đồng thời hạn chế việc lỗ chân lông bị tắc nghẽn.
3. Dầu hạt mơ

Dầu hạt mơ được làm từ hạt mơ trồng ở các nước như Úc hoặc Iran. Loại dầu này chứa nhiều axit béo và vitamin E. Dầu nền hạt mơ có ưu điểm thấm rất nhanh vào da cũng như có mùi thơm nhẹ.
Bên cạnh đó, dầu hạt mơ giúp làm mềm và làm dịu làn da bị kích thích, ngứa ngáy hoặc chăm sóc tóc.
4. Dầu hạnh nhân

Dầu hạnh nhân có mùi thơm mạnh mẽ, hấp dẫn. Với kết cấu nhẹ nhàng, dầu rất dễ dàng ngấm sâu vào da, từ đó đem đến cảm giác ẩm mịn.
Bên cạnh đó, bạn còn có thể tận dụng dầu từ hạt hạnh nhân vào trong liệu pháp mùi hương, kết hợp cùng xoa bóp hoặc kem dưỡng ẩm.
5. Dầu ô liu

Đây có lẽ là loại dầu nổi tiếng nhất với các tín đồ yêu thích chăm sóc sức khỏe bằng ẩm thực. Dầu ô liu được sản xuất từ những trái ô liu ép lạnh, có mùi thơm trái cây và đa công dụng như làm sạch da mặt, chăm sóc tóc và xà phòng tự chế. Ngoài ra, bạn nên chọn dầu ôliu loại extra virgin nhằm có được hiệu quả tốt nhất.
6. Dầu nền từ hạt argan

Dầu argan được làm từ quả của cây argan, có nguồn gốc từ Morocco. Dầu có thể được ứng dụng trong thực phẩm hoặc dùng ngoài da để nuôi dưỡng cơ thể từ trong ra ngoài. Loại dầu này mang đến mùi thơm giống như hạt dẻ, giàu vitamin A, vitamin E và axit béo không bão hòa đơn.
Dầu argan có thể giúp điều trị tình trạng khô da và khô tóc, da có nếp nhăn và viêm da. Các yếu tố này khiến “vàng lỏng” xứ Morocco trở thành một loại dầu nền tuyệt vời cho mục đích massage và chăm sóc da nói chung.
7. Dầu nụ tầm xuân

Nụ tầm xuân là nụ của cây hồng dại. Khác với loài hoa hồng mà chúng ta thường thấy, khi những bông hồng dại lụi tàn, cánh hoa sẽ rơi xuống và để lại quả (mà chúng ta thường gọi là nụ). Người ta sẽ thu thập chúng để chiết xuất thành dầu tầm xuân. Loại dầu này không có mùi của hương hoa mà phảng phất trong đó mùi của các loại hạt.
Dầu nụ tầm xuân chứa nhiều vitamin A và C. Vitamin A là một loại retinoid tự nhiên giúp chống lão hóa, và cả hai loại vitamin này đều có thể giúp đẩy lùi tác động của ánh nắng mặt trời lên làn da của bạn. Sử dụng dầu nền nụ tầm xuân sẽ cải thiện hiện tượng da khô.
Thêm vào đó, các tín đồ dưỡng da đều khen ngợi tác dụng tốt của dầu khi kết hợp với biện pháp massage và hoặc dùng như kem dưỡng ẩm.
8. Dầu nền từ hạt thì là đen

Dầu hạt thì là đen tuy ít được biết đến hơn so với các loại dầu nền khác, nhưng bạn đừng vội đánh giá rằng loại dầu này không tốt. Dầu hạt thì là đen giàu axit béo cũng như các thành phần chống viêm.
Dầu hạt thì là đen thường được sử dụng như một phương thuốc dân gian để làm dịu các tình trạng da bao gồm bệnh chàm, mụn trứng cá và bệnh vảy nến. Với các ưu điểm này, dầu sẽ trở thành một lựa chọn tuyệt vời để massage, chăm sóc da toàn thân.
9. Dầu nền từ hạt nho

Dầu hạt nho là một sản phẩm phụ của quá trình sản xuất rượu vang. Loại dầu này rất giàu vitamin E, chất dinh dưỡng có nhiều khả năng hồi phục và giảm nếp nhăn cho làn da.
Kết cấu của dầu hạt nho khá nhẹ, do đó rất dễ dàng hấp thụ qua da và có mùi hương trung tính. Đây là một loại dầu nền tốt để kết hợp với các loại tinh dầu khác tạo ra hỗn hợp dầu dưỡng, dầu massage cho cơ thể.
10. Dầu bơ

Dầu bơ là một loại dầu có kết cấu khá “nặng đô”, được chiết xuất từ phần thịt bổ dưỡng của những quả bơ. Loại dầu này có một mùi thơm bùi, ấm áp.
Theo các chuyên gia, dầu tinh chế từ quả bơ có nhiều axit oleic, một loại axit béo không bão hòa đơn rất tốt cho sức khỏe cũng như dễ dàng ứng dụng vào nhiều mục đích sử dụng khác nhau.
Dầu bơ có thể là một loại dầu nền hoàn hảo cho những làn da có tình trạng từ khô đến rất khô, thường xuyên phải tiếp xúc với không khí lạnh. Dầu sẽ đem đến độ ẩm cần thiết mà bạn mong muốn nhằm trả lại vẻ mềm mại cho làn da.
11. Dầu hướng dương

Dầu hướng dương là một loại dầu ăn được chiết xuất từ hạt hoa hướng dương. Khi dùng trên da, loại dầu này hoạt động như một hàng rào bảo vệ, giúp da chống lại độc tố và vi trùng gây nhiễm trùng, hạn chế nguy cơ kích ứng.
Bạn có thể sử dụng dầu hướng dương như một loại dầu nền nhằm giữ ẩm cho da và làm dịu tình trạng mẩn đỏ.
Cách kết giữa hợp dầu nền và tinh dầu
Mặc dù hầu hết các loại dầu nền không gây ra phản ứng dị ứng nhưng bạn nên luôn bôi một ít dầu lên khu vực xương quai xanh để kiểm tra xem da biểu hiện thế nào trước khi dùng lên toàn bộ mặt hoặc cơ thể. Bên cạnh đó, nếu dị ứng với các loại hạt, bạn không nên sử dụng các loại dầu có nguồn gốc từ hạt, chẳng hạn như dầu hạnh nhân, dầu argan và dầu hạt mơ…
Khi pha loãng tinh dầu với dầu nền, bạn hãy thử tham khảo theo các gợi ý sau nhằm đảm bảo an toàn nhé. Tỷ lệ pha loãng sẽ dựa vào lượng tinh dầu trên 30ml dầu nền.
♥ Đối với người lớn
- Pha loãng theo tỷ lệ 2,5%: 15 giọt tinh dầu trên 6 thìa cà phê dầu nền
- Pha loãng theo tỷ lệ 3%: 20 giọt tinh dầu cho mỗi 6 thìa cà phê dầu nền
- Pha loãng theo tỷ lệ 5%: 30 giọt tinh dầu cho mỗi 6 thìa cà phê dầu nền
- Pha loãng theo tỷ lệ 10%: 60 giọt tinh dầu cho mỗi 6 thìa cà phê dầu nền.
♥ Cho trẻ em
- Pha loãng theo tỷ lệ 0,5 – 1%: 3 đến 6 giọt tinh dầu cho mỗi 6 muỗng cà phê dầu nền
Lưu ý dành cho bạn
Do mức độ lành tính nên dầu nền sẽ giúp bạn sử dụng các loại tinh dầu một cách an toàn. Chúng cũng hỗ trợ nuôi dưỡng và giữ ẩm cho làn da.
Tuy nhiên, không phải loại dầu nào cũng có thể trở thành dầu nền, bạn nên tránh sử dụng các sản phẩm có thành phần từ bơ, mỡ động vật và dầu khoáng.
Bên cạnh đó, hãy tránh sử dụng dầu nền trên môi, mắt hoặc các khu vực nhạy cảm khác sau khi chúng được trộn với một loại tinh dầu khác.
Phương Uyên/HELLO BACSI