Thiếu chất sắt ở trẻ nhỏ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển, dẫn đến thiếu máu. Do đó, cha mẹ cần chú ý bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đủ lượng cần thiết để trẻ phát triển khỏe mạnh.
Sắt rất cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển toàn diện ở trẻ em. Tuy nhiên, nhiều trẻ lại dễ bị thiếu sắt do chế độ ăn uống không đầy đủ hoặc thuộc những trường hợp dễ thiếu sắt. Đặc biệt, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh có nhu cầu về sắt cao để hỗ trợ quá trình phát triển, tham gia vào các phản ứng miễn dịch. Vì thế, các mẹ nên để ý đến các dấu hiệu thiếu sắt ở trẻ nhỏ, cho trẻ làm xét nghiệm nếu cần thiết và biết cách bổ sung sắt phù hợp theo từng giai đoạn phát triển và độ tuổi của con.
Tác dụng của sắt với sức khỏe trẻ nhỏ
Trước khi tìm hiểu về việc bổ sung sắt cho trẻ với liều lượng và thời gian hợp lý, các bố mẹ hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về tác dụng của sắt với sức khỏe trẻ em.
1. Khoáng chất sắt là gì?
Sắt là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu đối với cơ thể. Sắt hiện diện trong não bộ từ rất sớm để tham gia vào quá trình myelin hóa thần kinh. Mặt khác, cơ thể còn sử dụng sắt để tạo thành hemoglobin, một protein có trong tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy từ phổi đến toàn bộ cơ thể. Ngoài ra, sắt cũng đóng vai trò quan trọng trong:
- Sức khỏe cơ bắp
- Tủy xương
- Chức năng hệ miễn dịch
- Chức năng của các cơ quan trong cơ thể
- Tạo ra nội tiết tố (hormone).
2. Tác dụng của sắt với sức khỏe trẻ nhỏ
Ở trẻ em, vai trò quan trọng nhất của sắt là mang oxy từ phổi đến các tế bào trong cơ thể. Sắt cũng có tác dụng giúp cơ thể dự trữ và sử dụng oxy. Nếu bị thiếu sắt, trẻ sẽ phát triển tình trạng bệnh lý thiếu máu do thiếu sắt.
Đây là vấn đề rất phổ biến ở trẻ nhỏ, với các mức độ từ nhẹ đến nặng. Thiếu sắt không được điều trị sẽ gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của trẻ. Đôi lúc, sự thiếu sắt có thể làm cho cơ thể không có đủ số lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy.
Bổ sung sắt cho trẻ: Trẻ cần bao nhiêu sắt mỗi ngày?
Khi bổ sung sắt cho trẻ nhỏ, cha mẹ cần chú ý đến mức nhu cầu cần thiết mỗi ngày của trẻ theo từng độ tuổi và có thời gian bổ sung phù hợp. Tránh bổ sung dư thừa, bởi tình trạng thừa sắt cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
1. Liều lượng sắt mà trẻ cần mỗi ngày
Trẻ sơ sinh chào đời đã có một lượng sắt dự trữ sẵn trong cơ thể. Tuy vậy, trẻ nhỏ vẫn cần được bổ sung một lượng sắt ổn định từ thực phẩm hoặc qua các sản phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất để thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển nhanh chóng trong những năm đầu đời. Lưu ý rằng nhu cầu sắt ở mỗi độ tuổi sẽ khác nhau, mức khuyến cáo như sau:
Độ tuổi | Lượng sắt khuyến cáo mỗi ngày |
---|---|
7 – 12 tháng tuổi | 11 mg |
1 – 3 tuổi | 7 mg |
4 – 8 tuổi | 10 mg |
9 – 13 tuổi | 8 mg |
14 – 18 tuổi (bé gái) | 15 mg |
14 – 18 tuổi (bé trai) | 11 mg |
2. Bổ sung sắt cho bé trong bao lâu?
Cha mẹ nên bổ sung sắt cho trẻ trong bao lâu? Bổ sung sắt bao lâu thì ngưng lại? Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng của bé mà bạn có thể cần bổ sung sắt hàng ngày hoặc không. Dù bất kỳ độ tuổi nào, việc bổ sung sắt cũng nên tuân theo chỉ định của bác sĩ thay vì tự ý sử dụng:
- Trẻ từ 4 tháng tuổi: Nếu chỉ bú sữa mẹ, theo khuyến cáo, trẻ cần được bổ sung 1mg sắt/kg trọng lượng mỗi ngày cho đến khi trẻ bắt đầu ăn dặm hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Với trẻ bú sữa công thức, trẻ sẽ nhận khoáng chất sắt từ sữa.
- Với trẻ sinh non, nhẹ cân: Liều lượng sắt cần bổ sung và thời gian bổ sung kéo dài bao lâu sẽ tùy thuộc vào cân nặng và tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Bạn cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn liều lượng cũng như cách bổ sung sắt phù hợp cho trẻ.
- Trẻ trên 1 tuổi: Trẻ không cần phải uống bổ sung sắt hàng ngày trừ những trường hợp được chẩn đoán thiếu sắt do chế độ ăn không đủ bổ sung sắt hoặc có bệnh lý làm giảm hấp thu sắt.
Thông thường, thời gian bổ sung sắt cho trẻ kéo dài khoảng 3 tháng sẽ đủ bù đắp lại lượng sắt thiếu hụt theo nhu cầu khuyến cáo. Dù vậy, bác sĩ vẫn chỉ định tiếp tục bổ sung sắt trong 3 tháng tiếp theo sau khi thấy hàm lượng sắt trong máu đã đạt được mức cần thiết. Mỗi năm, bé thường cần bổ sung sắt 1 lần và kéo dài khoảng 3 – 6 tháng. Cha mẹ không được tự ý bổ sung lượng lớn sắt cho trẻ liên tục trong hơn 6 tháng mà không trao đổi với bác sĩ.
3. Bổ sung quá nhiều sắt, trẻ có thể gặp phải vấn đề gì?
Bổ sung sắt cho trẻ quá nhiều sẽ gây dư thừa sắt trong cơ thể và trong thời gian dài có thể dẫn đến ngộ độc sắt. Khi bị thừa sắt, trẻ có thể biểu hiện các triệu chứng như:
Nồng độ sắt trong máu cao có thể gây lở loét. Nếu nồng độ sắt quá cao sẽ có nguy cơ gây tổn thương nội tạng, hôn mê, đe dọa tính mạng.
Trẻ thiếu sắt có biểu hiện gì?
Khi chăm sóc con, cha mẹ nên quan tâm đến toàn bộ những biểu hiện của trẻ để kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường. Trẻ bị thiếu sắt cũng sẽ có những dấu hiệu, triệu chứng thể hiện ra bên ngoài, đặc biệt ở những trẻ có nguy cơ thiếu chất cao.
1. Những trẻ nào có nguy cơ bị thiếu sắt?
Với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, nhóm có nguy cơ cao bị thiếu sắt sau khi chào đời gồm:
- Trẻ sinh non hoặc sinh nhẹ cân
- Uống sữa bò hoặc sữa dê trước 1 tuổi
- Trẻ không được ăn thêm thực phẩm giàu chất sắt sau 6 tháng tuổi
- Sữa công thức hay thức uống khác cũng không bổ sung sắt.
Những trẻ lớn hơn sẽ có nguy cơ thiếu sắt cao hơn nếu:
- Uống hơn 710 ml sữa bò, sữa dê hoặc sữa đậu nành mỗi ngày kể từ khi được 1 – 5 tuổi
- Có một số tình trạng sức khỏe nhất định như nhiễm trùng mạn tính, chế độ ăn hạn chế thực phẩm (ăn chay)
- Từng tiếp xúc với chì
- Không ăn đủ các thực phẩm giàu chất sắt
- Thừa cân hoặc béo phì.
2. Trẻ thiếu sắt có biểu hiện gì?
Tình trạng thiếu sắt có thể khiến trẻ gặp hạn chế khi hoạt động nhiều. Thông thường, trẻ thiếu sắt không có biểu hiện gì cho đến khi có tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Do đó, cha mẹ muốn biết trẻ thiếu sắt dưới 1 tuổi có biểu hiện gì hay triệu chứng thiếu sắt ở trẻ lớn hơn là gì thì cũng rất khó xác định. Nếu con bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao bị thiếu sắt thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ sớm để được kiểm tra và có cách bổ sung sắt phù hợp.
Khi bị thiếu máu do thiếu sắt, trẻ sẽ có những biểu hiện như:
- Các niêm mạc ở môi, nướu, mi mắt dưới hoặc nền móng tay/chân bị nhạt màu, nhợt nhạt
- Mệt mỏi, không có năng lượng hoạt động
- Khó thở khi vận động thể chất
- Tay chân lạnh
- Tăng trưởng và phát triển chậm
- Chán ăn
- Thở nhanh, thở không đều
- Có vấn đề về hành vi như dễ cáu kỉnh
- Thường xuyên bị nhiễm trùng
- Thèm ăn những thứ bất thường không có dinh dưỡng như đất đá, sơn, tinh bột…
Có nên đưa trẻ đi khám để kiểm tra thiếu sắt hay không?
Làm thế nào để phòng ngừa nguy cơ thiếu sắt cho trẻ
Để phòng ngừa thiếu sắt cho trẻ, bạn nên xác định sơ bộ về tình trạng dinh dưỡng của con. Với trẻ bú sữa công thức có bổ sung thêm sắt, trẻ sẽ dễ dàng nhận đủ lượng sắt theo khuyến cáo hàng ngày. Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn, bạn có thể cần hỏi bác sĩ về việc nên bổ sung sắt cho con từ những sản phẩm bổ sung phù hợp.
Khuyến nghị chung cho trẻ để phòng ngừa thiếu sắt như sau:
- Trẻ sơ sinh đủ tháng: Mẹ nên bắt đầu cho bé uống sắt bổ sung khi được 4 tháng tuổi. Việc bổ sung này được duy trì cho đến khi trẻ ăn được hai hoặc nhiều hơn khẩu phần ăn các thực phẩm giàu sắt (gồm ngũ cốc giàu sắt, thịt xay nhuyễn, khoai lang xay nhuyễn) mỗi ngày. Nếu bé đa phần bú sữa công thức có tăng cường chất sắt thì nên ngừng bổ sung sắt thêm cho con.
- Trẻ sinh non: Mẹ nên bắt đầu cho bé uống bổ sung sắt khi được 2 tuần tuổi. Tiếp tục duy trì việc uống bổ sung sắt đến khi 1 tuổi, ngừng bổ sung nếu trẻ đa phần là bú sữa công thức được tăng cường chất sắt trong thành phần.
Những việc khác cha mẹ có thể làm để phòng ngừa nguy cơ bị thiếu sắt ở trẻ gồm:
- Cho trẻ ăn thực phẩm giàu sắt: Bắt đầu từ khi trẻ ăn dặm lúc 4 – 6 tháng tuổi. Khi cho trẻ ăn thức ăn đặc, hãy lựa chọn những thực phẩm giàu chất sắt như thịt xay nhuyễn, đậu xay nhuyễn, ngũ cốc bổ sung thêm sắt, thịt đỏ, cá, rau chân vịt…
- Không nên cho trẻ uống quá nhiều sữa: Trẻ từ 1 – 5 tuổi không nên uống quá 710 ml sữa mỗi ngày.
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C. Loại vitamin này giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Thực phẩm giàu vitamin C gồm trái cây họ cam quýt, dưa lưới, dâu tây, ớt chuông, cà chua, các loại rau lá xanh đậm.
Những thắc mắc thường gặp xoay quanh việc bổ sung sắt cho trẻ
1. Một năm bổ sung sắt mấy lần cho trẻ? Khi nào thì bé cần bổ sung sắt?
Tùy vào từng độ tuổi, giai đoạn phát triển, chế độ dinh dưỡng, tình trạng sức khỏe cùng nồng độ sắt trong máu mà việc một năm bổ sung sắt mấy lần cho trẻ sẽ được bác sĩ cân nhắc chỉ định. Thông thường, trẻ được khuyến cáo bổ sung sắt 1 lần trong năm và một đợt bổ sung có thể kéo dài 3 – 6 tháng.
Bất kể trường hợp nào, cha mẹ không được tự ý bổ sung lượng lớn sắt cho trẻ liên tục trong vòng 6 tháng trở lên khi chưa trao đổi với bác sĩ.
Khi nào cần bổ sung sắt cho trẻ cũng rất khó để xác định vì thiếu sắt nhẹ thường không có biểu hiện rõ ràng. Các triệu chứng ở trẻ diễn ra khi đã bị thiếu máu do thiếu sắt. Do đó, cha mẹ nên cho trẻ đi xét nghiệm máu để kiểm tra cụ thể nồng độ sắt trong cơ thể để phòng ngừa thiếu sắt, nhất là ở những trẻ có nguy cơ cao.
2. Khi nào cần bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ? Trẻ 18 tháng cần bao nhiêu sắt?
Ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, thời điểm bổ sung sắt hợp lý sẽ tùy theo cân nặng, chế độ dinh dưỡng của trẻ, thường là:
- Trẻ sơ sinh đủ tháng bú sữa mẹ: Trẻ cần bổ sung sắt khi được 4 tháng tuổi và duy trì đến khi trẻ ăn dặm với đủ khẩu phần chứa thực phẩm giàu sắt. Nếu trẻ bú sữa công thức được tăng cường chất sắt có thể không cần bổ sung sắt từ các sản phẩm khác.
- Trẻ sinh non: Trẻ cần bổ sung sắt khi được 2 tuần tuổi và duy trì đến lúc 1 tuổi. Nếu trẻ được cho bú sữa công thức có tăng cường chất sắt thì có thể ngưng bổ sung sắt từ sản phẩm khác.
Lượng sắt cần thiết mỗi ngày được khuyến cáo cho trẻ từ 1 – 3 tuổi là 7 mg/ngày. Do đó, trẻ 18 tháng sẽ cần được bổ sung đủ 7 mg sắt mỗi ngày để phát triển toàn diện.
3. Làm sao để biết trẻ thiếu sắt và kẽm? Khi nào cần bổ sung sắt và kẽm cho trẻ
Trẻ thiếu sắt và thiếu kẽm thường có những biểu hiện như:
- Da dẻ nhợt nhạt, xanh xao, niêm mạc miệng, mắt cũng nhạt màu
- Móng tay giòn và có đốm, đường màu trắng
- Lưỡi khô, sưng tấy hoặc nhẵn bất thường
- Hay mệt mỏi, khó chịu, thiếu tập trung
- Biếng ăn, thường xuyên bỏ bữa
- Rối loạn giấc ngủ
- Tăng trưởng chậm, không hấp thụ được dưỡng chất
- Mắc các bệnh về da.
Khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ bị thiếu khoáng chất như trên, cha mẹ nên đánh giá lại chế độ ăn uống, cân nhắc bổ sung vitamin và khoáng chất như sắt, kẽm cho bé. Ở trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn, bác sĩ khuyến khích nên bổ sung sắt và kẽm cho trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi.
4. Trẻ uống sắt có nóng không? Trẻ bị táo bón khi uống sắt phải làm sao?
Khi bổ sung sắt, trẻ có thể gặp phải một số tác dụng phụ khi uống sắt, thường thấy là các triệu chứng tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, ăn không ngon, phân sẫm màu hoặc có mùi bất thường. Đó là những biểu hiện được ghi nhận trong các trường hợp trẻ uống sắt bị nóng trong người.
Để phòng ngừa các tác dụng phụ khi uống sắt, cha mẹ cần chú ý một số điều như:
- Trao đổi với bác sĩ trước khi bổ sung sắt cho trẻ có tiền sử dị ứng với sắt hoặc bất kỳ loại thuốc nào.
- Trẻ nhỏ dưới 6 tuổi hoặc đang có bệnh lý đường tiêu hóa chỉ dùng sắt khi có chỉ định từ bác sĩ.
- Nên cho trẻ uống bổ sung sắt trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ (lúc bụng đói), không uống sắt khi đang nằm.
- Trẻ nhỏ dưới 12 tuổi nên dùng sản phẩm bổ sung sắt ở dạng nhỏ giọt hoặc siro, không nên dùng dạng viên nén, viên nang.
5. Cho trẻ uống sắt buổi tối được không? Cho trẻ uống sắt vào thời điểm nào trong ngày là tốt nhất?
Buổi tối không phải là lựa chọn tốt để bổ sung sắt cho trẻ. Lúc này, hệ tiêu hóa hoạt động chậm hơn nên khả năng hấp thu sắt cũng giảm xuống. Điều này sẽ khiến sắt tích tụ trong ruột và gây khó chịu, buồn nôn, khiến bé khó ngủ.
Tốt nhất, các mẹ nên cho trẻ uống sắt vào buổi sáng, lúc bụng đói (uống trước khi ăn). Vào sáng sớm, nồng độ sắt và canxi trong cơ thể thường ở mức thấp nhất nên bổ sung lúc này sẽ giúp thúc đẩy sự hấp thu sắt từ đường ruột, đồng thời ít xảy ra cạnh tranh với canxi từ chế độ ăn uống của trẻ. Trong đường tiêu hóa, sắt được hấp thu chủ yếu ở tá tràng và một phần nhỏ ở dạ dày. Do đó, uống sắt khi đói sẽ giúp sắt di chuyển xuống tá tràng nhanh hơn, không bị cản trở bởi thức ăn.
6. Nên cho trẻ ăn quả gì nhiều sắt?
Những loại trái cây giàu chất sắt mà bạn có thể bổ sung vào thực đơn cho trẻ thiếu máu thiếu sắt gồm:
- Dâu tây
- Nho khô
- Dưa hấu
- Sung
- Chà là
- Mận tươi hoặc nước ép mận
- Mơ
- Đào…
7. Trẻ thiếu sắt nên uống gì? Thuốc bổ sung sắt cho trẻ loại nào tốt?
Với thắc mắc trẻ thiếu sắt nên uống gì thì các mẹ có thể tìm hiểu những loại thuốc sắt hoặc thực phẩm bổ sung sắt dành cho trẻ em theo độ tuổi. Khi lựa chọn sản phẩm bổ sung sắt cho trẻ, hãy chú ý những thông tin sau:
- Dạng bào chế và liều lượng phù hợp với độ tuổi của trẻ
- Công ty sản xuất uy tín, chất lượng, được cấp phép lưu hành trên thị trường
- Sử dụng sắt dạng nước
- Thành phần an toàn, không có chất bảo quản, chất điều vị, tạo màu hoặc các thành phần gây dị ứng
Nếu bạn đang tìm thuốc bổ sung sắt cho trẻ loại nào tốt thì có thể thử tham khảo các sản phẩm như:
- Sắt Mini Drops Iron Natures Aid cho bé từ 3 tháng tuổi
- Femalto – Sắt hữu cơ nhỏ giọt cho trẻ em từ 0-36 tháng tuổi
- Ferrodue – Bổ sung sắt hữu cơ dạng nhỏ giọt
- FitoBimbi Ferro C – Thuốc sắt nhỏ giọt cho trẻ sơ sinh
- Siro bổ sung sắt nhỏ giọt Maltofer
Nếu bạn muốn dùng sữa bổ sung sắt cho trẻ thiếu máu, hãy tham khảo các loại sữa sau:
- Sữa Abbott Similac Isomil có bổ sung sắt với hàm lượng 7,2mg sắt/100g sữa bột.
- Sữa bột Nestlé Nutren Junior với nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ, bao gồm cả sắt.
- Sữa Glico Icreo từ Nhật Bản với thành phần được bổ sung sắt cùng các vitamin và khoáng chất thiết yếu khác.
Như vậy, bạn có thể lựa chọn bổ sung sắt cho con bằng các sản phẩm phù hợp để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu sắt cần thiết mỗi ngày.
Hello Bacsi hi vọng rằng qua bài viết này, các bố mẹ đã có được những thông tin hữu ích xoay quanh việc bổ sung sắt cho bé với liều lượng và thời gian phù hợp.
[embed-health-tool-vaccination-tool]