backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Sự phát triển của trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi và lưu ý cần nhớ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Văn Đồng · Nhi khoa · Bệnh Viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 21/11/2023

    Sự phát triển của trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi và lưu ý cần nhớ

    Sau những ngày đầu tiên thích nghi với môi trường mới, trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi đã bắt đầu bước vào giai đoạn tăng trưởng và phát triển đầu tiên. Tuy chưa có thay đổi to lớn nhưng bé đã có thể tương tác với bạn nhiều hơn.

    Sau 2 tuần chào đón trẻ đến với cuộc sống với rất nhiều thay đổi, bạn chắc hẳn đang thích nghi dần với hành trình làm cha mẹ. Giờ đây, bạn đã quen hơn với nhịp sống cùng với bé và hiểu hơn về các tín hiệu của con, từ tiếng khóc khi đói hay các sắc thái khác nhau trong tiếng quấy khóc. Tuy vậy, bạn vẫn còn phải khám phá nhiều điều mới mẻ về sự phát triển của trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi cũng như cách chăm sóc bé yêu. Hãy để bài viết tổng hợp thông tin dưới đây của Hello Bacsi đồng hành cùng bạn.

    Sự phát triển của trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi

    1. Vẻ ngoài của trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi

    Trẻ 2 tuần tuổi vẫn tiếp tục phát triển nhưng có thể sẽ không tăng trưởng nhiều trong tuần này. Tuy nhiên, so với tuần đầu tiên, bé tỉnh táo hơn nhiều. Cũng nhờ vậy mà bạn có thể nhận thấy tròng đen của mắt trẻ hơi gần vào nhau. Điều này hoàn toàn bình thường. Các nếp da thừa gấp ở góc trong mắt và khả năng kiểm soát cơ chưa hoàn chỉnh khiến cho mắt trẻ trông giống như bị lác.

    Một số vết trầy xước nhẹ hay bầm tím trên mí mắt xuất hiện sau khi sinh cũng dần mất đi trong khoảng tuần thứ 2 này. Vài trẻ có thể bị xuất huyết dưới da ở vùng mắt do tác động từ lực của các cơn co thắt và quá trình mẹ chuyển dạ sinh nở. Những đốm đỏ ở mắt này cũng sẽ mất đi trong tuần này.

    Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến các vết bớt trên người trẻ. Một số vết bớt mới có thể xuất hiện hoặc vết bớt cũ bị thay đổi về màu sắc, kích thước. Đôi khi, trẻ có thể bị u máu (hemangioma) trong vài tuần sau sinh và cần được điều trị. Nếu bạn cảm thấy lo lắng về vết bớt trên người trẻ, hãy trao đổi với bác sĩ nhi khoa.

    2. Sự phát triển não bộ của bé 2 tuần tuổi

    Trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi có thể:

    • Khóc khi cảm thấy khó chịu, đói bụng hay muốn thu hút sự chú ý
    • Phản ứng với âm thanh và nhận biết được giọng nói của bạn
    • Có phản xạ giật mình (phản xạ Moro)
    • Có thể nháy mắt phản ứng với ánh sáng
    • Tập trung nhìn trong khoảng cách gần và tương tác bằng mắt với bạn
    • Có khả năng nâng nhẹ đầu lên.

    Lưu ý

    Hầu hết trẻ sơ sinh trong độ tuổi này đều thích cảm giác được gần gũi cha mẹ. Do đó, việc tích cực tiếp xúc da kề da với trẻ sẽ mang lại nhiều lợi ích như thúc đẩy tăng cân, kích thích tăng nguồn sữa mẹ và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.

    3. Tiêu hóa của trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi

    Ở thời điểm này, trẻ sẽ bắt đầu giai đoạn tăng trưởng đầu tiên nên dường như đòi ăn nhiều hơn trước. Bạn chỉ cần đáp ứng theo nhu cầu bú của trẻ. Nhiều mẹ bỉm có thể cảm thấy như đang cho con bú không ngừng.

    Để kiểm tra trẻ có đang ăn bình thường hay không, hãy theo dõi lượng tã thay mỗi ngày. Thông thường, bạn thay cần thay ít nhất 6 chiếc bỉm ướt mỗi ngày với ít nhất 3 chiếc tã có phân màu vàng, có thể có hạt lổn nhổn.

    Những thay đổi ở trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi

    trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi

    Nhìn chung, trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi vẫn chưa có nhiều hoạt động ngoài việc ăn sữa, ngủ và đi vệ sinh. Đây đều là những hoạt động cần thiết cho sự phát triển đầu đời của trẻ. Mặc dù vậy, bé 2 tuần tuổi vẫn có một số thay đổi đáng chú ý:

    1. Sự thay đổi cân nặng

    Trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi có thể sẽ không tăng cân nhiều trong tuần này. Sau khi bị giảm trọng lượng so với khi mới sinh ở tuần đầu tiên, trẻ thường đạt lại cân nặng cũ sau khoảng 10 ngày.

    2. Kích thước vùng đầu thay đổi

    Đầu của trẻ cũng tiếp tục phát triển nhưng bạn có thể cảm thấy kích thước đầu hơi nhỏ hơn một chút so với những ngày đầu của tuần 1. Lý do đơn giản là vì tình trạng sưng hay những biến dạng sau khi sinh sẽ không còn nữa.

    3. Trẻ mút ngón tay cái thường xuyên hơn

    Trẻ sơ sinh thích mút ngón tay cái của bé là điều hoàn toàn tự nhiên, vì:

    • Hành động bú, mút là một phản xạ bình thường của trẻ và ngón tay luôn sẵn ngay đó. Những lần đầu tiên trẻ có thể chỉ thử đưa tay vào miệng nhưng sau khi cảm thấy thích thú, thoải mái, bé sẽ mút ngón tay có chủ đích.
    • Hành động này giúp trẻ bình tĩnh, dễ chịu hơn. Nhiều mẹ đã sử dụng núm vú giả cho bé mút để tránh việc trẻ tự mút ngón tay.

    Một số chuyên gia cho rằng việc mút ngón tay không gây ra vấn đề lớn trừ khi trẻ vẫn tiếp tục thói quen này sau khi đã mọc răng vĩnh viễn. Nhiều trẻ hay ngậm tay trong miệng vẫn mọc răng bình thường. Việc mút ngón tay có thể gây ra vấn đề hay không còn phụ thuộc sự phát triển tăng trưởng của trẻ, tần suất mút ngón tay, góc độ ngón tay cái ở trong miệng và cách trẻ mút.

    4. Những thay đổi khác ở trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi

    Bạn có thể nhận thấy sự khác biệt của trẻ trong giai đoạn này. Ví dụ, bé bắt đầu quấy khóc nhiều hơn bình thường, đòi ăn nhiều hơn và thời gian ngủ mỗi đợt dài hơn trước. Trung bình, trẻ sơ sinh có thể quấy khóc khoảng 2-3 giờ mỗi ngày. Những lúc như thế, bạn nên bế bé lên và dỗ dành sau khi kiểm tra các vấn để có thể gây khó chịu như đói bụng, tã ướt…

    Dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi

    trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi

    1. Trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi bú bao nhiêu sữa?

    Nếu trẻ bú mẹ, thông thường bạn sẽ cho trẻ bú mỗi 2-3 giờ/lần với mỗi lần bú kéo dài trong khoảng 15 – 30 phút. Lúc này, việc cho con bú sẽ chiếm phần lớn thời gian trong ngày của bạn vì trẻ đang trong giai đoạn tăng trưởng đầu tiên.

    Với những trẻ bú sữa công thức, khoảng cách giữa các lần bú có thể lâu hơn. Trẻ thường sẽ ngủ những giấc dài hơn khoảng 4 hay 5 giờ.

    Trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi nên bú hay uống bao nhiêu sữa còn tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi trẻ và kích thước của dạ dày. Trung bình, trẻ sẽ uống khoảng 60-90ml sữa mỗi lần ăn trong thời điểm này. Ngoài ra, bạn không cần cho trẻ uống thêm nước vì trong sữa đã có hơn 95% là nước.

    2. Những dấu hiệu con đòi ăn

    Mỗi trẻ sẽ có cữ ăn khác nhau và bạn cần chú ý để nhận biết được các tín hiệu cho thấy trẻ đang đói bụng cần được bú sữa, chẳng hạn như:

    • Đưa tay lên miệng
    • Quay đầu về phía vú mẹ hoặc bình sữa
    • Mím môi hoặc liếm môi
    • Nắm chặt tay.

    3. Lưu ý khi chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi

    Để trẻ tăng trưởng và phát triển đầy đủ, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng nếu mẹ không thể đủ sữa cho con bú, nên ưu tiên cho trẻ được bú sữa mẹ từ mẹ khác hoặc từ ngân hàng sữa mẹ. 

    Nếu không thể, cần lựa chọn sữa công thức phù hợp cho trẻ bú. Không nên cho con ăn dặm, uống nước trái cây, sữa tươi quá sớm làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ, gây rối loạn tiêu hóa, thiếu máu hoặc thậm chí là béo phì. 

    Một sai lầm thường gặp ở các mẹ bỉm sữa là: thấy con khó ngủ về đêm là nghĩ bé con đói và cho con ăn bột sớm. Tuy nhiên, suy nghĩ đó là hoàn toàn không đúng. Bé con của bạn có thể ngủ ngoan cả đêm khi được 4-5 tháng.

    Giấc ngủ của trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi

    So với tuần đầu tiên, trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi dường như thức giấc và tương tác với thế giới xung quanh nhiều hơn. Thời gian thức giữa mỗi cữ ngủ của bé cũng dài hơn. Dù vậy, trẻ vẫn còn ngủ rất nhiều, khoảng 18 giờ mỗi ngày.

    Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi

    trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi

    Việc chăm sóc trẻ trong giai đoạn này cũng không có gì quá khác biệt so với tuần đầu tiên, bao gồm:

    1. Chăm sóc dây rốn

    Thông thường, dây rốn của trẻ sẽ tự rụng khi ở tuần thứ 2. Nếu bạn chưa thấy điều này xảy ra, hãy trao đổi với bác sĩ.

    Bên cạnh đó, bạn nên chú ý không để dây rốn bị ẩm hay ướt quá mức. Hãy đảm bảo dây rốn luôn thoáng khí, khô ráo. Đặc biệt, bạn không nên cố kéo nó ra hay cố làm lỏng dây rốn.

    2. Tắm cho trẻ

    Khi dây rốn đã rụng, trẻ sẽ được tận hưởng trọn vẹn khoảng thời gian đi tắm. Bạn có thể để trẻ tự do trong nước để xem thử chúng có thích nước không.

    Bạn có thể tạo thói quen về thời gian tắm với ngủ. Ví dụ như thử tắm và massage cho trẻ trước khi ru ngủ. Điều này có thể giúp trẻ nhận biết giấc ngủ đang đến gần. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi không cần thiết phải tắm mỗi ngày. Lúc này, bạn chỉ cần tắm cho trẻ một hoặc vài ngày trong một tuần là đủ.

    3. Thay tã

    Khi được 2 tuần tuổi, trẻ không còn đi ngoài ra phân su như những ngày đầu mà bắt đầu đi phân lỏng có màu vàng, có thế có hạt lổn nhổn (thường thấy ở trẻ bú mẹ). Phân trẻ bình thường sẽ hơi mềm, có thể hơi lỏng đến sền sệt. Trẻ bú sữa mẹ thường đi phân lỏng hơn so với trẻ bú sữa công thức.

    Nếu thấy trẻ phải gắng rặn, đỏ mặt, quấy khóc khi đi ngoài hoặc có hiện tượng chậm đi tiêu, có thể đến 7-10 ngày trẻ mới đi ị một lần, điều này là bình thường, không phải táo bón nếu như phân trẻ vẫn mềm, mịn. Trẻ bị táo bón khi đi ngoài ra phân cứng và không thường xuyên. Nếu trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi bị táo bón, bạn cần đưa bé đến gặp bác sĩ để thăm khám.

    Mỗi ngày, trẻ nên đi vệ sinh đến mức ướt tã phải thay ít nhất 4- 6 lần. Nếu bạn không xác định được khi nào tã ướt cần thay, hãy dùng loại tã có vạch hay hoa văn báo hiệu thời điểm đủ ướt để thay.

    4. Chú ý an toàn cho trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi

    Trong thời gian này, bạn cần dành nhiều thời gian chú ý đến trẻ, tránh để bé bị:

    • Té ngã: Đừng để trẻ một mình ở trên giường, ghế dài hay bất kỳ bề mặt trên cao nào. Bạn có thể cho rằng bé chưa thể di chuyển xa nhưng bé có nguy cơ bị ngã do ngọ nguậy, giật mình hay trượt theo mép cạnh của giường, ghế…
    • Bỏng da: Hãy chú ý không để trẻ gần nơi có các thiết bị điện tử đang sạc hay hoạt động bằng pin. Bạn cũng cần ý đến nhiệt độ của nước tắm hay sữa công thức pha cho trẻ, không để nước quá nóng hay quá lạnh.
    • Nhiễm trùng: Hệ miễn dịch non nớt của trẻ rất dễ bị nhiễm trùng nên bạn cần chú ý không để trẻ tiếp xúc gần với người đang mắc bệnh, hạn chế đưa bé đến nơi đông đúc và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ khi cho con bú, thay tã…

    Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá vì có thể làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Hơn nữa, khói thuốc cũng có thể khiến trẻ dễ bị cảm lạnh, nhiễm trùng tai hay cả hen suyễn.

    Các vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi

    Nếu trong thời gian còn ở bệnh viện sau khi sinh, bé đã được khám sức khỏe tổng quát lần đầu tiên với bác sĩ nhi khoa thì mẹ có thể không cần đưa con thăm khám lại cho đến khi được 1 tháng tuổi. Nếu có vấn đề sức khỏe nào cần theo dõi, bạn cần đưa trẻ đi tái khám theo lịch hẹn.

    Trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi chưa cần phải tiêm thêm loại vắc xin nào nếu đã tiêm vắc xin viêm gan B và lao khi vừa mới sinh. 

    Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn hoặc phần lớn là sữa mẹ cần được bổ sung thêm 400IU vitamin D/ngày. Đối với trẻ bú sữa công thức khoảng 1000ml một ngày thì không cần phải bổ sung thêm vitamin D. Một số trẻ sinh non hoặc bị suy dinh dưỡng bào thai cần phải bổ sung thêm sắt theo chỉ định của bác sĩ.

    Bạn cũng nên theo dõi bé sát sao để kịp thời nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng cho thấy trẻ đang không khỏe, từ đó đưa con đi khám càng sớm càng tốt. Chẳng hạn, bạn nên đưa bé đi khám khi trẻ bị sốt hoặc hạ nhiệt độ, bú kém hoặc bỏ bú, khò khè, nôn mửa nhiều, quấy khóc liên tục hoặc có vẻ bé không tỉnh táo…

    Ngoài chăm sóc sức khỏe cho trẻ, các mẹ cũng cần chú ý bồi bổ cơ thể để có thể cung cấp đủ dưỡng chất cho con qua sữa mẹ. Không những thế, sức khỏe tinh thần cũng rất quan trọng. Mẹ bỉm cần được quan tâm, sẻ chia với người thân.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về sự phát triển của trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Trần Văn Đồng

    Nhi khoa · Bệnh Viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc


    Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 21/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo