Kẽm là một khoáng chất vi lượng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể chất cũng như hỗ trợ hệ miễn dịch của trẻ em. Thế nhưng, tỷ lệ trẻ thiếu kẽm là khá cao vì hàm lượng kẽm mà trẻ cần gia tăng theo độ tuổi. Dấu hiệu trẻ thiếu kẽm lại dễ nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác nên nhiều cha mẹ không nhận biết được để chủ động bổ sung kẽm cho con.
Nếu mẹ chưa biết “trẻ cần bổ sung bao nhiêu kẽm theo từng độ tuổi?” hay “bổ sung kẽm cho bé như thế nào là khoa học, hiệu quả?” thì có thể tham khảo những thông tin được giải đáp chi tiết trong bài viết sau của Hello Bacsi.
Tại sao cần bổ sung kẽm cho trẻ?
Mẹ có thể đã biết kẽm là một vi chất quan trọng nhưng kẽm mang đến lợi ích gì? Mặt khác, tình trạng thiếu kẽm dẫn đến hậu quả ra sao thì không phải mẹ nào cũng hiểu rõ.
1. Vai trò của kẽm đối với sức khỏe của trẻ nhỏ
Kẽm là một vi chất mà cơ thể cần được bổ sung thường xuyên, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Sau đây là 4 lợi ích chính kẽm mang lại cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ:
Tăng cường hỗ trợ miễn dịch
Kẽm là vi chất cần thiết để duy trì cả hệ thống miễn dịch tự nhiên lẫn miễn dịch thích ứng ở cấp độ tế bào. Việc bổ sung kẽm kết hợp với vitamin C có thể giúp ích cho việc hỗ trợ hệ thống miễn dịch, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Ngoài ra, kẽm còn có đặc tính chống oxy hóa và hỗ trợ các phản ứng viêm thúc đẩy quá trình chữa lành khi có nhiễm trùng, chấn thương… xảy ra.
Hỗ trợ trẻ phát triển và tăng trưởng
Kẽm là một vi chất quan trọng đối với sự tăng trưởng của trẻ vì kẽm tham gia vào quá trình chuyển hóa protein, tổng hợp DNA/ RNA, dẫn truyền thần kinh và nhiều chức năng khác. Một đánh giá có hệ thống cho thấy việc bổ sung kẽm cho trẻ dưới 5 tuổi mang đến kết quả tăng trưởng tốt cả về chiều cao lẫn cân nặng. Ngược lại, trẻ thiếu kẽm có thể còi cọc, kém phát triển.
Hỗ trợ sự phát triển nhận thức
Giống như nhiều vi chất thiết yếu khác, kẽm cũng có vai trò hỗ trợ sự phát triển của não bộ và nhận thức ở trẻ đang lớn. Tình trạng thiếu kẽm có thể dẫn đến những thay đổi về khả năng chú ý, hành vi, hoạt động, tâm trạng và cả sự phát triển vận động.
Duy trì sức khỏe đường ruột
Kẽm là một trong những dưỡng chất cần thiết để duy trì chức năng đường ruột khỏe mạnh. Theo đó, việc thiếu kẽm có thể khiến sức khỏe đường ruột kém đi, tạo ra vòng luẩn quẩn vì đường ruột kém sẽ giảm khả năng hấp thu dưỡng chất, từ đó lại gây ra thiếu kẽm. Tình trạng thiếu kẽm cũng góp phần gây ra tiêu chảy. Ngược lại, việc bổ sung đủ kẽm thì có thể hỗ trợ điều trị tiêu chảy và viêm dạ dày ruột.
2. Trẻ bị thiếu kẽm có thể gặp phải vấn đề gì?
Tình trạng thiếu kẽm ở mức độ nhẹ đến trung bình là rất phổ biến do chế độ ăn uống không đầy đủ, lượng kẽm hấp thu từ thịt động vật thấp. Trẻ em có chế độ ăn uống kém thường bị thiếu kẽm hoặc trẻ cũng có thể mất kẽm do nhiễm trùng tiêu hóa tái phát. Việc thiếu hụt kẽm với mức độ không quá nghiêm trọng cũng là một rối loạn tiềm ẩn vì không có dấu hiệu lâm sàng có thể quan sát được.
Do đó, cha mẹ cần hết sức cảnh giác với nguy cơ thiếu kẽm ở trẻ đang phát triển vì tình trạng này có thể gây suy yếu khả năng miễn dịch. Những suy giảm chức năng miễn dịch này xảy ra ngay cả khi tình trạng thiếu kẽm chỉ ở mức độ vừa phải. Hậu quả là trẻ thiếu kẽm có nhiều nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn bao gồm nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường hô hấp, sốt rét, tiêu chảy…
Theo một nghiên cứu, trẻ bị thiếu kẽm có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính cao gấp khoảng 3 lần và tăng số ngày mắc tiêu chảy đến khoảng 50%. Ngoài ra, thiếu kẽm còn gây ra những vấn đề như vết thương chậm lành, suy giảm trí nhớ ảnh hưởng khả năng học tập, mất vị giác, khứu giác dẫn đến biếng ăn, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tình trạng thiếu kẽm còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ như thay đổi hành vi, trẻ cáu kỉnh hơn…
Bổ sung kẽm cho bé biếng ăn bao nhiêu là đủ? Cách bổ sung kẽm cho trẻ
1. Nhu cầu kẽm của trẻ
Cơ thể chúng ta không thể tự dự trữ kẽm nên cần được bổ sung kẽm từ chế độ ăn uống hàng ngày. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, nhu cầu bổ sung kẽm thay đổi theo từng độ tuổi theo hướng tăng dần. Do đó, việc bổ sung kẽm cho trẻ dậy thì sẽ khác với bổ sung kẽm cho trẻ nhỏ hơn. Sau đây là bảng thể hiện hàm lượng kẽm cần bổ sung cho trẻ theo độ tuổi:
Độ tuổi | Hàm lượng kẽm cần bổ sung 1 ngày |
0 – 6 tháng | 2 mg |
7 – 12 tháng | 3 mg |
1 – 3 tuổi | 3 mg |
4 – 8 tuổi | 5 mg |
9 – 13 tuổi | 8 mg |
14 – 18 tuổi | 9 mg (nữ) và 11 mg (nam) |
2. Cách bổ sung kẽm cho trẻ
Việc bổ sung kẽm cho trẻ theo từng độ tuổi có sự khác nhau. Sau đây là những điều mẹ cần biết về cách bổ sung kẽm cho trẻ:
Đối với trẻ dưới 6 tháng
Nhiều mẹ thắc mắc có nên bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh không? Trong giai đoạn dưới 6 tháng tuổi, trẻ thường được bổ sung kẽm hàng ngày qua sữa mẹ hay sữa công thức. Đây là các nguồn cung cấp kẽm dồi dào cho trẻ. Hơn nữa, các đặc điểm của sữa mẹ cũng phù hợp với hệ tiêu hóa non nớt của trẻ trong những tháng đầu đời.
Vì vậy, trẻ dưới 6 tháng không cần bổ sung kẽm từ những nguồn khác ngoại trừ trường hợp gặp các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như tiêu chảy kéo dài và được bác sĩ chỉ định bổ sung thêm kẽm dạng siro với liều lượng phù hợp.
Đối với trẻ trên 6 tháng
Trẻ trên 6 tháng có thể vẫn bú mẹ nhưng giai đoạn này lượng kẽm trong sữa mẹ bắt đầu giảm dần. Vì vậy, trẻ cần được bổ sung kẽm qua thực phẩm khi ăn dặm hoặc trong chế độ ăn uống hàng ngày đối với trẻ lớn hơn.
- Đối với trẻ suy dinh dưỡng thiếu kẽm: Mẹ cần xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ, giàu dinh dưỡng cho trẻ. Thêm các thực phẩm giàu kẽm vào bữa ăn hàng ngày của con, chẳng hạn như thịt heo, thịt bò, hàu, cua, lươn, các loại cá (cá chép, cá mòi, cá trích…), các loại đậu, rau xanh…
- Đối với trẻ biếng ăn: Trẻ nhỏ biếng ăn có thể liên quan đến tình trạng thiếu kẽm. Vì vậy, mẹ có thể bổ sung kẽm dạng siro cho con. Tùy thuộc vào sản phẩm mẹ chọn hoặc được kê đơn, mẹ nên tuân thủ liều dùng và cách dùng theo hướng dẫn từ nhà sản xuất. Khi tình trạng biếng ăn của trẻ được cải thiện, mẹ nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và đủ chất cho bé để tránh thiếu hụt dinh dưỡng.
Bổ sung kẽm cho bé tốt nhất là từ những nguồn nào?
Nguồn bổ sung kẽm tốt nhất cho bé là thông qua sữa mẹ và thực phẩm mà trẻ ăn. Một số trường hợp có nguy cơ cao thiếu kẽm thì nên bổ sung thêm kẽm qua dạng viên uống hoặc dạng nhỏ giọt. Cụ thể, các nguồn bổ sung kẽm tốt nhất cho trẻ:
1. Chế độ ăn giàu kẽm
Kẽm là vi chất rất quan trọng đối với trẻ đang phát triển. Hơn nữa, trẻ em rất dễ bị thiếu kẽm. Vì vậy, việc thêm các thực phẩm giàu kẽm vào chế độ ăn của trẻ là rất quan trọng, bao gồm:
- Ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều kẽm
- Các loại thịt như thịt bò, thịt heo, thịt gà
- Các loại thủy hải sản như hàu, cua, tôm, cá
- Các loại hạt như hạt điều, hạt bí ngô…
- Các loại đậu như đậu lăng, đậu gà, đậu xanh…
- Sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai
2. Bổ sung kẽm cho trẻ bằng thực phẩm chức năng
Một số trường hợp trẻ có thể cần bổ sung kẽm qua thực phẩm chức năng, có thể dạng viên uống hoặc dạng nhỏ giọt. Những trường hợp này thường là do trẻ không thích ăn hoặc chưa làm quen được hầu hết các thực phẩm giàu kẽm, gia đình theo chế độ ăn chay, trẻ bị tiêu chảy kéo dài… Việc cho trẻ dùng thực phẩm chức năng bổ sung kẽm nhằm:
- Tăng cường miễn dịch
- Tăng khả năng tập trung, chú ý để nâng cao kết quả học tập
- Cải thiện tiêu hóa, chức năng đường ruột
- Hỗ trợ phát triển thể chất
- Hỗ trợ sức khỏe xương
- Hỗ trợ quá trình chuyển hóa carbohydrate, chất béo và protein.
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ nên ưu tiên kẽm đã được bào chế dạng lỏng để dễ kiểm soát liều lượng bổ sung cho con. Bé uống kẽm dạng lỏng cũng dễ tiêu hóa, dễ hấp thu hơn. Ngoài ra, khi bổ sung kẽm cho con mẹ cần lưu ý rằng luôn đọc kỹ tờ hướng dẫn hoặc hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn về liều lượng, cách dùng đúng, an toàn và hiệu quả.
Bổ sung kẽm cho bé và những thắc mắc thường gặp
1. Trẻ bị thiếu kẽm nên ăn gì?
Trẻ bị thiếu kẽm nghiêm trọng có thể suy giảm miễn dịch nên dễ mắc bệnh nhiễm trùng như bệnh ngoài da, tiêu chảy… kèm theo đó là chán ăn, rụng tóc, suy giảm vị giác/khứu giác, chậm phát triển, dậy thì trễ. Tuy nhiên, trẻ bị thiếu kẽm mức độ nhẹ thì các triệu chứng thường không rõ ràng, thường chỉ thể hiện qua tình trạng biếng ăn và chậm phát triển.
Nếu nghi ngờ con bị thiếu kẽm, mẹ cần ưu tiên bổ sung kẽm cho con qua chế độ ăn uống. Vậy trẻ thiếu kẽm nên ăn gì? Các thực phẩm giàu kẽm bao gồm tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, đậu xanh, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng…). Trong đó, kẽm có rất nhiều trong hàu và các loại thịt đỏ. Nếu các thực phẩm bổ sung kẽm cho bé không giúp cải thiện các triệu chứng, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc cho trẻ dùng kẽm bổ sung được bào chế dạng viên hoặc dạng lỏng.
2. Khi nào nên bổ sung kẽm cho bé? Bổ sung kẽm và canxi cho trẻ sơ sinh có lợi ích gì?
Đối với việc bổ sung kẽm cho bé qua thực phẩm chức năng, mẹ nên đợi khi bé được ít nhất từ 6 tháng đến 1 tuổi. Nguyên nhân là vì trẻ dưới 6 tháng cần được ưu tiên bú sữa mẹ, nguồn dinh dưỡng có chứa hàm lượng kẽm dồi dào. Khi trẻ lớn hơn và đặc biệt là khi trẻ có triệu chứng thiếu kẽm như biếng ăn, chậm lớn, hay ốm vặt, tiêu chảy, vết thương chậm lành… thì mẹ mới nên bổ sung kẽm cho con qua dạng viên uống hoặc dạng nhỏ giọt.
Đối với câu hỏi bổ sung kẽm và canxi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có lợi ích gì? Mẹ cần biết rằng kẽm và canxi đều là 2 khoáng chất cần cho sự phát triển của trẻ. So với bổ sung kẽm, việc bổ sung canxi cũng quan trọng không kém để giúp trẻ phát triển xương răng, đặc biệt là ngăn ngừa còi xương. Tuy nhiên, mẹ không nên cho bé bổ sung cùng lúc 2 chất này mà nên tách ra vì canxi có thể cản trở sự hấp thu kẽm.
3. Có nên bổ sung kẽm liên tục cho bé trong thời gian dài? Nên bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh trong bao lâu?
Tình trạng thiếu kẽm có thể khiến một số vấn đề sức khỏe như tiêu chảy, viêm phổi… trở nên nghiêm trọng hơn và làm tăng nguy cơ tử vong nên việc bổ sung đủ kẽm cho trẻ là rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ thắc mắc rằng có nên bổ sung kẽm liên tục cho bé trong thời gian dài hay không thì câu trả lời là không cần thiết. Thay vào đó, mẹ nên bổ sung kẽm cho trẻ theo từng đợt, bao gồm khoảng 2 – 3 đợt mỗi năm.
Đối với vấn đề “mẹ nên bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh trong bao lâu?” thì câu trả lời là mỗi đợt bổ sung kẽm cho trẻ trong 1 năm có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Nếu trẻ bị tiêu chảy nghiêm trọng liên quan đến thiếu kẽm, mẹ cần bổ sung kẽm liên tục cho trẻ từ 10 – 14 ngày với hàm lượng kẽm khuyến nghị là khoảng 10 mg/ngày đối với trẻ dưới 6 tháng và 20 mg/ngày đối với trẻ trên 6 tháng.
4. Bổ sung kẽm và vitamin C cho bé có những lợi ích gì?
Sự kết hợp giữa các vitamin và khoáng chất trong cơ thể là điều cần thiết để duy trì sự khỏe mạnh. Đối với trẻ nhỏ, bổ sung đồng thời kẽm và vitamin C thường được khuyến cáo vì sự kết hợp này tăng cường công dụng của mỗi chất và mang đến những lợi ích cho sức khỏe như:
- Cả vitamin C và kẽm đều là những chất chống oxy hóa giúp tiêu diệt các gốc tự do có hại, từ đó ngăn ngừa bệnh tật và tăng cường miễn dịch cho trẻ
- Vitamin C và kẽm đều có tác dụng chống viêm và giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng
- Bổ sung vitamin C và kẽm có thể có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các loại vi-rút gây ra phản ứng viêm trong cơ thể, chẳng hạn như virus cúm, cảm lạnh…
5. Bổ sung kẽm magie cho bé như thế nào là hiệu quả?
Bổ sung kẽm magie cho bé có công dụng chính trong việc củng cố hệ miễn dịch và giúp con phát triển toàn diện, khỏe mạnh. Sau đây làm hàm lượng kẽm magie bé cần theo độ tuổi:
- Lượng magie mà trẻ cần:
- 1 – 3 tuổi: 80mg/ngày
- 4 – 8 tuổi: 130mg/ngày
- 9 – 13 tuổi: 240mg/ngày
- Lượng kẽm mà trẻ cần:
- 1 – 3 tuổi: 3mg/ngày
- 4 – 8 tuổi: 5mg/ngày
- 9 – 13 tuổi: 8mg/ngày
Trong giai đoạn dưới 6 tháng tuổi, việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể đảm bảo trẻ được bổ sung kẽm magie đầy đủ. Đối với trẻ đến tuổi ăn dặm, mẹ có thể bổ sung kẽm magie cho bé qua các thực phẩm như ngũ cốc, thịt, hải sản có vỏ, sữa, trứng, các loại đậu, các loại rau lá xanh…
6. Dùng thuốc bổ sung sắt và kẽm cho trẻ em cần chú ý điều gì?
Trẻ nhỏ thường có nguy cơ thiếu sắt và kẽm. Nguyên nhân là vì cơ thể thường không hấp thu toàn bộ lượng sắt và kẽm từ thực phẩm mà chỉ hấp thu được một phần. Thêm vào đó, trẻ nhỏ thường dễ nhiễm giun sán, rối loạn tiêu hóa nên cũng gây giảm hấp thu sắt và kẽm. Vì vậy, nhiều trường hợp trẻ có thể cần bổ sung sắt, kẽm từ thực phẩm chức năng.
Đối với việc có được bổ sung sắt và kẽm đồng thời hay không? Câu trả lời là 2 chất này không “cạnh tranh” nhau như nhiều mẹ vẫn nghĩ. Việc bổ sung kẽm không làm giảm hấp thu sắt nên vẫn có thể bổ sung cùng lúc cho trẻ. Tuy nhiên, mẹ vẫn cần chú ý:
- Cho trẻ uống kẽm và sắt trước ăn 30 phút hoặc sau ăn 2 giờ. Tránh cho bé uống sắt, kẽm khi đói vì dễ gây các vấn đề như rối loạn tiêu hóa, giảm khả năng hấp thu
- Tuân theo chỉ định về liều lượng dành cho trẻ theo từng độ tuổi để tránh tình trạng thiếu hoặc thừa vi chất, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe
- Ưu tiên lựa chọn sản phẩm bổ sung sắt, kẽm có nguồn gốc thực vật, không tanh giúp bé hợp tác khi dùng và dễ hấp thu
- Mẹ có thể kết hợp bổ sung sắt, kẽm cùng với vitamin C để kết quả hấp thu tốt hơn.
7. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn có cần bổ sung kẽm không?
Trong hầu hết trường hợp, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn không cần bổ sung kẽm dạng thực phẩm chức năng. Nguyên nhân là vì hàm lượng kẽm trong sữa mẹ rất cao trong 6 tháng đầu sau sinh đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ.
Tuy nhiên, sau khi trẻ được 6 tháng tuổi thì lượng kẽm trong sữa mẹ thường giảm dần. Vì vậy, trẻ cần được ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng có chứa kẽm. Nếu trẻ biếng ăn hoặc có những dấu hiệu thiếu kẽm, mẹ sẽ cần bổ sung thêm kẽm dạng lỏng hoặc viên uống cho trẻ để đáp ứng nhu cầu hàng ngày.
8. Với trẻ trong giai đoạn ăn dặm, làm thế nào có thể đảm bảo bé nhận đủ kẽm?
Sữa mẹ thường cung cấp đủ kẽm cho bé trong giai đoạn 4 đến 6 tháng đầu. Tuy nhiên, khi trẻ đến tuổi ăn dặm, mẹ cần ưu tiên thực phẩm có chứa kẽm phù hợp với độ tuổi của trẻ chẳng hạn như:
- Các loại bột ngũ cốc dinh dưỡng chế biến sẵn có bổ sung kẽm cho trẻ nhỏ
- Thịt (ví dụ thịt bò, thịt lợn…)
- Sản phẩm từ sữa (ví dụ như sữa chua, phô mai…)
- Cá (ví dụ cá bơn…)
- Động vật có vỏ (ví dụ như hàu, cua…)
- Các loại đậu (ví dụ như đậu Hà Lan…)
9. Có cần bổ sung kẽm cho trẻ dậy thì không? Dùng trong bao lâu?
Kẽm là một trong những dưỡng chất cần cho cơ thể ở mọi lứa tuổi. Đối với trẻ dậy thì, bổ sung kẽm là điều quan trọng để đáp ứng nhu cầu nâng cao hệ miễn dịch, phát triển thể chất lẫn chức năng sinh dục. Việc bị thiếu kẽm có thể khiến trẻ rụng tóc, mất vị giác hoặc khứu giác, mắc bệnh nhiễm trùng thường xuyên, gặp vấn đề về sinh sản khi trưởng thành…
Do đó, trong giai đoạn dậy thì, cơ thể của trẻ cần được bổ sung đủ kẽm với hàm lượng cao hơn khoảng từ 8 đến 11 mg kẽm mỗi ngày. Nếu chế độ ăn không đáp ứng được, trẻ có thể cần bổ sung kẽm qua thực phẩm chức năng. Nhiều mẹ thường thắc mắc trẻ dậy thì cần bổ sung kẽm trong bao lâu? Nếu trẻ không có bệnh lý nào, liệu trình bổ sung kẽm cho trẻ thường kéo dài từ 4 đến 12 tuần mỗi đợt và trong 1 năm mẹ có thể cho trẻ bổ sung kẽm khoảng 2 đến 3 đợt.
Kẽm là vi chất cần cho sự phát triển của trẻ nhỏ cho đến khi trưởng thành. Hàm lượng kẽm mà trẻ cần sẽ thay đổi theo độ tuổi và có xu hướng tăng dần. Do đó, mẹ cần bổ sung đủ kẽm cho bé đúng cách và đúng liều lượng để đảm bảo con phát triển khỏe mạnh, tránh nguy cơ thiếu kẽm.
[embed-health-tool-vaccination-tool]