backup og meta

Trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng là do đâu? Có nguy hiểm không?

Trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng là do đâu? Có nguy hiểm không?

Lần đầu nhìn thấy da trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng chắc chắn sẽ khiến bạn không khỏi lo lắng không biết con bị bệnh gì và phải làm sao. 

Trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng là hiện tượng rất thường gặp. Theo thống kê, có khoảng 20% trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng sau sinh vài ngày hoặc vài tuần. Nhìn chung, đa phần các nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, bạn vẫn cần biết cách chăm sóc da bé khi con bị nổi mụn đầu trắng để tránh dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng khác. 

Trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng là do đâu?  

trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng
Trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng trên đầu, má, cằm, trán
Nổi mụn mủ trắng ở trẻ sơ sinh có thể là:
  • Mụn sữa
  • Bệnh chàm

Đa phần, mụn đầu trắng ở trẻ sơ sinh chủ yếu là mụn sữa (mụn trứng cá sơ sinh hay nang kê). Mụn sữa là vấn đề về da rất thường gặp ở trẻ nhỏ trong vài tuần hoặc vài tháng sau sinh.  

Biểu hiện cụ thể là trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng nhỏ li li ở những vị trí dễ thấy như má, cằm, trán. Nhìn chung, tình trạng nổi mụn đầu trắng này không nguy hiểm, không gây đau hay khó chịu cho trẻ và sẽ tự khỏi sau vài ngày nên mẹ không cần quá lo. 

Hiện nguyên nhân gây mụn sữa ở trẻ sơ sinh vẫn chưa được biết chính xác. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho rằng tình trạng này có thể là do một số hormone của mẹ chuyển sang cho bé thông qua nhau thai trong 3 tháng cuối thai kỳ. Điều này khiến da của bé sản xuất nhiều bã nhờn, gây nên mụn đầu trắng. Ngoài ra, cũng có thể liên quan đến chế độ ăn hoặc việc mẹ dùng thuốc khi cho bé bú. 

Ngoài nguyên nhân là mụn sữa thì trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh chàm. Ở giai đoạn đầu, bệnh chàm và mụn sữa có thể giống nhau nên đôi khi khó phân biệt.

Tuy nhiên, nếu là bệnh chàm thì các mụn nhỏ li ti có thể chứa dịch, mọc thành từng mảng, khiến bé ngứa ngáy, khó chịu. Sau khi mụn nước vỡ ra, vùng da có thể bị ửng đỏ, khô và đóng vảy. 

Trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng có nguy hiểm không? 

Nếu mụn đầu trắng chủ yếu là mụn sữa, trẻ không ngứa ngáy, khó chịu hoặc có bất cứ biểu hiện bất thường nào thì bạn không cần lo. Chỉ cần chú ý chăm sóc da bé đúng cách thì tình trạng này sẽ dần được cải thiện. 

Còn với bệnh chàm, các triệu chứng có thể khiến bé ngứa ngáy, dẫn đến việc quấy khóc, mệt mỏi, bỏ bú nên tốt nhất bạn nên đưa bé đi khám để có cách điều trị phù hợp. 

Ngoài ra, nếu bé bị nổi mụn đầu trắng do chàm thì bạn cũng cần chú ý hơn khi chăm sóc da bé bởi nếu không có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm da, lở loét, sưng tấy, tổn thương da vĩnh viễn và để lại sẹo.  

Phải làm sao khi bé bị nổi mụn đầu trắng? 

trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng

Nếu không có bất cứ triệu chứng nào bất thường, bé cũng không ngứa ngáy, khó chịu khi nổi mụn đầu trắng thì bạn không cần can thiệp nhiều. Sau vài ngày, tình trạng nổi mụn đầu trắng ở trẻ nhỏ có thể tự khỏi. 

Trường hợp sau vài ngày, mụn đầu trắng xuất hiện nhiều, bạn có thể can thiệp bằng cách dùng nước muối sinh lý để vệ sinh vùng da bị mụn cho bé để vết mụn nhanh khô và sát khuẩn. Nếu tình trạng mụn vẫn không hết hoặc có thêm các triệu chứng khác thì bạn nên đưa bé đi khám.  

Ngoài ra, khi trẻ sơ sinh nổi mụn trắng, bạn cũng cần chú ý chăm sóc da cho bé theo một vài bí quyết sau: 

  • Vệ sinh da mặt bé sạch sẽ, rửa mặt cho bé bằng nước ấm mỗi ngày. Khi vệ sinh, bạn chỉ nên dùng nước, xà phòng dịu nhẹ dành riêng cho bé.
  • Không tự ý nặn mụn hay dùng tay/khăn chà sát lên các vết mụn vì như vậy có thể khiến da bé bị lở loét, sưng, viêm nhiễm và mưng mủ. Khi lau mặt cho bé chỉ nên lau nhẹ nhàng theo chuyển động tròn. 
  • Không tự ý mua thuốc về bôi cho trẻ, nhất là các loại thuốc trị mụn dành cho người lớn có chứa retinoids hoặc erythromycin.
  • Cân nhắc khi dùng các mẹo dân gian như dùng sữa mẹ, dùng lá tắm để điều trị tình trạng trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng. Chẳng hạn, nhiều người cho rằng dùng sữa mẹ thoa lên vùng da bị mụn của trẻ sẽ giúp giảm mụn hiệu quả. Nhưng thực tế, điều này có thể không được khuyến khích bởi sữa mẹ để lâu ngoài không khí nếu thoa lên mặt bé sẽ dễ gây ra nhiễm trùng.
  • Không vệ sinh da mặt bé bằng cách sản phẩm chứa nhiều chất tẩy rửa, hương liệu, chất tạo bọt, chất bảo quản vì điều này khiến da bé dễ bị kích ứng và khiến mụn trở nên nghiêm trọng hơn.  
Trong quá trình chăm sóc, nếu bạn thấy trẻ có các biểu hiện như:  
  • Có dấu hiệu viêm nhiễm 
  • Bé có biểu hiện ngứa ngáy, khó chịu, đau đớn 
  • Mụn đầu trắng chuyển thành mụn đầu đen, mụn bọc có mủ  
  • Các vết mụn không biến mất mà có dấu hiệu bùng lên dữ dội 

Bạn nên đưa bé đi khám ngay. Bác sĩ có thể cho bé dùng kem dưỡng da 2,5% benzoyl peroxide hoặc cũng có thể cho dùng kháng sinh như erythromycin hoặc isotretinoin để điều trị. 

Ngoài các nguyên nhân kể trên, một số trường hợp hiếm gặp, trẻ sơ sinh nổi mụn trứng cá có thể đến từ các nguyên nhân nguy hiểm như nhiễm khuẩn, nhiễm virus, dị ứng, khối u, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh (CAH) và các bệnh liên quan nội tiết.  

Do đó, nếu trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng, bạn cần chú ý theo dõi và quan sát. Nếu tình trạng này không hết hoặc đi kèm với các triệu chứng bất thường khác thì tốt nhất bạn nên đưa bé đi khám. 

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Baby Acne https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17822-baby-acne Ngày truy cập: 3/11/2021 

Milia https://raisingchildren.net.au/guides/a-z-health-reference/milia Ngày truy cập: 3/11/2021 

Why Do Babies Get Baby Acne? https://stmg.org/babies-get-baby-acne/ Ngày truy cập: 3/11/2021 

Basics About Your Newborn Baby’s Body https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=1&contentid=2747 Ngày truy cập: 3/11/2021 

Skin care for your baby https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2528704/ Ngày truy cập: 3/11/2021 

Phiên bản hiện tại

31/07/2024

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Nguyễn Thụy Ngọc Quỳnh


Bài viết liên quan

Trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài: Bố mẹ cần làm gì?

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 31/07/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo