Lần đầu nhìn thấy da trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng chắc chắn sẽ khiến bạn không khỏi lo lắng không biết con bị bệnh gì và phải làm sao.
Trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng là hiện tượng rất thường gặp. Theo thống kê, có khoảng 20% trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng sau sinh vài ngày hoặc vài tuần. Nhìn chung, đa phần các nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, bạn vẫn cần biết cách chăm sóc da bé khi con bị nổi mụn đầu trắng để tránh dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng khác.
Trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng là do đâu?
Sau khi chào đời, trẻ sơ sinh có thể trải qua nhiều vấn đề khác nhau về da. Tình trạng phổ biến mà các mẹ hãy nhận thấy đó là trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng. Thông thường, vấn đề này không nguy hiểm nhưng mẹ cần phân biệt được các triệu chứng, nguyên nhân gây mụn đầu trắng để có hướng xử lý, chăm sóc da phù hợp cho con. Sau đây là hai nguyên nhân chính gây ra mụn đầu trắng ở trẻ sơ sinh:
1. Trẻ sơ nổi mụn đầu trắng là do mụn sữa (Milia)
Đa phần, mụn đầu trắng ở trẻ sơ sinh chủ yếu là mụn sữa (còn gọi là nang kê, mụn hạt kê). Mụn sữa là vấn đề về da rất thường gặp ở trẻ nhỏ trong vài tuần hoặc vài tháng sau sinh.
Nguyên nhân
Vì sao trẻ sơ sinh nổi mụn sữa vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân chính xác. Tuy nhiên, nhiều giả thiết cho rằng tình trạng này có thể là do một số hormone của mẹ chuyển sang cho bé thông qua nhau thai trong 3 tháng cuối thai kỳ. Điều này khiến da của bé sản xuất nhiều bã nhờn, gây nên mụn đầu trắng. Ngoài ra, các nguyên nhân khác có thể bao gồm:
- Các tế bào da chết mắc kẹt gần bề mặt da dẫn đến việc hình thành những nốt nhỏ màu trắng nổi trên da của bé.
- Chế độ ăn hoặc việc mẹ dùng thuốc khi mang thai cũng như khi cho bé bú.
- Cơ thể bé quá nóng, da bé tiếp xúc nước bọt, xà bông không phù hợp, chất liệu quần áo thô ráp… cũng có thể gây nổi mụn.
- Trẻ gặp vấn đề về bệnh lý, chẳng hạn như phì đại tuyến bã.
Vùng da bị ảnh hưởng
Mụn sữa là các nốt mụn nhỏ màu trắng hoặc vàng nhạt, thường không có nhân mụn và không gây viêm đau. Trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng hay còn gọi là mụn sữa phổ biến ở những vị trí dễ thấy như xung quanh mũi, má, cằm, trán.
Điều trị
Khoảng 50% trẻ khỏe mạnh nổi mụn sữa khi mới sinh và thường tự khỏi sau vài tuần hoặc vài tháng. Vì vậy, mẹ có thể yên tâm rằng hầu hết trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng do sự xuất hiện của mụn sữa là không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu sau khoảng 3 tháng mà mụn sữa không biến mất thì mẹ nên đưa bé đi khám da liễu để được điều trị. Trong lúc đó, mẹ cũng có thể chăm sóc, cải thiện mụn sữa cho con tại nhà bằng cách:
- Rửa bằng cho bé hàng ngày bằng nước sạch
- Khi tắm cho bé xong nên lau khô da bé một cách nhẹ nhàng
- Không chà xát các đốm mụn trên da bé để tránh kích ứng
- Tránh cho bé dùng các sản phẩm dưỡng da chứa dầu, đặc biệt là không nên tùy tiện bôi kem hoặc thuốc lên vùng da bé đang nổi mụn sữa.
2. Trẻ sơ nổi mụn đầu trắng là do bệnh chàm
Ngoài nguyên nhân là mụn sữa thì trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh chàm hay còn gọi là chàm sữa, lác sữa. Ở giai đoạn đầu, bệnh chàm và mụn sữa có thể giống nhau nên đôi khi khó phân biệt. Tuy nhiên, nếu là bệnh chàm thì các mụn nhỏ li ti có thể chứa dịch, mọc thành từng mảng, khiến bé ngứa ngáy, khó chịu. Sau khi mụn nước vỡ ra, vùng da có thể bị ửng đỏ, khô và đóng vảy.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh chàm ở trẻ vẫn chưa được xác định rõ. Mặc dù vậy, nhiều nghiên cứu cho rằng bệnh chàm có thể do di truyền, dễ bùng phát hơn khi da khô hoặc khi da bé tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, kích ứng như mạt bụi, xà phòng, chất tẩy rửa, nước dãi quanh cằm và miệng…
Vùng da bị ảnh hưởng
Bệnh chàm thường phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong 6 tháng đầu đời. Đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, các vết chàm thường xuất hiện ở má, cằm hoặc trán. Khi trẻ lớn hơn, phát ban do chàm có thể lan đến khuỷu tay, đầu gối và các vùng nếp gấp trên da.
Điều trị
Nếu trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng là do bệnh chàm, mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc bôi phù hợp cho con, chẳng hạn như corticosteroid tại chỗ hoặc thuốc mỡ steroid và nên dùng đúng chỉ định từ bác sĩ. Bên cạnh đó, mẹ có thể chăm sóc làn da của bé bằng cách:
- Tắm nước ấm cho trẻ trong thời gian ngắn, khoảng 5 – 10 phút mỗi lần và sử dụng xà phòng hoặc sữa tắm dịu nhẹ, phù hợp với làn da nhạy cảm của con.
- Bôi kem dưỡng ẩm cho bé 2 lần mỗi ngày. Nếu trẻ dùng phấn rôm hay nước hoa thì nên chọn sản phẩm lành tính, dịu nhẹ.
- Ưu tiên bột giặt, nước xả vải… dành riêng cho quần áo em bé, phù hợp với da nhạy cảm.
Trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng có nguy hiểm không?
Nếu mụn đầu trắng chủ yếu là mụn sữa, trẻ không ngứa ngáy, khó chịu hoặc có bất cứ biểu hiện bất thường nào thì bạn không cần lo. Chỉ cần chú ý chăm sóc da bé đúng cách thì tình trạng này sẽ dần được cải thiện.
Còn với bệnh chàm, các triệu chứng có thể khiến bé ngứa ngáy, dẫn đến việc quấy khóc, mệt mỏi, bỏ bú nên tốt nhất bạn nên đưa bé đi khám để có cách điều trị phù hợp.
Ngoài ra, nếu bé bị nổi mụn đầu trắng do chàm thì bạn cũng cần chú ý hơn khi chăm sóc da bé bởi nếu không có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm da, lở loét, sưng tấy, tổn thương da vĩnh viễn và để lại sẹo.
Những tình trạng có thể nhầm lẫn với mụn đầu trắng ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh có thể gặp nhiều vấn đề da khác nhau không chỉ có mụn đầu trắng do mụn sữa hoặc chàm sữa. Sau đây là một số tình trạng da khác mà mẹ có thể nhầm lẫn với mụn đầu trắng:
1. Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh
Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện từ 2 đến 4 tuần sau khi sinh. Đây là tình trạng phổ biến và chỉ xảy ra tạm thời nên thường tự khỏi mà không cần điều trị, cũng không để lại vết thâm trên da bé.
Nguyên nhân
So với tình trạng trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng trên mặt, mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh cũng là tình trạng không rõ nguyên nhân. Một số giả thuyết cho rằng trẻ mới sinh nổi mụn trứng cá có thể là do tiếp xúc với hormone trước khi sinh hoặc tắc nghẽn lỗ chân lông do nhiều bã nhờn chứ không do bất kỳ loài vi khuẩn nào gây ra.
Vùng da bị ảnh hưởng
Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh là những nốt mụn viêm màu đỏ hoặc trắng, có thể chứa mủ. Mụn này thường xuất hiện trên mặt, cổ, lưng và ngực của bé.
Điều trị
Khác với mụn trứng cá ở người lớn, mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh thường tự khỏi sau khoảng 3 đến 4 tuần mà không cần điều trị và không để lại vết thâm. Mẹ không nên tự bôi thuốc cho bé mà cần dùng theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp trẻ cần đi khám, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc bôi như:
- Thuốc kháng nấm ketoconazole
- Thuốc steroid bôi ngoài da hiệu lực thấp như hydrocortisone.
Bên cạnh đó, mẹ có thể chăm sóc trẻ bị mụn trứng cá tại nhà bằng cách:
- Làm sạch da bé bằng nước ấm, sau đó lau khô nhẹ nhàng, tránh chà xát da của bé
- Tránh cho con dùng bất kỳ sản phẩm dưỡng da nào có dầu hoặc có nguy cơ gây bít tắc lỗ chân lông
- Lau sạch vùng da của bé nếu da bị dính thức ăn thừa, nước bọt, chất nôn…
2. Ban đỏ nhiễm độc ở trẻ sơ sinh (Erythema Toxicum Neonatorum – ETN)
Ban đỏ nhiễm độc là một loại phát ban trên da phổ biến ở trẻ sơ sinh đủ tháng và khỏe mạnh. Không giống như tên gọi, ban đỏ nhiễm độc là tình trạng da vô hại, chỉ kéo dài từ 3 ngày đến 2 tuần và thường tự khỏi.
Nguyên nhân
Hiện không rõ nguyên nhân chính xác gây ra ban đỏ nhiễm độc ở trẻ sơ sinh. Một số giả thuyết cho rằng trẻ gặp phải tình trạng này là do tuyến bã nhờn chưa phát triển hoàn thiện. Bên cạnh đó, ban đỏ nhiễm độc xuất hiện cũng được xem là một phản ứng với vi khuẩn trong quá trình trẻ đang phát triển hệ miễn dịch.
Vùng da bị ảnh hưởng
Triệu chứng đặc trưng của ban đỏ nhiễm độc là xuất hiện những nốt nhỏ chứa dịch, trông giống như mủ nhưng phải do nhiễm trùng. Phát ban cũng có thể trông như các mảng đỏ, thường nổi lên ở những bộ phận như mặt, ngực, cánh tay và chân của bé. Ban đỏ nhiễm độc ở trẻ có thể xảy ra ngay khi sinh hoặc sau sinh vài ngày, thường không liên quan đến các triệu chứng khác và không gây sốt.
Điều trị
Ban đỏ nhiễm độc ở trẻ sơ sinh thường biến mất sau khoảng 14 ngày từ khi hình thành, có thể tái phát sau vài tuần nhưng cũng tự khỏi và không cần điều trị. Khi chăm sóc bé tại nhà, mẹ cần:
- Dùng khăn mềm lau người cho bé cho đến khi rụng rốn, thường kéo dài khoảng 1 – 4 tuần.
- Trẻ sơ sinh chỉ cần tắm từ 2 – 3 lần mỗi tuần, nên dùng nước ấm và sữa tắm dịu nhẹ dành riêng cho trẻ sơ sinh
- Tránh nặn và chạm quá nhiều vào các nốt mụn trên da bé.
3. Mụn mủ đầu mặt ở trẻ sơ sinh (neonatal cephalic pustulosis –NCP)
Mụn mủ đầu mặt có thể là một biến thể của mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh và cũng dễ gây nhầm lẫn với tình trạng trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác gây ra mụn mủ đầu mặt ở trẻ sơ sinh vẫn chưa thể xác định rõ. Tình trạng này đang được cho là có liên quan đến việc trẻ nhiễm khuẩn Malassezia, không liên quan đến tuyến bã nhờn.
Vùng da bị ảnh hưởng
Mụn mủ đầu mặt ở trẻ sơ sinh thường bắt đầu xuất hiện vào khoảng tuần thứ 3 sau sinh với các nốt mụn tập trung chủ yếu ở vùng da đầu và vùng mặt như trán, mí mắt, má, cằm. Khác với mụn trứng cá, mụn mủ đầu mặt là loại mụn không có nhân.
Điều trị
Hầu hết các trường hợp trẻ nổi mụn mủ đầu mặt thường không cần điều trị. Mẹ chỉ cần chăm sóc làn da bé qua việc rửa mặt cho con bằng nước ấm nhẹ nhàng, dùng sữa tắm dầu gội chuyên dụng cho trẻ sơ sinh và tránh các sản phẩm dưỡng da chứa dầu.
Một số trường hợp mụn mủ đầu mặt gây tổn thương, ảnh hưởng làn da bé thì mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc điều trị bằng thuốc. Thông thường, bác sĩ có thể đề xuất cho bé bôi ketoconazole 2% 2 lần/ngày hoặc hydrocortisone 1% 1 lần/ngày để nhanh loại bỏ tổn thương.
4. Rôm sảy
Tình trạng trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng cũng dễ nhầm lẫn với rôm sảy vì cả hai đều xuất hiện dưới dạng các nốt mụn nhỏ trên da trẻ sơ sinh, nhưng chúng vẫn có những đặc điểm khác nhau giúp mẹ phân biệt.
Nguyên nhân
Rôm sảy không phải là mụn đầu trắng vì đây là những nốt mẩn đỏ trên da, trông giống như đầu kim có chứa dịch và thường phát triển trong điều kiện thời tiết nóng bức. Nguyên nhân chính gây rôm sảy là do mồ hôi kẹt lại trong lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có xu hướng dễ bị rôm sảy hơn người lớn là do ống dẫn mồ hôi ở trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh. Hơn nữa, trẻ sơ sinh thường xuyên nằm trên giường, mặc nhiều lớp quần áo và bị quấn chặt trong khăn nên sẽ tạo điều cho rôm sảy phát triển.
Vùng da bị ảnh hưởng
Rôm sảy là một dạng phát ban có thể gây ngứa, châm chích khiến bé khó chịu quấy khóc nhiều hơn. Mọi nơi trên cơ thể đều có thể xuất hiện rôm sảy nhưng các nốt phát ban này thường phát triển nhiều ở các vùng da dễ đổ mồ hôi như trán, nếp gấp cổ, ngực, lưng, nách, vùng mặc tã…
Điều trị
Rôm sảy ở trẻ có thể không cần điều trị bằng thuốc và biến mất sau vài ngày. Mẹ có thể xoa dịu các triệu chứng cho bé bằng cách:
- Duy trì việc tắm cho bé bằng nước mát và sữa tắm dịu nhẹ. Mẹ cũng có thể dùng khăn ẩm mát để lau mồ hôi cho bé, đặc biệt là ở vùng cổ, nách, háng… nhưng cần chú ý giữ da bé luôn khô thoáng.
- Cho bé mặc quần áo mỏng, rộng rãi, thoáng khí. Nếu có thể, thi thoảng mẹ nên cho bé “ở không” (không cần mặc quần áo cho bé) để da được tiếp xúc với không khí.
- Cho bé sinh hoạt ở phòng có điều hòa hoặc máy quạt làm mát.
- Tránh cạy, nặn, chà xát, gãi… các nốt rôm sảy để tránh nhiễm trùng.
- Không nên bôi thuốc mỡ, kem dưỡng chứa dầu lên da bé để tránh tắc tuyến mồ hôi.
Nếu trẻ có những dấu hiệu như phát ban không biến mất sau 3 ngày điều trị tại nhà, sốt, bú kém, ăn ít, nhiễm trùng da (chảy mủ, đau, khó chịu…) thì mẹ nên đưa bé đi khám.
Phải làm sao khi bé bị nổi mụn đầu trắng?
Chăm sóc tại nhà
Nếu không có bất cứ triệu chứng nào bất thường, trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng nhưng không ngứa ngáy, khó chịu thì không cần dùng thuốc. Sau vài ngày, tình trạng nổi mụn đầu trắng ở trẻ nhỏ có thể tự khỏi.
Trường hợp sau vài ngày, mụn đầu trắng xuất hiện nhiều, bạn có thể can thiệp bằng cách dùng nước muối sinh lý để vệ sinh vùng da bị mụn cho bé để vết mụn nhanh khô và sát khuẩn. Tùy thuộc vào vấn đề da bé đang gặp phải mà mẹ có thể chọn giải pháp xử lý phù hợp nhưng nhìn chung, nếu tình trạng nổi mụn không nguy hiểm mẹ chỉ cần chăm sóc bé theo những lời khuyên sau:
- Vệ sinh da mặt bé sạch sẽ, rửa mặt cho bé bằng nước ấm mỗi ngày. Khi vệ sinh, bạn chỉ nên dùng nước, sữa tắm dầu gội dịu nhẹ dành riêng cho bé.
- Không tự ý nặn mụn hay dùng tay/khăn chà sát lên các vết mụn vì như vậy có thể khiến da bé bị lở loét, sưng, viêm nhiễm và mưng mủ. Khi lau mặt cho bé chỉ nên lau nhẹ nhàng theo chuyển động tròn.
- Không tự ý mua thuốc về bôi cho trẻ, nhất là các loại thuốc trị mụn dành cho người lớn có chứa retinoids hoặc erythromycin.
- Cân nhắc khi dùng các mẹo dân gian như dùng sữa mẹ, dùng lá tắm để điều trị tình trạng trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng. Chẳng hạn, nhiều người cho rằng dùng sữa mẹ thoa lên vùng da bị mụn của trẻ sẽ giúp giảm mụn hiệu quả. Nhưng thực tế, điều này có thể không được khuyến khích bởi sữa mẹ để lâu ngoài không khí nếu thoa lên mặt bé sẽ dễ gây ra nhiễm trùng.
- Không vệ sinh da mặt bé bằng cách sản phẩm chứa nhiều chất tẩy rửa, hương liệu, chất tạo bọt, chất bảo quản vì điều này khiến da bé dễ bị kích ứng và khiến mụn trở nên nghiêm trọng hơn.
Trẻ sơ sinh bị nổi mụn đầu trắng: Khi nào cần đi khám?
Mặc dù trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng do mụn sữa hoặc chàm sữa thường không nguy hiểm nhưng trong quá trình chăm sóc tại nhà, nếu bạn thấy trẻ có các biểu hiện như:
- Có dấu hiệu viêm nhiễm sốt, bú kém, chảy dịch mủ…
- Bé có biểu hiện ngứa ngáy, khó chịu, đau đớn
- Mụn đầu trắng chuyển thành mụn đầu đen, mụn bọc có mủ
- Các vết mụn không biến mất mà có dấu hiệu bùng lên dữ dội…
Bạn nên đưa bé đi khám ngay. Bác sĩ có thể cho bé dùng kem dưỡng da 2,5% benzoyl peroxide hoặc cũng có thể cho dùng kháng sinh như erythromycin hoặc isotretinoin để điều trị.
Ngoài các nguyên nhân kể trên, một số trường hợp hiếm gặp, trẻ sơ sinh gặp các vấn đề da khác như nổi mụn trứng cá và có thể đến từ các nguyên nhân nguy hiểm như nhiễm khuẩn, nhiễm virus, dị ứng, khối u, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh (CAH) và các bệnh liên quan nội tiết.
Do đó, dù cho trẻ sơ sinh nổi mụn đầu trắng hoặc bất kỳ loại mụn nào, bạn cần chú ý theo dõi và quan sát. Nếu tình trạng này không hết hoặc đi kèm với các triệu chứng bất thường khác thì tốt nhất bạn nên đưa bé đi khám.
[embed-health-tool-vaccination-tool]