backup og meta

Áp dụng kỷ luật tích cực để bé hạnh phúc, ba mẹ an lòng

Áp dụng kỷ luật tích cực để bé hạnh phúc, ba mẹ an lòng

Kỷ luật tích cực là phương pháp giáo dục giúp bạn không còn phải la mắng hay phạt đòn khi con có hành vi không tốt. Khi đó, bé cũng sẽ cảm nhận được tình thương của ba mẹ sâu sắc hơn cũng như tự tin và yên tâm hơn mỗi ngày.

Thói quen phạt con khi bé quấy phá, không nghe lời hay có xung đột với mọi người xung quanh không những gây tổn thương cho con mà còn khiến ba mẹ mệt mỏi. Nếu muốn thay đổi điều này, bạn có thể tìm hiểu phương pháp kỷ luật tích cực để tạo cho bé môi trường học hỏi, rèn luyện an toàn, vui vẻ và ấm áp cũng như vun đắp mối quan hệ đầy tôn trọng với bé. 

Kỷ luật tích cực là gì?  

Kỷ luật tích cực là tiếp cận tập trung vào việc cha mẹ hiểu được lý do, động cơ đằng sau hành vi của trẻ, từ đó có hướng dẫn trẻ thay thế bằng các hành vi mới đúng mực và an toàn hơn. Phương pháp này nêu bật tính chất nhân từ và cương quyết. Thể hiện ở việc: đầu tiên, cha mẹ cần nỗ lực hiểu con cái, vì sao con lại hành động như vậy. Tiếp theo là sau khi đã hướng dẫn, quy định lại các chuẩn mực hành vi, cha mẹ cần kiên định trong việc điều hướng con tuân thủ chúng hoàn toàn.

Kỷ luật tích cực là phương pháp giáo dục trẻ hướng đến một môi trường tích cực, hỗ trợ thúc đẩy việc học và phát triển của bé. Đây là phương pháp giáo dục tập trung khuyến khích những hành vi đúng, đề ra và duy trì những nguyên tắc phù hợp tâm sinh lý của bé thay vì trừng phạt hành vi chưa tốt.

Vậy nên, phương pháp kỷ luật tích cực sẽ không làm tổn thương về thể chất cũng như tinh thần của trẻ. Thay vào đó, phương pháp này hỗ trợ bé rèn luyện tinh thần kiên định nhưng vẫn linh hoạt cũng như xây dựng được mối quan hệ tôn trọng giữa ba mẹ và con cái.

Phân biệt giữa kỷ luật tích cực và hình thức phạt:

Kỷ luật tích cực Phạt
Thưởng cho hành vi đúng ở trẻ: Lời khen, sự công nhận, phần thưởng thực tế … Bỏ qua nỗ lực của trẻ, cho rằng hành vi đúng là lẽ đương nhiên.
Hướng dẫn trẻ điều chỉnh cách ứng xử lại cho đúng, cung cấp hành vi thay thế cho hành vi không phù hợp. Chú trọng vào việc phạt hành vi sai mà thiếu hướng dẫn trẻ cách sửa sai. 
Tôn trọng trẻ: 

– Khẳng định với trẻ hành vi đó là sai một cách ngắn gọn, từ tốn nhưng cương quyết.

– Động viên trẻ vượt qua sự xấu hổ vì làm sai và khuyến khích trẻ áp dụng hành vi thay thế mới.

– Quát mắng lớn tiếng

– Làm trẻ xấu hổ để trẻ không dám lặp lại hành vi: mắng trẻ ở nơi đông người, kể lỗi của trẻ với người khác trước mặt trẻ…

– Gọi trẻ bằng biệt danh, dán nhãn (chậm như rùa, hậu đậu…)

Không sử dụng các biện pháp bạo lực thể chất dưới mọi hình thức.  Các hành vi bạo lực thể chất: tét, đánh…
Khi trẻ phạm lỗi, trò truyện, giải thích hậu quả của hành vi sai (ví dụ khi trẻ đánh bạn thì cả trẻ và bạn đều gặp nguy hiểm), hướng dẫn trẻ cách ứng xử mới thay thế cho bạo lực và thống nhất với trẻ nếu hành vi bạo lực lặp lại, trẻ sẽ phải nhận những hệ quả như: mất đi thời gian xem tivi buổi tối, phải ở nhà vào cuối tuần thay vì đi dã ngoại… Đe dọa bằng vũ lực hoặc quát mắng.

Lợi ích của phương pháp kỷ luật tích cực

kỷ luật tích cực

Một số ưu điểm của cách giáo dục kỷ luật tích cực có thể kể đến là:

  • Xây dựng môi trường tích cực cho bé: Phương pháp kỷ luật tích cực giúp ba mẹ tạo được môi trường an toàn, ấm áp, từ đó bé sẽ tự tin và có động lực để phát triển tốt hơn. Cách giáo dục dài hạn này có thể giúp bé hiểu rõ các quy tắc, mong đợi từ ba mẹ cũng như rèn luyện tinh thần tự giác, kỷ luật thay vì chỉ nghe lời vì sợ bị phạt.
  • Khích lệ bé học tập và phát triển: Kỷ luật tích cực tập trung vào khen ngợi, khuyến khích những hành vi tốt. Điều này giúp tạo động lực cho bé học hỏi, phát triển những kỹ năng cần thiết. Từ đó, bé sẽ có thêm khả năng xử lý vấn đề khó khăn trong học tập và cuộc sống.
  • Xây dựng mối quan hệ tốt giữa ba mẹ và con cái: Cách giáo dục không bạo lực về thể chất hay ngôn từ này sẽ giúp xây dựng mối quan hệ đầy tin tưởng, tôn trọng giữa ba mẹ và các con. Bé sẽ có điều kiện được lắng nghe, được ghi nhận khi có hành vi tốt ​​và có người đồng hành trong hành trình phát triển.
  • Hỗ trợ bé rèn các kỹ năng xã hội quan trọng: Khi được sống và phát triển trong môi trường lành mạnh, tôn trọng và chan hòa, bé sẽ học được những kỹ năng tương tác xã hội, kiểm soát cảm xúc, giải quyết xung đột, làm việc nhóm, tự kỷ luật… Đây là những kỹ năng nền tảng cần thiết cho quá trình học tập và trong cuộc sống sau này.

7 nguyên tắc khi thực hiện kỷ luật tích cực với trẻ

kỷ luật tích cực

Khi áp dụng kỷ luật tích cực trong việc dạy con, các bậc cha mẹ cần nhớ 7 nguyên tắc sau.

1. Hiểu nhu cầu đằng sau hành vi của trẻ 

Một trong những nguyên tắc quan trọng trong kỷ luật tích cực là phải hiểu được nhu cầu đằng sau hành vi của trẻ.

Từ đó, lợi ích thứ nhất là bản thân cha mẹ cũng sẽ giảm bớt tức giận, dễ khoan dung, thông cảm cho trẻ hơn. Tiếp theo là tìm ra hành vi thay thế phù hợp, vừa thỏa mãn nhu cầu của trẻ, vừa hợp với các ứng xử xã hội và hướng dẫn trẻ áp dụng.

Ví dụ như khi bé có hành vi bạo lực bạn bè, hãy trò chuyện với trẻ về lý do khiến trẻ hành động như vậy, tìm ra nhu cầu chính đáng cần được thỏa mãn của trẻ. Giải thích với trẻ rằng bạo lực là hành vi gây hại cho bản thân trẻ và cả người khác, từ đó đề xuất với trẻ hành vi thay thế. 

Hành vi của trẻ Nhu cầu chính đáng của trẻ Hành vi thay thế
Bạo lực với bạn bè Trẻ đang tự vệ
® Nhu cầu an toàn.
Báo cáo với thầy cô hoặc cha mẹ thay vì tự mình gây nguy hiểm cho bản thân và bạn bè.
Trẻ muốn thu hút sự chú ý của các bạn trong lớp, thể hiện bản thân mạnh mẽ
® Nhu cầu được công nhận
Tập trung phát triển những thế mạnh cá nhân như học tập hay các sở thích khác: âm nhạc, thể thao…

– Tham gia các câu lạc bộ, cuộc thi trong lĩnh vực trẻ yêu thích.

 

Đối với cha mẹ, bạn sẽ dễ bình tĩnh, thông cảm cho trẻ hơn khi biết bé chỉ muốn được an toàn hoặc công nhận, thay vì suy nghĩ trẻ đang hư, cư xử xấu. 

2. Luôn bình tĩnh khi trò chuyện cùng con

Ba mẹ cần kiểm soát cảm xúc bản thân trò chuyện, chia sẻ hay hướng dẫn bé để phương pháp kỷ luật tích cực đạt kết quả tốt nhất. Thái độ bình tĩnh, nhẹ nhàng nhưng vẫn kiên quyết sẽ giúp bé dễ dàng hiểu được vấn đề mà không cảm thấy bị phê phán. Bên cạnh đó, đây cũng sẽ tấm gương để bé học cách kiểm soát cảm xúc của chính mình.

Nếu đang nóng giận vì hành vi của con, bạn có thể tạm thời im lặng và đếm chậm rãi từ 1-10 để lấy lại bình tĩnh rồi mới trò chuyện cùng con. Ví dụ như khi con ném đồ chơi dù bạn đã nhắc nhở nhiều lần, hãy giữ im lặng để bình tĩnh lại rồi nói: “Con ném bạn xe tải hoài như vậy bạn sẽ buồn lắm đó, con có biết không!”

3. Ngăn chặn mọi hành vi không đúng mực của bé

Ba mẹ cần đặt ra một số nguyên tắc hành xử cho bé và ngăn chặn mọi hành vi sai lệch với nguyên tắc đó dù là nhỏ nhất. Khi phát hiện bé có hành vi không tốt, bạn hãy ngăn chặn và điều chỉnh sớm thay vì để bé tự nhận ra lỗi của mình và sửa chữa. Những hành vi không đúng nếu không được ngăn chặn kịp thời có thể sẽ thành thói quen theo bé tới khi lớn đấy. 

4. Chú ý và ghi nhận hành vi tốt của bé

Khi bé có hành vi tích cực, ba mẹ cần thể hiện sự quan tâm, động viên, khen ngợi với bé. Điều này không những giúp bé có động lực thực hiện hành vi tốt mà còn hạn chế trường hợp bé có hành vi không tốt vì muốn thu hút sự chú ý của người lớn. Bạn có thể khen ngợi bé bằng những câu đơn giản nhưng cụ thể như “Ồ, con đã dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong à, giỏi quá!”.

5. Tránh sử dụng những từ ngữ mang tính tiêu cực

kỷ luật tích cực

Một điều cần chú ý khi áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực là tránh sử dụng những từ tiêu cực, mang tính cấm đoán hay phê phán quá mức. Thay vào đó, bạn có thể gợi ý những hành vi tích cực để thay đổi hành vi tiêu cực của con. 

Cụ thể hơn, bạn nên tránh những từ như “đừng”, “không được”, “không”, “hư quá”, “dừng ngay”… mà thay bằng “con hãy”, “con có muốn”, “hay là con”… Những từ ngữ mang hàm ý gợi ý, đề nghị hay khuyến khích sẽ giúp bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn vì không bị kiểm soát, ra lệnh.

Ví dụ, khi bé quấy khóc trong siêu thị, ba mẹ có thể nhờ con tìm mua món ăn con thích thay vì ra lệnh cho bé giữ trật tự.

6. Cho bé biết bạn mệt mỏi hoặc buồn phiền vì hành vi của trẻ, không phải bạn không yêu trẻ nữa

Do độ tuổi còn nhỏ nên trẻ chưa nhận thức được việc cha mẹ giận hay buồn phiền là  hướng đến hành vi của trẻ, không phải thực sự cha mẹ đang ghét trẻ hay không cần trẻ. Nỗi sợ lớn nhất của bé là không còn được cha mẹ yêu thương và bênh vực. Vậy nên với suy nghĩ trên, cũng với việc bị cha mẹ la mắng, phạt mà không giải thích, trẻ dễ rơi vào hoảng sợ, giận giữ và phản ứng ngày càng mạnh.

Bạn không cần né tránh, mà hãy thẳng thắn cho trẻ biết bạn không hài lòng về hành vi của trẻ, nhưng cần làm rõ điều khiến bạn phiền lòng là hành vi, không phải là bản thân trẻ. Bạn vẫn luôn yêu thương trẻ và trao cho trẻ cơ hội để thay đổi hành vi.

  • Mẹ không vui với việc con đánh bạn cùng lớp. Nếu sau này, bạn còn tiếp tục lấy đồ và dọa sẽ đánh con, con hãy báo với cô giáo hoặc ba mẹ và mẹ sẽ rất vui để cùng con giải quyết vấn đề.
  • Việc con bày bừa đồ chơi khiến mẹ không vui và mệt mỏi. Nếu con dọn dẹp sau khi chơi, mẹ sẽ rất hài lòng. 

Khi bạn giao tiếp chân thành và bình tĩnh, bé sẽ đồng cảm và kiểm soát hành vi của mình để tránh ảnh hưởng đến mọi người.

7. Hạn chế thưởng vật chất cho hành vi tốt của bé

Việc thường xuyên thưởng quà vật chất cho bé khi con có hành vi tốt có thể khiến bé có tâm lý phải được thưởng mới thực hiện những hành vi tốt đó. 

Mẹo kỷ luật tích cực cho trẻ ở từng độ tuổi

kỷ luật tích cực theo độ tuổi

Ở mỗi độ tuổi, bé sẽ có tâm sinh lý khác nhau nên cách kỷ luật tích cực cũng sẽ khác nhau. Bạn cần đồng hành cùng hành trình phát triển của bé để hiểu cách áp dụng phù hợp nhất với bé: 

1. Kỷ luật tích cực cho trẻ nhỏ

Với trẻ nhỏ, ba mẹ hãy tập trung làm gương những hành vi tốt và thiết lập quy tắc cho con.

  • Trẻ nhỏ học hỏi bằng cách quan sát mọi người xung quanh. Vậy nên, bạn hãy làm gương về hành vi bạn mong đợi bé thực hiện. 
  • Sử dụng ngôn ngữ tích cực để dẫn dắt hành vi của trẻ. Ví dụ, bạn hãy nói “Đến lúc ngồi xuống rồi” thay vì “Không đứng nữa”. Tránh nói từ “không” nếu chưa phải tình huống nguy hiểm hay những vấn đề quan trọng khác. 
  • Hướng sự chú ý của bé vào những món đồ chơi an toàn và tránh để bé thấy các vật nguy hiểm hay không phù hợp với độ tuổi của mình. Bạn có thể dùng đồ chơi an toàn để đánh lạc hướng bé, từ đó trao đổi đồ món chơi đó để lấy đồ vật nguy hiểm mà bé đang cầm. 
  • Thiết lập các quy tắc nhất quán để bé có thể tuân thủ. Bạn cũng cần trao đổi với vợ/chồng của mình, các thành viên khác trong gia đình và người chăm sóc bé về những quy tắc này để đảm bảo độ nhất quán.

2. Kỷ luật tích cực cho trẻ ở độ tuổi tập đi

Đến độ tuổi tập đi, bé có thể nóng nảy và có một số hành vi tiêu cực do chưa biết giới hạn của ba mẹ và mọi người.

  • Con đã bắt đầu hiểu những gì mình được phép và không được phép làm nhưng có thể thử một số quy tắc để xem phản ứng của ba mẹ. Vậy nên, hãy ghi nhận và khen ngợi những hành vi tích cực cũng như ngăn chặn những hành vi tiêu cực. Bạn có gợi ý bé chuyển đổi hoạt động khi cần. 
  • Bé có thể sẽ nóng nảy hơn vì phải làm quen với nhiều kỹ năng và tình huống mới. Bạn có thể đoán biết một số nguyên nhân khiến bé quấy phá như mệt mỏi hoặc đói và ngăn chặn hành vi quấy quá này bằng cách cho trẻ ăn và ngủ đúng giờ. 
  • Ngăn chặn các hành vi bạo lực như đánh hay cắn ở trẻ bằng cách làm gương về những hành vi nhẹ nhàng, bình tĩnh. Bạn có thể làm gương bằng cách không đánh trẻ và xử lý xung đột bằng cách trò chuyện bình tĩnh. 
  • Nhất quán trong việc áp dụng các quy tắc, giới hạn. Bạn có thể cho trẻ thời gian ở một mình yên tĩnh để kiểm soát lại cảm xúc nếu cần. 
  • Nếu có xung đột giữa các con, bạn hãy lắng nghe các bé nhưng tránh đứng về phe với bất cứ bé nào. Ví dụ, nếu các bé tranh giành một món đồ chơi, bạn có thể cất món đồ chơi đó đi.

3. Kỷ luật tích cực cho trẻ ở tuổi mẫu giáo

kỷ luật tích cực

Bé ở độ tuổi mẫu giáo đã bắt đầu tìm hiểu về tác động của hành vi của mình. Ba mẹ cần tiếp tục duy trì nguyên tắc ứng xử cho bé cũng như làm gương về những hành vi tích cực.

  • Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo vẫn đang học hỏi về thế giới xung quanh và muốn hiểu xem hành vi của mình có tác động gì. Trong quá trình học hỏi các hành vi phù hợp, bé có thể vẫn sẽ thử giới hạn của ba mẹ và mọi người xung quanh đối với hành vi của mình. Vậy nên, ba mẹ sẽ cần tiếp tục khích lệ hành vi tốt và điều chỉnh hành vi chưa tốt của con. 
  • Bắt đầu giao việc phù hợp với lứa tuổi của con, chẳng hạn như dọn dẹp đồ chơi. Ba mẹ hãy hướng dẫn bé từng bước một và khen ngợi khi bé hoàn thành. 
  • Khi bé có hành vi tiêu cực, đưa ra nhiều lựa chọn chuyển hướng hành vi để bé chọn và đặt ra các giới hạn hợp lý. 
  • Khuyến khích con đối xử với người khác theo cách bé muốn được đối xử. 
  • Giải thích cho bé rằng tức giận là cảm giác bình thường nhưng bé không được làm tổn hại đến người khác hoặc làm hỏng đồ đạc khi tức giận. Hướng dẫn bé kiểm soát cảm giác tức giận theo những cách tích cực, chẳng hạn như trò chuyện về vấn đề khiến bé khó chịu. 
  • Nếu bé có xung đột, hãy cho trẻ ở một mình để bình tĩnh lại hoặc loại bỏ nguyên nhân gây xung đột.

4. Kỷ luật tích cực cho trẻ ở bậc tiểu học

Khi bé bắt đầu tới trường, bạn có thể sẽ cần trò chuyện với giáo viên của bé để thống nhất trong việc áp dụng kỷ luật tích cực. 

  • Con đang bắt đầu hành thành ý thức về đúng và sai. Bạn hãy trò chuyện về những hành vi tốt và hành vi xấu bé có thể thực hiện trong những tình huống khó khăn và kết quả mà hành vi bé chọn sẽ mang lại. 
  • Trò chuyện với bé về kỳ vọng của ba mẹ và hậu quả có thể xảy ra khi bé không tuân thủ các quy tắc đã đề ra. 
  • Trao cho trẻ nhiều quyền tự do hơn khi trẻ tuân thủ các quy tắc ứng xử tốt
  • Tiếp tục khuyến khích và làm gương về sự kiên nhẫn, quan tâm và tôn trọng mọi người
  • Nếu trường bé theo học cho phép kỷ luật bằng các hình thức ảnh hưởng tới thể chất hay tinh thần của bé, bạn cần trò chuyện với giáo viên để không áp dụng các hình thức kỷ luật này với con. 

5. Kỷ luật tích cực cho thiếu niên và thanh thiếu niên

Ở độ tuổi đã có thể ra quyết định độc lập này, ba mẹ cần dành thời gian trò chuyện với con để hướng bé đến những quyết định tích cực.

  • Khi con đã phát triển được nhiều kỹ năng ra quyết định độc lập hơn, bạn cần cân bằng môi trường yêu thương và hỗ trợ với những kỳ vọng, quy tắc và ranh giới rõ ràng. 
  • Tiếp tục thể hiện tình cảm và sự quan tâm cho con bằng các dành thời gian trò chuyện với con mỗi ngày. Điều này sẽ khuyến khích con có quyết định tốt hơn.
  • Tìm hiểu về bạn bè của con và trò chuyện về tinh thần trách nhiệm và sự tôn trọng trong mối quan hệ. 
  • Ghi nhận những nỗ lực, thành tích và thành công trong hành vi của con. Ví dụ, bạn có thể khen ngợi khi con từ chối sử dụng thuốc lá hay rượu bia. Bên cạnh đó, ba mẹ cũng hãy tiếp tục làm gương về những hành vi tích cực để con noi theo.

6. Cha mẹ khỏe mạnh sẽ giúp thực hiện kỷ luật tích cực tốt nhất

Quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ nhỏ không thể tránh khỏi những khó khăn, mệt mỏi. Đặc biệt là khi áp dụng kỷ luật tích cực. Biện pháp này mang đến một nền tảng vững chắc cho trẻ, vậy nên cũng đòi hỏi ở cha mẹ rất nhiều sự kiên nhẫn, nhất quán và đặc biệt là nhiều thời gian hơn dành cho trẻ.

Để tránh cho cha mẹ trở nên quá tải và mệt mỏi, bạn hãy nhớ dành thời gian tự chăm sóc chính mình và tìm đến những tư vấn chuyên môn từ các chuyên gia nếu cần nhé. Sau đây là một số cách giúp cha mẹ duy trì và có thêm năng lượng:

  • Duy trì nhịp ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ: Hãy ăn đúng bữa với những thực phẩm lành mạnh và đảm bảo giờ ngủ đủ và đúng đồng hồ sinh học.
  • Tập thể dục: Nhiều cha mẹ gộp chung việc chăm sóc trẻ cũng như tập thể dục. Thực tế, khi đó tâm trí bạn đang tập trung vào trẻ chứ không phải cơ thể chính mình. Vậy nên dù một khoảng thời gian ngắn mỗi ngày, bạn cũng nên duy trì một lịch tập thể dục đều đặn, khi mà bạn sẽ chỉ tập trung vào cơ thể mình khi luyện tập.
  • Giữ liên lạc với bạn bè, đồng nghiệp, người thân: Việc quá tập trung vào trẻ cũng sẽ khiến bạn thêm căng thẳng và quá tải. Vậy nên đôi lúc hãy hướng bản thân ra ngoài bằng các cuộc nói chuyện ngắn, tin nhắn hay gặp mặt với các mối quan hệ thân thiết khác nhé.
  • Đều đặn thực hiện các sở thích: Nghe nhạc, xem phim, thủ công, chăm sóc da, làm tóc… bất cứ hoạt động nào bạn yêu thích, hãy lên lịch làm nó một cách đều đặn để thưởng cho những nỗ lực của bản thân.
  • Biết cách từ chối những “trách nhiệm không đáng có”: Khi trở thành cha mẹ là bạn đã thêm vào rất nhiều công việc cần phải ưu tiên hàng đầu, nhưng sức khỏe và thời gian của bạn thì vẫn chỉ có như trước, không thay đổi, vậy nên việc bỏ bớt đi những tác vụ, trách nhiệm khác để tránh quá tải là điều cần thiết. Tùy vào từng trường hợp, bạn có thể xác định đâu là việc bản thân không muốn dự phần và học cách từ chối một cách nhẹ nhàng nhưng cương quyết.
  • Gần gũi với thiên nhiên: Cây xanh, bầu trời, hồ nước… Thiên nhiên được khoa học chứng minh giúp giảm căng thẳng, giúp thư giãn rất tốt.

Kỷ luật tích cực là phương pháp giúp bạn xây dựng được môi trường tích cực an toàn, đầy yêu thương để con học tập và phát triển. Sống trong môi trường này, bé sẽ hướng đến những hành vi tốt, bỏ dần các hành vi không đúng và xây dựng được mối quan hệ lành mạnh với ba mẹ mà mọi người xung quanh đấy.

[embed-health-tool-child-growth-chart]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

What’s the Best Way to Discipline My Child? https://www.healthychildren.org/English/family-life/family-dynamics/communication-discipline/Pages/Disciplining-Your-Child.aspx Ngày truy cập: 11/10/2024

How to Discipline Your Child with Love

https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=1&contentid=4586  Ngày truy cập: 11/10/2024

Effective discipline for children

https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC2719514/  Ngày truy cập: 11/10/2024

How To Discipline a Child Who Won’t Listen

https://health.clevelandclinic.org/discipline-top-dos-and-donts-when-your-kids-wont-listen Ngày truy cập: 11/10/2024

How to discipline your child the smart and healthy way

https://www.unicef.org/parenting/child-care/how-discipline-your-child-smart-and-healthy-way  Ngày truy cập: 11/10/2024

Phiên bản hiện tại

29/10/2024

Tác giả: Như Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sương

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Trẻ bị kiến cắn: Cách xử lý đúng chuẩn y khoa, giảm đau ngứa hiệu quả

Bé mấy tháng ăn được cơm nát? Tổng hợp cách nấu cơm nát cho bé tập ăn


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sương

Tâm thần · Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 29/10/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo