Trẻ bị nổi mẩn đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài dấu hiệu nổi mẩn, cha mẹ cũng cần quan sát những đặc điểm khác như mẩn đỏ có ngứa hay không, có xuất hiện mụn nước vỡ chảy dịch, đóng vảy không…
Thật khó để trả lời ngay việc trẻ bị nổi mẩn đỏ có nguy hiểm hay không vì cần phải đánh giá nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác kèm theo. Bài viết sau đây, Hello Bacsi sẽ cung cấp tất cả những thông tin liên quan đến tình trạng trẻ bị nổi đỏ và những điều cần chú ý, để từ đó giúp các bố mẹ có thể bước đầu đánh giá được tình trạng của bé yêu.
Trẻ bị nổi mẩn đỏ là như thế nào?
Trẻ bị nổi mẩn đỏ là tình trạng xuất hiện các đốm sần, nổi lên trên da có màu hồng đỏ nhìn giống như muỗi đốt. Các nốt mẩn đỏ có thể khu trú cục bộ ở 1 phần cơ thể hoặc lan rộng trên diện tích lớn. Trẻ bị nổi mẩn đỏ có thể kèm theo ngứa hoặc không, đôi khi nổi mẩn cùng mụn nước gây chảy dịch, đóng vảy.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nổi mẩn đỏ trên da trẻ em. Cha mẹ cần biết cách đánh giá sơ bộ để nhận biết tình trạng trẻ bị nổi mẩn đỏ do đâu, từ đó có cách xử trí phù hợp.
Điểm mặt 15 nguyên nhân khiến trẻ bị nổi mẩn đỏ thường gặp
1. Bé bị nổi mẩn đỏ và ngứa
1.1. Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ do hăm da
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mặc tã, bỉm quá chật có thể gây hăm da và nổi mẩn đỏ ở vùng da mặc tã như háng, đùi. Vùng da bị nổi mẩn có thể có màu hồng đỏ hoặc tím tùy vào màu da của trẻ, thường gây ngứa ngáy, đau, khó chịu. Một số trường hợp hăm tã nặng khiến vùng da tổn thương có thể trông như bị ăn mòn, lở loét.
Hăm da thường xảy ra do da tiếp xúc lâu với nước tiểu hoặc phân tại các vùng da có nếp gấp hoặc do nhiễm nấm hoặc do cọ xát với tã, bỉm bị chật.
1.2. Do dị ứng mề đay
Trẻ có thể bị nổi mẩn đỏ do tình trạng dị ứng mề đay. Một số trẻ bị dị ứng nổi mẩn đỏ khắp người và cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu.
Nổi mề đay là tình trạng da nổi lên những mảng màu đỏ, từng cụm, có thể trông giống như vết muỗi đốt. Khi ấn vào, vết nổi mề đay thường chuyển sang màu trắng hoặc biến mất. Mề đay có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể và thường gây ngứa ngáy hoặc cảm giác châm chích.
Tình trạng nổi mề đay thường là biểu hiện của phản ứng dị ứng với thực phẩm (như đậu phộng, hải sản), phấn hoa, một số loại thuốc, vết đốt của côn trùng… Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đều có khả năng bị dị ứng mề đay gây nổi mẩn đỏ trên da.
1.3. Trẻ bị nổi mẩn đổ là do côn trùng đốt/ chích/ cắn
Những vết đốt của côn trùng như vết ong đốt, bọ chó cắn, vết muỗi đốt, rệp giường cắn… có thể truyền nọc độc gây dị ứng và nổi mẩn đỏ ở trẻ em. Một số loại côn trùng tiết ra các chất có độc tố mạnh còn có khả năng gây nên tình trạng sốc phản vệ rất nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của trẻ. Vì vậy, ba mẹ phải hết sức cẩn thận và để ý đến trẻ khi con tham gia vui chơi ở vùng có khả năng có nhiều loài côn trùng nguy hiểm.
Nếu trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt, côn trùng cắn, cha mẹ cần theo dõi thêm các triệu chứng khác như sốt, co giật, buồn nôn, nôn mửa, ngủ li bì… để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện nếu thấy những dấu hiệu nghiêm trọng.
1.4. Bệnh chàm
Bệnh chàm cũng khá phổ biến ở trẻ nhỏ, khiến da đỏ, khô, ngứa, sần sùi, bị kích ứng và đôi khi có thể nổi mụn. Theo thời gian, da của bé bị bệnh chàm có thể dày hơn, đóng vảy, bong tróc và đổi màu.
Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh chàm vẫn chưa được biết rõ. Có quan điểm cho rằng bệnh chàm xảy ra do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường khiến hệ miễn dịch phản ứng thái quá với một số tác nhân nhất định, chẳng hạn như bột giặt, nước xả vải hoặc mồ hôi.
Trẻ thường bị nổi những vết chàm ở má, khuỷu tay, đầu gối, da đầu và mu bàn tay với biểu hiện giống như nổi mẩn đỏ trên da nhưng lớp da thường dày lên, tạo vảy bong tróc.
1.5. Bé bị bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ xảy ra do sự xâm nhập và đẻ trứng của loài ve Sarcoptes scabiei qua lớp da trên cùng. Loài ve này gây ra những tổn thương trên da với triệu chứng phổ biến nhất là nổi mẩn ngứa trông như vết muỗi đốt nhưng nhỏ hơn.
Trẻ thường nổi ghẻ ở cổ tay, khuỷu tay, kẽ giữa các ngón tay và khuỷu chân. Bệnh rất dễ lây lan giữa người với người qua tiếp xúc da kề da hoặc dùng chung đồ đạc.
1.6. Viêm da tiếp xúc
Trẻ bị nổi mẩn đỏ cũng có thể do viêm da tiếp xúc. Đây là tình trạng phát triển các phản ứng dị ứng khi da tiếp xúc với các dị nguyên như mủ cao su, kim loại, sản phẩm gia dụng…
Viêm da tiếp xúc có thể gây ngứa, đau, viêm và phồng rộp da. Việc điều trị có thể phải mất đến 2 – 3 tuần.
1.7. Nhiễm nấm da
Nhiễm nấm da cũng là một nguyên nhân khiến trẻ bị nổi mẩn đỏ, thường kèm theo ngứa ngáy, dễ khiến trẻ gãi trầy xước da gây thêm nhiễm trùng. Tình trạng này thường xảy ra vào mùa nắng nóng, trẻ dễ ra mồ hôi khiến da ẩm ướt tạo điều kiện cho nấm da phát triển.
2. Bé bị nổi mẩn đỏ nhưng không ngứa
2.1. Bệnh tay chân miệng
Ở giai đoạn đầu của bệnh tay chân miệng, trẻ thường bị nổi mẩn đỏ ở lòng bàn tay, ở chân và nổi mẩn đỏ xung quanh miệng. Về sau, các mụn nước nhỏ, màu đỏ bắt đầu nổi lên nhiều hơn và gây ngứa.
Trẻ bị nổi mẩn đỏ do tay chân miệng có thể trông mệt mỏi, biếng ăn hơn bình thường, đặc biệt khi có mụn nước xuất hiện trong khoang miệng gây đau rát, khó chịu khi ăn uống. Cha mẹ cần lưu ý không để trẻ gãi, nặn, chích, gỡ các nốt mụn nước vỡ ra vì có thể gây nhiễm trùng, có nguy cơ gặp phải biến chứng nghiêm trọng.
2.2. Bé bị bệnh ban đào
Đây là một bệnh lây truyền qua đường hô hấp do virus gây ra, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi. Bệnh ban đào thường khiến cho trẻ sốt rất cao, từ 39 – 41°C trong 3 – 6 ngày rồi sau đó nổi mẩn đỏ trên thân người và lan sang cổ, cánh tay, mặt…
2.3. Ban đỏ nhiễm khuẩn khiến trẻ bị nổi mẩn đỏ
Đây là bệnh thường xảy ra ở trẻ mới biết đi do virus Parvovirus B19 gây ra. Trẻ bị nổi mẩn đỏ khắp người, bắt đầu từ má, lan sang thân người, mông, cánh tay và chân. Bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn còn khiến trẻ có triệu chứng đau đầu, sổ mũi.
2.4. Tinh hồng nhiệt
Một dạng bệnh do vi khuẩn Streptococcus nhóm A gây ra khiến cho trẻ bị nổi mẩn đỏ khắp người, kèm theo sốt. Ngoài ra, trẻ còn bị đau đầu, nhức mỏi cơ thể, buồn nôn, đau dạ dày hoặc nôn… khi bị sốt tinh hồng nhiệt.
2.5. Bệnh sởi
Bệnh sởi do virus gây ra và có thể lây truyền qua đường hô hấp khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi và dễ bùng phát thành dịch. Sau thời gian ủ bệnh, trẻ sẽ khởi phát các triệu chứng của bệnh sởi với tình trạng sốt cao, viêm đường hô hấp, viêm kết mạc rồi đến giai đoạn toàn phát sẽ bắt đầu nổi mẩn đỏ, phát ban từ sau gáy, trán, mặt lan xuống thân người, đến cả lòng bàn tay, bàn chân. Khi trẻ bớt phát ban, mẩn đỏ thì thân nhiệt cũng giảm dần.
Đến giai đoạn hồi phục, trẻ bị nổi mẩn đỏ sẽ chuyển màu các nốt ban nhạt dần sang màu xám, bong vảy và phấn sẫm màu.
2.6. Thủy đậu
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella gây ra. Đây là một bệnh có thể lây lan nhanh chóng và xảy ra phổ biến ở trẻ em. Biểu hiện ban đầu của bệnh thủy đậu ở trẻ là bị nổi mẩn đỏ kèm theo các mụn nước trên da và niêm mạc, cơ thể sốt cao, suy nhược, mệt mỏi.
2.7. Bệnh chốc lở
Chốc lở cũng là một bệnh do nhiễm trùng dễ lây lan ở trẻ em, phổ biến ở trẻ từ 2 – 6 tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh bị chốc lở có thể gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn. Ban đầu trẻ bị nổi mẩn đỏ trên da nhưng sẽ nhanh chóng hình thành các vết loét và mụn nước đỏ, sau đỏ tạo thành lớp vảy màu vàng.
2.8. Trẻ bị nổi mẩn đỏ do kích ứng với hóa chất
Trẻ bị nổi mẩn đỏ trên da cũng có thể do bị kích ứng với hóa chất, bao gồm:
- Kem chống nắng
- Kem dưỡng ẩm
- Hóa chất có trong dầu gội, dầu xả, sữa tắm của bé
- Xà phòng giặt quần áo và chất làm mềm vải
- Khăn giấy ướt
- Sản phẩm tẩy rửa gia dụng trong gia đình.
Cha mẹ cần đọc kỹ thành phần của các sản phẩm dùng cho trẻ vì làn da của con còn rất mong manh, nhạy cảm với các tác nhân bên ngoài. Tốt nhất, bạn nên sử dụng những sản phẩm dành riêng cho trẻ nhỏ với công thức đã được nghiên cứu, điều chỉnh an toàn cho da bé.
Nhận diện đặc điểm trẻ bị nổi mẩn đỏ thường thấy theo từng nguyên nhân:
Vấn đề trên da | Sốt | Ngứa | Có mụn nước/ chảy dịch | Đóng vảy da |
Hăm da | – | ✔ | – | ✔ |
Mề đay | – | ✔ | – | ✔ |
Bệnh chàm | – | ✔ | – | ✔ |
Bệnh ghẻ | – | ✔ | – | – |
Viêm da tiếp xúc | – | ✔ | Có thể có | – |
Côn trùng cắn | ✔ | ✔ | Có thể có, tùy loại côn trùng cắn/ đốt/ chích | – |
Nấm da | – | ✔ | – | – |
Tay chân miệng | ✔ | Ngứa ở giai đoạn sau khi có mụn nước | ✔ | ✔ |
Bệnh ban đào | ✔ | – | – | – |
Ban đỏ nhiễm khuẩn | ✔ | – | – | – |
Tinh hồng nhiệt | ✔ | – | – | – |
Sởi | ✔ | – | – | ✔ |
Thủy đậu | ✔ | Ngứa sau khi vỡ mụn nước | ✔ | ✔ |
Bệnh chốc lở | ✔ | Có thể ngứa khi bị lở loét | ✔ | ✔ |
Dị ứng với hóa chất | – | Có thể ngứa hoặc không | – | – |
Cha mẹ nên và không nên làm gì khi trẻ bị nổi mẩn đỏ kéo dài?
Khi nhận thấy trẻ bị nổi mẩn đỏ kéo dài, cha mẹ cần cố gắng xác định nguyên nhân để có cách điều trị phù hợp. Cùng với đó, trẻ cũng cần được chú ý chăm sóc để nhanh hồi phục các tổn thương trên da, không gây ra thêm những vấn đề khác.
1. Những điều nên làm khi trẻ bị nổi mẩn đỏ
1.1. Điều trị
Khi xác định được nguyên nhân khiến trẻ bị nổi mẩn đỏ, cha mẹ cần có phương pháp điều trị phù hợp để “xử lý” tác nhân gây bệnh (nếu được), giảm nhẹ các triệu chứng và phòng tránh biến chứng có thể xảy ra. Ví dụ:
- Với trường hợp trẻ bị nổi mẩn đỏ do dị ứng với các hóa chất trong các sản phẩm sử dụng, cha mẹ cần thay đổi sang những sản phẩm khác lành tính hơn. Đồng thời làm dịu vùng da mẩn đỏ bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ, cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát để tránh cọ xát đến vùng da tổn thương.
- Nếu trẻ bị côn trùng cắn/ đốt/ chích gây nổi mẩn đỏ thì cha mẹ cần dọn dẹp lại nhà cửa, phòng ngủ, giặt giũ hết chăn, drap, gối, nệm để loại bỏ chỗ trú ngụ của côn trùng trong nhà. Nếu trẻ có dấu hiệu dị ứng do côn trùng đốt hoặc sốc phản vệ do tiếp xúc với côn trùng có độc tính cao thì hãy đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để được can thiệp điều trị y khoa kịp thời.
- Các trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn gây nổi mẩn đỏ ngoài ra kèm theo nguy cơ bị lở loét, nhiễm trùng như ban đỏ nhiễm khuẩn, tinh hồng nhiệt, bệnh chốc lở thì cha mẹ có thể cho con uống thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
- Trẻ bị nổi mẩn đỏ do nhiễm virus như tay chân miệng, sởi, thủy đậu thì việc dùng thuốc kháng sinh sẽ không có hiệu quả. Các trường hợp này cha mẹ nên chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng ở trẻ, theo dõi tình trạng bệnh và tăng cường sức đề kháng để trẻ tự hồi phục. Để tránh trẻ gãi trầy xước các vùng tổn thương gây nhiễm trùng thêm thì cha mẹ nên cắt ngắn móng tay cho con, giữ vệ sinh thân thể trẻ sạch sẽ.
- Một số tình trạng liên quan đến phản ứng của hệ miễn dịch khiến trẻ bị nổi mẩn đỏ như bệnh chàm, viêm da tiếp xúc, nổi mề đay dị ứng cũng không có thuốc điều trị đặc hiệu. Cha mẹ cần chăm sóc, bảo vệ làn da trẻ để tránh tiếp xúc thêm những tác nhân gây kích ứng khác, giữ độ ẩm cần thiết cho da, tắm rửa sạch sẽ cho trẻ mỗi ngày, tránh cho tích tụ vi khuẩn, nấm bệnh trên da.
- Nếu trẻ bị nổi mẩn đỏ do hăm tã, hăm da, cha mẹ cần lựa chọn loại tã, bỉm khác có kích thước, thiết kế phù hợp hơn cho con. Bên cạnh đó, quần áo cho trẻ cũng cần mỏng nhẹ, thoáng khí, giúp trẻ cảm thấy thoải mái, không gây cọ xát nhiều trên da.
Để giảm bớt triệu chứng ngứa, viêm trên da khi trẻ bị nổi mẩn đỏ, cha mẹ có thể sử dụng một số thuốc bôi ngoài da theo chỉ định của bác sĩ.
1.2. Phòng ngừa
Để hạn chế tình trạng trẻ bị nổi mẩn đỏ như muỗi đốt khắp người, bạn nên áp dụng một số biện pháp phòng ngừa sau:
- Giữ vệ sinh cơ thể cho trẻ, tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày.
- Vệ sinh cơ thể và vệ sinh miệng của trẻ sạch sẽ sau khi cho trẻ ăn và bú.
- Không gian sinh hoạt của bé cần đảm bảo không quá nóng, ngột ngạt hoặc quá ẩm ướt.
- Cắt ngắn móng tay cho trẻ, không để cào, gãi trầy xước vùng da đang bị tổn thương.
- Cho trẻ mặc đồ rộng rãi, thoáng mát, chất liệu cotton.. … Vào mùa đông, cha mẹ nên chọn đồ có chất liệu cotton, len không dặm ngứa… cho bé.
- Đảm bảo trẻ nhận đủ lượng chất lỏng cần thiết. Đối với trẻ còn bú có thể tăng thêm cữ bú trong ngày, trẻ đã ăn dặm thì có thể uống thêm nước hoặc ăn các món ăn loãng, nhiều nước như súp, canh, cháo.
- Giặt drap, chăn mền, gối… thường xuyên
- Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ thông thoáng, không để côn trùng, rệp, muỗi trú ngụ trong nhà.
2. Những điều cần tránh
Ngoài những điều nên làm kể trên, cha mẹ cũng cần tránh những hiểu lầm thường có khi chăm sóc trẻ đang bị nổi mẩn đỏ như:
- Tắm hoặc lau rửa cho trẻ quá kỹ, nhiều lần trong ngày có thể gây ra phản ứng ngược làm kích ứng da.
- Tuyệt đối không được nặn hay làm vỡ mụn ở vùng da bị mẩn đỏ để tránh gây nhiễm trùng.
- Không dùng các loại kem không rõ nguồn gốc thoa lên da trẻ hoặc thoa các chất lạ, các loại tảo dược theo lời truyền miệng của người khác.
- Không dùng các loại sữa tắm có chất tạo bọt, tẩy rửa vì những chất này tiếp xúc với da sẽ khiến da của trẻ bị đỏ và ngứa nặng hơn.
Giải đáp các thắc mắc thường gặp xoay quanh việc trẻ bị nổi mẩn đỏ
1. Bé bị nổi mẩn đỏ khắp người không sốt có nguy hiểm không?
Tình trạng bé bị nổi mẩn đỏ khắp người không sốt có thể là do:
- Dị ứng với thức ăn, các chất hóa học trong những sản phẩm sử dụng ngoài da, phản ứng dị ứng với các tác nhân khác.
- Dấu hiệu của một số bệnh về da ở trẻ như chàm, viêm da tiếp xúc, mề đay…
- Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ có thể do bị hăm da, hăm tã. Vùng da nổi mẩn đỏ có thể ở những nơi thường bị cọ xát với tã hoặc quần áo bó sát với da.
Tình trạng nổi mẩn đỏ không sốt thường có thể tự khỏi và triệu chứng sẽ giảm dần sau vài ngày. Nổi mẩn đỏ không sốt có thể không gây nguy hiểm nhưng cũng khiến trẻ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Tuy nhiên, nếu trẻ bị nổi mẩn đỏ kéo dài hơn 3 ngày và không có dấu hiệu giảm bớt hoặc xuất hiện thêm mụn mủ, vết loét trên da thì bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.
2. Trẻ bị nổi mẩn đỏ ở cổ và mặt có sao không?
Trẻ bị nổi mẩn đỏ ở mặt và ở cổ có thể xuất hiện trong các trường hợp sau:
- Bị rôm sảy
- Hăm da ở vùng cổ, mặt
- Dị ứng thời tiết
- Sốt phát ban
- Viêm da tiết bã
Với các em bé, trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở cổ, trên mặt cũng có khả năng là bị chàm sữa, thường tự biến mất sau một thời gian. Chàm sữa thường gây mẩn đỏ li ti, có vảy ở viền xung quanh nốt mẩn, mọc nhiều ở mặt, cổ.
Tùy theo vấn đề trẻ gặp phải là gì mà mẹ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Nếu cảm thấy lo lắng về tình trạng nổi mẩn đỏ ở cổ và mặt của trẻ thì bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám, tư vấn cách chăm sóc, điều trị.
3. Trẻ bị nổi mẩn đỏ như mề đay kiêng ăn gì?
Khi trẻ bị nổi mẩn đỏ như mề đay thì nên kiêng ăn những thực phẩm sau:
- Đậu phộng (lạc) vì có chứa các thành phần protein dễ gây dị ứng nặng hơn.
- Giảm lượng đường trong những món trẻ ăn uống, lượng đường trong máu tăng cũng có khả năng gây quá mẫn.
- Các loại hải sản, thịt bò, sữa bò cũng là những thực phẩm dễ gây ra phản ứng dị ứng khiến mề đay nặng hơn.
- Thực phẩm cay nóng như tiêu, gừng, ớt…
- Giảm lượng muối trong thức ăn vì có thể gây kích thích thần kinh ngoại biên.
4. Trẻ bị tiêu chảy và nổi mẩn đỏ có phải là triệu chứng của bệnh sởi không?
Trẻ bị tiêu chảy và nổi mẩn đỏ có thể là triệu chứng của bệnh sởi nhưng cũng có khả năng liên quan đến những bệnh lý gây phát ban, nổi mẩn đỏ khác như tay chân miệng, nhiễm trùng gây phát ban. Đây không phải là hai triệu chứng đặc trưng của một vấn đề sức khỏe hay bệnh lý cụ thể nào. Bạn cần phải quan sát thêm nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác kèm theo và đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có được chẩn đoán chính xác.
5. Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ ở sau gáy, lưng và bụng phải làm sao?
Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị nổi mẩn đỏ sau gáy, lưng và bụng có thể dễ bị nóng, hầm da khi trẻ nằm ngửa lâu khiến vùng da này dễ bị kích ứng thêm. Do đó, khi trẻ bị nổi mẩn đỏ ở các vị trí này thì cha mẹ cần chú ý:
- Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát
- Lau người cho trẻ nếu thấy ra mồ hôi ở các vùng da bị nổi mẩn
- Vệ sinh cơ thể trẻ sạch sẽ nhưng không nên tắm quá nhiều có thể gây khô da, kích ứng da nặng thêm
- Giặt giũ mền gối, drap giường, hút bụi giường định kỳ để các tác nhân gây bệnh không trú ngụ trong giường ngủ của trẻ.
- Giữ gìn vệ sinh nhà cửa, đảm bảo không gian sinh hoạt gọn gàng, thoáng mát.
6. Trẻ bị nóng trong nổi mẩn đỏ phải làm sao?
Trẻ bị nóng trong nổi mẩn đỏ thì thường là tình trạng phát ban do nhiệt. Trẻ sẽ bị phát ban, nổi mẩn đỏ khắp cơ thể và tập trung nhiều ở những khu vực ra nhiều mồ hôi như trán, cổ, lưng và các nếp gấp da. Khi cơ thể được giải nhiệt, trẻ ít đổ mồ hôi, thân nhiệt ổn định cũng sẽ làm cho tình trạng nổi mẩn đỏ giảm bớt nhanh chóng.
Do đó, khi trẻ bị nóng trong người gây nổi mẩn đỏ, kể cả trẻ sơ sinh bị nóng nổi mẩn đỏ thì cha mẹ nên:
- Theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ thường xuyên và thực hiện các cách giúp làm mát cơ thể như lau người bằng khăn ấm, mặc quần áo thoáng mát cho trẻ, điều chỉnh nhiệt độ phòng.
- Thường xuyên lau sạch mồ hôi trên da trẻ, nhất là ở các khu vực có nhiều nếp gấp da như cổ, khuỷu tay, háng, khuỷu chân, nách…
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể trẻ, với trẻ nhỏ còn bú sữa thì có thể tăng cữ bú trong ngày. Trẻ ăn dặm có thể tăng cường thức ăn dạng lỏng như súp, cháo loãng, canh…
- Cắt móng tay cho trẻ để tránh con gãi, cào xước vùng da đang nổi mẩn ngứa.
7. Trẻ nổi mẩn ngứa tắm lá gì?
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ bị nổi mẩn đỏ ngứa tắm lá gì cho mau hết là điều mà nhiều cha mẹ tìm kiếm khi nghe về phương pháp dân gian này. Sau đây là những loại lá mẹ có thể dùng để đun nước tắm cho trẻ nổi mẩn ngứa:
- Lá trầu không
- Lá chè xanh
- Lá khế
- Lá kinh giới
- Lá tía tô
- Lá cây dền gai
- Lá và dây khổ qua rừng
- Cỏ mần trầu
Mặc dù việc dùng các loại lá tắm trị ngứa cho bé rất công hiệu, tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn nên thật cẩn trọng khi áp dụng. Những lưu ý mẹ cần nhớ khi muốn cho trẻ bị mẩn đỏ tắm nước lá gồm:
- Rửa sạch mọi bụi bẩn và côn trùng bám trên lá. Ưu tiên dùng các loại lá sạch, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, rửa lá dưới vòi nước chảy nhiều lần, ngâm lá trong nước muối loãng trước khi nấu nước tắm.
- Đảm bảo nước lá tắm sau khi pha ở khoảng 37ºC. Bên cạnh đó, bạn nên để ý đến trẻ và để nước lá tắm đã đun sôi cách xa tầm tay của con.
- Bạn nên lau sơ cho bé bằng nước ấm trước rồi mới tắm nước lá. Cuối cùng, bạn tắm lại một lần nữa với nước ấm để loại bỏ cặn lá có thể còn sót lại trên da trẻ.
Cuối cùng, đừng quên việc xác định nguyên nhân trẻ bị nổi mẩn đỏ là rất quan trọng để có cách điều trị hiệu quả, an toàn. Cha mẹ hãy luôn theo dõi các biểu hiện triệu chứng ở cơ thể trẻ.
[embed-health-tool-vaccination-tool]