backup og meta

Viêm da tiết bã: Làm sao để sống chung với bệnh dễ dàng?

Viêm da tiết bã: Làm sao để sống chung với bệnh dễ dàng?

Bệnh viêm da tiết bã không gây nguy hại đến tính mạng nhưng sẽ khiến người bệnh khó chịu và kém tự tin trong giao tiếp thường ngày. Hiểu về bệnh và biết cách kiểm soát triệu chứng bệnh sẽ giúp bạn “sống chung với bệnh” dễ dàng hơn.

Viêm da tiết bã là gì?

Viêm da tiết bã (hay viêm da tiết bã nhờn) là một trong những bệnh về da thường gặp. Đây là bệnh mãn tính và dễ tái phát. Viêm da tiết bã có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ sơ sinh. Bệnh thường ảnh hưởng đến nhiều vùng da trên cơ thể như da đầu, mặt, ngực hoặc vùng thân trên.

Đôi khi người bệnh có thể nhẫm lẫn dấu hiệu viêm da tiết bã với vẩy nến. Tuy nhiên, bệnh không có những dấu hiệu đặc trưng của vẩy nến như nhiều mảng da bong tróc hoặc những mảng trắng như gàu trên da đầu.

Nguyên nhân gây viêm da tiết bã

Giới y học vẫn chưa hiểu rõ về sinh bệnh học của căn bệnh này. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tìm thấy sự liên quan giữa bệnh và sự tăng sinh của chủng nấm malassezia thường trú trên da. Những sản phẩm chuyển hóa của chúng như acid béo oleic, malassezia, và indole-3-carbaldehyde có thể gây ra các phản ứng viêm da tuyến bã. Từ đó, thành phần lipid và chức năng của hàng rào bảo vệ da bị ảnh hưởng, làm xuất hiện các biểu hiện viêm da tiết bã.

Dấu hiệu thường gặp khi bị viêm da tiết bã nhờn

Bệnh viêm da bã nhờn có những dấu hiệu khác nhau ở người lớn và trẻ sơ sinh, cụ thể:

Dấu hiệu bệnh ở trẻ sơ sinh

viêm da tiết bã

Triệu chứng thường thấy là vảy lan tỏa, dính trên da đầu, hồng ban màu cá hồi, bề mặt có thể tróc vảy và lan xuống vùng nách hoặc nếp bẹn. Bệnh thường không ngứa nên không thấy trẻ quấy khóc, kể cả khi bệnh lan rộng ra.

Tham khảo thêm: Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Viêm da tiết bã ở người lớn

Bệnh thường ảnh hưởng đến da đầu (viêm da tiết bã nhờn ở đầu), viêm da tiết bã ở mặt (rãnh mũi, sau tai, phần trong cung mày) và vùng thân trên.

Biểu hiện điển hình bao gồm:

– Khởi phát vào mùa đông nhưng cải thiện vào mùa hè.

– Ngứa ít.

– Da vùng mặt giữa thường nhờn và khô

– Mảng hồng ban khu trú, tróc vảy hoặc vảy lan rộng trên khắp da đầu.

– Viêm mí mắt khiến mí mắt đỏ, tróc vảy.

– Mảng hồng ban màu cá hồi, đóng vảy, giới hạn không rõ ở vùng nếp 2 bên mặt.

– Mảng hồng ban tróc vảy dạng vòng hoặc hình cánh hoa ở vùng chân tóc và ngực trước

– Phát ban ở vùng nách, dưới ngực, nếp bẹn và các nếp sinh dục.

Viêm nang lông ở má và vùng thân trên.

Ở nhiều trường hợp, bệnh sẽ lan rộng, ảnh hưởng đến cả da đầu, cổ và thân nếu người bệnh không biết cách kiểm soát triệu chứng.

>>> Xem thêm: Triệu chứng các bệnh về da phổ biến ở người lớn và trẻ em

Ai dễ bị viêm da tiết bã?

Ở trẻ sơ sinh, viêm da tiết bã da đầu thường gặp ở trẻ dưới 3 tháng tuổi. Tuy nhiên, bệnh thường tự khỏi khi trẻ được 6-12 tháng.

Ở người lớn, viêm da tiết bã thường gặp ở những người trẻ và người lớn tuổi, đàn ông dễ mắc bệnh hơn phụ nữ.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm da đầu tiết bã hoặc khiến bệnh viêm tuyến bã tiến triển nhanh gồm:

– Da dầu (viêm da tiết bã ở đầu)

– Tiền sử gia đình bị viêm da tiết bã hoặc vảy nến

Ức chế miễn dịch ở người ghép tạng, nhiễm HIV hoặc bị lymphoma

– Người mắc bệnh tâm thần kinh như Parkinson, trầm cảm, liệt thần kinh mặt, tổn thương cột sống, loạn động muộn và một bệnh lý di truyền như hội chứng Down.

– Dùng liệu pháp PUVA để điều trị các bệnh về da

– Thiếu ngủ, stress.

Cách kiểm soát bệnh tại nhà

Đối với trẻ sơ sinh

Tắm, gội cho trẻ bằng những loại dầu dùng cho trẻ em hoặc thoa các loại kem dưỡng ẩm, sau đó nhẹ nhàng làm sạch để loại bỏ những mảng da khô.

Đối với người lớn

Sử dụng những loại dầu gội có chứa phần kháng nấm ketoconazole, ciclopirox, selenium sulfide, zinc pyrithione, hắc ín và salicylic acid có thể dùng 2 lần mỗi tuần trong ít nhất 1 tháng và có thể dùng lâu dài nếu cần thiết.

Bôi kem có thành phần kháng nấm ketoconazole hoặc ciclopirox một lần/ngày trong 2-4 tuần, có thể lặp lại nếu cần thiết.

>>> Đọc thêm: Viêm da tiết bã dùng thuốc gì và chăm sóc da như thế nào cho đúng?

Khi nào người bệnh cần gặp bác sĩ da liễu

viêm da tiết bã

Nếu đã áp dụng các phương pháp trên hơn 2 tuần mà tình trạng bệnh không cải thiện hoặc các trường hợp hồng ban lan rộng kéo dài thì bạn nên gặp bác sĩ da liễu. Khi đó, bác sĩ da liễu sẽ xem xét tình trạng da, mức độ tiến triển của bệnh để đưa ra hướng dẫn điều trị phù hợp.

Viêm da tiết bã là bệnh mãn tính tiến triển theo giai đoạn hoặc cách chăm sóc cơ thể. Để kiểm soát triệu chứng và “sống chung với bệnh”, bạn cần thực hiện đúng hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó, bạn cũng cần thực hành thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để tăng cường miễn dịch cho cơ thể để ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Seborrheic dermatitis. 

http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/seborrheic-dermatitis/basics/definition/con-20031872.

Ngày truy cập: 2/6/2021

Seborrheic dermatitis. 

https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000963.htm

Ngày truy cập: 2/6/2021

Inflammatory Skin Conditions: Eczema, seborrheic dermatitis, and psoriasis

https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/inflammatory-skin-conditions-eczema-seborrheic-dermatitis-and-psoriasis

Ngày truy cập: 2/6/2021

Seborrheic Dermatitis

https://nationaleczema.org/eczema/types-of-eczema/seborrheic-dermatitis/

truy cập: 13/5/2022

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/15663338/

Ngày truy cập: 2/6/2021

Phiên bản hiện tại

18/11/2022

Tác giả: Bác sĩ CKI Tô Lan Phương - Chuyên khoa Da liễu thẩm mỹ

Cập nhật bởi: Phối Linh


Bài viết liên quan

Serum trị mụn: Cách chọn đúng và dùng đúng để da sạch mụn

Điều trị viêm da tiết bã tại nhà với 5 nguyên liệu tự nhiên


Tác giả:

Bác sĩ CKI Tô Lan Phương - Chuyên khoa Da liễu thẩm mỹ

Da liễu · De Lux Beauty Center


Ngày cập nhật: 18/11/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo