Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh: Mẹ cần làm gì để con có giấc ngủ ngon?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Bích Hà · Ngày cập nhật: 24/02/2021

    Giấc ngủ của trẻ sơ sinh: Mẹ cần làm gì để con có giấc ngủ ngon?
    Quảng cáo

    Giấc ngủ của trẻ sơ sinh rất quan trọng đối với sự phát triển của bé. Vậy làm thế nào giúp con yêu có giấc ngủ ngon và hình thành được thói quen ngủ tốt để phát triển đúng chuẩn.

    Trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều, thường khoảng từ 9 đến 12 giờ vào ban đêm và 2 – 5 giờ vào ban ngày. Trong những tuần đầu tiên của cuộc đời bé, hầu hết thời gian ngủ của trẻ sơ sinh trong một giấc ngủ thường không kéo dài hơn 2 đến 4 giờ, kể cả giấc ngủ ban ngày hoặc ban đêm.

    Việc trẻ sơ sinh ngủ không đúng giấc, thời gian trong mỗi giấc ngủ quá ngắn… đôi khi khiến bạn mệt mỏi. Hãy chuẩn bị tâm lý khi con còn nhỏ, bạn sẽ phải làm quen với việc phải thức dậy vài lần vào ban đêm để ru, cho con bú và dỗ bé ngủ lại nhé.

    Tại sao không thể dự đoán được giấc ngủ của trẻ sơ sinh?

    Các chu kỳ ngủ của trẻ sơ sinh ngắn hơn rất nhiều so với người lớn và các giấc ngủ ngắn được cho là cần thiết cho sự phát triển bất thường diễn ra trong não của bé.

    Tất cả những điều không thể đoán trước này là một giai đoạn cần thiết cho sự phát triển của bé và thường không kéo dài.

    Khi nào trẻ sẽ bắt đầu ngủ lâu hơn?

    Từ 6 đến 8 tuần tuổi, hầu hết trẻ nhỏ bắt đầu các giấc ngủ ngày ngắn hơn và giấc ngủ ban đêm diễn ra dài hơn. Tuy nhiên, vào ban đêm, hầu hết các bé thường thức dậy để bú.

    Khoảng 4 đến 6 tháng tuổi, các chuyên gia cho biết hầu hết trẻ nhỏ đều ngủ khoảng từ 8 đến 12 giờ trong một đêm. Khi chạm mốc 6 tháng tuổi, nhiều bé có thể ngủ suốt đêm (ngủ xuyên đêm).

    Giấc ngủ của trẻ sơ sinh: Làm thế nào để thiết lập thói quen ngủ tốt cho bé?

    giấc ngủ trẻ sơ sinh

    Để bé yêu có thói quen ngủ tốt, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ hãy:

    • Cho bé ngủ đúng giờ: Trong 6 đến 8 tuần đầu tiên sau sinh, hầu hết trẻ nhỏ không thể thức lâu hơn 2 giờ. Nếu bạn cho bé đi ngủ trễ hơn khung giờ này, con có thể mệt mỏi và gặp khó khăn khi ngủ.
    • Dạy bé biết sự khác biệt giữa ngày và đêm: Một số trẻ sơ sinh là “cú đêm” và bé sẽ thức khi mọi người muốn chìm vào giấc ngủ. Do đó, bạn có thể bắt đầu dạy bé phân biệt ngày và đêm.
      • Vào ban ngày, lúc bé thức, bạn hãy nói chuyện và chơi với bé càng nhiều càng tốt. Bạn giữ cho nhà, phòng sáng và đừng lo lắng về việc giảm thiểu tiếng ồn như chuông điện thoại, nhạc… Nếu bé ngủ quên trong lúc cho bú, hãy nhẹ nhàng đánh thức bé dậy.
      • Vào ban đêm, khi bé thức dậy giữa chừng, bạn không nên chơi hay trò chuyện với con, không mở thêm đèn, hạn chế tiếng ồn… Làm như vậy thì chẳng bao lâu sau, bé sẽ nhận ra đây là thời gian ban đêm cần phải ngủ.
    • Tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy bé đang mệt mỏi: Theo dõi bé để biết những dấu hiệu cho thấy bé mệt mỏi. Bé có thể giụi mắt, bứt tai hoặc trở nên cáu gắt hơn bình thường. Nếu bạn phát hiện thấy những dấu hiệu này hoặc bất kỳ dấu hiệu buồn ngủ khác, hãy cho bé đi ngủ.
    • Tập thói quen ngủ đêm cho bé: Không bao giờ là quá sớm để tập cho bé thói quen ngủ đêm. Điều này có thể bắt đầu từ những việc đơn giản như cho bé bú, thay đồ ngủ cho bé, hát một bài hát ru và hôn tạm biệt bé.
    • Tập cho bé ngủ một mình: Khi con được 6 – 8 tuần tuổi, bạn có thể đặt bé lên giường khi bé buồn ngủ nhưng vẫn còn thức để con có thể tập tự ngủ một mình.

    Làm thế nào để bảo đảm an toàn cho trẻ trong khi ngủ?

    giấc ngủ của trẻ sơ sinh

    Để bảo đảm an toàn cho trẻ trong khi ngủ, nhất là giảm thiểu nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh, bạn nên:

    • Cho trẻ sơ sinh ngủ một mình trong cũi/nôi với tư thế nằm ngửa kể cả ngủ ban ngày. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ ngạt thở.
    • Nệm dùng cho bé nên chắc chắc (tránh dùng nệm nước hay nệm lò xo…), khoảng cách giữa các thanh chắn của nôi hay cũi không nên rộng hơn 6cm. Điều này nhằm tránh tình trạng đầu bé bị kẹt giữa các thanh chắn.
    • Không bỏ gối, thú nhồi bông hay bất kỳ thứ gì có nguy cơ gây ngạt thở quanh chỗ nằm của con.
    • Nếu trời lạnh, bé có cùng chăn khi ngủ, bạn cần đảm bảo chăn không che lên mặt và đầu của bé. Cần đảm bảo rằng chăn chỉ kéo lên đến ngực bé và được chèn kỹ dưới nệm để tránh xê dịch.
    • Không cho bé tiếp xúc với người hút thuốc, tạo một vùng an toàn không khói thuốc trong phòng ngủ của bé.
    • Nhiệt độ phòng ngủ nên duy trì ở mức mát mẻ, dễ chịu (khoảng 23 – 25 độ C).

    Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài, bé yêu nhà bạn đã có thể ngủ ngon và sớm hình thành thói quen ngủ tốt từ rất sớm.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Bích Hà · Ngày cập nhật: 24/02/2021

    Quảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo