backup og meta

Những thông tin đầy đủ về ốm nghén và giải pháp giảm nhẹ cho bà bầu

Những thông tin đầy đủ về ốm nghén và giải pháp giảm nhẹ cho bà bầu

Ốm nghén là hiện tượng buồn nôn, nôn mửa và cảm giác khó chịu thường xuyên ở mẹ bầu, xảy ra đặc biệt vào buổi sáng hoặc trong suốt cả ngày. Tuy hiện tượng này không đe dọa đến sức khỏe của mẹ bầu hay thai nhi, nhưng nó gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Ốm nghén khi mang thai là một triệu chứng thường gặp ở 70% phụ nữ trong giai đoạn đầu của thai kỳ, đặc biệt từ tuần thai thứ 6-9. Cơn nghén cũng có thể kéo dài hơn ở một số trường hợp. Mức độ nghiêm trọng và thời gian bị nghén khác nhau giữa từng người. Nhìn chung, phụ nữ mang thai lần đầu hoặc mang thai đôi có nguy cơ cao hơn.

Những điều quan trọng về ốm nghén mẹ bầu nên biết

Ốm nghén khi nào và ốm nghén đến tháng thứ mấy thì kết thúc?

Tại sao bầu lại bị nghén? Tình trạng ốm nghén chủ yếu xảy ra do sự thay đổi hormone trong thai kỳ, đặc biệt là sự gia tăng mức độ hormone HCG (Human Chorionic Gonadotropin) và estrogen. Những hormone này giúp hỗ trợ sự phát triển của thai nhi nhưng cũng có thể gây ra cảm giác buồn nôn và nôn mửa ở mẹ bầu. Ngoài ra, sự thay đổi trong cảm nhận mùi và vị cũng là một yếu tố góp phần làm mẹ bầu bị nghén.

Bà bầu ốm nghén

Thông thường, cơn ốm nghén sẽ giảm dần vào cuối tháng thứ ba của thai kỳ (tam cá nguyệt đầu tiên). Tuy nhiên, khoảng 10-20% phụ nữ có thể gặp phải tình trạng nghén kéo dài đến giữa thai kỳ hoặc thậm chí đến khi sinh.

Các yếu tố như mức độ hormone, tình trạng sức khỏe của mẹ bầu (đường huyết thấp, huyết áp không ổn định, thay đổi trong trao đổi chất, thiếu vitamin B6, mất cân bằng kali và magie trong chế độ ăn), yếu tố di truyền và môi trường sống có thể ảnh hưởng đến sự xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của nôn nghén.

Bên cạnh đó, mức độ căng thẳng, lo âu hay cảm xúc tiêu cực, thời tiết nóng bức, say tàu xe cũng có thể làm tình trạng nghén nghiêm trọng hơn.

Quá trình ốm nghén diễn ra như thế nào?

Các triệu chứng ốm nghén bao gồm buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, xây xẩm như khi say tàu xe, nghẹn ở cổ, đói cồn cào và cảm giác mệt mỏi. Cảm giác buồn nôn thường xuyên xảy ra vào buổi sáng nhưng có thể xảy ra suốt cả ngày, gây khó chịu cho mẹ bầu.

Ốm nghén nặng nhất vào tuần thứ mấy? Thông thường, tình trạng ốm nghén nặng xảy ra vào khoảng tuần thứ 8 đến tuần thứ 10 của thai kỳ, sau đó dần giảm dần khi thai nhi phát triển và cơ thể mẹ dần điều chỉnh với những thay đổi do mang thai.

Ốm nghén vào buổi sáng là dạng phổ biến nhất, thường xảy ra ngay sau khi thức dậy. Điều này có thể liên quan đến sự thay đổi mức độ hormone trong cơ thể vào buổi sáng khi thức dậy. Trong khi đó, một số bà bầu có thể gặp phải tình trạng ốm nghén vào buổi tối, điều này có thể do thay đổi hormone hoặc các yếu tố khác như mùi thực phẩm, thức ăn gây khó chịu, tâm lý căng thẳng…

Nhìn chung, nôn nghén gây căng cơ và đau nhức ở bụng nhưng không ảnh hưởng đến thai nhi.

Giải pháp giảm ốm nghén hiệu quả

Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu bị nghén

Bị m nghén nên ăn gì có lẽ là điều mà hầu hết các mẹ bầu đều quan tâm. Theo đó, các bà bầu bị nôn nghén nên ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa và không làm kích ứng dạ dày, chia đồ ăn thành nhiều bữa nhỏ thay vì 3 bữa lớn. Ngoài ra, các món ăn như bánh quy giòn, gạo, trái cây tươi (như chuối, táo), súp nhẹ và các thực phẩm ít dầu mỡ sẽ giúp giảm triệu chứng buồn nôn.

Bà bầu bị buồn nôn nên ăn gì

Danh sách thực phẩm tốt cho mẹ bầu bao gồm:

  • Bánh quy gạo, bánh mì nướng, hoặc các thực phẩm khô, nhẹ
  • Trái cây tươi như chuối, táo, dưa hấu,…
  • Thực phẩm giàu protein như thịt gà luộc, cá hấp,…
  • Các loại rau củ như khoai tây, cà rốt, đậu hà lan,…
  • Sữa chua, bơ đậu phộng, các loại hạt.
  • Các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin B6 như hạt hướng dương, cá, thịt gà,…

Bên cạnh đó, mẹ bầu có thể thử các món ăn đơn giản giúp giảm nghén sau đây:

  • Nước gừng ấm giúp làm giảm cảm giác buồn nôn hiệu quả.
  • Cháo gạo trắng với một chút muối
  • Nước chanh pha loãng hoặc trà chanh nóng.

Mẹ bầu cũng cần lưu ý uống nhiều chất lỏng, đặc biệt là nước lọc trong suốt cả ngày; tránh những loại đồ uống có chứa caffeine.

Lưu ý, những thực phẩm gợi ý phía trên có thể không phù hợp với tất cả mẹ bầu. Vì thế, bạn hãy lắng nghe cơ thể và “chiều chuộng” theo vị giác của mình trong giai đoạn ốm nghén nặng để cơ thể dễ chịu hơn.

Mẹo dân gian chữa ốm nghén

Các phương pháp truyền thống giúp giảm tình trạng nghén được nhiều mẹ bầu áp dụng khá hiệu quả bao gồm:

1. Nước chanh gừng

  • Nguyên liệu: 1 quả chanh tươi, 2-3 lát gừng tươi, 1 cốc nước ấm.
  • Cách làm: Cắt chanh, vắt lấy nước cốt vào cốc, thêm vài lát gừng tươi đã thái mỏng. Đổ nước ấm vào và khuấy đều, uống vào mỗi buổi sáng để giảm cảm giác buồn nôn.

2. Nước me tươi

  • Nguyên liệu: 30g me tươi đã cạo sạch phần vỏ ngoài, 10g đường cát trắng, 300ml nước lọc
  • Cách làm: Cho toàn bộ phần me tươi và nước lọc vào trong nồi, đun sôi đến khi cạn còn 200ml thì thêm đường vào. Phần nước thu được chia làm 3 lần uống trong ngày. Nước me tươi có vị chua ngọt là thức uống làm dịu cổ họng, chống nôn nghén rất hiệu quả cho phụ nữ mang thai.

3. Thóc lép kết hợp với gừng tươi

Ở một số nơi vẫn còn áp dụng mẹo dân gian trị ốm nghén từ hạt thóc lép và gừng tươi như sau:

  • Nguyên liệu: 30g hạt thóc lép, 10g gừng tươi thái lát, một lượng nước tùy ý
  • Cách làm: Đun sôi thóc và gừng trong nước rồi uống hàng ngày.

4. Cháo hoài sơn

  • Nguyên liệu: 100g hoài sơn thái lát mỏng, 50g thịt heo nạc, 5g củ gừng tươi giã nhỏ.
  • Cách làm: Đem tất cả nguyên liệu nấu thành cháo, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Mẹ bầu nên ăn lúc nóng sẽ ngon hơn. Đây không chỉ là mẹo dân gian chữa ốm nghén mà còn là món ăn giàu dinh dưỡng.

5. Bánh mì nướng

  • Nguyên liệu: 1-2 lát bánh mì.
  • Cách làm: Nướng nhẹ bánh mì và ăn một lát khi cảm thấy buồn nôn. Bánh mì khô sẽ hút bớt dịch dạ dày, giúp dạ dày dễ chịu hơn.

6. Bí đao

  • Nguyên liệu: 1 trái bí đao.
  • Cách làm: Bạn có thể dùng bí đao tươi để ép lấy nước uống hoặc đem phơi khô để hãm trà uống thay nước lọc hàng ngày. Vì bí đao có vị ngọt mát, giúp thanh nhiệt sẽ giúp bà bầu giảm triệu chứng ốm nghén và làm mát cơ thể.

7. Giấm táo và mật ong

  • Nguyên liệu: 1 thìa mật ong, 1 thìa giấm táo, 200ml nước lọc
  • Cách làm: Trộn tất cả các nguyên liệu kể trên cùng nhau rồi uống. Giấm táo và mật ong đều giàu dinh dưỡng, khi kết hợp với nhau tạo nên vị chua ngọt yêu thích của bà bầu.

8. Nước cốt gừng

  • Nguyên liệu: 1-2 củ gừng tươi.
  • Cách làm: Cắt gừng thành lát mỏng, vắt lấy nước cốt và pha với một chút nước ấm. Uống mỗi sáng sẽ giúp giảm cơn nghén.

9. Vỏ quýt, vỏ quất hoặc vỏ cam

  • Nguyên liệu: Vỏ của một trong 3 loại quả cam, quýt, quất.
  • Cách làm: Sử dụng vỏ để ngửi mỗi khi buồn nôn hoặc thái nhỏ đem phơi khô để hãm trà uống hàng ngày.

10. Xông tinh dầu

  • Nguyên liệu: 2-3 giọt tinh dầu bạc hà hoặc cam.
  • Cách làm: Nhỏ vài giọt tinh dầu vào bát nước nóng, sau đó hít hơi nước hoặc sử dụng máy xông để thư giãn.

Bên cạnh đó, các mẹ bầu có thể tham khảo các mẹo dân gian chữa ốm nghén vào buổi tối sau đây:

  1. Điều chỉnh tư thế ngủ: Hãy thử nằm nghiêng sang bên trái, gập đầu gối lại sao cho thoải mái nhất.
  2. Chuẩn bị sẵn đồ ăn giảm nghén: Vào buổi tối, các mẹ nên để sẵn bánh quy khô, các loại hạt hoặc trái cây khô để nhấm nháp khi có dấu hiệu khó chịu, buồn nôn.
  3. Tránh thực phẩm cay nóng: Các món chiên rán nhiều dầu mỡ hoặc đồ ngọt rất dễ gây khó tiêu, ợ nóng, ợ chua làm thai phụ dễ gặp triệu chứng ốm nghén hơn. Vì vậy, hãy tránh những thực phẩm này và thay bằng các món lành mạnh như trái cây, rau củ quả, sữa, sữa chua,…
  4. Uống đủ nước: Thiếu nước là tình trạng thường gặp ở các bà bầu và có thể làm cho triệu chứng ốm nghén nặng hơn. Buổi tối, mẹ nên chuẩn bị sẵn một chai nước hoặc bình nước ở bên cạnh để uống ngay khi khát.
  5. Không nên xông phòng nếu nhạy cảm với mùi hương: Có một số phụ nữ mang thai bị nghén mùi. Do đó, hãy kiểm tra xem có mùi hương nào trong phòng ngủ khiến mình khó chịu không và loại bỏ nó ngay mẹ nhé!

Cách giảm ốm nghén cho bà bầu

Mặc dù mẹo dân gian có thể hiệu quả nhưng bà bầu cần phải thận trọng khi sử dụng các phương pháp này. Hãy nhớ chỉ nên sử dụng một lượng vừa phải và đảm bảo rằng chúng không gây dị ứng hoặc phản ứng phụ nào cho cơ thể.

Thuốc giảm nôn nghén

Những trường hợp bị ốm nghén nặng, đã áp dụng các mẹo dân gian trị ốm nghén ở trên nhưng vẫn không thuyên giảm thì nên đến bệnh viện. Bác sĩ sẽ cân nhắc việc kê đơn thuốc chống nôn, bao gồm:

  • Vitamin B6 và doxylamine: Loại thuốc kết hợp giữa hai hoạt chất này là loại được nghiên cứu rộng rãi nhất, đồng thời đã được chứng minh là an toàn cho thai kỳ. Các tác dụng phụ có thể gặp bao gồm buồn ngủ, khô miệng, đau đầu, chóng mặt, đau cơ, phát ban và các vấn đề về đường tiêu hóa.
  • Promethazine: Đây là một thuốc kháng histamin có tác dụng điều trị buồn nôn và nôn. Các tác dụng phụ có thể gặp bao gồm buồn ngủ, nhìn đôi (song thị), lo lắng quá mức, táo bón, tăng động,… Thuốc này chỉ nên dùng khi bác sĩ đánh giá rằng nó mang lại lợi ích lớn hơn là nguy cơ tác dụng phụ.
  • Ondansetron: Khác với 2 thuốc trên, đây là thuốc trị nôn nghén không gây buồn ngủ. Tuy nhiên, nó tiềm ẩn các tác dụng phụ khác là đau đầu, chóng mặt, táo bón và mệt mỏi. Có một số ý kiến còn cho rằng thuốc này làm tăng nhẹ nguy cơ dị tật bẩm sinh, mặc dù chưa chắc chắn nhưng nhiều bác sĩ sẽ tránh chỉ định thuốc này trong hai tháng đầu thai kỳ.

Mặc dù các thuốc trị ốm nghén có hiệu quả giảm triệu chứng nhanh nhưng thai phụ cần dùng theo chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong thời gian mang thai có thể tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho mẹ và thai nhi.

Khi nào nên gặp bác sĩ?

Các mẹ cần lưu ý đến dấu hiệu của ốm nghén nặng, cần can thiệp y tế. Bởi vì, nghén nặng có thể gây biến chứng như mất cân bằng điện giải, trầm cảmlo âu cực độ, suy dinh dưỡng thai nhi và gây căng thẳng quá mức cho các cơ quan quan trọng trong cơ thể người mẹ. 

Hãy đi khám ngay lập tức khi nôn mửa kèm theo:

  • Nước tiểu rất sẫm màu hoặc không đi tiểu trong vòng 8 giờ trở lên.
  • Không thể giữ thức ăn hoặc chất lỏng trong đường tiêu hóa trong vòng 24 giờ.
  • Cảm thấy rất yếu, chóng mặt hoặc ngất xỉu khi đứng dậy.
  • Bị đau bụng.
  • Bị sốt.
  • Chất nôn có máu.
  • Giảm 5% cân nặng so với số cân nặng trước khi mang thai. 

Các chuyên gia khuyên mẹ bầu không nên tự ý sử dụng thuốc điều trị nôn nghén khi không có chỉ định của bác sĩ. Thay vào đó, các mẹ nên tìm cách điều chỉnh chế độ ăn uống và nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh những đồ ăn hoặc mùi gây khó chịu để giảm triệu chứng.

Ốm nghén là một phần tự nhiên trong quá trình mang thai, nhưng việc chăm sóc cơ thể đúng cách, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, sử dụng các mẹo dân gian an toàn và gặp bác sĩ khi cần thiết sẽ giúp giảm bớt sự khó chịu và bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. 

Các mẹ bầu hãy luôn lắng nghe cơ thể mình và chăm sóc bản thân trong suốt thai kỳ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào hoặc triệu chứng kéo dài, mẹ bầu hãy nhanh chóng gặp bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời. Mẹ bầu cũng có thể đọc nhiều bài viết trên HelloBacsi để cập nhật thêm thông tin chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Morning Sickness https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16566-morning-sickness-nausea-and-vomiting-of-pregnancy Ngày truy cập: 10/12/2024

Morning Sickness https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/morning-sickness/symptoms-causes/syc-20375254 Ngày truy cập: 10/12/2024

Vomiting and morning sickness https://www.nhs.uk/pregnancy/related-conditions/common-symptoms/vomiting-and-morning-sickness/ Ngày truy cập: 10/12/2024

Pregnancy – morning sickness https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/pregnancy-morning-sickness Ngày truy cập: 10/12/2024

Morning Sickness https://www.healthdirect.gov.au/dealing-with-morning-sickness Ngày truy cập: 10/12/2024

Phiên bản hiện tại

31/12/2024

Tác giả: Lương Lan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Linh Nguyễn


Bài viết liên quan

Các loại thức uống giúp trị ốm nghén hiệu quả mà bà bầu nên thử

Bỏ túi ngay 13 cách chữa ốm nghén vào buổi tối cho mẹ bầu


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 5 ngày trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo