Thông thường, mẹ bầu sẽ cảm thấy buồn nôn trong thời gian ngắn và chỉ nôn từ một đến hai lần mỗi ngày trong giai đoạn ốm nghén. Ngược lại, nếu mẹ nôn mửa nhiều hơn, điều này nghĩa là mẹ bị nghén nặng và cần dùng thuốc trị ốm nghén. Sau đây là một số dấu hiệu cho thấy mẹ nghén nặng cần lưu ý:
- Mẹ nôn nhiều hơn bình thường, có thể nhiều hơn 3 đến 4 lần một ngày, nôn mửa kéo dài
- Nôn mửa khiến mẹ chóng mặt hoặc choáng váng
- Nôn mửa nhiều gây sụt cân, mẹ có thể bị giảm hơn khoảng 4.5 kg
- Nôn mửa khiến cơ thể mẹ bị mất nước. Các dấu hiệu, triệu chứng của mất nước bao gồm khô miệng, cảm thấy khát liên tục, tiểu ít hoặc không đi tiểu, nước tiểu đậm màu, da khô, mắt trũng, tim đập nhanh…
Mẹ có thể dùng những loại thuốc trị ốm nghén nào khi bị nghén nặng?
Như đã đề cập, bạn chỉ nên dùng thuốc trị ốm nghén khi việc thay đổi chế độ ăn uống, lối sống không giúp kiểm soát được tình trạng nôn mửa khi mang thai. Nói cách khác, việc dùng thuốc hoặc viên bổ sung thường chỉ cần thiết đối với các mẹ có dấu hiệu nghén nặng. Trong trường hợp này, mẹ có thể dùng thuốc trị nghén không kê đơn hoặc thuốc chống nôn được kê đơn bởi bác sĩ sản khoa, cụ thể:
1. Thuốc trị ốm nghén không kê đơn
Nếu tình trạng nôn mửa nghiêm trọng khi mang thai khiến mẹ cảm thấy mình cần phải dùng thuốc trị ốm nghén thì lựa chọn có thể ưu tiên đó là dùng viên bổ sung vitamin B6 (pyridoxine) và doxylamine (Unisom). Trong đó:
- Dùng vitamin B6 là một phương pháp điều trị ốm nghén an toàn và bạn có thể mua viên uống không cần kê đơn. Vì vậy, đây có thể là lựa chọn đầu tiên đối với các mẹ đang tìm kiếm thuốc trị ốm nghén để giảm nôn mửa.
- Doxylamine là thành phần có trong một số loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn, có thể được dùng chung với vitamin B6 nếu việc dùng viên uống riêng lẻ không giúp giảm ốm nghén hiệu quả.
Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn một loại thuốc trị ốm nghén không kê đơn kết hợp sẵn cả vitamin B6 và doxylamine. Việc dùng riêng lẻ hoặc kết hợp cả hai thuốc này đã được chứng minh là an toàn đối với mẹ bầu và thai nhi.
2. Thuốc chống nôn cần kê đơn

Nếu việc dùng vitamin B6 và doxylamine không giúp giảm nôn mửa thì bạn nên đi khám để được bác sĩ kê đơn thuốc chống nôn phù hợp, an toàn với mẹ bầu. Trong đó, một số loại thuốc được cân nhắc thường bao gồm:
- Cyclizine: Thuốc được dùng theo đường uống hoặc tiêm. Bên cạnh đó, prochlorperazine và metoclopramide cũng có thể được kê đơn nếu việc dùng cyclizine không hiệu quả. Cả ba loại thuốc này đều được coi là an toàn trong thai kỳ.
- Ondansetron: Đây là thuốc có hiệu quả cao trong việc giảm buồn nôn và nôn mửa. Tuy nhiên, các nghiên cứu chưa xác định được thuốc có an toàn với thai nhi không? Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc có nên dùng thuốc hay không dựa trên những lợi ích và nguy cơ có thể xảy ra.
- Corticosteroid: Thuốc có thể được cân nhắc sử dụng nếu mẹ bị nghén nặng, sụt cân nhiều và dùng các thuốc trị ốm nghén khác nhưng không hiệu quả.
Nhìn chung, thuốc chống nôn được xem là “cứu cánh” của nhiều mẹ bị ốm nghén nặng. Tuy nhiên, vì độ an toàn của các loại thuốc này vẫn cần được xem xét thêm nên đây thường không phải là lựa chọn ưu tiên. Thông thường, quyết định kê đơn từ bác sĩ chủ yếu dựa trên lợi ích và nguy cơ khi dùng thuốc. Nếu việc điều trị nôn nghén là cấp thiết để tránh gây rủi ro cho thai kỳ, việc dùng thuốc sẽ hữu ích hơn là bỏ qua. Tuy nhiên, khi mẹ có nhu cầu dùng thuốc chống nôn như một loại thuốc trị ốm nghén thì cần nhớ hỏi thêm ý kiến bác sĩ để được kê đơn thuốc điều trị phù hợp, an toàn nhé!
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!