Ốm nghén là triệu chứng phổ biến của thai kỳ, với biểu hiện chính là buồn nôn và nôn mửa. Mặc dù ốm nghén thường không gây hại đến sức khỏe của mẹ và bé nhưng lại có ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của mẹ bầu. Thông thường, mẹ có thể kiểm soát được ốm nghén tại nhà bằng một số cách đơn giản như thay đổi thực phẩm trong chế độ ăn uống, ăn món thanh đạm, nghỉ ngơi nhiều, điều chỉnh lại giờ ăn, chia nhiều bữa nhỏ… Tuy nhiên, các giải pháp trên vẫn có thể không hiệu quả trong một số trường hợp ốm nghén nặng. Lúc này, mẹ có thể cần dùng đến thuốc trị ốm nghén.
Thực chất, việc dùng thuốc thường là biện pháp cuối cùng để giúp mẹ vượt qua giai đoạn ốm nghén nghiêm trọng. Tuy không được ưu tiên nhưng đôi khi việc dùng thuốc trị ốm nghén lại rất cần thiết. Thế nhưng, bạn cần lưu ý là luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc chống nôn nào nhé!
Ốm nghén khi mang thai diễn ra như thế nào?
Ốm nghén là cảm giác nôn nao trong bụng khiến mẹ bầu buồn nôn và nôn mửa. Ốm nghén khi mang thai có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày và thậm chí là kéo dài cả ngày. Trên thực tế, nếu mẹ bầu bị ốm nghén thì tình trạng này thường diễn ra trong tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu). Ốm nghén thường bắt đầu vào khoảng tuần thứ 6 của thai kỳ và nghén nặng nhất vào khoảng tuần thứ 9.
Sau đó, hầu hết mẹ bầu đều cảm thấy đỡ nghén hơn trong tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa), thường vào khoảng tuần 14 trở đi. Thế nhưng, một số mẹ vẫn có thể tiếp tục ốm nghén trong suốt thai kỳ. Thông thường, ốm nghén không gây hại cho thai nhi nhưng nếu tình trạng buồn nôn và nôn trở nên nghiêm trọng, được gọi là chứng ốm nghén nặng (Hyperemesis gravidarum) thì có thể đáng lo ngại hơn.
Trong trường hợp này, việc nôn mửa quá nhiều sẽ khiến mẹ bị sụt cân, mất nước và mất cân bằng điện giải. Dù khá hiếm gặp nhưng nếu không được điều trị, ốm nghén nặng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ lẫn khả năng phát triển của thai nhi. Vì vậy, đôi khi mẹ sẽ cần được kê đơn thuốc trị ốm nghén để giảm nôn hiệu quả hơn hoặc cần được truyền dịch qua đường tĩnh mạch tại bệnh viện.
Dấu hiệu nào cho thấy mẹ bầu nôn nhiều và cần dùng thuốc trị ốm nghén?
Thông thường, mẹ bầu sẽ cảm thấy buồn nôn trong thời gian ngắn và chỉ nôn từ một đến hai lần mỗi ngày trong giai đoạn ốm nghén. Ngược lại, nếu mẹ nôn mửa nhiều hơn, điều này nghĩa là mẹ bị nghén nặng và cần dùng thuốc trị ốm nghén. Sau đây là một số dấu hiệu cho thấy mẹ nghén nặng cần lưu ý:
- Mẹ nôn nhiều hơn bình thường, có thể nhiều hơn 3 đến 4 lần một ngày, nôn mửa kéo dài
- Nôn mửa khiến mẹ chóng mặt hoặc choáng váng
- Nôn mửa nhiều gây sụt cân, mẹ có thể bị giảm hơn khoảng 4.5 kg
- Nôn mửa khiến cơ thể mẹ bị mất nước. Các dấu hiệu, triệu chứng của mất nước bao gồm khô miệng, cảm thấy khát liên tục, tiểu ít hoặc không đi tiểu, nước tiểu đậm màu, da khô, mắt trũng, tim đập nhanh…
Mẹ có thể dùng những loại thuốc trị ốm nghén nào khi bị nghén nặng?
Như đã đề cập, bạn chỉ nên dùng thuốc trị ốm nghén khi việc thay đổi chế độ ăn uống, lối sống không giúp kiểm soát được tình trạng nôn mửa khi mang thai. Nói cách khác, việc dùng thuốc hoặc viên bổ sung thường chỉ cần thiết đối với các mẹ có dấu hiệu nghén nặng. Trong trường hợp này, mẹ có thể dùng thuốc trị nghén không kê đơn hoặc thuốc chống nôn được kê đơn bởi bác sĩ sản khoa, cụ thể:
1. Thuốc trị ốm nghén không kê đơn
Nếu tình trạng nôn mửa nghiêm trọng khi mang thai khiến mẹ cảm thấy mình cần phải dùng thuốc trị ốm nghén thì lựa chọn có thể ưu tiên đó là dùng viên bổ sung vitamin B6 (pyridoxine) và doxylamine (Unisom). Trong đó:
- Dùng vitamin B6 là một phương pháp điều trị ốm nghén an toàn và bạn có thể mua viên uống không cần kê đơn. Vì vậy, đây có thể là lựa chọn đầu tiên đối với các mẹ đang tìm kiếm thuốc trị ốm nghén để giảm nôn mửa.
- Doxylamine là thành phần có trong một số loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn, có thể được dùng chung với vitamin B6 nếu việc dùng viên uống riêng lẻ không giúp giảm ốm nghén hiệu quả.
Ngoài ra, bạn cũng có thể lựa chọn một loại thuốc trị ốm nghén không kê đơn kết hợp sẵn cả vitamin B6 và doxylamine. Việc dùng riêng lẻ hoặc kết hợp cả hai thuốc này đã được chứng minh là an toàn đối với mẹ bầu và thai nhi.
2. Thuốc chống nôn cần kê đơn
Nếu việc dùng vitamin B6 và doxylamine không giúp giảm nôn mửa thì bạn nên đi khám để được bác sĩ kê đơn thuốc chống nôn phù hợp, an toàn với mẹ bầu. Trong đó, một số loại thuốc được cân nhắc thường bao gồm:
- Cyclizine: Thuốc được dùng theo đường uống hoặc tiêm. Bên cạnh đó, prochlorperazine và metoclopramide cũng có thể được kê đơn nếu việc dùng cyclizine không hiệu quả. Cả ba loại thuốc này đều được coi là an toàn trong thai kỳ.
- Ondansetron: Đây là thuốc có hiệu quả cao trong việc giảm buồn nôn và nôn mửa. Tuy nhiên, các nghiên cứu chưa xác định được thuốc có an toàn với thai nhi không? Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc có nên dùng thuốc hay không dựa trên những lợi ích và nguy cơ có thể xảy ra.
- Corticosteroid: Thuốc có thể được cân nhắc sử dụng nếu mẹ bị nghén nặng, sụt cân nhiều và dùng các thuốc trị ốm nghén khác nhưng không hiệu quả.
Nhìn chung, thuốc chống nôn được xem là “cứu cánh” của nhiều mẹ bị ốm nghén nặng. Tuy nhiên, vì độ an toàn của các loại thuốc này vẫn cần được xem xét thêm nên đây thường không phải là lựa chọn ưu tiên. Thông thường, quyết định kê đơn từ bác sĩ chủ yếu dựa trên lợi ích và nguy cơ khi dùng thuốc. Nếu việc điều trị nôn nghén là cấp thiết để tránh gây rủi ro cho thai kỳ, việc dùng thuốc sẽ hữu ích hơn là bỏ qua. Tuy nhiên, khi mẹ có nhu cầu dùng thuốc chống nôn như một loại thuốc trị ốm nghén thì cần nhớ hỏi thêm ý kiến bác sĩ để được kê đơn thuốc điều trị phù hợp, an toàn nhé!
[embed-health-tool-due-date]