backup og meta

Sinh thường: Bí quyết để có hành trình tự nhiên và dễ dàng cho mẹ bầu

Sinh thường: Bí quyết để có hành trình tự nhiên và dễ dàng cho mẹ bầu

Sinh thường, hay còn gọi là sinh qua ngả âm đạo, là quá trình em bé chào đời qua đường âm đạo của người mẹ. Đây là phương pháp sinh phổ biến nhất trên thế giới, chiếm khoảng 80% các ca sinh toàn cầu. Tuy nhiên, để trải qua quá trình sinh thường suôn sẻ, việc chuẩn bị kỹ càng là vô cùng quan trọng.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về quá trình sinh thường diễn ra như thế nào, lợi ích của sinh thường, các trường hợp mẹ bầu nên và không nên sinh thường, bí quyết chuẩn bị để sinh thường dễ dàng cùng lời giải đáp cho những thắc mắc thường gặp.

Quá trình sinh thường diễn ra như thế nào?

Quá trình sinh thường có thể được chia thành ba giai đoạn: chuyển dạ, sinh em bé và sổ nhau thai.

Giai đoạn chuyển dạ 

Đây là giai đoạn dài nhất, khi cổ tử cung mở rộng để chuẩn bị cho em bé di chuyển qua đường sinh. Giai đoạn này được chia thành ba kỳ:

  1. Giai đoạn xóa mờ cổ tử cung: Ban đầu, mẹ bầu có thể không nhận ra mình đang có dấu hiệu sắp sinh vì các cơn co thắt nhẹ và không đều. Giai đoạn này lại được chia thành hai giai đoạn nhỏ hơn, là:
  2. Giai đoạn tiềm tàng được đánh dấu bằng các cơn co thắt, thường xảy ra cách nhau từ 5-20 phút. Cổ tử cung giãn ra khoảng 3 đến 4cm và mỏng hơn. Đây thường là giai đoạn chuyển dạ dài nhất và ít dữ dội nhất. Các sản phụ sẽ nhập viện ở giai đoạn này để bác sĩ xác định độ giãn nở của cổ tử cung.
  3. Giai đoạn tích cực được báo hiệu bằng sự giãn nở của cổ tử cung từ 4-10cm. Các cơn co thắt dài hơn, mạnh hơn, tần suất từ 3-4 phút mỗi cơn. Phần lớn giai đoạn tích cực ngắn hơn giai đoạn tiềm tàng.

Giai đoạn sinh em bé

Đây là giai đoạn em bé chính thức chào đời, bắt đầu khi cổ tử cung đã mở hoàn toàn và kéo dài đến lúc em bé được đưa ra ngoài bụng mẹ qua âm đạo. Bác sĩ thường rạch tầng sinh môn của mẹ để hỗ trợ việc đưa bé ra ngoài dễ dàng hơn. 

Bạn sẽ cảm nhận áp lực mạnh ở vùng tiểu khung khi đầu bé di chuyển thấp dần. Cảm giác mót rặn xuất hiện tự nhiên và mạnh mẽ hơn với mỗi cơn co thắt. Bạn hãy lắng nghe cơ thể, phối hợp với các cơn co để rặn đẻ đúng cách. Đồng thời, việc hít thở sâu giữa các cơn rặn sẽ giúp giảm căng thẳng, tăng hiệu quả cho quá trình này.

Khi đầu bé thập thò ở cửa âm đạo, nữ hộ sinh hoặc bác sĩ sẽ thông báo và hướng dẫn bạn cách rặn đúng nhịp. Họ có thể yêu cầu bạn rặn mạnh khi cần hoặc giảm tốc độ để bảo vệ vùng đáy chậu khỏi bị rách. 

Trong những giây phút cuối, đầu bé sẽ lọt ra trước, tiếp theo là vai và toàn bộ cơ thể. Ngay sau khi chào đời, bé sẽ được lau khô và đặt da kề da trên ngực mẹ, mang lại khoảnh khắc xúc động mà mẹ và bé lần đầu gặp gỡ bên ngoài tử cung. Đây là phần thưởng xứng đáng cho mọi nỗ lực của bạn trong hành trình vượt cạn.

Giai đoạn sổ nhau thai

Đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình sinh thường, khi tử cung tiếp tục co bóp để đẩy nhau thai ra ngoài. Thường chỉ mất vài phút và không gây nhiều khó chịu. Sau khi sổ nhau, bác sĩ sẽ kiểm tra tử cung và khuyến khích mẹ cho bé bú ngay để kích thích tử cung co hồi.

Mỗi giai đoạn đều đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa mẹ và đội ngũ y tế. Chuẩn bị tốt về thể chất và tinh thần sẽ giúp quá trình sinh thường diễn ra thuận lợi hơn.

Lợi ích của sinh thường đối với mẹ và bé

Sinh thường không chỉ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe mà còn là một hành trình gắn kết cảm xúc đặc biệt giữa mẹ và bé. Những lợi ích của sinh thường bao gồm:

Lợi ích sinh thường đối với mẹ

  • Hồi phục nhanh hơn: So với mổ lấy thai, mẹ sinh thường hồi phục nhanh hơn (chỉ khoảng 1 giờ). Thời gian nằm viện cũng ngắn hơn sinh mổ, chỉ khoảng 2-3 ngày.
  • Giảm mất máu và biến chứng: Sinh thường giúp mẹ tránh được mất máu quá nhiều và các biến chứng liên quan đến phẫu thuật như nhiễm trùng, tác dụng phụ của thuốc gây mê hoặc sẹo mổ ảnh hưởng đến lần mang thai sau.
  • Sản xuất sữa sớm hơn: Quá trình sinh thường kích thích hormone giúp cơ thể mẹ sản xuất sữa nhanh hơn, tạo điều kiện cho việc nuôi con bằng sữa mẹ ngay từ những giờ đầu.
  • Gắn kết cảm xúc: Sinh thường mang lại trải nghiệm đầy cảm xúc khi mẹ cảm nhận được quá trình sinh nở và chứng kiến những khoảnh khắc đầu đời của con.

Lợi ích sinh thường đối với bé

  • Hệ hô hấp khỏe mạnh hơn: Các cơn co tử cung trong lúc sinh thường giúp tống xuất các chất tiết hầu họng, dịch mũi của bé ra ngoài tốt hơn, giảm nguy cơ gặp vấn đề về hô hấp sau sinh.
  • Hệ miễn dịch tốt hơn: Bé được tiếp xúc với vi khuẩn có lợi trong đường sinh của mẹ, điều này hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch.
  • Khả năng bú sữa sớm: Bé sinh thường có khả năng bú mẹ sớm hơn, tận dụng tối đa dưỡng chất quý giá từ sữa mẹ mà không bị ảnh hưởng bởi thuốc gây mê.
  • Sự thích nghi tốt hơn: Quá trình sinh thường hỗ trợ bé điều chỉnh dần với môi trường ngoài bụng mẹ, giúp bé ổn định nhịp thở, thân nhiệt và đường huyết hiệu quả.
  • Tăng cường gắn kết: Tiếp xúc da kề da ngay sau khi sinh thúc đẩy sự phát triển về thể chất và cảm xúc của trẻ.

sinh thường dễ dàng

Các trường hợp mẹ bầu có thể sinh thường

Sinh thường là phương pháp sinh được ưu tiên vì ít rủi ro và mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, việc sinh thường chỉ an toàn khi mẹ bầu đáp ứng đủ các điều kiện sức khỏe và không gặp phải các vấn đề về thai kỳ.

Bác sĩ sẽ chỉ định mẹ sinh thường khi đáp ứng được các yếu tố sau:

Mẹ bầu có sức khỏe và thể trạng tốt để sinh thường

  • Mẹ bầu có sức khỏe tốt, các chỉ số sức khỏe ổn định và đủ sức lực để rặn trong quá trình chuyển dạ.
  • Cân nặng của mẹ ở mức hợp lý, không béo phì hoặc gầy quá mức.
  • Mẹ bầu thường xuyên vận động thể chất và có lối sống lành mạnh trong suốt thai kỳ.
  • Mẹ bầu không có các vấn đề về sức khỏe gây cản trở quá trình sinh thường, như:

Thai nhi khỏe mạnh và thuận lợi, không có biến chứng

  • Thai nhi khỏe mạnh và không gặp phải tình trạng thai nhi nằm sai vị trí như ngôi mông, ngôi ngang; thai quá lớn hoặc thai đôi.
  • Thai nhi có thể đi qua kênh sinh mà không gặp phải tình trạng dây rốn sa hay suy thai.

Mẹ có tiền sử sinh thường

  • Mẹ bầu đã có tiền sử sinh thường và không gặp biến chứng nghiêm trọng trong các lần sinh trước.
  • Lưu ý, mẹ đã từng sinh mổ vẫn có thể sinh thường nếu bản thân khỏe mạnh và không có yếu tố nào khác khiến sinh thường không an toàn.

Các trường hợp mẹ không nên sinh thường

Mặc dù sinh thường là phương pháp sinh an toàn và được khuyến khích, nhưng có một số trường hợp mẹ bầu không nên sinh thường vì có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Những trường hợp này bao gồm:

Sức khỏe của mẹ yếu hoặc đang mắc các bệnh lý nghiêm trọng

  • Mẹ không có đủ sức lực hoặc thể trạng để chịu đựng cơn chuyển dạ và rặn trong quá trình sinh.
  • Mẹ bầu từng có tiền sử sinh mổ nhiều lần trước đó.
  • Mẹ bầu có cấu trúc khung chậu bất thường, khiến việc sinh thường khó khăn hoặc không thể thực hiện được.
  • Mẹ bầu có các bệnh lý gây khó khăn cho việc sinh thường như:
    • Bệnh mãn tính không kiểm soát như bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao hoặc thiếu máu nặng.
    • Nhau tiền đạo, u xơ tử cung làm cản trở đường ra của thai nhi. 
    • Nhiễm trùng đường sinh dục có thể lây truyền cho thai nhi trong quá trình sinh, như giang mai, lậu, mụn cóc sinh dục…

Các vấn đề liên quan đến thai nhi

  • Thai nhi có các vấn đề như ngôi mông, ngôi ngang hoặc thai quá lớn không thể qua kênh sinh.
  • Thai nhi không khỏe mạnh hoặc có dấu hiệu thiếu oxy hoặc dây rốn sa, gây nguy hiểm cho quá trình sinh.

Chuyển dạ không tiến triển hoặc thai kỳ gặp biến chứng 

  • Quá trình chuyển dạ không tiến triển, tử cung không co bóp mạnh hoặc không có sự mở rộng cổ tử cung.
  • Mẹ bầu gặp phải tình trạng nhau bong non, cơn co cường tính hoặc chảy máu nhiều, có nguy cơ nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Việc lựa chọn phương pháp sinh nào sẽ được bác sĩ quyết định dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của mẹ và bé. Quyết định này cần được đưa ra dựa trên những yếu tố y tế, không chỉ dựa vào sở thích cá nhân hay yêu cầu sinh vào ngày cụ thể.

Sinh thường dễ dàng: Bí quyết chuẩn bị từ mẹ bầu

Chuẩn bị thể chất để sinh thường dễ dàng

Cơ thể nặng nhọc, mệt mỏi, phù chân, đau khắp người… là những điều khiến bạn chỉ muốn nằm trên giường nghỉ ngơi. Tuy nhiên, để quá trình sinh thường diễn ra suôn sẻ hơn, bà bầu cần chịu khó vận động thể chất.

Dưới đây là một số môn luyện tập nhẹ nhàng, hỗ trợ tốt cho quá trình đẻ thường:

  • Đi bộ: Đi bộ nhẹ nhàng cải thiện tuần hoàn máu, nâng cao sức bền và giúp tinh thần lạc quan hơn.
  • Bơi lội: Bơi lội giúp săn chắc cơ bắp, giúp thai phụ sinh thường dễ dàng.
  • Squat: Tập squat giúp mở xương chậu, đưa thai nhi vào đúng vị trí và cải thiện bắp chân, rất hữu ích khi chuyển dạ. Mẹ đứng thẳng rồi tấn 2 chân, mông hạ ra sau, tay đưa thẳng ra trước. Giữ tư thế này vài giây, trở về tư thế ban đầu rồi lặp lại. Cách khác, mẹ cũng có thể thử ngồi giữ thăng bằng trên một quả bóng tập.
  • Kegel: Giúp cơ sàn chậu khỏe mạnh, hỗ trợ quá trình sinh và phục hồi sau sinh tốt hơn.
  • Yoga: Các bài tập yoga khi mang thai không chỉ giúp cơ thể linh hoạt mà còn giảm áp lực lên lưng, ngực, vai và hông, đồng thời tăng khả năng chịu đựng trong quá trình vượt cạn.

tập yoga là mẹo sinh thường dễ dàng

Ngoài luyện tập thể chất, mẹ bầu cũng cần tập thở, học cách massage và không nên thường xuyên đứng lâu để sinh thường dễ dàng:

  • Tập thở:
    • Bà bầu cần hít thở đúng trong quá trình rặn đẻ như hít sâu, thở ra đúng nhịp để có đủ năng lượng và cung cấp đủ oxy cho con trong khi chuyển dạ.
    • Các lớp học tiền sản hiện nay thường dạy kỹ thuật thở hiệu quả, mẹ có thể tham khảo và đăng ký học.
  • Massage: Mẹ bầu hãy tận dụng các lợi ích của massage khi mang thai. Massage đều đặn từ tháng thứ 7 thai kỳ giúp cơ thể mẹ thư giãn và chuẩn bị tốt hơn cho ngày sinh.
  • Lưu ý tư thế đứng: Việc mẹ bầu thường xuyên đứng quá lâu có thể khiến bé dễ di chuyển vào vị trí sinh trước khi cơ thể bạn sẵn sàng cho cuộc sinh. Vì vậy, mẹ cần tránh đứng quá lâu, đặc biệt trong ba tháng cuối thai kỳ.

Ăn gì để dễ sinh thường?

Việc duy trì chế độ ăn khoa học sẽ giúp bạn sinh con dễ dàng hơn. Vậy ăn gì để dễ đẻ thường? Các chuyên gia sức khỏe khuyên mẹ bầu nên thực hiện các điều sau:

  • Xây dựng chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất: Chế độ ăn của mẹ bầu cần có đủ các nhóm chất dinh dưỡng. Đồng thời, mẹ nên bổ sung rau xanh, trái cây, đặc biệt là các loại rau đậm màu vì chứa nhiều chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe. Mẹ cũng cần đảm bảo rằng trong chế độ ăn mỗi ngày của mình có những món ăn giàu khoáng chất sắt.
  • Ăn với lượng phù hợp để tránh tăng cân quá mức, khiến thai to cản trở quá trình sinh thường.
  • Sử dụng hải sản ở mức vừa phải để tránh dư thừa thủy ngân.
  • Uống đủ nước.

Các loại thực phẩm hỗ trợ chuyển dạ:

  • Dứaxoài: Chứa bromelain giúp làm mềm cổ tử cung, nhưng cần ăn vừa phải để tránh chuyển dạ sớm.
  • Cháo mè đen: Chè mè đen không chỉ thơm ngon, bổ dưỡng mà còn là một trong những thực phẩm kích thích chuyển dạ.
  • Nước lá tía tô: Có khả năng làm mềm cổ tử cung, giúp cổ tử cung mở nhanh hơn trong quá trình chuyển dạ sinh con.

Thực phẩm cần tránh:

  • Đường và các thực phẩm ngọt (bánh, kẹo, nước ngọt)
  • Món ăn đường phố, thức ăn chế biến sẵn vì chúng thường chứa nhiều chất phụ gia, gia vị, vi khuẩn gây hại cho sức khỏe
  • Nội tạng động vật
  • Rượu, bia, chất kích thích.

Tinh thần thoải mái giúp mẹ sinh thường nhẹ nhàng hơn

Tinh thần thoải mái giúp mẹ bầu giảm căng thẳng, ổn định cảm xúc và đối mặt với quá trình sinh một cách nhẹ nhàng hơn.

Dưới đây là một số cách mẹ bầu giảm căng thẳng trước ngày sinh:

  • Thư giãn: Tham gia các hoạt động như thiền, đọc sách, nghe nhạc nhẹ để giữ tâm trạng thoải mái.
  • Nhận hỗ trợ từ người thân: Giao tiếp cởi mở với chồng và đảm bảo rằng các thành viên khác trong gia đình ủng hộ kế hoạch sinh nở của bạn.
  • Tìm hiểu kiến thức: Hiểu rõ các dấu hiệu chuyển dạ và quy trình sinh nở thông qua sách vở, lớp học tiền sản hoặc từ bác sĩ để chuẩn bị tâm lý.
  • Tránh nghe những câu chuyện tiêu cực: Mỗi người có trải nghiệm riêng, mẹ không nên để những câu chuyện xấu ảnh hưởng tâm lý.

Sinh con tự nhiên tại nhà có an toàn không?

Trên thế giới và tại Việt Nam, có không ít trường hợp phụ nữ buộc phải sinh con tại nhà vì các lý do như chuyển dạ quá nhanh, giao thông khó khăn hoặc không có điều kiện đến cơ sở y tế. Trong những tình huống này, việc sinh con thường được hỗ trợ bởi nhân viên y tế hoặc các “cô đỡ thôn bản” đã qua đào tạo. Tuy nhiên, việc sinh con tại nhà vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng, từ suy thai, bại não đến nguy cơ tử vong cho cả mẹ và bé, đặc biệt khi không đảm bảo điều kiện y tế.

Mặc dù nguy hiểm là vậy, trào lưu sinh con “thuận tự nhiên” (Lotus Birth) vẫn đang thu hút sự chú ý trên mạng xã hội và được nhiều người mẹ hưởng ứng. Phương pháp này đề cao sinh con tại nhà mà không có sự trợ giúp y tế, đồng thời không cắt dây rốn sau sinh. Bé được để gắn liền với bánh nhau cho đến khi dây rốn tự rụng, thường trong khoảng 3 – 10 ngày.


WHO không khuyến khích Lotus Birth, đồng thời RCOG đã cảnh báo nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng do bánh nhau – nơi vi khuẩn dễ phát triển và có thể lây lan sang trẻ.
Tại Việt Nam, sinh con tại nhà, đặc biệt là theo phương pháp “thuận tự nhiên,” được khuyến cáo là cực kỳ nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, quá trình sinh nở nên diễn ra tại cơ sở y tế với trang thiết bị đầy đủ và đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo bài bản. Các nguy cơ như băng huyết, vỡ tử cung hoặc nhiễm khuẩn có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Tuân thủ lịch khám thai và sinh con tại bệnh viện chính là chìa khóa để mẹ và bé được bảo vệ tốt nhất.

Lời khuyên từ chuyên gia: Làm thế nào để mẹ sinh thường an toàn và hiệu quả?

Để sinh thường an toàn, mẹ bầu cần sự hỗ trợ chặt chẽ từ các chuyên gia sản khoa, thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe và chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch sinh nở.

Tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa

Mẹ bầu nên tham gia các buổi tư vấn với bác sĩ sản khoa để đảm bảo thai kỳ diễn ra thuận lợi:

  • Hướng dẫn cách chăm sóc cơ thể trong thai kỳ: Bác sĩ sẽ lưu ý bạn về cách ăn uống, sử dụng thực phẩm chức năng hoặc các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp phù hợp, an toàn trong thai kỳ.
  • Hướng dẫn về kiểm soát cơn đau: Chuyên gia sẽ giới thiệu các kỹ thuật như tập thở, massage hoặc sử dụng phương pháp giảm đau y khoa như gây tê màng cứng (nếu cần) để giúp kiểm soát cơn đau trong quá trình sinh thường.
  • Thảo luận chi tiết về quá trình sinh: Các vấn đề như tư thế sinh, cách đón bé an toàn và thời điểm nhập viện, ra viện… sẽ được giải thích rõ ràng, giúp mẹ chuẩn bị tâm lý tốt nhất.
  • Giải đáp các thắc mắc: Nếu mẹ có lo lắng về các dấu hiệu bất thường hoặc cần biết thêm về quy trình sinh, bác sĩ sẽ là người đưa ra câu trả lời chính xác và an tâm nhất.

hỏi ý kiến bác sĩ để việc sinh thường dễ dàng hơn

Tầm quan trọng của thăm khám định kỳ

Thăm khám định kỳ đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ:

  • Đánh giá tình trạng thai kỳ: Bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe của mẹ và bé, từ đó xác định sinh thường có phải là lựa chọn phù hợp không.
  • Kiểm tra tình trạng cổ tử cung: Đây là yếu tố then chốt để đánh giá quá trình chuyển dạ có diễn ra thuận lợi hay không.
  • Phát hiện sớm các biến chứng: Những dấu hiệu như tiền sản giật, suy thai hoặc vấn đề về nhau thai có thể được phát hiện kịp thời thông qua các lần kiểm tra định kỳ.

Lựa chọn cơ sở y tế uy tín khi sinh

Một cơ sở y tế đáng tin cậy là yếu tố quan trọng giúp mẹ bầu yên tâm và sẵn sàng cho quá trình vượt cạn:

  • Đội ngũ chuyên môn cao: Lựa chọn bệnh viện có bác sĩ sản khoa dày dặn kinh nghiệm và đội ngũ y tá tận tâm sẽ đảm bảo sự an toàn tuyệt đối.
  • Trang thiết bị hiện đại: Các bệnh viện uy tín thường được trang bị máy móc tiên tiến để hỗ trợ theo dõi và xử lý kịp thời mọi tình huống.
  • Hỗ trợ đầy đủ trong quá trình sinh: Ngoài các phương pháp tự nhiên, bệnh viện cũng có thể cung cấp các kỹ thuật giảm đau hoặc can thiệp y khoa nếu cần.

Lập kế hoạch sinh nở rõ ràng

Một kế hoạch sinh nở chi tiết và linh hoạt sẽ giúp mẹ bầu cảm thấy tự tin hơn trong hành trình đón con yêu:

  • Xác định mong muốn cá nhân: Mẹ có thể thảo luận với bác sĩ về các vấn đề như phòng sinh, người thân đồng hành, chăm sóc sau sinh
  • Chuẩn bị sẵn các tình huống khẩn cấp: Kế hoạch cần có phương án dự phòng nếu cần chuyển từ sinh thường sang mổ lấy thai hoặc xử lý các biến chứng bất ngờ.

Những câu hỏi thường gặp (FAQs) về sinh thường

1. Dây rốn quấn cổ 2 vòng sinh thường được không?

Thai nhi bị dây rốn quấn cổ 2 vòng vẫn có thể sinh thường nếu đáp ứng các điều kiện sau:

  • Dây rốn quấn lỏng: Nếu dây rốn không siết chặt và không gây áp lực lớn lên cổ bé, mẹ có thể sinh thường.
  • Sức khỏe mẹ và bé ổn định: Mẹ bầu có sức khỏe tốt, không mắc các bệnh lý nguy hiểm như tiền sản giật, tiểu đường, huyết áp cao…; thai nhi phát triển bình thường, nhịp tim ổn định.
  • Theo dõi sát sao từ bác sĩ: Quyết định cuối cùng phụ thuộc vào đánh giá của bác sĩ dựa trên kết quả siêu âm, khám thai định kỳ, đánh giá thai máy và tình trạng tổng thể của mẹ và bé.

Tuy nhiên, nếu dây rốn quấn chặt, gây thiếu oxy hoặc xuất hiện dấu hiệu bất thường ở thai nhi, bác sĩ thường khuyến nghị sinh mổ để giảm rủi ro.

2. Thời gian đẻ/ sinh thường bao lâu?

Tổng thời gian sinh thường được tính từ lúc bắt đầu chuyển dạ (khi cơn co thắt tử cung đều đặn và cổ tử cung bắt đầu giãn mở) cho đến khi em bé chào đời. Thời gian sinh thường ở mỗi sản phụ có thể khác nhau, phụ thuộc vào số lần sinh, tình trạng sức khỏe và cơ địa.

Với những phụ nữ sinh con so (lần đầu), quá trình sinh thường kéo dài từ 12 đến 19 giờ. Trong đó, giai đoạn chuyển dạ chiếm phần lớn thời gian (từ 12 đến 18 giờ). Đối với phụ nữ sinh con lần thứ hai trở đi, thời gian sinh thường ngắn hơn do cơ thể đã quen với quá trình sinh nở.

Thời gian đẻ thường là bao lâu

3. Tại sao vừa đẻ vừa ị (đi ngoài)? 

Hiện tượng vừa đẻ vừa đi ngoài xảy ra do quá trình rặn sinh. Khi mẹ bầu rặn để đưa em bé ra ngoài, cơ thể vận dụng cùng nhóm cơ ở vùng chậu tương tự như khi đi ngoài. Áp lực mạnh từ các cơn co thắt và sự nỗ lực rặn sinh có thể khiến một lượng phân bị đẩy ra ngoài cùng lúc. Đây là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên và phổ biến ở nhiều ca sinh thường.

Các bác sĩ và y tá thường hiểu rõ tình trạng này và sẽ hỗ trợ sản phụ bằng cách vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo sự thoải mái trong quá trình sinh nở. Để giảm nguy cơ xảy ra hiện tượng này, mẹ bầu có thể cố gắng đi vệ sinh trước khi chuyển dạ. 

Ngoài ra, chế độ ăn uống giàu chất xơ, uống nhiều nước và vận động nhẹ nhàng trong những tuần cuối thai kỳ cũng giúp cải thiện tiêu hóa, giảm táo bón và hỗ trợ quá trình sinh thường diễn ra thuận lợi hơn.

4. Có thể sinh thường sau lần sinh mổ trước đó không?

Phụ nữ từng sinh mổ hoàn toàn có thể sinh thường ở lần mang thai sau nếu đáp ứng các điều kiện thuận lợi từ phía mẹ và thai nhi. Điều này gọi là sinh thường sau sinh mổ (VBAC – Vaginal Birth After Cesarean). Tuy nhiên, khả năng này cần được đánh giá cẩn thận bởi bác sĩ sản khoa.

Một số điều kiện cần để sinh thường sau sinh mổ bao gồm:

  • Không mổ ngang quá 2 lần trước đó
  • Thai nhi có kích thước bình thường
  • Ngôi thai thuận
  • Mẹ bầu không gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc biến chứng ở tử cung.

Ngược lại, nếu bạn từng sinh mổ nhiều hơn 2 lần, có vết mổ dọc hoặc hình chữ T, em bé quá lớn hoặc sức khỏe của mẹ không ổn định, bác sĩ thường khuyến nghị sinh mổ để đảm bảo an toàn.

5. Có nên gây tê ngoài màng cứng khi sinh thường?

Gây tê ngoài màng cứng là một phương pháp phổ biến giúp giảm đau hiệu quả trong quá trình chuyển dạ sinh thường. Việc có nên áp dụng phương pháp này hay không phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của sản phụ và đánh giá từ bác sĩ. 

Phương pháp này đặc biệt hữu ích với những trường hợp đau chuyển dạ kéo dài, dữ dội hoặc sức khỏe sản phụ bị suy giảm, giúp giảm cơn đau và tăng khả năng sinh thường, hạn chế nguy cơ phải sinh mổ. Gây tê ngoài màng cứng có nhiều ưu điểm như:

  • Giảm đau hiệu quả nhưng vẫn giữ cảm giác cần thiết để sản phụ rặn đẻ.
  • Giúp quá trình sinh nở diễn ra an toàn và ít gây căng thẳng tâm lý hơn.
  • Nếu cần chuyển sang mổ lấy thai, việc tăng liều thuốc tê có thể được thực hiện ngay mà không cần gây tê mới.

đẻ thường

Dù an toàn, gây tê ngoài màng cứng có thể gây một số tác dụng phụ như hạ huyết áp, buồn nôn, ngứa da hoặc đau lưng tạm thời. Hiếm gặp hơn, có thể xảy ra tình trạng nhiễm trùng, tụ máu và biến chứng khác.

Sản phụ nên thực hiện kỹ thuật này tại các cơ sở y tế uy tín, có trang thiết bị hiện đại và bác sĩ chuyên môn cao. Quyết định cuối cùng nên dựa trên tư vấn từ bác sĩ để đảm bảo an toàn và phù hợp nhất với từng trường hợp.

Sinh thường mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả mẹ và bé như giúp mẹ phục hồi nhanh, giảm nguy cơ biến chứng sau sinh và giúp bé có hệ miễn dịch tốt khi chào đời. 

Mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ, tuân thủ lịch khám thai, chuẩn bị kỹ lưỡng về sức khỏe, tâm lý và kiến thức là điều cần thiết cho quá trình sinh nở.

Hello Bacsi luôn đồng hành cùng các mẹ trên từng chặng đường thai kỳ. Hãy tiếp tục chăm sóc bản thân thật tốt và đừng quên truy cập Hello Bacsi để đọc thêm các bài viết hữu ích về sức khỏe thai kỳ, sinh nở và chăm sóc sau sinh.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Vaginal delivery

https://my.clevelandclinic.org/health/articles/23097-vaginal-delivery

Ngày truy cập: 27/12/2024

Vaginal Delivery

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559197/

Ngày truy cập: 27/12/2024

Benefits of Vaginal Birth

https://www.pregnancyparenting.org.au/birth/benefits-vaginal-birth

Ngày truy cập: 27/12/2024

C-section vs. vaginal birth: the difference and which is best for you

https://www.themotherbabycenter.org/blog/2023/04/c-section-vs-vaginal-birth/

Ngày truy cập: 27/12/2024

After vaginal delivery – in the hospital

https://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000629.htm

Ngày truy cập: 27/12/2024

Chuyên gia sản khoa: Sản phụ chỉ sinh con tại nhà trong trường hợp bất đắc dĩ

https://moh.gov.vn/tin-lien-quan/-/asset_publisher/vjYyM7O9aWnX/content/chuyen-gia-san-khoa-san-phu-chi-sinh-con-tai-nha-trong-truong-hop-bat-ac-di?inheritRedirect=false

Ngày truy cập: 27/12/2024

Mothers dying needlessly due to lack of proper health support

https://www.who.int/vietnam/news/commentaries/detail/mothers-dying-needlessly-due-to-lack-of-proper-health-support

Ngày truy cập: 27/12/2024

Phiên bản hiện tại

07/01/2025

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Thai quá ngày: Nguyên nhân, giải pháp và những điều mẹ bầu cần biết

Tim thai: Dấu hiệu sức khỏe bé yêu mẹ cần đặc biệt lưu ý


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: Tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo