backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Giải đáp thắc mắc: Niêm mạc tử cung mỏng có thai được không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 21/12/2023

    Giải đáp thắc mắc: Niêm mạc tử cung mỏng có thai được không?

    “Niêm mạc tử cung mỏng có thai được không?” là câu hỏi của các chị em phụ nữ bị chẩn đoán có niêm mạc tử cung mỏng, đặc biệt là trong giai đoạn chuẩn bị mang thai. 

    Niêm mạc tử cung hay còn được biết đến là lớp lót bao phủ bên trong lòng tử cung, đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản ở nữ giới. Độ dày phù hợp của lớp niêm mạc tử cung có liên quan với khả năng thụ thai (làm tổ thành công của phôi). Điều này dẫn đến mối lo cho các chị em phụ nữ về tỷ lệ thụ thai khi niêm mạc tử cung mỏng? Niêm mạc tử cung mỏng có thai được không hay hoàn toàn không có khả năng mang thai?

    Trong bài viết dưới đây, bạn hãy cùng Hello Bacsi đi giải đáp các thắc mắc trên và tìm kiếm các biện pháp khắc phục tình trạng này nhằm gia tăng tỷ lệ thụ thai, nếu chẳng may kết quả siêu âm cho thấy niêm mạc tử cung mỏng nhé. 

    Thế nào là niêm mạc tử cung mỏng?

    Trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, dưới tác động của nồng độ hormone sinh sản, độ dày niêm mạc tử cung sẽ thay đổi liên tục. Cụ thể là mỏng nhất ngay sau khi hành kinh, độ dày lớp niêm mạc sẽ nằm trong khoảng từ 7 đến 8 mm  trong giai đoạn đầu của pha nang noãn và dày lên thêm khoảng 4 – 5 mm khi gần sát ngày rụng trứng.

    Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân như nồng độ estrogen thấp, giảm lưu lượng máu hoặc tổn thương sau phẫu thuật nội soi tử cung… lớp niêm mạc có độ dày thấp hơn 7mm (6 – 8mm) quanh thời điểm rụng trứng (hay chuyển phôi trong IVF) được gọi là nội mạc tử cung mỏng và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ thụ thai. 

    Tình trạng này chỉ được chẩn đoán chính xác thông qua các phép đo bằng siêu âm ngả âm đạo (siêu âm đầu dò) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Thế nhưng theo một số chuyên gia, bạn vẫn có thể nghi ngờ mình có bị niêm mạc tử cung mỏng hay không qua các dấu hiệu như:

    • Quan hệ tình dục thường xuyên và không sử dụng biện pháp tránh thai trong thời gian dài, nhưng vẫn không có thai. Tình trạng này có thể là do lớp niêm mạc mỏng khiến việc làm tổ của phôi và duy trì thai kỳ khó khăn. 
    • Trong những tình huống thụ tinh trong ống nghiệm nếu kiểm tra thấy niêm mạc tử cung mỏng bác sĩ sẽ thông báo cho bạn biết và có thể phải chuyển phôi vào chu kỳ sau. Vì độ dày niêm mạc không đủ sẽ khó có khả năng mang thai thành công.
    • Chu kỳ kinh nguyệt không đều và bất thường với các triệu chứng như thời gian hành kinh rất ngắn, lượng máu kinh bất thường và đau bụng kinh dữ dội. 

    Giải đáp thắc mắc: Niêm mạc tử cung mỏng có thai được không?

    niêm mạc tử cung mỏng có thai được không

    Câu trả lời cho thắc mắc “niêm mạc tử cung mỏng có thai được không?” là phụ nữ bị niêm mạc tử cung mỏng vẫn có khả năng mang thai. Vì trên thực tế đã có những báo cáo về các trường hợp phụ nữ có lớp niêm mạc chỉ dày ít hơn 6mm cũng có thể mang thai. Tuy nhiên, điều này rất hiếm xảy ra, vì lớp niêm mạc tử cung quá mỏng không chỉ khó thụ thai, mà còn không đủ sức để chứa đầy mạch máu hỗ trợ thai kỳ khỏe mạnh, nên dù có thai rất khó giữ. Vì thế, niêm mạc tử cung mỏng có liên quan đến các vấn đề như: 

    Niêm mạc tử cung mỏng được điều trị như thế nào để gia tăng cơ hội mang thai?

    Với sự phát triển của y học hiện đại, các phương pháp điều trị niêm mạc tử cung mỏng để gia tăng cơ hội mang thai ngày càng đa dạng hơn. Sau đây là một số biện pháp phổ biến mà bạn có thể tham khảo: 

    1. Liệu pháp nội tiết tố

    niêm mạc tử cung mỏng có thai được không

    Các loại thuốc nội tiết tố như estrogen và progesterone có thể được chỉ định để thúc đẩy quá trình làm dày nội mạc tử cung. Bên cạnh đó, phác đồ điều trị còn có thể bổ sung các hoạt chất như vitamin E, L-arginine và coenzyme Q10,… nhằm tăng lưu lượng máu đến tử cung và giúp cải thiện độ dày của niêm mạc tử cung. 

    2. Truyền huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) vào tử cung

    PRP – Platelet Rich Plasma được gọi là công nghệ lấy máu tự thân, sử dụng máu của người cần điều trị, đem xử lý ly tâm để thu được huyết tương giàu tiểu cầu và truyền ngược lại cơ thể. Mục tiêu chính của phương pháp này là kích thích các tế bào mới phát triển liên tục, nhằm tăng độ dày nội mạc tử cung.

    3. Xước niêm mạc tử cung (ES)

    Một thủ thuật nhỏ giúp tạo vết xước ở niêm mạc tử cung để kích thích sự tiếp nhận của tử cung và cải thiện khả năng cấy phôi. Phương pháp này thường được sử dụng để tăng tỷ lệ cấy phôi thành công ở các ca thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

    4. Thay đổi lối sống

    Một lối sống lành mạnh sẽ mang đến nhiều lợi ích trong việc cải thiện lưu lượng máu, hỗ trợ cân bằng nội tiết tố và tăng cường độ dày của thành mạc tử cung. Ví dụ như: 

    • Tăng cường vận động thường xuyên, ít nhất 15-20 phút hoạt động thể chất mỗi ngày để tăng lưu lượng máu.  
    • Bổ sung các thực phẩm hữu cơ có lợi cho quá trình thụ thai như quả mâm xôi, đậu nành, hạt macca, bông cải xanh, khoai lang… 
    • Thêm vào thực đơn một số gia vị có lợi cho sức khỏe tử cung như dầu ô liu, gừng, nhụy hoa nghệ tây, nghệ, quế, tỏi… 
    • Hạn chế các thực phẩm gây hại cho sức khỏe như thực phẩm nhiều đường, thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa, thức uống chứa caffeine hoặc các thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn. 

    5. Châm cứu

    Đây được xem như một phương pháp điều trị hỗ trợ, giúp tăng tỷ lệ thành công ở những ca IVF. Nguyên nhân dẫn đến kết quả này được cho là do sự gia tăng lưu lượng máu đến tử cung, giảm căng thẳng và thay đổi chức năng miễn dịch, giúp thúc đẩy đậu thai. 

    Những phương pháp trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, việc lựa chọn sẽ còn phù thuộc vào nguyên nhân, tình trạng niêm mạc tử cung, mức độ mong con… cũng như khả năng ứng dụng của phương pháp mà bác sĩ chọn lựa cho bạn tại cơ sở y tế.

    Tóm lại, đáp án cho câu hỏi “niêm mạc tử cung mỏng có thai được không?” là có, nhưng tỷ lệ không cao. Và qua bài viết trên, hy vọng sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích về niêm mạc tử cung mỏng, cũng như cách để cải thiện tình trạng này và nâng cao tỷ lệ thụ thai.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Văn Thuận

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


    Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 21/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo