backup og meta

Cách làm chân gà sả tắc cho người bệnh mạn tính: Ngon miệng và giữ gìn sức khỏe

Cách làm chân gà sả tắc cho người bệnh mạn tính: Ngon miệng và giữ gìn sức khỏe

Chân gà sả tắc là món ăn vặt được nhiều người yêu thích nhờ vị giòn sần sật đặc trưng của chân gà hòa quyện cùng hương vị chua cay mặn ngọt khó cưỡng. Cách làm chân gà ngâm sả tắc truyền thống không quá khó để thực hiện, nhưng liệu bạn đã biết cách làm chân gà sả tắc vừa ngon miệng, vừa phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh mạn tính chưa?

Nội dung bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách làm món chân gà sả tắc lành mạnh, giúp giữ được hương vị đặc trưng mà không ảnh hưởng đến sức khỏe, phù hợp với cả những người đang mắc bệnh mạn tính. Mời bạn xem tiếp ngay sau đây nhé.

Người bệnh mạn tính có nên ăn chân gà ngâm sả tắc không?

Chân gà ngâm sả tắc là một món ăn hấp dẫn, nhưng với người mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, rối loạn mỡ máu, cao huyết áp hoặc tim mạch, việc thêm món này vào chế độ ăn uống cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Dưới đây là các yếu tố quan trọng cần xem xét trước khi bạn thưởng thức món ăn này:

Hàm lượng natri trong món chân gà sả tắc

Món chân gà ngâm sả tắc thường chứa nước mắm và muối để tạo hương vị đậm đà, có thể làm tăng lượng natri trong món ăn. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo không nên tiêu thụ quá 2.300 miligam natri mỗi ngày. Giới hạn lý tưởng là không quá 1.500 calo mỗi ngày đối với hầu hết người lớn, đặc biệt là những người bị huyết áp cao. 

Việc tiêu thụ natri quá mức có thể gây nguy cơ tăng huyết áp, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch.

Cách làm chân gà sả tắc

Hàm lượng đường của món ăn

Để tạo vị chua ngọt cân bằng, cách làm chân gà ngâm sả tắc thường sử dụng đường. Tuy nhiên, với người bệnh tiểu đường, việc kiểm soát lượng đường là rất quan trọng. Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến nghị người bị tiểu đường nên hạn chế các loại thực phẩm có đường bổ sung.

Độ cay của món ăn

Sả và ớt là hai thành phần tạo nên nét đặc trưng của món ăn, nhưng vị cay có thể gây kích thích đường tiêu hóa, đặc biệt với người mắc bệnh dạ dày hoặc các bệnh mãn tính khác liên quan đến tiêu hóa.

Cách làm chân gà sả tắc

Da gà làm tăng calo và chất béo bão hòa

Da chân gà chứa nhiều chất béo bão hòacholesterol. Một khẩu phần 20g da gà cung cấp 2.3g chất béo bão hòa và 16mg cholesterol, không phù hợp với chế độ ăn kiêng của người mắc bệnh tim mạch hoặc tiểu đường.

Để đảm bảo an toàn, người bệnh mạn tính nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi thêm món chân gà sả tắc vào chế độ ăn. Một số điều chỉnh trong cách làm chân gà ngâm sả tắc như giảm lượng muối, đường, giảm vị cay hoặc bỏ bớt phần da ở chân gà có thể làm biến đổi hương vị đặc trưng của món ăn không còn sức hấp dẫn nữa. Dù là vậy, bạn vẫn nên gia giảm để sao cho phù hợp với sức khỏe.

Những lưu ý khi lựa chọn nguyên liệu làm chân gà ngâm sả tắc

Các nguyên liệu chính của món chân gà ngâm sả tắc bao gồm:

Để phù hợp hơn với người bệnh mạn tính, dưới đây là một số lưu ý trong việc chọn nguyên liệu làm chân gà sả tắc mà bạn có thể tham khảo:

Cách chọn chân gà

  • Ưu tiên chân gà có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm. 
  • Chọn loại chân gà có màu trắng hồng tự nhiên, không bị nhớt. 
  • Tránh chân gà quá to, ưu tiên loại chân nhỏ, ít mỡ.
  • Trước khi chế biến, bạn có thể loại bỏ bớt phần da trên chân gà để giảm lượng chất béo bão hòa. Ngoài ra, tùy theo sở thích mà bạn có thể chọn cách làm chân gà rút xương ngâm sả tắc để dễ ăn hơn.

Cách chọn chân gà trước khi làm món chân gà sả tắc

Cách chọn gia vị và nguyên liệu khác

  • Sử dụng loại nước mắm và muối ít natri
  • Có thể thay đường trắng bằng đường vàng vì ít calo hơn, hoặc bằng chất tạo ngọt tự nhiên như cỏ ngọt (stevia). Tuy nhiên, việc chọn dùng các loại chất tạo ngọt nhân tạo khác bao gồm: saccharin, aspartame, sucralose, kể cả erythritol không được khuyến khích vì có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác. Tốt nhất bạn nên hạn chế lượng và tần suất sử dụng chúng.
  • Hạn chế sử dụng ớt tươi nếu người bệnh có vấn đề về dạ dày.
  • Chọn các loại rau thơm ăn cùng để tăng hương vị và giảm sự phụ thuộc vào các loại gia vị có hàm lượng natri cao.

Hướng dẫn cách làm chân gà ngâm sả tắc cho người bệnh mạn tính

Bước 1: Chuẩn bị và xử lý nguyên liệu

Sơ chế chân gà:

  • Cắt móng chân gà và loại bỏ bớt phần da để giảm chất béo bão hòa.
  • Làm sạch chân gà với nước sạch và một ít muối, sau đó chặt chân gà thành từng khúc nhỏ vừa ăn.

Sơ chế các nguyên liệu khác:

  • Sả: Rửa sạch, bỏ lớp vỏ già, cắt lát mỏng.
  • Tắc và chanh: Rửa sạch, tắc cắt đôi, bỏ hạt, chanh vắt lấy nước cốt (1/2 chén).
  • Gừng: Gọt vỏ, thái lát mỏng. Gừng có thể đập dập để tăng hương vị.
  • Hành tỏi: Bóc vỏ, hành tím đập dập, tỏi giã nhỏ.
  • Ớt: Chọn lượng vừa đủ, cắt lát nhỏ, hoặc thay bằng ớt bột không cay nếu người bệnh nhạy cảm.

Luộc chân gà:

  • Cho vào nồi 1 lít nước, 1 chút muối giảm natri, hành tím đập dập, vài lát gừng và vài nhánh sả để tạo hương thơm tự nhiên.
  • Đun nước sôi, cho chân gà vào luộc trên lửa nhỏ từ 10-15 phút đến khi chín mềm.
  • Sau đó vớt chân gà ra, ngâm ngay vào nước đá trong khoảng 5 phút để tăng độ giòn và giữ màu sắc tươi sáng.

cách làm chân gà sả tắc: luộc chân gà

Bước 2: Làm nước ngâm chân gà

  • Hỗn hợp làm nước ngâm chân gà bao gồm nước mắm giảm natri và nước lọc theo tỷ lệ 1:2, chất tạo ngọt thay thế đường (đọc hướng dẫn sử dụng để lấy lượng phù hợp đối với từng loại tạo ngọt khác nhau)
  • Đun hỗn hợp trên bếp với lửa vừa trong 5 phút cho hòa quyện. Vớt bỏ bọt để nước trong hơn.
  • Để hỗn hợp nguội hoàn toàn trước khi ngâm chân gà.

Bước 3: Trộn và ngâm chân gà

  • Cho chân gà vào thau. Lần lượt cho tắc, sả, gừng, hành tỏi, nước cốt chanh và ớt vào.
  • Đổ nước ngâm đã nguội vào, trộn đều cho các nguyên liệu hòa quyện. Gia giảm gia vị để hợp khẩu vị.
  • Bọc kín thau chân gà và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 2-4 giờ để chân gà thấm vị thì có thể mang ra thưởng thức.

Bước 4: Lưu ý bảo quản và sử dụng

  • Để món ăn an toàn và tươi ngon, sử dụng hộp đựng kín và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 5-7 ngày.
  • Khi ăn, dùng đũa sạch lấy đủ phần ăn, sau đó đậy kín nắp và tiếp tục bảo quản trong tủ lạnh để tránh làm hỏng món ăn.

Những lưu ý khi ăn chân gà ngâm sả tắc cho người bệnh mạn tính

Lưu ý khi ăn món chân gà ngâm sả tắc

Món chân gà ngâm sả tắc là một món ăn ngon, nhưng với người mắc bệnh mạn tính, việc điều chỉnh khẩu phần và nguyên liệu là rất quan trọng để tránh gây hại cho sức khỏe. Dưới đây là một số lưu ý khi ăn món này:

Kiểm soát khẩu phần ăn

Người bệnh mạn tính nên ăn các món từ chân gà với lượng vừa phải và không ăn quá nhiều cùng lúc. Cụ thể, người bệnh chỉ nên ăn chân gà ngâm sả tắc 1 lần/ tuần, mỗi lần 2-3 chân gà.

Kết hợp với thực phẩm lành mạnh khác

Để giảm tác động của gia vị và chất béo xấu, bạn có thể kết hợp món chân gà ngâm sả tắc với các loại rau xanh hoặc thực phẩm giàu chất xơ. Những thực phẩm này sẽ giúp cải thiện tiêu hóa và hỗ trợ duy trì mức đường huyết ổn định. Người bệnh cao huyết áp khi ăn chân gà sả tắc nên uống đủ nước và không dùng thêm bất cứ loại nước chấm nào để giảm bớt tác động của muối trong món ăn.

Bạn cần tránh dùng món này cùng nước ngọt, rượu bia hoặc đồ chiên rán để giảm gánh nặng chuyển hóa và thải trừ cho gan và thận.

Ăn chân gà sả tắc đúng thời điểm

Cách làm chân gà sả tắc

Bạn nên ưu tiên thưởng thức món chân gà ngâm sả tắc vào buổi trưa hoặc chiều, kết hợp với các món ăn lành mạnh khác. Tránh ăn vào thời điểm sau 20 giờ; khi cảm thấy cơ thể không thoải mái hoặc chậm tiêu vì có thể gây áp lực lên hệ tiêu hóa.

Nếu món chân gà ngâm sả tắc hay không phù hợp với thể trạng bệnh nhân, người bệnh có thể thử các món ăn khác từ thịt gà thơm ngon và phù hợp hơn với chế độ ăn của mình như ức gà hấp, canh gà nấu nấm, cháo gà nấu đậu hoặc salad gà… Trong đó, ức gà là phần thịt gà giàu protein và ít chất béo, rất phù hợp với người đang muốn giảm cân để cải thiện bệnh.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết, một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp người mắc bệnh mãn tính kiểm soát tình trạng sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống. 
Theo đó, người bệnh cần ăn đa dạng thực phẩm từ các nhóm như trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc (gà, cá, đậu) và các sản phẩm từ sữa ít béo; đồng thời, cần hạn chế lượng muối, đường và chất béo bão hòa trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Tóm lại, cách làm chân gà ngâm sả tắc hay các món từ chân gà khác như cách làm chân gà sốt thái cần được điều chỉnh cẩn thận để phù hợp với người đang mắc bệnh mạn tính. 

Việc tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi bổ sung món chân gà ngâm sả tắc vào chế độ ăn uống là điều cần thiết. Bên cạnh đó, người bệnh mạn tính nên luôn tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, cân đối dinh dưỡng và kết hợp với lối sống khoa học để bảo vệ sức khỏe lâu dài.

Hãy biến món ăn này trở thành một phần thú vị trong thực đơn, nhưng đừng quên đặt sức khỏe lên hàng đầu!

Healthify – Loạt nội dung mới lần đầu tiên xuất hiện trên Hello Bacsi – Giới thiệu các công thức nấu nướng, chế biến món ăn thân thuộc trong bữa ăn gia đình theo cách “thân thiện, lành mạnh và dinh dưỡng” cho sức khỏe, nhất là phù hợp với các tình trạng bệnh mạn tính.
Theo Tổ chức Y tế Thể giới (WHO), ít nhất 80% các bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường; đồng thời 40% các bệnh ung thư có thể được ngăn ngừa và kiểm soát tốt nếu mọi người ăn uống lành mạnh hơn, bên cạnh việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt, tập luyện và không hút thuốc lá. 
Qua loạt nội dung này, Hello Bacsi mong rằng bạn và người thân có thể chủ động hơn trong việc chăm sóc và quản lý sức khỏe bản thân và gia đình một cách hiệu quả và tối ưu.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Can People With Diabetes Have Sugar?

https://health.clevelandclinic.org/can-people-with-diabetes-eat-sugar

Ngày truy cập: 17/11/2024

Shaking the Salt Habit to Lower High Blood Pressure

https://www.heart.org/en/health-topics/high-blood-pressure/changes-you-can-make-to-manage-high-blood-pressure/shaking-the-salt-habit-to-lower-high-blood-pressure

Ngày truy cập: 17/11/2024

Food and Blood Glucose

https://diabetes.org/food-nutrition/food-blood-sugar

Ngày truy cập: 17/11/2024

Chicken skin

https://www.nutritionvalue.org/Chicken_skin_24198440_nutritional_value.html

Ngày truy cập: 17/11/2024

Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam – Bộ Y tế

https://www.fao.org/fileadmin/templates/food_composition/documents/pdf/VTN_FCT_2007.pdf

Ngày truy cập: 17/11/2024

Preventing Chronic Diseases: What You Can Do Now

https://www.cdc.gov/chronic-disease/prevention/index.html

Ngày truy cập: 17/11/2024

Phiên bản hiện tại

22/11/2024

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

2 cách làm bánh tráng nướng bằng chảo giòn rụm ngon khó cưỡng

3 cách làm gỏi gà hấp dẫn, ăn là mê!


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Lai Ngọc Hiền

Dinh dưỡng - Da liễu Thẩm mỹ · Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 22/11/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo