backup og meta

Các tác dụng của chân gà cho bữa ăn nhiều dinh dưỡng

Các tác dụng của chân gà cho bữa ăn nhiều dinh dưỡng

Tác dụng của chân gà không chỉ để làm món ăn trong những câu chuyện hàn huyên với bạn bè mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vậy bạn có thể nấu được những món ngon từ chân gà nào để đãi cả nhà đây?

Những món ăn vặt như chân gà ngâm sả tắc hay chân gà nướng không chỉ rất ngon mà còn tốt cho sức khỏe. Bạn hãy cùng tìm hiểu các tác dụng của chân gà để có thêm nhiều món ngon tốt cho cả nhà nhé.

Các tác dụng của chân gà

Chân gà không chỉ cung cấp collagen nuôi dưỡng da mà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sự phát triển của xương.

1. Chân gà cung cấp collagen

Một phần tác dụng của chân gà đối với sức khỏe là nhờ lượng collagen dồi dào. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Khoa Thú y Đại học Chung-Hsing ở Đài Loan cho biết chân gà có lượng collagen rất cao. Mức độ collagen tự nhiên trong chân gà cũng tương tự lượng collagen có trong rau xanh và trái cây. Chất này mang đến một số lợi ích như:

  • Hỗ trợ da tạo tế bào mới thay cho những tế bào chết, từ đó giúp duy trì sức khỏe và độ đàn hồi của làn da. Bạn cần hiểu rõ tầm quan trọng của collagen đối với làn da để kéo dài nét tươi trẻ cho làn da.
  • Tăng khả năng hấp thụ canxi và protein tốt hơn. 
  • Giúp cơ thể sản xuất nhiều tế bào hồng cầu hơn. 
  • Tăng cường tốc độ chuyển hóa chất béo của cơ thể và hỗ trợ giảm cân.

2. Chân gà giúp giảm nguy cơ gãy xương

Tác dụng của chân gà

Người lớn tuổi thường gặp các bệnh về xương khớp do xương đã giảm khả năng hấp thụ canxi. Bạn có thể ngăn ngừa các bệnh này từ sớm bằng cách ăn thêm chân gà. Món ăn này bao gồm da, gân, xương giàu protein, canxi cũng như collagen dễ hấp thụ. Lượng dinh dưỡng này rất quan trọng trong việc tăng cường cấu trúc xương và phòng ngừa loãng xương từ sớm.

3. Chân gà hỗ trợ chữa lành chấn thương

Chân gà mang lại khả năng chữa lành các chấn thương nhờ có chứa các chất dinh dưỡng như protein và canxi. Đây là hai chất dinh dưỡng cực kỳ quan trọng giúp tái tạo các dây thần kinh, cơ bắp và xương trong cơ thể. 

4. Chân gà giúp cải thiện hệ tiêu hóa

Khi hầm chân gà làm nước dùng, các chất dinh dưỡng trong nguyên liệu này như protein, collagen, chondroitin và glucosamine cũng sẽ hòa tan vào nước. Khi bổ sung nước dùng chứa các chất dinh dưỡng này, ruột sẽ khỏe hơn và tiêu hóa thức ăn hiệu quả hơn.

5. Chân gà duy trì sức khỏe móng

Nước dùng hay các món ăn khác từ chân gà có thể cung cấp một số axit amin, collagen, glycine, hidroksipolin và proline giúp duy trì móng khỏe đẹp. Hơn nữa, chân gà đã nấu chín thường chứa gelatin giúp cơ thể xử lý canxi móng hấp thụ được.

6. Chân gà giúp duy trì sức khỏe nướu

Những bệnh nha chu chưa hẳn là do răng miệng không khỏe mà đôi khi nguyên nhân là do bạn thiếu vitamin và các chất dinh dưỡng khác. Chân gà lại chứa rất nhiều chất dinh dưỡng nên sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho sức khỏe của nướu. Các mô liên kết và sụn có chứa collagen, axit amin và một số chất tạo gelatin, những chất giúp cải thiện sức khỏe của nướu răng rất tốt.

7. Chân gà cải thiện hệ miễn dịch

Chân gà không chỉ chứa collagen hay chất tạo gelatin mà còn chứa các loại khoáng chất khác như kẽm, đồng, magie, canxi và phốt pho. Đây là những khoáng chất cần thiết giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch để đối phó với nhiều loại bệnh.

Các món ngon từ chân gà

Chân gà là nguyên liệu nấu ăn linh hoạt dễ chế biến, rất bổ dưỡng để bạn có thể bổ sung vào thực đơn cho bữa ăn thêm phong phú hơn. 

1. Chân gà ngâm sả tắc

Tác dụng của chân gà

Mùi thơm từ sả và tắc sẽ giúp món chân gà hấp dẫn hơn rất nhiều trong công thức nấu ăn của bạn.  

Nguyên liệu nấu chân gà ngâm sả tắc

  • 20 cái chân gà. Để đảm bảo lựa chọn thực phẩm an toàn, bạn hãy lựa chân gà có màu hơi hồng tự nhiên và không có mùi lạ
  • 10 nhánh sả
  • 1 củ gừng to
  • Ớt sừng tươi
  • Khoảng 5 quả tắc
  • 2 củ tỏi
  • Muối hạt
  • Rượu trắng
  • Lá chanh
  • Gia vị: Nước mắm, muối, giấm gạo, đường trắng, tiêu đen…

Cách thực hiện món chân gà ngâm sả tắc

Bạn sẽ cần sơ chế các nguyên liệu trước khi luộc chân gà để ngâm với nước sả tắc theo hướng dẫn như dưới đây:

♦ Sơ chế nguyên liệu

  • Bạn rửa sơ chân gà, chặt bỏ phần móng và cắt chân gà làm đôi theo chiều ngang.
  • Rửa sạch sả và ớt rồi cắt nhỏ. 
  • Làm sạch gừng rồi giã nát. 
  • Cắt tắc thành các khoanh tròn nhỏ.
  • Ngâm chân gà với một ít rượu trắng và gừng đã giã nát. Bạn nhớ bóp đều để chân gà không còn mùi hôi. 

♦ Luộc chân gà

  • Bạn rửa sơ lại chân gà rồi cho vào nồi luộc với sả và gừng đã giã. Bạn nhớ chỉ đun nhỏ lửa và không để chân gà chín quá.
  • Bạn chuẩn bị sẵn một thau nước đá để ngâm chân gà sau khi luộc. Bạn ngâm chân gà trong nước đá khoảng 1 phút rồi gắp ra đĩa và bỏ vào tủ lạnh để chân gà giòn hơn.

♦ Làm nước sả tắc ngâm chân gà

  • Hãy chuẩn bị một nồi sạch rồi cho 6 chén nước cùng giấm, đường trắng, nước mắm vào khuấy đều và đun sôi. 
  • Bạn đợi hỗn hợp nước giấm nguội bớt rồi thêm ớt và sả vào. Khi hỗn hợp đã nguội hoàn toàn, bạn tiếp tục cho tắc vào. Bạn không nên cho tắc vào nước giấm còn ấm để tránh nước bị đắng.

♦ Ngâm chân gà

  • Xếp chân gà vào hộp đựng rồi đổ hỗn hợp nước ngâm vừa chế biến vào. Bạn hãy đổ luôn cả phần sả, ớt, tắc vào ngâm cùng để món ăn hấp dẫn hơn. 
  • Bạn ngâm chân gà để qua đêm là có thể thưởng thức ngay.

2. Chân gà nướng

Chân gà nướng

Món chân gà nướng phù hợp cho những buổi tụ họp bên bếp BBQ của cả gia đình. Hơn nữa, bạn sẽ tránh được những tác hại của chân gà nướng nếu tự tay mua nguyên liệu về nhà chế biến.

Nguyên liệu làm chân gà nướng

  • 8 – 10 chiếc chân gà
  • Giấm
  • Rượu trắng
  • Nước cốt chanh
  • Tỏi 
  • Hành củ
  • 1 cây sả
  • 1 quả ớt sừng
  • Dầu ăn
  • Gia vị: Muối, tiêu, đường, nước mắm, hạt nêm, dầu điều…

Cách thực hiện món chân gà nướng

  • Làm sạch chân gà bằng muối trắng rồi cắt bỏ phần móng. Bạn có thể khử mùi cho chân gà bằng cách rửa thêm với rượu trắng một lần nữa.
  • Cho chân gà vào nồi hấp khoảng 10 phút rồi để nguội tự nhiên.
  • Trộn đều ngũ vị hương, nước mắm, muối, đường, tỏi băm, dầu ăn, ớt… Bạn có thể gia giảm các loại gia vị theo sở thích của mình.
  • Dùng hỗn hợp gia vị vừa trộn ướp chân gà trong khoảng 5 – 6 tiếng để chân gà thấm gia vị.
  • Khi muốn ăn, bạn chuẩn bị lò và vỉ rồi đặt chân gà lên nướng. Bạn nhớ lật chân gà thường xuyên để món ăn không bị cháy. Khi nướng, bạn có thể phết thêm gia vị để chân gà không khô.
  • Cuối cùng, bạn hãy xếp chân gà nướng ra đĩa và thưởng thức.

3. Chân gà hấp hành

Chân gà hấp hành

Chân gà khi hấp hành sẽ có mùi thơm đặc trưng kích thích vị giác. Bạn có thể làm thêm đĩa muối tiêu chanh để chấm cũng rất hợp với món này.

Nguyên liệu làm chân gà hấp hành

  • 500g chân gà
  • 100g hành lá
  • Rượu trắng
  • Chanh tươi
  • Gia vị: hạt nêm, hạt tiêu, muối, dầu ăn…

Cách thực hiện chân gà hấp hành

  • Rửa sạch hành lá rồi cắt khúc khoảng 5 – 6cm
  • Ngâm chân gà với nước muối rồi cắt bỏ phần móng. Sau đó, bạn ngâm chân gà với nước chanh khoảng 5 phút để khử mùi hôi.
  • Bạn bắc nồi nước sôi luộc sơ chân gà
  • Khi chân gà chín, bạn vớt ra đĩa rồi ướp với thêm với dầu ăn, hạt nêm, rượu trắng, hạt tiêu, xếp hành lá trên trên.
  • Cho đĩa chân gà vào một cái nồi lớn và hấp cách thủy trong vòng 5 phút
  • Cuối cùng, bạn lấy chân gà ra và thưởng thức món ăn.

Những tác dụng của chân gà không chỉ gói gọn trong việc nấu các món ăn ngon miệng mà còn giúp bạn bảo vệ sức khỏe rất tốt. Bạn hãy thử tự tay nấu các món ngon từ chân gà để thực đơn cả nhà thêm phong phú nào.

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

5 Healing Bone Broth Recipes for Your Body, Gut, Skin, and Soul
https://www.healthline.com/health/food-nutrition/healing-bone-broth-recipes#fish-bone-broth
Ngày truy cập: 20.08.2019

10 Chicken Feet Health Benefits
https://www.thealthbenefitsof.com/chicken-feet-health-benefits/
Ngày truy cập: 20.08.2019

Chicken Feet: Why you need them in your diet and how to prepare them!
https://theelliotthomestead.com/2015/01/chicken-feet/
Ngày truy cập: 20.08.2019

Phiên bản hiện tại

08/09/2020

Tác giả: Như Vũ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Dung Nguyễn


Bài viết liên quan

Cách làm bánh chuối cho người bệnh mạn tính: Giữ trọn vị ngon mà vẫn an toàn sức khỏe

Cách làm giả cầy kiểu mới: Dinh dưỡng vẹn toàn cho người bệnh mạn tính


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 08/09/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo