backup og meta

5 cách làm gà chiên nước mắm ăn vặt, ăn cơm đều rất ngon

5 cách làm gà chiên nước mắm ăn vặt, ăn cơm đều rất ngon

Gà chiên nước mắm là món ăn thơm ngon, đậm vị được rất nhiều người yêu thích. Đây là món mà bạn có thể dùng để ăn vặt, món khai vị hay ăn cơm rất linh hoạt. Bạn có thể học cách làm gà chiên nước mắm để làm phong phú thêm bữa ăn và đảm bảo sức khỏe nhé. 

Gà chiên nước mắm là món ăn khoái khẩu của cả trẻ em lẫn người lớn. Các “biến thể” của gà chiên nước mắm như cánh gà chiên nước mắm, chân gà chiên nước mắm, đùi gà chiên nước mắm, ức gà chiên nước mắm, sụn gà chiên nước mắm… sẽ tạo nên hương vị “ngon xoắn lưỡi” khi ăn kèm rau sống, dưa leo hoặc cà chua… Nếu bạn muốn tự tay trổ tài ngay tại nhà, hãy học ngay 5 cách làm gà chiên nước mắm qua bài viết dưới đây của Hello Bacsi. Đồng thời, bài viết cũng cung cấp cho bạn các lưu ý trong việc chế biến món ngon này sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh mạn tính, ít ảnh hưởng đến sức khỏe.

5 cách làm gà chiên nước mắm “ngon xoắn lưỡi”

1. Cách làm món cánh gà chiên nước mắm 

cách làm cánh gà chiên nước mắm

Nếu bạn đang tìm hiểu về cách làm gà chiên nước mắm giòn rụm thì không nên bỏ qua món cánh gà chiên nước mắm. 

Nguyên liệu: 

  • Cánh gà: 500g
  • Đường vàng hoặc đường nâu: 2 thìa 
  • Nước mắm ngon: 2 thìa
  • Tỏi: 2 củ
  • Gừng: 1 nhánh
  • Gia vị, dầu ăn.

Cách làm món cánh gà chiên nước mắm: 

Sơ chế nguyên liệu: 

  • Rửa sạch cánh gà, nhổ sạch lông còn sót, sau đó ngâm qua nước muối loãng để khử mùi, vớt ra, để ráo. 
  • Tỏi bóc vỏ, đập giập, băm nhuyễn.
  • Gừng rửa sạch, thái lát.

Chiên cánh gà: 

  • Cho cánh gà vào luộc sơ với nước có thả vài lát gừng, vớt ra, để ráo. 
  • Cho dầu vào chảo và đun nóng, sau đó chiên cánh gà với lửa vừa cho đến khi chuyển sang màu vàng ruộm, da giòn thì vớt ra. 

Làm sốt cho món cánh gà chiên nước mắm: 

  • Cho đường vào nước mắm vào chén theo tỉ lệ 1:1, khuấy cho đường tan hết. 
  • Đặt chảo lên bếp, cho dầu vào, khi dầu nóng thì cho tỏi băm vào, đợi tỏi chuyển sang màu vàng nhạt và có mùi thơm thì cho hỗn hợp nước mắm đường vào. 
  • Với cách làm gà chiên nước mắm này, khi hỗn hợp nước mắm đường sôi nhẹ thì cho cánh gà vừa chiên vàng vào đảo đều cho sốt ngấm đều vào cánh gà. 
  • Tắt bếp, gắp cánh gà ra đĩa. 
Với cách làm gà chiên nước mắm trên, bạn nên ưu tiên chọn cánh gà tươi của các thương hiệu uy tín, nước mắm nhĩ nguyên chất. 

2. Cách làm đùi gà chiên nước mắm 

cách làm đùi gà chiên nước mắm

Nếu yêu thích phần thịt đùi gà nhưng vẫn muốn món ăn có kết cấu giòn rụm, bạn có thể học cách làm gà chiên nước mắm giòn rụm với công thức sau: 

Nguyên liệu: 

  • Đùi gà: 500g
  • Tinh bột bắp: 3 thìa 
  • Tinh bột gạo: 1 thìa
  • Bột mì đa dụng: 1 thìa 
  • Baking soda: ½ thìa cà phê
  • Tỏi: 2 củ 
  • Hành tím: 2 – 3 củ 
  • Gừng: 1 nhánh 
  • Ớt vài trái tùy khẩu vị 
  • Dầu ăn 
  • Các loại gia vị khác như đường nâu, nước mắm, hạt nêm, bột ngọt (nếu dùng)… 

Cách làm đùi gà chiên nước mắm: 

Sơ chế nguyên liệu: 

  • Đùi gà rửa sạch, ngâm nước muối loãng, vớt ra để ráo, khứa nhẹ 1-2 đường. 
  • Tỏi, hành tím bóc vỏ, băm nhỏ
  • Gừng rửa sạch, cạo bỏ, băm/giã nhuyễn
  • Ớt bỏ cuống, băm nhỏ. 

Ướp đùi gà: 

  • Ướp đùi gà đã sơ chế với hạt nêm, tỏi, gừng, ớt, hành tím băm nhỏ và trộn đều. 
  • Sau đó, cho gà vào lò vi sóng quay trong khoảng 3 – 5 phút mỗi mặt. Nếu hấp, bạn có thể hấp trong khoảng 5-7 phút kể từ khi nước sôi. 

Pha sốt:

Pha 3 thìa canh nước mắm, 3 thìa canh đường, 1 chút xíu bột ngọt (nếu có dùng) và 1 thìa nước lọc, khuấy nhẹ cho đường và bột ngọt tan hết. 

Trộn bột chiên:

  • Cho tinh bột bắp, bột gạo, bột mì, baking soda và nửa thìa đường vào thố, trộn cho thật đều. 
  • Cho đùi gà vào hỗn hợp bột, trộn cho lớp bột áo đều quanh đùi gà. 

Chiên đùi gà với hỗn hợp nước mắm đường:

  • Cho chảo lên bếp, đổ dầu ăn vào, đun cho nóng. Khi nhúng đầu đũa tre thấy dầu sôi sủi tăm thì cho đùi gà đã được áo hỗn hợp bột vào chiên. Chiên lần lượt cho hết đùi gà. 
  • Bắc 1 chiếc chảo khác lên bếp, cho vào chút dầu, dầu nóng thì đổ hỗn hợp nước mắm đường đã pha vào đun cho sôi nhẹ. 
  • Cho đùi gà đã chiên vào, đun cho sôi lăn tăn trong khoảng 2-3 phút cho thịt gà ngấm sốt thì gắp ra đĩa và thưởng thức.  Đây là cách làm gà chiên nước mắm ngon bất bại mà bạn nên thử.  

Để có món đùi gà chiên nước mắm giòn rụm, bạn nên:

  • Dùng nhiều dầu, đảm bảo khi chiên dầu ăn ngập đùi gà
  • Ưu tiên đùi gà cỡ vừa và đừng quên khứa nhẹ 2 mặt đùi gà.

3. Cách làm chân gà chiên nước mắm 

cách làm chân gà chiên nước mắm

Món chân gà chiên mắm có vị mặn ngọt vừa phải, hương đậm đà, phần da giòn béo vừa phải, phần sụn giòn sần sật. Do đó, nếu “nghiện” món gà chiên nước mắm giòn rụm nhưng đã chán cánh gà, hơi ngấy với đùi gà nhiều thịt thì bạn có thể thử cách làm chân gà chiên nước mắm nhé. 

Nguyên liệu 

  • Chân gà: 500g
  • Tỏi: 2 củ 
  • Hành tím: 2 – 3 củ
  • Ngò rí/rau mùi: 1 ít 
  • Thì là: 1 ít
  • Nước mắm ngon 
  • Đường nâu/đường vàng 
  • Gia vị: Tiêu, bột ngọt (nếu có dùng) 

Cách làm chân gà chiên nước mắm 

Sơ chế chân gà và nguyên liệu 

  • Chân gà rửa sạch dưới vòi nước chảy, bóc sạch phần da vàng bên ngoài (nếu còn sót), dùng kéo cắt móng chân gà, chặt chân gà làm đôi. 
  • Bắc nồi lên bếp, đun sôi nước và luộc sơ chân gà khoảng 3 phút rồi vớt ra.
  • Hành tỏi, bóc vỏ băm nhuyễn. 
  • Rau mùi, rau thì là rửa sạch, vẩy ráo, thái nhỏ.

 Ướp chân gà

Với cách làm gà chiên nước mắm này, bạn nên ướp chân gà với nước mắm, đường, hạt tiêu, bột nêm hoặc bột ngọt (nếu có dùng), hành tỏi, thì là/rau mùi trong khoảng 15 phút.

Chiên chân gà 

  • Bắc chảo lên bếp, chảo nóng, đổ dầu ăn vào chảo sao cho khi chiên chân gà ngập trong dầu.
  • Khi dầu nóng, cho chân gà vào chiên đến khi chuyển màu vàng đều, dậy mùi thơm thì vớt ra đĩa và thưởng thức ngay cho nóng.

Mẹo giúp khử mùi tanh của chân gà

Pha nước muối pha loãng cùng chút giấm rồi cho chân gà vào ngâm trong khoảng 3-5 phút để loại bỏ nhớt cũng như mùi hôi, vớt ra để ráo.

4. Cách làm ức gà chiên nước mắm 

cách làm ức gà chiên nước mắm

Ức gà chiên nước mắm có phần thịt bên trong ngọt mềm, phần nước sốt chua ngọt áo đều phần thịt vàng giòn bên ngoài. Cách làm ức gà chiên nước mắm không khó, bạn có thể thử chế biến theo gợi ý sau: 

Nguyên liệu: 

  • Ức gà: 300g  
  • Bột ngô: 1 thìa canh 
  • Ớt bột: 2 thìa cà phê 
  • Nước mắm ngon
  • Đường nâu/đường vàng
  • Gia vị: giấm, muối…

Cách làm ức gà chiên nước mắm: 

Sơ chế ức gà: 

  • Ức gà rửa sạch rồi ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 5-7 phút, sau đó xả lại với nước sạch, để ráo.
  • Ướp ức gà với muối và giấm ăn, thoa đều lên thịt gà và để yên khoảng 10 – 15 phút. 

Chiên ức gà: 

Bắc chảo lên bếp và cho vào chảo 1 chén dầu ăn, sau đó chiên ức gà ở lửa vừa cho đến khi vàng đều.

Pha nước sốt: 

Với cách làm gà chiên nước mắm này, bạn cần pha sốt theo tỷ lệ 1 thìa cà phê dầu ăn, 3 thìa nước mắm, 3 thìa giấm, 2 thìa đường, 1 thìa cà phê bột ngô rồi khuấy đều.

Hoàn tất món ức gà chiên nước mắm 

  • Bắc chảo lên bếp, cho hỗn hợp trên vào đun cho sôi lăn tăn rồi cho ức gà đảo đều cho sốt bám đều lên ức gà. 
  • Đun lửa vừa cho tới khi hỗn hợp sệt lại, tắt bếp, đổ ức gà ra đĩa và thưởng thức ngay khi còn nóng. 
Ưu tiên sử dụng đường nâu hoặc đường vàng thay vì đường trắng để món ăn lên màu đẹp hơn. Hơn nữa, đường nâu có nhiều dưỡng chất hơn so với đường trắng.

5. Cách làm sụn gà chiên nước mắm  

cách làm sụn gà chiên nước mắm

Sụn gà chiên nước mắm là một món ăn khá hấp dẫn, thơm ngon nên có thể làm món khai vị hoặc dùng với cơm trắng đều rất ngon. Để có món sụn gà chiên nước mắm chuẩn vị, bạn hãy thử công thức sau: 

Nguyên liệu: 

  • Sụn gà: 300 – 500g
  • Ớt: 2 trái
  • Gừng: 1 củ
  • Bột năng: 40g
  • Trứng gà: 2 quả
  • Hành tây: 1 củ
  • Tỏi: 1 củ 
  • Hành tím vài củ 
  • Hành lá 1 ít
  • Gia vị: Tiêu, nước mắm, đường nâu… 

Cách làm sụn gà chiên nước mắm  

Sơ chế sụn gà và nguyên liệu 

  • Sụn gà rửa sạch, chặt miếng vừa ăn, ngâm trong nước muối loãng trong tầm 5 phút để khử mùi hôi. Vớt ra, để ráo. 
  • Tỏi, hành tím, bóc vỏ, đập giập, băm nhỏ. 
  • Gừng rửa sạch, gọt vỏ, rồi xắt lát.
  • Hành tây bỏ vỏ, xắt miếng nhỏ.
  • Hành lá rửa sạch, cắt khúc tầm 3cm.

Luộc sụn gà

Đặt nồi nước lên bếp, nấu sôi rồi thả vào vài lát gừng, chút xíu muối, cho sụn gà vào luộc ở lửa vừa khoảng 5 – 7 phút, vớt ra rổ, để ráo.

Ướp sụn gà  

Cho vào thố chút muối, đường, bột năng, tiêu, trứng gà, khuấy đều rồi cho sụn gà vào đảo đều, ướp khoảng 10 – 15 phút cho thấm. 

Chiên sụn gà

  • Bắc chảo lên bếp, đợi chảo nóng cho dầu ăn vào, nhúng đầu đũa tre vào chảo dầu thấy đầu đũa sủi tăm là dầu đã nóng thì cho sụn gà đã ướp vào chiên. 
  • Khi sụn gà vàng giòn thì vớt ra dĩa.

Pha sốt nước mắm

  • Cho ớt thái nhỏ hoặc giã nát tùy ý vào chén cùng 2 thìa nước mắm, 2 thìa tương ớt, 3 thìa đường rồi khuấy đều cho đường tan. 

Hoàn tất món sụn gà chiên nước mắm 

  • Bắc chảo lên bếp, đợi chảo nóng bạn cho chút dầu ăn vào rồi thêm tỏi, hành tím đã băm vào phi thơm. Tiếp theo cho chén hỗn hợp đã pha ở trên vào rồi sụn gà đã chiên vào đảo đều cho thấm gia vị. 
  • Với cách làm gà chiên nước mắm này, sau khi cho hành tây, hành lá vào đảo đều trong khoảng 2 phút thì tắt bếp.

Lưu ý:

  • Bạn có thể ăn kèm món sụn gà chiên nước mắm với rau sống, dưa leo hoặc cà chua và chấm kèm tương ớt.
  • Với công thức này, thay vì dùng sụn gà, bạn có thể dùng đùi gà, cánh gà hay phi lê gà đều rất ngon. 

Lưu ý trong cách làm gà chiên nước mắm cho người bệnh mạn tính 

lưu ý trong cách làm gà chiên nước mắm

Chế độ ăn uống không lành mạnh thường được xem là một yếu tố về lối sống góp phần gây phát triển nhiều bệnh mạn tính, bao gồm béo phì, bệnh tim mạch, đột quỵtăng huyết áp, hội chứng chuyển hóađái tháo đường type 2, một số bệnh ung thư bệnh thần kinh. Để phòng ngừa hay giảm nguy cơ mắc phải những căn bệnh mạn tính này, hãy xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh bạn nhé.

Tuy nhiên, nếu đã mắc các bệnh mạn tính kể trên, bạn cần thực hiện chế độ ăn uống theo hướng lành mạnh để hỗ trợ kiểm soát bệnh hoặc triệu chứng tốt hơn. Điều này có nghĩa là bạn sẽ cần thay đổi cách chế biến các món ăn quen thuộc, chẳng hạn như cách làm gà chiên nước mắm sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe, bệnh lý.

Gà chiên nước mắm là món ăn phổ biến nhưng lại thường có nhiều chất béo nên có thể không phù hợp với chế độ ăn của người bệnh mạn tính. Tuy nhiên, bạn có thể biến tấu hay thay thế nguyên liệu trong cách làm gà chiên nước mắm để món ăn này lành mạnh hơn và ít ảnh hưởng tới triệu chứng của các bệnh mạn tính như bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh gout

1. Lưu ý về việc sử dụng nguyên liệu trong cách làm gà chiên nước mắm cho người bệnh mạn tính tại nhà 

Để việc ăn món gà chiên nước mắm ít gây hại cho sức khỏe hoặc không làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh mạn tính, người bệnh nên lưu ý các điều sau: 

Nguyên liệu: 

Ưu tiên dùng ức gà, sụn gà, phi lê gà thay vì chân gà hay cánh gà. Nguyên do là bởi chân gà hay cánh gà là phần ít dinh dưỡng chất nhưng lại chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol hơn không tốt cho sức khỏe. 

Gia vị nêm nếm: 

Với người bệnh mạn tính việc ăn nhạt là yêu cầu cần thiết, do đó bạn cần hạn chế nêm nếm các gia vị như muối, nước mắm, đường… Thay vào đó, bạn nên ưu tiên dùng: 

  • Đường nâu thay đường trắng vì mật mía có trong đường nâu tạo được độ sánh và màu sắc món ăn được hấp dẫn hơn. Đồng thời, đường nâu có hàm lượng khoáng chất cao hơn và ít năng lượng hơn đường trắng một chút. Tuy nhiên, sự sai biệt này không nhiều.
  • Các loại gia vị tươi và tự nhiên như hành, tỏi, tiêu… dùng để tăng hương vị cho món ăn.

Cách thức làm chín thực phẩm: 

Dùng nồi chiên không dầu để chiên nhằm giảm lượng chất béo.

Thưởng thức: 

  • Kiểm soát khẩu phần ăn để tránh nạp quá nhiều calo, đặc biệt đối với người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch.
  • Gà chiên nước mắm vốn đã đủ vị mặn nên bạn cần tránh cùng các loại nước chấm có vị mặn như nước mắm chua ngọt, nước tương hay tương ớt, cũng không chấm sốt nhiều chất béo như mayonnaise… 

2. Người bệnh mạn tính nên ăn gà chiên nước mắm như thế nào để vẫn ngon miệng mà không ảnh hưởng sức khỏe?  

lưu ý cách làm gà chiên nước mắm

Ngoài việc học cách làm gà chiên nước mắm, bạn cũng nên biết các món gà chiên nước mắm dù ngon nhưng người bệnh mãn tính cũng không nên “ăn cho đã thèm” hay ăn quá thường xuyên. Do đó, để giảm lượng gà chiên nạp vào, người bệnh nên ăn cùng các loại rau sống, dưa leo, đồ chua… Việc này còn giúp tăng lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe.

Những người bị rối loạn chuyển hóa, mỡ máu, cao huyết áp

Nhóm người bệnh này nên hạn chế ăn chân gà, cánh gà… Do chúng chứa nhiều axit béo bão hòa hơn các bộ phận khác. 

Với người bị bệnh thận 

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bị suy thận có thể ăn thịt gà nhưng cần lưu ý là chỉ ăn phần thịt, không ăn da, nội tạng… và chỉ nên ăn với lượng vừa phải. Do đó, có thể thấy là món chân gà chiên nước mắm, cánh gà chiên nước mắm… là không phù hợp với chế độ ăn của người bệnh thận 

Người bệnh thận cũng cần tránh ăn các món mặn, có muối, nước mắm. Lời khuyên là thay vì ăn gà chiên, bạn nên ăn ức gà, phi lê gà hấp để bảo vệ sức khỏe. 

Người mắc bệnh đái tháo đường 

Thịt gà là một loại thực phẩm được đánh giá là thân thiện đối với sức khỏe của người bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên cần lưu ý, cũng như nhiều chứng bệnh khác, người bệnh đái tháo đường nên ưu tiên dùng ức gà – bởi đây là phần thịt được xem là phù hợp hơn. 

Người bệnh nên dùng ức gà áp chảo hay nướng trong nồi chiên không dầu thay vì ăn ức gà chiên… và ăn cùng các loại rau sống, salad, dưa leo, các loại đậu luộc… 

Bệnh tim mạch – cao huyết áp 

Như đã đề cập ở trên, da gà chứa nhiều chất béo, hàm lượng cholesterol cao thế nên người bệnh tim mạchcao huyết áp cần ăn thịt gà bỏ phần da.

Do đó, người bệnh nếu thèm các món ăn từ gà có thể ăn ức gà nhưng khi chế biến cần quan tâm đến lượng chất béo thêm vào. Tốt nhất là nên ăn ức gà hấp, ức gà áp chảo hay dùng nồi chiên không dầu để chiên và hạn chế dùng muối.

Người bệnh xơ gan 

Xơ gan là một tình trạng bệnh mạn tính có thể làm suy yếu chức năng của hệ tiêu hóaViệc áp dụng chế độ ăn uống sai cách có thể làm mức độ xơ hóa tiến triển nặng hơn. Do vậy, người bệnh cần ăn các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu, không nên chọn các món ăn chứa nhiều dầu, mỡ, nhiều gia vị. Có lẽ món gà chiên nước mắm sẽ không phải là sự lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên nếu tình trạng bệnh còn bù, chưa ảnh hưởng nhiều hệ tiêu hóa, bạn vẫn có thể dùng thịt gà nhưng với lượng ăn phù hợp, ưu tiên chọn phần thịt mềm, không da với cách chế biến phù hợp và đồng thời cần tuân thủ một chế độ ăn uống cẩn thận để hỗ trợ sức khỏe lá gan.

3. Lợi ích sức khỏe khi tự học cách làm gà chiên nước mắm tại nhà 

Việc tự làm món gà chiên nước mắm tại nhà sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc tính toán khẩu phần ăn, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, khoa học, đặc biệt tốt cho những người mắc bệnh mạn tính. Những lợi ích này đến từ: 

  • Việc tự học cách làm gà chiên nước mắm tại nhà giúp bạn chủ động trong việc lựa chọn nguyên liệu tươi ngon, có nguồn gốc rõ ràng
  • Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tăng lượng rau củ, dưa leo, đồ chua ăn kèm đồng thời cắt giảm lượng gia vị bao gồm dầu ăn, đường, muối, nước mắm… Ưu tiên dùng các loại dầu ăn tốt cho sức khỏe như dầu đậu nành, dầu gạo, dầu ô liu, dầu đậu phộng… 
  • Đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, đồng thời dễ dàng tùy chỉnh khẩu phần ăn cho hợp lý.
Healthify – Loạt nội dung mới lần đầu tiên xuất hiện trên Hello Bacsi – Giới thiệu các công thức nấu nướng, chế biến món ăn thân thuộc trong bữa ăn gia đình theo cách “thân thiện, lành mạnh và dinh dưỡng” cho sức khỏe, nhất là phù hợp với các tình trạng bệnh mạn tính.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 80% các bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường; đồng thời 40% các bệnh ung thư có thể được ngăn ngừa và kiểm soát tốt nếu mọi người ăn uống lành mạnh hơn, bên cạnh việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt, tập luyện và không hút thuốc lá. 
Qua loạt nội dung này, Hello Bacsi mong rằng bạn và người thân có thể chủ động hơn trong việc chăm sóc và quản lý sức khỏe bản thân và gia đình một cách hiệu quả, tối ưu.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

The Role of Nutrition in Chronic Disease https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9921002/ Ngày tham khảo 17/10/2024 

The Effects of Nutrition on Chronic Conditions https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10004789/ Ngày tham khảo 17/10/2024 

Nutrition and Chronic Disease https://nutrition.org/nutrition-and-chronic-disease/ Ngày tham khảo 17/10/2024 

Chicken Nutrition & Health https://www.nationalchickencouncil.org/policy/nutrition-health/ Ngày tham khảo 17/10/2024 

Is chicken a healthy meat? https://chicken.org.au/our-product/nutrition/ Ngày tham khảo 17/10/2024 

Phiên bản hiện tại

31/10/2024

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Cách nấu thịt kho trứng thơm ngon, lành mạnh phù hợp cho mọi nhà

3 cách làm chả giò thơm ngon cho người bệnh mạn tính an tâm thưởng thức


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 31/10/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo