Bước vào độ tuổi dậy thì, những thay đổi về tâm sinh lý khiến con bạn vô cùng lo lắng. Bé bắt đầu có những rung động đầu đời hoặc có cảm giác với bạn khác giới. Vậy bố mẹ nên đồng hành cùng con như thế nào để trẻ dễ dàng vượt giai đoạn “ẩm ương” này và dậy thì thành công?
Bài viết sau Hello Bacsi sẽ giúp bạn có thêm một vài thông tin về tuổi dậy thì như tuổi dậy thì là gì, làm thế nào để dậy thì thành công, độ tuổi dậy thì là bao nhiêu…
Tìm hiểu các vấn đề về tuổi dậy thì nói chung
Dậy thì là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về giai đoạn này Hello Bacsi và bạn cần tìm hiểu thêm về giai đoạn liên quan đến tuổi dậy thì trong phần dưới đây.
1. Tiền dậy thì là gì?
Tiền dậy thì là một giai đoạn phát triển của trẻ, diễn ra trước khi trẻ bước vào tuổi dậy thì. Thông thường ở bé gái, giai đoạn tiền dậy thì diễn ra khi bé khoảng 8 tuổi. Ở bé trai, việc này diễn ra muộn hơn, thường là sau 9 – 10 tuổi.
2. Tuổi dậy thì là gì?
Dậy thì là khoảng thời gian trẻ bắt đầu trưởng thành về mặt tình dục. Đặc trưng của tuổi dậy thì là những thay đổi về tâm sinh lý, hoàn thiện khả năng sinh sản và đặc điểm giới tính thứ cấp (dấu hiệu trưởng thành, chẳng hạn như sự tăng trưởng lông mu). Mỗi trẻ sẽ dậy thì ở những độ tuổi khác nhau.
3. Dậy thì sớm là gì?
Dậy thì sớm là khi các dấu hiệu dậy thì bắt đầu sớm hơn độ tuổi dậy thì trung bình. Chẳng hạn:
- Ở bé gái, dậy thì bắt đầu trước 7 hoặc 8 tuổi.
- Ở bé trai, tuổi dậy thì bắt đầu trước 9 tuổi.
Điều này có thể gây khó khăn cho một số trẻ và đôi khi là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe. Bạn có thể nhận biết con của bạn dậy thì sớm qua các dấu hiệu khác nhau.
Ở bé gái, các dấu hiệu dậy thì sớm bao gồm:
- Ngực phát triển trước 7 hoặc 8 tuổi
- Bắt đầu có kinh nguyệt trước 10 tuổi
- Tăng trưởng chiều cao nhanh chóng (tăng trưởng đột biến) trước 7 hoặc 8 tuổi
Ở bé trai, các dấu hiệu dậy thì sớm trước 9 tuổi bao gồm:
Ở bé gái và bé trai, còn có một số dấu hiệu dậy thì sớm sau đây:
- Nổi mụn trứng cá
- Cơ thể có mùi hôi
- Giọng nói trầm hơn
- Mọc lông vùng kín, nách hoặc mặt
4. Dậy thì muộn là gì?
Dậy thì muộn là tình trạng tuổi dậy thì bắt đầu muộn hơn thời điểm thông thường. Tình trạng này có thể do sự chậm phát triển và thường gặp ở các trẻ có tiền sử gia đình bị chậm phát triển.
Ở bé gái dậy thì muộn thường có dấu hiệu như:
- 12 tuổi không phát triển ngực
- 15 tuổi vẫn chưa có kinh nguyệt
- Sau độ tuổi dậy thì trung bình 5 năm, bé gái mới phát triển ngực và có kinh nguyệt lần đầu.
Ở bé trai dậy thì muộn thường có dấu hiệu như:
- 14 tuổi tinh hoàn và dương vật không phát triển
- 15 tuổi không mọc lông vùng kín
- Sau độ tuổi dậy thì trung bình 5 năm, bộ phận sinh dục vẫn chưa hoàn thiện
Quá trình phát triển của tuổi dậy thì ở nam và nữ
Quá trình phát triển của tuổi dậy thì được xác định theo các giai đoạn của mô hình Tanner dưới đây:
1. Giai đoạn Tanner I
Giai đoạn I là giai đoạn tiền dậy thì bắt đầu sau 8 tuổi của bé gái và sau 9 hoặc 10 tuổi của bé trai. Ở giai đoạn này, những thay đổi bên trong cơ thể thường giống nhau đối với cả bé trai và bé gái.
Giai đoạn tiền dậy thì bắt đầu diễn ra khi vùng dưới đồi (nằm trong não) giải phóng hormone phóng thích gonadotropin (GnRH). Khi GnRH kích thích tuyến yên (một tuyến nhỏ dưới não tạo ra các hormone kiểm soát các tuyến khác trên cơ thể) sẽ sản sinh ra hai hormone: hormone hoàng thể (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH).
2. Giai đoạn Tanner II
Giai đoạn 2 đánh dấu sự khởi đầu của quá trình phát triển thể chất trong tuổi dậy thì. Lúc này, hormone bắt đầu gửi tín hiệu đi khắp cơ thể và cơ thể của các bé sẽ có sự phát triển khác nhau ở hai giới.
2.1 Con gái
Tuổi dậy thì của con gái thường bắt đầu ở độ tuổi từ 9 đến 11. Những dấu hiệu dậy thì có thể nhận thấy gồm:
- Nụ vú phát triển: Nụ vú bắt đầu hình thành dưới núm vú. Do đó, trẻ có thể cảm thấy ngứa hoặc đau ngực. Nụ vú cũng có thể phát triển không đều nhau giữa hai bên vú. Và điều này hoàn toàn rất bình thường.
- Quầng vú phát triển: Một vùng tối màu xung quanh núm vú (quầng vú) bắt đầu lan rộng ra.
- Tử cung và lông mu phát triển:Tử cung của bé gái bắt đầu lớn hơn và một nhúm lông mu bắt đầu mọc ở môi âm hộ.
2.2 Bé trai
Ở nam giới, tuổi dậy thì thường bắt đầu vào khoảng 11 tuổi. Những dấu hiệu dậy thì có thể nhận thấy gồm:
- Tinh hoàn phát triển: Tinh hoàn và da xung quanh tinh hoàn (bìu) bắt đầu to ra.
- Lông vùng kín bắt đầu mọc: Giai đoạn đầu của lông vùng kín hình thành ở gốc dương vật.
3. Giai đoạn Tanner III
Giai đoạn này, những thay đổi về thể chất ở tuổi dậy thì trở nên rõ ràng hơn với cả hai giới. Cùng với sự tăng trưởng đột biến về chiều cao, hormone của trẻ dậy thì trong giai đoạn này cũng hoạt động mạnh mẽ hơn so với giai đoạn trước.
3.1 Bé gái
Những thay đổi về thể chất ở bé gái trong tuổi dậy thì thường bắt đầu sau 12 tuổi. Những thay đổi này bao gồm:
- Lông nách bắt đầu mọc.
- Lông mu mọc dày và xoăn hơn.
- Mỡ bắt đầu tích tụ ở hông và đùi.
- Các nụ ngực tiếp tục phát triển và mở rộng.
- Xuất hiện một số nốt mụn trứng cá ở mặt và lưng.
- Chiều cao tăng trưởng đột biến (khoảng 8cm/năm)
3.2 Bé trai
Những thay đổi về thể chất ở bé trai thường bắt đầu ở độ tuổi khoảng 13. Những thay đổi này bao gồm:
- Cơ bắp trở nên to và săn chắc hơn.
- Chiều cao tăng trưởng từ 5-8cm/năm.
- Bắt đầu xuất hiện tình trạng mộng tinh.
- Dương vật dài ra khi tinh hoàn tiếp tục phát triển lớn hơn.
- Giọng nói bắt đầu thay đổi, còn được gọi là “vỡ giọng” (chuyển từ cao độ sang thấp độ).
- Một số mô vú có thể bắt đầu hình thành dưới núm vú (điều này xảy ra ở một số bé trai trong quá trình phát triển và thường biến mất sau vài năm).
4. Giai đoạn Tanner IV
Đây là giai đoạn tuổi dậy thì diễn ra mạnh mẽ nhất. Ở cả bé trai và bé gái đều có những dấu hiệu dậy thì rõ rệt.
4.1 Bé gái
Giai đoạn này ở bé gái thường bắt đầu vào khoảng 13 tuổi với các dấu hiệu như:
- Lông mu mọc dày hơn.
- Chiều cao sẽ tăng chậm lại còn khoảng 3-5cm/năm.
- Ngực đầy đặn hơn sau khi vượt qua giai đoạn phát triển nụ.
- Có kinh nguyệt lần đầu thường ở độ tuổi từ 12-14; nhưng cũng có một số bé xuất hiện kinh nguyệt sớm hơn.
4.2 Bé trai
Giai đoạn này ở bé trai thường bắt đầu vào khoảng 14 tuổi. Những thay đổi bao gồm:
- Giọng nói trầm.
- Lông nách bắt đầu mọc.
- Mụn trứng cá bắt đầu xuất hiện.
- Tinh hoàn, dương vật, bìu sẽ tiếp tục to ra và có sẫm màu hơn.
5. Giai đoạn Tanner V
Giai đoạn V bắt đầu đỉnh cao của sự phát triển trong tuổi dậy thì. Giai đoạn này, bé sẽ đạt đến sự trưởng thành hoàn toàn về mặt thể chất. Đây cũng được gọi là dấu hiệu dậy thì thành công.
5.1 Dấu hiệu dậy thì thành công ở nữ
Với bé gái, giai đoạn này thường bắt đầu ở độ tuổi khoảng 15. Những dấu hiệu dậy thì thành công ở nữ gồm:
- Hông, đùi và mông trở nên săn chắc hơn.
- Lông mu phát triển và dài chạm tới đùi trong.
- Cơ quan sinh sản và bộ phận sinh dục đã hoàn thiện.
- Đạt được chiều cao trưởng thành sau 1 đến 2 năm kể từ ngày có kinh nguyệt đầu tiên.
- Chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hơn sau 6 tháng đến 2 năm kể từ ngày có kinh nguyệt đầu tiên.
- Ngực đạt kích thước và hình dạng gần giống như của người lớn. Mặc dù ngực của bé có thể tiếp tục thay đổi cho đến năm 18 tuổi.
5.2 Dấu hiệu dậy thì thành công ở nam
Ở nam giới, giai đoạn 5 thường bắt đầu vào khoảng 15 tuổi. Và hầu hết bé trai sẽ phát triển toàn diện khi được 18 tuổi. Những dấu hiệu dậy thì thành công ở nam gồm:
- Lông vùng kín đã mọc dày hơn và lan tới đùi trong.
- Râu bắt đầu mọc và một số bé trai cần phải học cách cạo râu.
- Dương vật, tinh hoàn và bìu sẽ đạt kích thước như người trưởng thành.
- Chiều cao sẽ phát triển chậm lại, nhưng cơ bắp vẫn có thể còn phát triển mạnh mẽ.
Ở tuổi dậy thì, khi nào bạn cần đưa trẻ đi khám?
- Thay đổi thói quen ăn uống và cân nặng
- Sử dụng ma túy, thuốc phiện, rượu bia, thuốc lá
- Chậm phát triển thể chất và giới tính, ví dụ như chưa có dấu hiệu dậy thì dù đã 14 tuổi
- Các dấu hiệu về sức khỏe tinh thần như trầm cảm, thất thần cảm xúc, hiếu chiến, không muốn đi học, ở lại lớp
- Rối loạn hình ảnh cơ thể bản thân, ví dụ như bé gái luôn nghĩ mình thừa cân mặc dù rất gầy. Đây có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn ăn uống.
Nếu dậy thì sớm là do bệnh, bác sĩ thường điều trị bệnh đó để ngăn chặn dậy thì sớm. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho trẻ dùng thuốc để điều trị nếu nguyên nhân do thần kinh trung ương.
Nếu dậy thì chậm, phương pháp điều trị sẽ thay đổi theo nguồn gốc của vấn đề, bao gồm:
- Ở nam giới, dùng testosterone dạng tiêm, miếng dán hoặc gel.
- Ở nữ giới, estrogen và/hoặc progesterone uống hay miếng dán.
Tốt hơn hết, bạn nên để con được trò chuyện riêng tư với bác sĩ. Điều này giúp trẻ có cơ hội đưa ra những câu hỏi mà trẻ cảm thấy không thoải mái khi hỏi bố mẹ. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về tuổi dậy thì để giúp việc nuôi con được dễ dàng hơn.
[embed-health-tool-bmi]