backup og meta

Tất tần tật về điều trị mụn trứng cá bạn cần biết

Tất tần tật về điều trị mụn trứng cá bạn cần biết

Mụn trứng cá có thể khiến bạn cảm thấy mất tự tin vào ngoại hình của mình. Để có thể nhanh chóng loại bỏ những nốt mụn khó chịu này, bạn nên tìm hiểu rõ những thông tin sau đây về việc điều trị mụn trứng cá.

Việc điều trị và ngăn ngừa mụn trứng cá quay trở lại sẽ dễ dàng hơn nếu bạn xác định được nguyên nhân gây mụn và hình thành những thói quen chăm sóc da đúng cách. Do đó, đừng bỏ qua những thông tin sau nhé!

Nguyên nhân gây ra mụn?

Điều trị mụn trứng cá

Theo Viện Da liễu Hoa Kỳ, mụn trứng cá xuất hiện khi lỗ chân lông trên da bị tắc nghẽn. Khi cơ thể bắt đầu tạo ra quá nhiều bã nhờn, lượng dầu thừa trên da có thể vô tình lưu lại các tế bào da chết bên trong lỗ chân lông và khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn.

Đôi khi, loại vi khuẩn sống trên da của chúng ta có tên Propionibacterium acnes (P. acnes) cũng có thể tiến vào bên trong lỗ chân lông và phát triển rất nhanh. Tình trạng này khiến lỗ chân lông bị viêm, tấy đỏ và sưng lên.

Bên cạnh đó, sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể cũng có thể dẫn đến mụn trứng cá ở tuổi dậy thì hoặc mụn trứng cá khi mang thai. Ngoài ra, việc sử dụng mỹ phẩm hoặc chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng mụn của bạn.

Mụn trứng cá có các loại nào?

Các loại mụn trứng cá thường gặp là:

  • Mụn đầu đen: mụn đầu đen thường xuất hiện trên da với những chấm đen li ti, nhân mụn là hạt cứng;
  • Mụn đầu trắng: mụn nhỏ, đầu mụn có nhân trắng;
  • Mụn đỏ (mụn sẩn): những nốt đỏ hoặc hồng trên da, có thể hơi sưng;
  • Mụn mủ: mụn đỏ và có nhân mủ.
  • Mụn u nang: mụn có kích thước lớn, thường viêm đau, chứa nhiều mủ sâu trong da nên mềm trông giống bóng nước;
  • Mụn u: mụn to, sưng, cứng và đau khi chạm vào.

Làm thế nào để điều trị mụn trứng cá?

Điều trị mụn trứng cá

Dựa trên mức độ nghiêm trọng và loại mụn, bác sĩ có thể khuyến nghị loại thuốc theo toa hoặc không theo toa. Những loại thuốc này có thể là thuốc bôi hay thuốc uống. Bác sĩ có thể đề nghị sử dụng nhiều hơn một loại thuốc bôi hay kết hợp cả hai loại thuốc.

Mụn nhẹ

Mụn trứng cá nhẹ có thể được điều trị bằng thuốc không kê đơn (OTC), chẳng hạn như gel trị mụn, kem trị mụn, xà phòng rửa mặt, miếng dán mụn,…

Các loại kem trị mụn có thể phù hợp nhất với da nhạy cảm. Dạng gel có chứa cồn, dễ làm khô da nên sẽ sử dụng tốt hơn cho da dầu.

Các thuốc không kê đơn dùng để điều trị mụn trứng cá có thể chứa các hoạt chất sau:

  • Resorcinol: giúp trị mụn đầu đen và mụn đầu trắng.
  • Benzoyl peroxide: loại bỏ vi khuẩn, đẩy nhanh quá trình tái tạo da và làm chậm quá trình sản xuất bã nhờn.
  • Salicylic acid: hỗ trợ loại bỏ mụn đầu đen và mụn đầu trắng, giúp giảm viêm và sưng.
  • Lưu huỳnh: hiện vẫn chưa biết được chính xác cơ thể trị mụn của lưu huỳnh.
  • Retin-A: giúp lỗ chân lông thông thoáng và ngừa mụn.
  • Axit Azelaic: tăng cường các tế bào lót nang, ngăn chặn sự dư thừa bã nhờn và cản trở sự phát triển của vi khuẩn.

Bạn nên bắt đầu sử dụng các hoạt chất này với liều lượng thấp vì một sản phẩm có thể gây kích ứng da, đỏ hoặc rát khi sử dụng lần đầu. Những tác dụng phụ này thường giảm dần sau khi tiếp tục sử dụng. Nếu tình trạng không được cải thiện, bạn nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn cách điều trị phù hợp hơn.

Những loại thuốc bôi không theo toa có thể hữu ích trong việc chữa trị mụn trứng cá nếu sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, cần khoảng 8 tuần để có thấy được hiệu quả rõ rệt.

Mụn từ trung bình đến nặng

Các bác sĩ có thể đề xuất nhiều hướng để giúp bạn điều trị mụn trứng cá, chẳng hạn như:

Tiêm Corticoid

Tiêm Corticoid có thể giúp ngăn ngừa sẹo, giảm viêm và tăng tốc độ chữa lành đối với các u nang mụn bị viêm. Các vết mụn có thể được cải thiện trong vòng một vài ngày.

Uống kháng sinh – thuốc uống trị mụn

Thuốc kháng sinh có tác dụng chống lại sự phát triển của vi khuẩn P. acnes và giúp giảm viêm. Việc dử dụng các loại thuốc uống kháng sinh để điều trị mụn trứng cá có thể kéo dài 3–6 tháng để đạt kết quả mong đợi.

thuốc kháng sinh

Các loại kháng sinh thường dùng để trị mụn trứng cá gồm Tetracycline, MinocyclineDoxycycline. Những loại thuốc uống ít phổ biến hơn bao gồm Erythromycin hoặc Sulfonamide.

Một vài người sử dụng các loại thuốc kháng sinh sẽ bị các tác dụng phụ như đau bụng, hoa mắt, mất tập trung, thay đổi màu da và tăng nguy cơ bị cháy nắng.

Do Tetracycline có thể ảnh hưởng đến sự mọc răng và hình thành xương ở phôi thai và trẻ nên phụ nữ đang mang thai hoặc trẻ dưới 14 tuổi không được sử dụng loại thuốc này.

Có một vài lo ngại chưa được kiểm chứng rằng Tetracycline và Minocycline có thể giảm tác dụng của thuốc ngừa thai. Do vậy, bạn nên sử dụng thêm biện pháp ngừa thai dự phòng nếu uống hai loại thuốc này.

Điều trị mụn trứng cá với thuốc tránh thai

Uống thuốc tránh thai có thể giúp kiểm soát và điều trị mụn trứng cá ở phụ nữ và thường được sử dụng như phương pháp điều trị mụn lâu dài.

Tuy nhiên, nếu gặp phải những tình trạng sau, bạn không nên dùng thuốc tránh thai để điều trị mụn:

  • Bị rối loạn đông máu
  • Hút thuốc lá
  • Có tiền sử đau nửa đầu
  • Trên 35 tuổi

Thuốc kháng sinh dùng tại chỗ

Thuốc kháng sinh dùng tại chỗ cũng có tác dụng loại bỏ vi khuẩn P. acnes trên da bị mụn trứng cá từ trung bình đến nặng. Hai loại thuốc thường được kê đơn để điều trị mụn trứng cá là ClindamycinNatri Sulfacetamide.

Ngoài ra còn có Retinoid tại chỗ. Đây là một dẫn xuất của vitamin A, có khả năng làm thông thoáng lỗ chân lông và ngăn ngừa mụn đầu trắng, mụn đầu đen phát triển. Một số thuốc Retinoid tại chỗ là Adapalene, Tazarotene và Tretinoin.

Isotretinoin – thuốc trị mụn trứng cá

thuốc uống

Isotretinoin thuộc nhóm thuốc Retinoid mạnh, dạng uống, được sử dụng để điều trị mụn trứng cá nặng và mụn trứng cá nghiêm trọng khi các phương pháp khác không mang lại hiệu quả. Isotretinoin rất hiệu quả trong việc ngăn hình thành sẹo. Sau 15 đến 20 tuần điều trị, mụn trứng cá sẽ hoàn toàn biến mất ở đa số bệnh nhân

Tuy nhiên, đây là một loại thuốc được kiểm soát chặt chẽ vì các tác dụng phụ nghiêm trọng như khô da, khô môi, chảy máu cam, thay đổi tâm trạng và gây hại cho thai nhi nếu được sử dụng trong thai kỳ

Nếu dùng Isotretinoin, bạn cần tránh bổ sung vitamin A để ngăn ngừa nguy cơ dẫn đến ngộ độc vitamin A.

Trị sẹo mụn

Việc điều trị sớm là cách tốt nhất để ngăn ngừa sẹo mụn. Khi sẹo đã hình thành, bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp điều trị để loại bỏ sẹo.

Laser bề mặt có thể được áp dụng để chữa trị những vết sẹo bất thường. Phương pháp mài da dermabrasion hay siêu mài mòn da microdermabrasion cũng thường được sử dụng. Một lựa chọn điều trị khác cho những vết sẹo sâu là phương pháp chuyển mỡ từ những vùng khác sang phần sẹo. Bác sĩ có thể tiêm một chất làm đầy tổng hợp dưới vết sẹo để cải thiện diện mạo của da.

Các bí quyết trị mụn trứng cá ngoài thuốc

Ngoài việc dùng thuốc, bạn có thể tìm hiểu về những cách điều trị mụn trứng cá sau:

Chế độ ăn uống

thực phẩm giàu vitamin A

Các chuyên gia đã phát hiện ra rằng những người có chế độ ăn uống cung cấp nhiều vitamin A, vitamin E và kẽm có ít nguy cơ bị mụn trứng cá nặng. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy chế độ dinh dưỡng ít ngọt, hạn chế đường cũng có thể bảo vệ da khỏi mụn trứng cá.

Điều trị mụn trứng cá với tinh dầu tràm trà

Kết quả của một nghiên cứu trên 60 bệnh nhân được công bố trên Tạp chí Da liễu, Thần kinh và Bệnh học Ấn Độ cho thấy rằng dầu tràm trà với nồng độ 5% có thể giúp điều trị mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình.

Trà – cách trị mụn trứng cá

Có một số bằng chứng cho thấy polyphenol từ trà, bao gồm cả trà xanh, có thể có lợi trong việc giảm tiết bã nhờn và điều trị mụn trứng cá. Tuy nhiên, các hợp chất trong trường hợp này được chiết xuất từ ​​trà, thay vì sử dụng trà trực tiếp.

Kem dưỡng ẩm

Kem dưỡng ẩm có thể giúp làm dịu và mềm da, đặc biệt là ở những người đang sử dụng Isotretinoin để điều trị mụn trứng cá. Kem dưỡng ẩm có chứa ít nhất 10% lô hội hoặc nước cây phỉ vừa có tác dụng làm dịu da, vừa có thể chống viêm hiệu quả

Nên làm gì để ngăn ngừa mụn trứng cá?

Điều trị mụn trứng cá

Bên cạnh việc điều trị mụn trứng cá, bạn nên chú ý đế những thói quen sau để chăm sóc da nhanh sạch mụn và ngừa mụn quay trở lại:

  • Rửa mặt không quá 2 lần mỗi ngày bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ dành riêng cho mụn trứng cá.
  • Không chà xát da vì điều này có thể gây nhiễm trùng sâu hơn, khiến da sưng và đỏ.
  • Không tự nặn mụn để tránh hình thành sẹo.
  • Tránh chạm tay lên da.
  • Giữ điện thoại cách da khoảng nhỏ khi nói chuyện để tránh bụi bẩn từ màn hình bám vào da.
  • Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi thoa mỹ phẩm hoặc trang điểm trên da.
  • Làm sạch kính đeo thường xuyên để tránh tích tụ bụi bẩn.
  • Nếu mụn ở lưng, vai hoặc ngực, hãy thử mặc quần áo rộng để da được thông thoáng.
  • Chọn sản phẩm trang điểm cho da nhạy cảm và tránh các sản phẩm gốc dầu.
  • Luôn tẩy trang trước khi ngủ.
  • Giữ tóc sạch để tránh dầu nhờn trên tóc dính vào da.
  • Tránh tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời vì điều này có thể khiến da sản xuất nhiều bã nhờn hơn. Một số loại thuốc trị mụn có thể khiến da nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với ánh nắng.

Với những thông tin trên đây về mụn trứng cá, hy vọng bạn sẽ nhanh chóng tìm lại làn da mịn màng và sự tự tin cho mình nhé!

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Acne https://www.aad.org/public/diseases/acne-and-rosacea/acne. Ngày truy cập: 29/11/2021

Acne: Who gets and causes https://www.aad.org/public/diseases/acne/causes/acne-causes Ngày truy cập: 29/11/2021

Acne: Treatment, Types, Causes & Prevention https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/12233-acne Ngày truy cập: 29/11/2021

Acne: Overview https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK279211/ Ngày truy cập: 29/11/2021

Acne https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/acne Ngày truy cập: 29/11/2021

 

 

Phiên bản hiện tại

29/11/2021

Tác giả: Đăng Khương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Vy Nguyễn


Bài viết liên quan

Serum trị mụn: Cách chọn đúng và dùng đúng để da sạch mụn

Mụn trứng cá ở tuổi dậy thì: Nguyên nhân và cách điều trị


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Đăng Khương · Ngày cập nhật: 29/11/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo