backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Cấu tạo tinh hoàn: Tìm hiểu kích thước, chức năng và bệnh lý

Tham vấn y khoa: Trung tâm sức khỏe Nam Giới Men's Health · Nam khoa · Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men's Health


Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 25/09/2023

Cấu tạo tinh hoàn: Tìm hiểu kích thước, chức năng và bệnh lý

Mỗi cơ quan trong bộ phận sinh dục nam đều giữ vai trò quan trọng trong chức năng sinh lý và sinh sản ở nam giới. Việc tìm hiểu về cấu tạo tinh hoàn sẽ giúp nam giới hiểu hơn về cơ thể mình để biết cách chăm sóc.

Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn tìm hiểu về chức năng, vị trí, kích thước để biết rõ hơn về cấu tạo tinh hoàn nam giới. 

Tinh hoàn là gì?

Tinh hoàn (Testicles) là một cơ quan đôi nằm trong bìu. Cấu trúc vi thể của tinh hoàn bao gồm các ống sinh tinh có nhiệm vụ sản xuất tinh trùng.

Bên cạnh đó, tinh hoàn còn phóng thích hormone testosterone vào máu. Đây là hormone chịu trách nhiệm cho khả năng sinh sản, ham muốn tình dục và sự phát triển cơ bắp của nam giới.

Vị trí tinh hoàn nằm ở đâu?

Tinh hoàn được chứa trong túi da bìu. Một túi da mỏng, sẫm màu, nằm bên dưới dương vật và bao quanh tinh hoàn. Đây là vị trí ở giữa hai chân của nam giới, nơi không có khung xương hay cơ bắp bao bọc bên ngoài. Do đó tinh hoàn rất dễ bị tổn thương nếu bị tác động mạnh.

Tinh hoàn của nam giới nằm ở đâu? Cấu tạo và chức năng là gì?
Hình ảnh cấu tạo bộ phận sinh dục nam giới bao gồm cả tinh hoàn

Kích thước tinh hoàn

Kích thước tinh hoàn của nam giới trưởng thành trung bình dài  4-5cm, rộng khoảng 3cm, dày (chiều sâu) khoảng 2,5cm. Thể tích tinh hoàn phụ thuộc vào từng giai đoạn trưởng thành. Đối với trẻ nhỏ, tinh hoàn có thể tích dưới 1,5ml. Thể tích tinh hoàn ở nam giới trưởng thành có thể lớn hơn 20ml.

Bên cạnh đó, một trong hai tinh hoàn của nam giới cũng sẽ có một bên to hơn bên còn lại. Đây cũng là điều bình thường về mặt sinh lý cơ thể người.

Giải phẫu cấu tạo tinh hoàn của nam giới

Về mặt chức năng sinh lý, tinh hoàn chịu trách nhiệm cho việc sản xuất và lưu trữ tinh trùng để sẵn sàng cho việc xuất tinh. Tinh hoàn có vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất ra testosterone, androgen và một số hormone nam giới khác.

Cấu tạo bên trong tinh hoàn bao gồm các mô gọi là tiểu thùy (lobules). Các tiểu thùy này được tạo thành bởi các mô hình ống bao xếp lớp tạo thành. 

Để minh họa cho cấu tạo chi tiết bên trong tinh hoàn, ngay dưới đây, HelloBacsi sẽ trích dẫn một số hình ảnh giải phẫu tinh hoàn để bạn có thể dễ hình dung.

Cấu tạo giải phẫu chi tiết tinh hoàn của nam giới
Hình ảnh chi tiết – Cấu tạo giải phẫu tinh hoàn của nam giới

1. Ống sinh tinh

Ống sinh tinh (Seminiferous tubules) là nơi tinh trùng được sản xuất nhờ quá trình sinh tinh. Khi các tế bào tinh trùng phát triển và trưởng thành, chúng bắt đầu di chuyển đến một ống dẫn rộng hơn. Sau đó, chúng lại được chuyển đến một khu nằm ngay phía trên tinh hoàn, được gọi là mào tinh hoàn.

2. Mào tinh hoàn

Mào tinh hoàn (Epididymis) là một ống cuộn tròn, trông như chữ C, nằm phía sau, bên trên và dọc theo chiều dài của tinh hoàn.

Cấu tạo của mào tinh hoàn gồm 3 phần: đầu, thân và đuôi. Trong đó, phần đuôi là phần liên kết với ống dẫn tinh; nơi chuyển tinh trùng trưởng thành đến ống phóng tinh. Mào tinh hoàn có chức năng lưu trữ, đồng thời là nơi để tinh trùng trưởng thành.

3. Lưới tinh hoàn

Sau khi tinh trùng được sinh ra ở ống sinh tinh, các tế bào tinh trùng sẽ di chuyển đến mào tinh hoàn thông qua lưới tinh hoàn (Rete testis). Lưới tinh hoàn có chức năng trộn các tế bào tinh trùng cùng với các chất dịch do sertoli tiết ra. Nói thêm, sertoli là tế bào sinh dưỡng hiện diện trong các ống sinh tinh, cơ quan điều hòa chính của sự sinh tinh.

Về bản chất, tinh trùng không thể tự di chuyển đến mào tinh hoàn mà phải nhờ đến sự hỗ trợ từ hàng triệu tế bào vi nhung mao (microvilli) nhô ra từ lưới tinh hoàn, giúp tinh trùng di chuyển đến ống ly tâm.

4. Ống ly tâm (ống dẫn)

Đây là các ống dẫn hay ống ly tâm (Efferent ducts) nối giữa lưới tinh tinh hoàn và mào tinh hoàn. Những ống này có cấu tạo như những sợi lông mao nhô ra (cilia). Các sợi lông mao này kết hợp cùng các mô cơ trơn để giúp tinh trùng di chuyển.

Khi tinh trùng và các chất dịch di chuyển qua ống này, các ống cũng sẽ tái hấp thu bớt các chất dịch để khi xuất tinh, tinh trùng được phóng ra có độ đặc hơn.

5. Ống dẫn tinh

Ống dẫn tinh (Vas deferens) là ống đi từ đuôi mào tinh hoàn đến mặt sau bàng quang. Nó kết hợp với ống tiết của túi tinh để tạo thành ống phóng tinh. Ống dẫn tinh dài khoảng 30-35cm, đường kính từ 2-3mm. Đường kính bên trong lồng ống chỉ khoảng 0,5mm.

Cấu tạo tinh hoàn và một số bệnh lý thường gặp ở tinh hoàn

Quá trình sản xuất tinh trùng ở tinh hoàn như thế nào?

Bìu có chức năng điều hòa nhiệt độ cho tinh hoàn. Điều này đã giúp cho quá trình sinh tinh diễn ra thuận lợi hơn. Vì tinh hoàn càng mát, càng thoáng thì quá trình sinh tinh sẽ càng diễn ra thuận lợi.

Tinh trùng được tạo ra ở ống sinh tinh: Hormone trong cơ thể nam giới giúp tế bào tiền tinh trùng trở thành tinh trùng. Trong mỗi tinh hoàn có khoảng hơn 700 ống sinh tinh đảm nhiệm vai trò này.

Tinh trùng vào mào tinh hoàn: Tinh trùng trưởng thành di chuyển vào mào tinh hoàn cho đến khi xuất tinh. Nếu trong một khoảng thời gian dài không xuất tinh, mào tinh hoàn sẽ được lấp đầy bởi tinh trùng và khi xuất tinh, nam giới sẽ xuất ra nhiều tinh trùng hơn. 

Thời gian tinh hoàn sản xuất đầy một túi tinh trùng là bao lâu?

Mỗi ngày, tinh hoàn trong cơ thể nam giới tạo ra khoảng vài triệu tinh trùng. Điều này có nghĩa là, cứ mỗi giây cơ thể nam giới đều sinh ra tinh trùng. Nhưng thời gian để làm đầy cả một túi tinh chứa khoảng 8 tỷ tinh trùng cần khoảng 64 – 74 ngày.

Các bệnh lý thường gặp ở tinh hoàn nam giới

1. Viêm tinh hoàn

Viêm tinh hoàn (Orchitis) là tình trạng viêm ở một hoặc hai bên tinh hoàn. Trường hợp thường gặp là viêm tinh hoàn một bên do nhiễm trùng tiết niệu. 

Viêm tinh hoàn thường là do nhiễm trùng hoặc bị lây nhiễm từ các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs). Do đó, để hạn chế tối đa tình trạng viêm tinh hoàn, bạn nên xây dựng cho mình một đời sống tình dục an toàn và lành mạnh.

2. Viêm mào tinh hoàn

Viêm mào tinh hoàn (Epididymitis) là tình trạng các ống dẫn gần tinh hoàn bị nhiễm trùng. Hay còn gọi là viêm ống cuộn. Các triệu chứng gây ra cảm giác nặng nề, đau và sưng ở bìu.

3. Ngứa tinh hoàn

Theo nghiên cứu của Thư viện Y học quốc gia Hoa Kỳ – NIH, các chuyên gia cho rằng tình trạng ngứa bìu hay ngứa tinh hoàn có thể là biểu hiện viêm da bìu hay bệnh chàm bìu (scrotal dermatitis). Đây là một bệnh nhiễm trùng da không lây nhiễm nhưng gây ảnh hưởng đến vùng da bìu của nam giới.

4. Đau tinh hoàn

Đau tinh hoàn (Testicular Pain) là tình trạng đau nhức xảy ra ở một hoặc cả hai tinh hoàn. Tình trạng này có thể khởi phát đột ngột hoặc kéo dài tùy mỗi trường hợp. Các cơn đau nhức tinh hoàn thường gây ảnh hưởng tới nam giới trong mọi độ tuổi.

5. Xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn (Testicular torsion) là tình trạng tinh hoàn bị xoắn lại khiến cho dây thừng tinh bị nghẹt, không thể cung cấp máu cho tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là trong độ tuổi dậy thì từ 12 – 18 tuổi.

Hình ảnh minh họa cấu tạo tinh hoàn khi nam giới bị xoắn tinh hoàn

6. Vỡ tinh hoàn

Vỡ tinh hoàn (Ruptured Testicle) là hiện tượng một hoặc cả hai bên tinh hoàn ở nam giới bị tổn thương. Đây là trường hợp khẩn cấp liên quan đến sức khỏe vùng kín của nam giới cần được cấp cứu ngay lập tức.

7. Giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn tĩnh mạch thừng tinh (Varicocele) có thể khiến bộ phận sinh dục bị sưng, người bệnh có cảm giác đau âm ỉ hoặc căng tức ở một hay cả hai bên tinh hoàn. Nếu không điều trị hoặc khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng tinh hoàn.

8. Ung thư tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn ở nam giới (Testicular cancer) là một tình trạng xảy ra do sự phát triển của khối u trong tinh hoàn. Bệnh thường gặp ở nam giới lớn tuổi.

Hình ảnh minh họa cấu tạo bên trong của tinh hoàn khi có khối gây ung thư

Cách chăm sóc và bảo vệ tinh hoàn

  • Xây dựng thói quen vệ sinh vùng kín: Nam giới cần vệ sinh vùng kín trước và sau khi quan hệ; sau khi đi vệ sinh. Nam giới cũng cần chọn quần lót bằng vải cotton thoáng mát. 
  • Bảo vệ vùng kín khi tham gia hoạt động mạnh: Nếu tham gia các bộ môn thể thao có thể tác động mạnh đến vùng kín, bạn nên sử dụng quần lót chuyên dụng để bảo vệ vùng kín.
  • Tăng cường thể chất, rèn luyện sức khỏe: Nam giới cần ăn uống, tập luyện, ngủ nghỉ một cách lành mạnh. Hạn chế tối đa các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia,…
  • Khám sức khỏe định kỳ: Tương tự nữ giới, nam giới cũng nên dành thời gian đi khám sức khỏe vùng kín mỗi năm một lần để kịp thời phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn cần gặp bác sĩ ngay khi gặp phải một trong số các tình trạng sau: Vỡ tinh hoàn, đau tinh hoàn đột ngột, có khối u xuất hiện bên trong tinh hoàn có thể sờ thấy. Khi các cơn đau kèm theo triệu chứng nóng, sốt, buồn nôn, kiệt sức; đó là lúc bạn cần được cấp cứu càng sớm càng tốt.

Kết luận

Tóm lại, qua các nội dung trên, ít nhiều bạn đã hiểu rõ hơn về cấu tạo tinh hoàn của nam giới là gì, bao gồm các bộ phận nào và hoạt động ra sao.

Nhìn chung, tất cả các bộ phận nhỏ thuộc cấu tạo tinh hoàn đều rất quan trọng. Vì bất kỳ khu vực nào gặp vấn đề cũng sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ chức năng và cấu tạo của tinh hoàn. Vì thế, việc xây dựng lối sống lành mạnh và ý thức bảo vệ sức khỏe vùng kín có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe tổng thể ở nam giới.

Bạn có thể quan tâm:

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Trung tâm sức khỏe Nam Giới Men's Health

Nam khoa · Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men's Health


Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 25/09/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo